Tôi Là Bánh Hằng
Sống – Lm.
GB. Văn Hào
Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh
về tác vụ và đời sống linh mục (Presbiterorum
Ordinis) đã viết: “ Mọi bí tích của Giáo hội
đều quy nguồn về Thánh Thể, vì Thánh Thể
chứa mọi kho tàng thiêng liêng của Giáo hội, là
nhiệm thể Đức Kitô. Không có Thánh Thể, không có
đời sống cầu nguyện và cũng không có
việc rao giảng Tin mừng” (số 8). Lời khẳng
quyết của Hội thánh nêu bật nền tảng
thiết yếu của bí tích Thánh Thể trong đời
sống Đức tin của mọi Kitô hữu.
Suốt bốn tuần qua, chúng ta đã suy
gẫm bài diễn từ về “Bánh” trong chương 6
của tin mừng thánh Gioan. Chúa nhật hôm nay, Giáo hội
mời gọi chúng ta một lần nữa lắng
đọng tâm hồn để tiến sâu vào quỹ
đạo tình yêu nơi bàn tiệc thánh. Đó là bàn
tiệc yêu thương, bàn tiệc đức tin và cũng
là bàn tiệc diễn bày sự hiệp thông huynh đệ.
Bàn tiệc tình yêu.
Thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã hóa thành
xác phàm” (Ga 1,14). Thân xác Đức Giêsu sau khi sống lại
đã đi vào trong vinh quang với Chúa Cha, nhưng thân xác
thánh thiêng ấy vẫn còn hiện diện cách nhiệm
mầu nơi bí tích Thánh Thể. Đó là sự hiện
diện của tình yêu. “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân
Ngài”. Ngài đã đến cắm lều giữa chúng ta,
dọn sẵn cho chúng ta bữa tiệc để tỏ
hiện tình yêu nhưng không của Ngài. Đây cũng chính
là bữa tiệc mà sách Khôn ngoan nhắc tới trong bài
đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay.
Thực đơn của bàn tiệc này chỉ có một
món duy nhất, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu, là
lương thực được hiến trao, như chính
Đức Giêsu đã khẳng định trong bài Tin
mừng: “ Tôi là bánh hằng sống từ trời
xuống”. Không có từ ngữ nào lột tả
được cách trọn vẹn mầu nhiệm tình yêu
sâu xa này. Chính Đức Giêsu đã khải thị cho các
học trò trong bữa tiệc ly trước khi Ngài đi
thụ nạn: “ Không ai có tình yêu nào cao cả hơn mối
tình của người hiến ban mạng sống mình cho
bạn hữu”.
Muốn ngồi vào bàn tiệc tình yêu này, chúng
ta phải loại bỏ khỏi mình những gì thuộc ác
quỷ, đối kháng với tình yêu mà Thiên Chúa diễn
bày. Thánh Augustinô đã nói: “Bánh mì nuôi sống con
người, nhưng sẽ giết chết chim diều
hâu”. Bao tử con người thích hợp với bánh mì
nhưng khi diều hâu ăn vào, bánh mì sẽ trương
nở, nó bị ngạt thở và sẽ chết. Bàn
tiệc tình yêu sẽ không có chỗ để những con
người ác tâm với một trái tim diều hâu ngồi
vào. Diều hâu chuyên rúc rỉa xác chết, là một hình
tượng ám chỉ những hôi thối và bẩn
thỉu của tội lỗi. Ngồi vào bàn tiệc thánh,
chúng ta cần phải tinh luyện tâm hồn, loại
bỏ đi những gian dối lọc lừa, những
hận thù ghét ghen, những tham lam bất chính. Chúa nói “Tôi là
Bánh trường sinh”, bánh đem lại sự sống cho
những người ngay lành nhưng sẽ giết
chết những tâm hồn diều hâu đầy gian ác.
Bàn tiệc đức tin.
Mỗi khi chầu Thánh Thể, chúng ta
mượn lại những vần thơ thánh của thánh
Tôma Aquinô để hát lên: “ Đây nhiệm tích vô cùng cao quý.
Nếu giác quan không cảm nhận ra, chúng ta hãy lấy
đức tin bù lại”. Đức tin là điều
kiện tiên quyết để dẫn đưa chúng ta
đến bàn tiệc. Chúa Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt
tôi và uống máu tôi sẽ sống muôn đời” (Ga 6,54).
Khi đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu
cũng đã khải thị: “Ai tin vào con của
Người, sẽ được trường sinh” (Ga
3,15-16). Đây là hai cách diễn tả của một
thực tại duy nhất: Ăn bánh trường sinh và tin
vào Thiên Chúa. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc
của đức tin. Rất nhiều lần chúng ta
đến nhà thờ tham dự thánh lễ nhưng thiếu
hẳn cảm thức đức tin cần phải có.
Nhiều người coi việc dự lễ mỗi
tuần một lần vào Chúa nhật như một bổn
phận phải làm để lương tâm
được yên ổn, hay để người khác
khỏi dị nghị. Thái độ đức tin là
điều kiện tất yếu cần phải thể
hiện, vì nếu không phát xuất từ đức tin,
việc đi lễ cách máy móc sẽ trở nên vô nghĩa
và phí phạm thì giờ cách vô ích.
Tin không phải là một động thái mang
tính suy lý, nhưng trước hết đây là tác
động của ơn sủng. Vì thế trong mỗi
Thánh lễ, Giáo hội luôn nhắc nhở “ Đây là mầu
nhiệm đức tin”. Qua lăng kính đức tin chúng ta
mới có thể khám phá nguồn sống vô tận từ
Bánh Hằng Sống. Chỉ với đức tin soi
dẫn, chúng ta mới có thể tiến sâu vào quỹ
đạo tình yêu linh thánh được diễn bày nơi
bàn tiệc Thánh Thể mà chúng ta được mời
tới tham dự.
Bàn tiệc hiệp thông.
Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh
Thể trong khung cảnh một bữa ăn. Bữa ăn
là dịp để quy tụ, gắn kết mối
hiệp thông trong từng mỗi gia đình hay tại
bất cứ một tổ chức, một đoàn thể
nào. Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi là gương
mẫu cho chúng ta về tinh thần hiệp thông này. Tác
gỉa sách Tông đồ Công vụ thuật lại
rằng, các tín hữu “luôn chuyên cần lắng nghe các tông
đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện
không ngừng. Họ sống hiệp nhất với nhau, và
để mọi sự làm của chung. Tất cả
đều đồng tâm nhất trí. Khi làm lễ bẻ
bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng
đơn sơ vui vẻ (Cv 3,42-46). Sự hiệp thông này
đòi hỏi phải xóa bỏ những hàng rào cách ngăn,
dẹp tan mọi toan tính ích kỷ mang tính vụ lợi, và
sống gắn kết nên một với nhau như lời
ước nguyện của Chúa Giêsu “Ut unum sint” (Xin cho chúng
nên một).
Một tu sĩ
nọ khi tham dự một Thánh lễ khá đặc
biệt ở Bolivia thuộc Châu Mỹ La tinh đã tả lại quang
cảnh buổi lễ đó như sau. Phần đầu
lễ, vị linh mục mời gọi mọi
người thống hối. Vài giây phút thinh lặng
để cầu nguyện, sau đó một hồi
trống nổi lên. Bốn thanh niên nam nữ từ
cuối nhà thờ tiến lên trước cung thánh, trên tay
mỗi người mang một sợi xích thật nặng.
Họ cố giơ cao tay lên cùng với lời cầu
nguyện: Lạy Chúa, đây là những dây xích biểu
tượng sức mạnh tội lỗi đang đè
nặng trên chúng con. Chúng con chưa hết lòng yêu mến
Chúa và mến thương nhau. Trong cuộc sống hằng
ngày, đức ái của chúng con vẫn bị khống
chế bởi những sợi xích của tham lam và ích
kỷ, những trói buộc của đam mê và dục
vọng thấp hèn. Xin Chúa phá đi những dây xích nặng
nề này nơi tâm hồn tan nát và bầm dập của
chúng con. “Lạy Chúa xin thương xót chúng con.” Cả
cộng đoàn lập lại: “Xin Chúa thương xót chúng
con”. Đến phần dâng lễ vật, cũng hai
cặp thanh niên nam nữ tiến lên dâng bánh và rượu.
Đặc biệt họ mang theo một tảng đá
lớn cùng với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa,
chúng con xin dâng lên Chúa cả tảng đá này, biểu
trưng sự chai cứng trong tâm hồn mỗi
người. Xin Chúa hãy nhận bánh và rượu để
biến nên mình và máu con Chúa. Xin Chúa cũng dang rộng
đôi tay đón nhận những con tim lạnh lùng và chai
đá của chúng con để biến đổi thành
những trái tim thịt mềm. Xin Chúa giúp chúng con biết
sống với nhau tử tế hơn, khoan dung hơn và
biết quảng đại tha thứ cho nhau hơn”.
Kết luận
Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận đã viết lại những trang hồi
ký trong thời gian Ngài bị biệt giam trong tù. Ngài tóm
gọn thành một tập sách nhỏ mang tựa đề
“Năm chiếc bánh và hai con cá” để chia sẻ cho giáo
triều Rôma trong dịp tĩnh tâm mùa chay vào những
năm thập niên 90. Ngài thú nhận, sức mạnh
lớn nhất nâng đỡ Ngài trong những năm tháng
tù ngục là được cử hành Thánh lễ cho dù lén
lút, nhưng rất cảm động và sâu lắng. Thánh
lễ Ngài dâng một mình trong bóng tối của nhà tù, không
kèn không trống, cũng chẳng có ánh đèn hay một bông
hoa trang trí nào. Áo tù Ngài mặc thay cho áo lễ. Đôi bàn tay
sần sùi của Ngài đựng những giọt
rượu nho thay cho chén thánh. Bánh lễ chứa trong
hộp đựng thuốc ho. Những Thánh lễ rất
âm thầm và giản đơn, không ồn ào, không một
chút hoành tráng bề ngoài, chẳng có ca đoàn hay
người giúp lễ.. nhưng sao chép lại gần sát
với chính Thánh lễ mà Chúa Giêsu đã cử hành năm
xưa trên Thập giá. Đó là những Thánh lễ
đẹp nhất trong cuộc đời linh mục
của Ngài. Vị Giám mục đáng kính đã dâng những
Thánh lễ như thế để kín múc cho mình sức
mạnh tâm linh trong những tháng ngày đen tối nhất
nơi ngục tù. Còn những thánh lễ chúng ta tham dự
mỗi ngày thì sao? Đặc biệt đối với anh
em linh mục là những “alter Christus”, đã hàng trăm, hàng
ngàn lần cử hành thánh lễ “in personna Christi”, chúng ta
đã dâng các thánh lễ ấy như thế nào? Chúng ta
cũng hãy bắt chước tâm tình đơn sơ
của một nữ tu dòng Clara khi đến bàn tiệc
thánh. Chị chia sẻ với các chị em trong cộng
đoàn “ Các chị hãy xem một người ăn xin nghèo
khổ đến gõ cửa nhà một người giàu có,
một bệnh nhân gần chết đến với
một bác sĩ tài giỏi, một người đang khát
cháy đến bên dòng nước mát trong. Họ đến
để làm gì, thì em cũng đến với Chúa Giêsu
Thánh Thể như thế”.
Xin Chúa khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta
một ánh lửa đức tin ngời sáng, mỗi khi chúng
ta đến ngồi vào bàn tiệc thánh này.
|