Quy luật của sự
sống là nhận và trao
(Suy niệm của Lm. Ignatiô
Trần Ngà)
Ba
bài đọc hôm nay đều đề cập
đến vấn đề trao ban. Đang
lom khom kiếm củi, bà goá Sarepta gặp ông khách bộ hành
xin nước. Trong cơn đại hạn, một
giọt nước quý như vàng. Thế mà bà không tiếc
những giọt nước trong mát đang cần cho
cơ thể mình giữa cơn nắng cháy. Bà
vui lòng đem vò nước lại cho người qua
đường không quen biết. Đã
uống cạn vò nước, người bộ hành
lại xin ăn. Bà goá trả lời: "Tôi thề
là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột
trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi
đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà
nấu nướng cho tôi và con tôi bữa cuối cùng.
Chúng tôi sẽ ăn rồi chết."
Nhưng rồi không cầm lòng
được, bà đã lượm củi, lấy chút
dầu và bột cuối cùng của gia đình, làm bánh cho
người khách lạ ăn. (bài
đọc I Vua 17, 10-16) Và thế rồi,
hũ bột sẽ không vơi, bình dầu không cạn cho
đến ngày mưa xuống dồi dào cho hoa màu tốt
tươi.
Lại một bà goá khác trong đền
thờ Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giêsu. Bà chỉ có hai
đồng tiền kẽm, giá trị chỉ bằng
một phần tư đồng xu Rô-ma, là tất cả
gia sản của mình. Bà đã quảng
đại bỏ vào hòm dâng cúng đền thờ. Vì
lợi ích chung, bà cống hiến
tất cả những gì cần thiết để nuôi
sống mình. (bài Tin Mừng Mc 12, 44)
Thư
Do-Thái hôm nay lại đề cập đến một
Vị Thượng Tế cao cả là Đức Ki-tô, không
chỉ trao ban những gì mình có, mà còn trao ban cả bản
thân, trao ban đến giọt máu cuối cùng, "tự
hiến tế chính mình để xoá bỏ tội lỗi
muôn người" (thư Do-Thái 9,28). Hiến trao là quy
luật Thiên Chúa truyền ban để duy trì sự
sống cho con người. Thánh Phan-xi-cô At-xi-di xác nhận
chân lý nầy: "Chính khi hiến thân là lúc nhận lãnh,
chính khi quên mình là lúc nhận lại bản thân."
Nhưng
có người chủ trương ngược lại: Dại
gì tôi phải cho, dại gì phải hiến mình làm thân trâu
ngựa cho người khác được nhờ!
Đối với tôi, sống là thu vén,
là tận hưởng những công lao và thành quả của
người khác cũng như của tôi. Của tôi, tôi
hưởng tôi xài; đèn nhà ai nấy sáng, việc gì
phải cống hiến, phải trao ban!.
Chủ trương như thế là
"bế môn toả cảng", là cắt đứt
tương quan với tha nhân, đồng nghĩa với
tự huỷ diệt.
Trái
tim của chúng ta luôn biết trao ban. Trái tim nhận máu rồi thì nó liền trao ban cho
toàn thân. Nhờ đó, toàn cơ thể
được sống. Ngày nào trái tim
ngừng trao ban, đó là tim đứng và toàn thân phải
chết. Hai lá phổi của chúng ta cũng không ngừng
trao ban. Chúng liên tục tiếp nhận khí
trời rồi chuyển đến cho toàn thân
được sống. Ngày nào phổi ngừng trao
ban là ngày phổi bệnh và toàn thân phải chết. Bao
tử, ruột non, ruột già trong con
người chúng ta cũng không ngừng trao ban. Mỗi khi
nhận được thức ăn
từ ngoài đưa vào, nó ra công chuyển hoá thành chất
dinh dưỡng rồi chuyển đi nuôi toàn thân, nhờ
đó toàn thân được lớn lên và mạnh sức. Ngày nào chúng ngừng trao ban, là ngày hệ tiêu hoá lâm
trọng bệnh và toàn thân phải chết. Các tế bào cần trao đổi chất dinh
dưỡng cho nhau để duy trì sự sống cho mình.
Các cơ quan như tim, phổi, ruột gan..
cũng phải trao đổi những
gì chúng nhận được để duy trì sự
sống cho mình và cho toàn thân.
Cuộc sống của các thành viên trong
gia đình được phát huy và tồn tại cũng
hệ tại ở việc nhận và trao. Cuộc sống của
cộng đồng quốc gia được phát huy và
tồn tại cũng nhờ tinh thần tương thân
tương ái. Cuộc sống của
cả nhân loại cũng đặt nền trên nguyên
tắc mình sống cho mọi người và rồi mọi
người sống cho mình. Mỗi cá nhân là một
tế bào làm nên một Thân Thể lớn lao
là nhân loại nên nó phải trao đổi với tha nhân. Nhận và trao là quy luật sinh tồn.
˜˜˜
Ở
Israen có hai biển hồ lớn: một là biển hồ
Galilê, hai là biển chết. Biển hồ Galilê nằm phía
bắc nước Do-thái, nó luôn luôn tiếp nhận
nước từ sông Jordanô và sau đó cho chảy thoát ra
phía hạ lưu, luôn trao ban những gì vừa nhận
được. Nhờ đó, dòng nước luôn luôn trong
lành, trở nên môi trường sống lành mạnh cho bao
loài tôm cá, cung cấp nước uống cho cư dân quanh
vùng, tưới xanh những cánh đồng và vườn
cây ăn trái, nhiều người đến dựng nhà
lập nghiệp quanh bờ của nó, thuyền bè tấp
nập trên các bến cảng của nó. Nó
đem lại phì nhiêu và sức sống cho đất
cằn, đem lại ấm no, hạnh phúc và nguồn vui
cho bao triệu người qua các thời đại. Chính Chúa Giêsu cũng thường lui tới rao
giảng Tin Mừng nơi đây. Nhưng cách đó
không bao xa, về phía nam nước Do-thái cũng có một
biển hồ lớn được gọi tên là Biển
Chết. Nó là biển chết vì nó cũng nhận nước
từ dòng sông Jordanô như biển hồ Galilê, nhưng nó
cứ khư khư giữ lại cho mình, không ban phát cho ai,
không cho chảy đi đâu cả. Vì thế,
nước của nó trở thành nước độc, nó
mặn đến độ không sinh vật nào sống
được. Chung quanh biển nầy, không nhà
cửa, không cây cối, không sinh vật nào có thể lập
cư... (dựa
vào tập sách Lẽ Sống)
˜˜˜
Lạy Chúa Giêsu, con đã nhận
được tất cả từ nơi Chúa và tha nhân,
vậy mà con muốn nắm ghì thật chặt cho riêng mình.
Nếu ai cũng ích kỷ như con, chỉ biết khư
khư giữ chặt mọi thứ cho mình mà không biết
mở tay chia sẻ, thì nhân loại
sẽ như ra sao?
Xin cho con nhận ra rằng: Sống là
sống với, sống là trao đổi, là nhận và trao.
Dù có nghèo tiền, con cũng còn nhiều thứ khác
để cống hiến, trao ban. Xin đừng
để con trở thành biển chết.
|