* LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
1. Thập Giá, con đường về trời
Chúa
ban cho chúng ta mỗi người một khuôn mặt, bất kỳ lúc nào cũng có thể
ngước nhìn lên trời. Khi thức cũng như khi ngủ, và ngay cả khi đã bị
chôn vùi trong lòng đất, mặt chúng ta cũng vẫn còn hướng lên trời. Vậy
hướng lên trời để làm gì? Tôi xin thưa là để chúng ta nhớ rằng chúng ta
còn có một người Cha đang mong chờ chúng ta, cũng như để chúng ta xác
tín rằng Nước Trời mới chính là quê hương đích thực của chúng ta. Vậy
thì để tìm về với Chúa, để đạt tới quê hương Nước Trời, chúng ta phải
làm gì?
Hẳn
chúng ta còn nhớ có lần Chúa đã xác quyết: Ta là đường, là sự thật và
là sự sống. Thế nhưng con đường ấy như thế nào? Phải chăng là một con
đường ngợp những cánh hoa. Tôi xin thưa không phải là như thế, nhưng là
một con đường vừa khúc khuỷu, vừa nhỏ bé mà ít người muốn đặt chân vào.
Và cụ thể hơn nữa, đó là con đường đau khổ, con đường thập giá như lời
Người đã xác quyết: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác thập giá mình
hằng ngày mà theo Ta. Đó là con đường duy nhất, rẽ ngang vào một lối
khác, chắc chắn thế nào chúng ta cũng bị lạc.
Thực
vậy, muốn được vào Nước Trời, chúng ta phải có công nghiệp, mà muốn có
công nghiệp, chúng ta phải vác lấy thập giá mình. Công nghiệp của chúng
ta mặc dù là nhỏ bé nhưng lại là một sự cộng tác cần thiết cho chính bản
thân chúng ta được cứu rỗi. Bởi đó chúng ta đừng vội lẩm bẩm kêu trách
mỗi khi gặp phải những gian nguy thử thách. Trái lại hãy coi đó là một
diễm phúc vì được làm chính việc của Chúa, vì được cộng tác với Chúa
trong chương trình cứu độ. Hơn nữa những khổ đau chúng ta phải chịu
trong cuộc sống hiện tại, sẽ không thể nào sánh ví được với hạnh phúc
trường tồn vĩnh cửu mà chúng ta sẽ được đón nhận trên quê hương Nước
Trời.
Có
một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng vắng, ngày đêm không lúc nào ra
khỏi chiếc lều ẩm thấp và chật hẹp. Ấy là chưa kể đến những hình khổ mà
thầy dùng để đánh tội. Ngày kia có mấy người quý phái đến thăm, họ hết
sức ngạc nhiên khi thấy thầy hãm mình một cách nghiêm ngặt. Họ hỏi thầy
làm sao mà thầy có thể chịu đựng nổi. Thầy bèn chỉ vào một kẽ nứt bằng
bàn tay trên vách núi và nói: Chính cái đó đã giúp đỡ tôi. Vì mỗi khi
thân xác tôi muốn nổi loạn, thì qua kẽ nứt ấy tôi nhìn thấy bầu trời, và
qua bầu trời tôi nhớ tới quê hương vĩnh cửu và đích thật của tôi.
Thực
vậy, những giọt nước mắt ngày hôm nay nhỏ xuống, thì ngày mai sẽ kết
thành những trái chín của hạnh phúc Nước Trời, bởi vì nhờ những giọt
nước mắt khổ đau ấy mà chúng ta trở nên giống Đức Kitô. Hay như lời
thánh Phaolô đã nói: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta
cũng sẽ được sống lại với Người. Bởi vì chính Ngài đã long trọng công
bố: Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an.
2. Ba cuộc đời – ba cách chết
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Trên
đồi Golgotha cách đây hơn hai ngàn năm, có 3 tử tội trên thập giá. Ba
con người đều chết trên thập giá với ba thái độ khác nhau. Đó chính là
Thầy Giêsu ở giữa. Một người bên hữu được gọi là trộm lành. Một người
bên tả truyền thống vẫn gọi là trộm dữ. Tại sao cùng một hoàn cảnh mà
cách thức đón nhận lại khác nhau? Đâu là điểm khác biệt giữa ba con
người?
Trước
hết đó là Thầy Giêsu, một con người đã tự nguyện vác thập giá để cứu độ
chúng sinh. Ngài chấp nhận đi vào cái chết không phải do tội của mình
mà vì tội của nhân gian. Ngài đã chết để thí mạng vì bạn hữu. Cả cuộc
đời của Ngài đã sống vì người khác. Ngài đã sống một cuộc đời để yêu
thương và yêu thương cho đến cùng. Ngài đã đi đến tận cùng của yêu
thương là thí mạng mình vì bạn hữu. Cái chết của Ngài là bằng chứng cho
tình yêu. Đau khổ Ngài chịu cũng vì yêu thương nên Ngài không than vãn,
không uất hận vì đời đen bạc. Không nguyền rủa cuộc đời vì những gánh
nặng đang đè trên vai. Vì yêu đối với ngài không chỉ là tam tứ núi cũng
trèo, thất bát sông cũng lội, mà còn dám chết cho người mình yêu được
sống và sống dồi dào. Thế nên, đau khổ đối với Ngài là niềm vui. Và ngài
đã đi vào cái chết trong thanh thản vì đã hoàn thành sứ mạng đời mình:
“yêu thương và phục vụ cho” người mình yêu. Ngài không hối tiếc về cuộc
sống đã qua. Ngài không hối hận vì việc mình đã làm. Ngài rất vui vì đã
đi trọn con đường của tình yêu. Ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong an
bình khi Ngài nói cùng nhân loại “mọi sự đã hoàn tất” và nói cùng Chúa
Cha “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha”.
Người
thứ hai là anh trộm lành. Anh là một tội nhân. Anh đón nhận hình phạt
và cái chết vì chính tội của mình. Nhưng anh là một con người biết phải
trái. Anh biết việc mình làm là đáng tội, là đáng phải chịu hình phạt.
Cuộc đời anh chưa làm điều gì tốt cho tha nhân. Anh đã sống một cuộc đời
chỉ làm hại người khác. Thế nên, anh đã nói với Chúa: “Tôi đã bị như
thế này là xứng đáng với tội của tôi”. Anh đón nhận thập giá để đền bù
những lầm lỗi đã qua. Anh chấp nhận cái chết nhục nhã như là hình phạt
đích đáng vì tội của mình. Anh đã tìm được bình an trong giờ phút cuối
cùng của đời người. Anh cũng biết rằng anh không xứng đáng chung phần
hạnh phúc thiên đàng với Thầy Giêsu, anh chỉ mơ ước Thầy Giêsu nhớ tới
anh khi Thầy về thiên đàng. Đối với anh thập giá là cơ hội để anh để anh
đền bù lầm lỗi. Thập giá là nhịp cầu đưa anh vào thiên đàng. Thế nên,
anh đón nhận thập giá với lời xin vâng theo mệnh trời. Anh không oán
trời, oán đất. Anh đi vào cái chết với tâm hồn thanh thản vì anh đã đền
bù những lầm lỗi của quá khứ cuộc đời.
Người
thứ ba là anh trộm dữ. Anh lao vào cuộc đời như con thú đang tìm mồi.
Cuộc đời anh chỉ tìm hưởng thụ cho bản thân. Vì ham muốn danh lợi thú
anh đã sẵn sàng hạ thấp nhân phẩm mình và chà đạp phẩm giá của tha nhân.
Anh đang có nhiều toan tính để hưởng thụ. Thế nên, anh không chấp nhận
thập giá trên vai anh. Anh không chấp nhận kết thúc cuộc đời bằng cái
chết bi thảm trên thập giá. Anh đòi quyền sống. Sống để hưởng thụ. Anh
nổi loạn vì đời anh còn quá trẻ, còn quá nhiều tham vọng nên anh không
thể chấp nhận cái chết đến với mình. Thế nhưng, anh vẫn phải chịu hình
phạt vì tội của mình. Công lý đòi buộc anh phải thi hành, dầu anh không
muốn. Thập giá làm cho anh đau khổ. Cái chết làm cho anh nổi loạn. Anh
nguyền rủa trời, nguyền rủa đất và xúc phạm cả đến Thầy Giêsu, một con
người đang phải chịu cái chết vì đã liên đới với anh. Anh đã chết trong
sự hoảng loạn và khổ đau.
Mỗi
người chúng ta đang sống một cuộc đời cho chính mình. Mỗi người chúng
ta đang đón nhận thập giá với thái độ khác nhau. Có người chấp nhận thập
giá để đền tội. Có người chấp nhận thập giá vì lòng yêu mến tha nhân.
Và cũng có người đang từ chối thập giá trong cuộc đời. Hạnh phúc hay đau
khổ tuỳ thuộc vào việc chọn lựa sống của chúng ta. Nhưng dù con người
có muốn hay không? Thập giá vẫn hiện diện. Thập giá của bổn phận. Thập
giá của hy sinh từ bỏ những tham lam bất chính, những ham muốn tội lỗi,
những ích kỷ tầm thường. Đón nhận thập giá sẽ mang lại cho ta tâm hồn
bình an vì đã sống đúng với bổn phận làm người. Đón nhận thập giá còn là
cơ hội để ta đền bù những thiếu sót trong cuộc sống của mình và của tha
nhân. Đón nhận thập giá còn là cơ hội để ta tiến tới vinh quang phục
sinh với Chúa trên thiên đàng.
Nguyện
xin Chúa là Đấng đã vui lòng đón nhận thập giá vì chúng ta, nâng đỡ và
giúp chúng ta vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Xin giúp chúng ta
biết sống một cuộc đời hy sinh cao thượng để chúng ta không hối hận vì
quá khứ, nhưng luôn bình an vì đã sống chu toàn bổn phận của mình với
lòng mến Chúa, yêu người. Amen.
3. Suy tôn Thánh Giá – Radio Veritas Asia
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Tuần
báo Thế Kỷ Kitô, xuất bản bên Hoa Kỳ có kể lại kinh nghiệm sau đây của
một vị linh mục Công giáo tại bang Carolina vào Tuần Thánh.
Để
giúp các tín hữu trong giáo xứ suy niệm về mầu nhiệm thập giá, linh mục
này cho dựng một cây thập giá cao to, bằng gỗ sơn đen ngay trong sân
nhà thờ. Chẳng may trong ngày hôm đó, có người xưng mình là đại diện cho
hãng du lịch trong vùng gọi điện thoại đến khiếu nại. Lý do như sau:
khách du lịch đi qua trước nhà thờ không thích nhìn thấy cây thập giá
đen thui này, họ muốn xem những gì vui tươi hơn. Đó là câu chuyện của
đời này ở bên Hoa Kỳ. Nhiều người đã quên hay cố quên mầu nhiệm thập giá
trong đời sống đức tin, nhưng không phải chỉ là chuyện đời này mà thôi,
ngay từ thời xa xưa, thời các thánh tông đồ cũng đã xảy ra như thế.
Thánh Phaolô đã thốt lên rằng: “Nhiều người sống nghịch lại thập giá
Chúa. Họ chỉ sống theo cái bụng, chạy theo lợi lộc, ham vui”. Thập giá
Chúa còn có ý nghĩa gì đối với người Kitô hôm nay chăng?
Trước
khi mạc khải về ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, Chúa Giêsu nhắc lại cho
ông Nicôđêmô về nguồn gốc thần linh từ trời xuống của chính mình như là
Con Thiên Chúa: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ
trời xuống”. Tự nó, thập giá là chặng dưới đất và thực tại đau buồn do
con người tạo ra, nhưng để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của nó thì cần phải
đóng đinh Con Thiên Chúa vào đó, cần phải hiểu mầu nhiệm thập giá trong
cái nhìn từ trên cao, trong cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng muốn và đã sai
Con Một mình xuống trần gian và chịu chết treo trên thập giá, để biến
dấu chỉ của sự trừng phạt trở thành dấu chỉ của tình yêu cứu rỗi. “Con
Người cũng sẽ bị treo lên như vậy, như con rắn đồng của Môsê, để ai tin
vào Con Người thì được sống muôn đời”. Chúa muốn ông Nicôđêmô nhìn về
thập giá từ trên cao theo cái nhìn của chính Chúa, và lúc đó con người
sẽ khám phá ra rằng Thiên Chúa dùng thập giá để mạc khải tình yêu thần
linh, để hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau.
Như
lời mời gọi của Chúa cho ông Nicôđêmô, cần phải đặt Con Thiên Chúa vào
thập giá, cần phải treo Con Thiên Chúa lên thập giá, con người chúng ta
có hiểu được ý nghĩa của thập giá? Thập giá mạc khải cho con người biết
tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là dấu chỉ
của sự khước từ của con người đối với Thiên Chúa, là dấu chỉ của sự thù
ghét của con người đối với con người, của con người say mê quyền hành và
danh vọng, muốn làm mọi cách để loại bỏ đối thủ của mình như những
người biệt phái Pharisiêu ngày xưa đã dùng thập giá để loại bỏ Chúa
Giêsu, Đấng đang lôi kéo dân chúng bỏ họ mà theo Chúa.
Mỗi
người Kitô chúng ta hôm nay, nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, hãy kiểm
điểm lại thái độ của mình đối với thập giá Chúa. Phải chăng thập giá
Chúa đã bị tục hóa, bị chúng ta biến trở thành món trang sức để khoe
của, để củng cố địa vị, để lường gạt anh chị em? Chúng ta làm dấu thánh
giá trên mình, chúng ta mang dấu thánh giá trên áo, trên cổ nhưng chúng
ta đã sống ý nghĩa của thập giá như Chúa đã mạc khải như thế nào?
Lạy Chúa,
Xin
thương dạy con hiểu biết, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong
chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy
trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời
con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh,
giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa.
CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
http://caunguyenbangtraitim.com/cac-bai-suy-niem-le-suy-ton-thanh-gia/
Tham Dự Thánh Lễ Bổn Mạng Kính Đức Mẹ Mân Côi 2018
http://mancoi.net/thongbao2018.html
|