Giới
luật yêu thương.
Nếu chúng ta xem truyền hình hay nghe
truyền thanh, chúng ta thấy chương trình nhiều lúc
bị gián đoạn, xen vào đó là những khẩu
hiệu của nhà nước, chẳng hạn:
- Thanh niên hăng hái làm nghĩa vụ
quân sự.
- Đồng bào hãy tích cực đóng
thuế.
Hồi trước năm 1975,
người ta tổ chức những chương trình phát
thanh thương mại, để quảng cáo các sản
phẩm bày ban trên thị trường. Những lời
quảng cáo ấy ăn sâu vào đầu óc thính giả
đến nỗi ra chợ muốn mua một hộp kem
đánh răng là người ta bèn nhớ ngay đến
“anh bảy Chà Hynos”, muốn mua mấy viên thuốc bổ
cho con, người ta bèn nhớ ngay đến Activit,
“thuốc bổ gan bò tươi Hà Lan”. Sự
lặp đi lặp lại đã tác động mạnh
trên tâm trí và dẫn đến những hành động thích
hợp.
Giáo hội là một người mẹ
luôn để tâm giáo dục chúng ta, không phải là không
biết đến cái định luật tâm lý ấy. Giáo hội đã áp
dụng định luật ấy để mưu cầu
phần rỗi cho chúng ta. Giáo hội
không ngừng lặp đi lặp lại cho chúng ta biết
cái bí quyết tạo hạnh phúc ở đời này
cũng như ở đời sau. Qua
lời giảng dạy của Chúa Giêsu, Giáo hội muốn
nhắc cho chúng ta hai giới luật quan trọng, đó là
mến Chúa và yêu người.
Hãy thử xét mình xem chúng ta đã
thực hiện như thế nào? Hay chúng ta chỉ là những kẻ
giả dối vì việc chúng ta làm không phù hợp với
lời kinh chúng ta đọc. Ngày nào chúng ta cũng
đọc kinh kính mến, chúng ta thưa lên cùng Chúa:
“Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng… lại vì Chúa thì
con thương yêu người ta như mình con vậy”.
Chúng ta không cảm thấy ngượng ngùng khi đọc
như thế hay sao?
Khi kính mến ai hết lòng, chúng ta tránh
làm cho họ buồn lòng và cố gắng đem lại
hạnh phúc cho họ. Đằng này, chúng ta không vâng lời Chúa, thì làm
sao chúng ta có thể nói được rằng chúng ta kính
mến Chúa hết lòng. Chúng ta mong ước cho kẻ
khác gặp phải tai ương. Chúng ta giận hờn họ, nói hành nói xấu
họ, chúng ta không thèm chào hỏi họ, thì làm sao chúng ta có
thể nói được rằng chúng ta yêu thương
họ như chính mình chúng ta.
Chúng ta tưởng rằng mình là kẻ
ngoan đạo chỉ vì chúng ta chăm chỉ đi
lễ, siêng năng đọc kinh và cảm thấy yên
lương tâm. Nhưng
nếu tạm gác những hình thức bề ngoài ấy
để căn cứ vào tình bác ái: Người ta cứ
dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy,
là các con yêu thương nhau, thì liệu người ta có
nhận ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa
Giêsu hay không? Nếu chịu khó đọc lại những
bức thư của thánh Gioan, chúng ta
thấy ngài luôn luôn lặp đi lặp lại cái chủ
đề yêu thương. Chính ngài đã xác quyết:
-
Nếu
ai bảo rằng mình mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em,
thì họ chỉ là phường nói dối, vì ai không yêu
thương kẻ khác là người mình trông thấy, thì
làm sao có thể kính mến Thiên Chúa, Đấng mà mình
chẳng nom thấy bao giờ. Phải chăng đó là
một lời kết án gay gắt
nhất cho những kẻ không yêu thương.
Tuy
nhiên, nói thì dễ mà làm thì lại khó, vì trong đời
sống chúng ta có quá nhiều va chạm. Nào là cạnh tranh nghề nghiệp, củng
cố địa vị, giành giật quyền lợi.
Nào là những khác biệt về tính tình, tuổi tác và
văn hóa… Vì thế, để yêu
thương người khác, chúng ta phải cố gắng
rất nhiều, nhất là phải cần đến
ơn Chúa. Chúng ta phải nhớ rằng: Muốn
chiếm đoạt nước trời, thì phải kính
mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Tình Chúa và tình
người là con đường bảo đảm
nhất dẫn chúng ta vào nước trời.
Để
kết luận, tôi xin kể lại mẩu chuyện
như sau: Shirieda là một thanh niên Nhật Bản, trong phi
đội Thần Phong, sống sót sau một lần ném bom
khi phi cơ bị trúng đạn. Tuyệt
vọng vì nước Nhật đầu hàng, khi quả bom
nguyên tử rớt xuống Nagasaky. Để trả thù cho
dân tộc, anh quyết định đi ăn
trộm bất cứ cái gì của những người Âu
Châu. Trưa hôm ấy, anh lẻn vào kho của nhà dòng
Salésien, nhưng chẳng may bị phát giác. Anh định
bỏ chạy, nhưng liền bị bắt. Anh thú
nhận vì cần đanh mà anh đã ăn
trộm. Cha bề trên dân anh trở lại nhà kho,lấy cho anh một túi đanh và bảo:
- Lần sau, nếu cần gì, anh cứ
đến với với tôi.
Anh
ngạc nhiên trở về nhà và suốt đêm hôm ấy anh
đã suy nghĩ về hành động bác ái trên. Sáng hôm
sau, anh trở lại nhà dòng và nói với cha bề trên:
-
Xin cha dạy con cũng
biết sống yêu thương như cha. Và cuối cùng,
anh đã trở thành một linh mục Công giáo.
Hãy tuân giữ giới luật yêu
thương, để chúng ta xứng đáng là những
người môn đệ của Chúa. Và hơn thế nữa, chính cuộc
sống ngập tràn tình bác ái yêu thương của chúng ta
sẽ là một bài giảng hùng hồn, có sức lôi
cuốn người khác đến cùng Chúa.
|