Yêu người.
Những ngày cuối cùng cuộc
đời trần thế của Chúa Giêsu ở Giêrusalem,
Ngài luôn bị giới lãnh đạo Do Thái thay phiên nhau
chất vấn để gài bẫy Ngài. Họ đã hạch
hỏi Chúa lấy quyền gì mà xua đuổi những
người buôn bán ở đền thờ? Có nên nộp thuế cho hoàng đế Xêda không?
Bài Tin Mừng hôm nay lại cho biết: một ông kinh sư
hỏi Chúa điều răn nào đứng đầu?
Sở dĩ ông ta hỏi Chúa câu này, là vì luật của Do
Thái lúc ấy gồm 613 điều, chia ra 248 điều
tích cực buộc phải làm, và 365 điều tiêu cực
cấm không được làm. Nhưng
giới lãnh đạo không đồng ý với nhau
điều nào đứng đầu, tức là
điều nào quan trọng nhất, mỗi nhóm đặt
nặng một điều. Vì thế,
ông kinh sư này muốn hỏi Chúa để biết quan
điểm của Chúa ra sao. Chúa đã trả lời
ngay bằng cách trưng ra một điều trong sách
Đệ Nhị Luật: “Phải yêu mến Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức”, và
một điều nữa trong sách Lêvi: “Phải yêu
người thân cận như chính mình”. Câu trả lời
của Chúa hay quá, đúng quá, khiến mọi người
hết sức kinh ngạc, và Tin Mừng cho biết:
“Từ lúc ấy không ai dám chất vấn Chúa thêm
điều gì nữa”.
Như
vậy, Chúa Giêsu cho chúng ta biết: điều quan trọng
nhất của đạo Chúa là mến Chúa và yêu
người. Đây là hai mặt của
một tình yêu, cả hai chỉ là một, bỏ một
tức là bỏ cả hai. Nói khác đi, nếu chúng ta
muốn dùng một chữ thôi để diễn tả
đạo Chúa, thì không chữ nào thích hợp hơn là
chữ “yêu”: yêu Chúa và yêu người.
Yêu Chúa thì chắc chắn tất cả
chúng ta đều có thể quả quyết dễ dàng chúng
ta yêu Chúa. Nhưng
lấy gì làm bằng chứng? đó
là lòng yêu người, nghĩa là căn cứ vào tình yêu
của chúng ta đối với tha nhân mà người ta
biết chúng ta có lòng yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu đã có lần
nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các
con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Vậy chỉ còn một vấn đề chúng ta
cần tìm hiểu là chúng ta phải thực hiện lòng yêu
người như thế nào.
Trước
hết, chúng ta phải yêu thương bằng lời nói:
yêu ai, người ta ca tụng họ, yêu mọi sự
của họ, yêu cả nết xấu của họ
nữa: “Yêu nhau yêu cả đường đi”. Nhưng
ghét ai, người ta dùng ba tấc lưỡi để
hành tỏi, nói xấu họ hết lời: “ghét ai ghét
cả đường đi lối về”, “ghét cả tông
chi họ hàng”. Cho nên, một thứ thước đo chính
xác để biết mình có yêu thương người khác
hay không là mình có nói tốt hay nói hành nói xấu họ. Người ta nói xấu nhau vì ghét nhau, vì không
ưa nhau, vì thù oán nhau. Càng có nhiều
liên hệ với nhau, người ta càng dễ nói hành nhau,
mà cũng vậy, không gì đau khổ hơn và gương
mù hơn khi những người thân thuộc nói xấu
nhau.
Thể hiện tình yêu thương
bằng lời nói, dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng
tốt nhất vẫn là yêu thương bằng việc
làm. Việc làm đây là
sự giúp đỡ bằng tay chân hành
động, bằng sức khỏe, bằng thời
giờ, bằng đời sống phục vụ… Đây
là một cách thể hiện tình yêu thương rõ ràng và
cụ thể nhất. Bởi vì yêu
thương trong lòng, bằng ước muốn tốt,
bằng thông cảm… thì vô hình không kiểm chứng
được; yêu thương bằng lời nói có
thể bị coi là lý thuyết suông, đầu môi chót
lưỡi. Nhưng yêu thương
bằng sự tận tâm giúp đỡ, bằng sự
chấp nhận những hy sinh phiền toái của phục
vụ… thì mới là yêu thương thực sự và dễ
gây được kết quả tốt. Chẳng
hạn: khi làm việc, biết nhận lấy phần trách
nhiệm nặng hơn, không dừa cho người khác,
sẵn sàng cho vay mượn khi cần thiết, khi có
khả năng, khi có dịp; coi công việc của
người khác cũng là của mình. Có những
người chỉ cần chúng ta giúp một quyết
định, một an ủi, một khích lệ, một
lời cầu xin, một sự thông cảm, một lòng tôn
trọng, một sự tha thứ… Có biết
bao nhiêu dịp và biết bao nhiêu cách chúng ta có thể làm
để giúp ích người khác.
Sau hết, yêu người, yêu
thương nhau là chứng tích cho người ta nhìn
nhận ra Thiên Chúa. Có nhiều người không bao giờ đến
nhà thờ để nghe nói đến tình yêu của Thiên
Chúa, có nhiều người không bao giờ được
thấy chúng ta cầu nguyện sốt sắng ở nhà
thờ, nhưng người ta xem thấy cách chúng ta yêu
thương nhau thật mà họ nhận ra Thiên Chúa của
tình yêu. Nếu chúng ta sống thực
sự yêu thương nhau thì không ai đánh giá sai lầm
về đạo của chúng ta.
Vì
thế, chúng ta hãy sống điều răn yêu
thương Chúa dạy từ trong gia đình và với
những người chung quanh. Có những
người sống yêu thương trong gia đình rất
tốt nhưng lại thiếu sót đối với
những người ngoài. Ngược
lại, có những người sống lịch sự, vui
vẻ, yêu thương rất tốt đối với
những người khác nhưng trong gia đình lại rất
thiếu sót. Hơn nữa, tình yêu
thương của chúng ta có phải chỉ là những tình
cảm hời hợt. Ích kỷ, bề
ngoài hoặc vụ lợi không? Tình yêu thương
thật là biết dùng những lời nói tốt để
an ủi nhau, giúp ý kiến xây dựng cho
nhau, nhất là sẵn sàng giúp đỡ nhau, nâng đỡ
nhau, và yêu người là trắc nghiệm chắc chắn
nhất về lòng yêu Chúa của chúng ta.
|