Lời hứa về Sự Sống
(Suy niệm của Giuse Nguyễn Cao Luật,
OP)
Có một thứ bánh khác
Tiếp tục diễn từ về Bánh
trường sinh, vị Hoàng Tử sự sống mặc
khải một mầu nhiệm thật khó tin: "Tôi là
Bánh ban sự sống, bánh tiêu diệt sự chết."
Lời loan báo này dựa trên một biến
cố huy hoàng: năm chiếc bánh được hoá nên
nhiều, làm cho cả đám đông được ăn
no. Các thính giả coi biến cố này là một cử
chỉ của một vị ngôn sứ, của một ông
vua. Họ nghĩ rằng, cuối cùng, Đức Giêsu là
vị thủ lãnh, chỉ nhờ quyền năng của
lời, đã có thể nuôi đám đông đang bị
đói, đồng thời hiệp nhất cả đám
đông. Phải tôn Người làm vua, không chờ
đợi gì cả. Nhưng Đức Giêsu đã từ
chối, Người trốn đi một mình.
Sau đấy, Người đã tuyên bố
chính Người là bánh trường sinh, và cố gắng
giải thích điều lạ lùng này cho dân chúng.
Quả thật, Đức Giêsu là bánh
hằng sống từ trời xuống, quy tụ những
kẻ theo Người thành một dân. Bánh này không chỉ là
man-na Đức Chúa ban cho dân đang ở trong hoang
địa thuộc giao ước cũ. Bánh này chính là Thiên
Chúa tự hiến thành của ăn, của ăn đàng,
tức là lương thực cho người đang hành
trình. Thiên Chúa trở thành bánh cho con người: một
mặc khải tuyệt vời, hoàn toàn vượt quá óc
tưởng tượng của các thính giả.
"Tôi là bánh trường sinh."
Lời tuyên bố không thể chấp
nhận nổi.
Để hiểu trọn vẹn ý nghĩa
sâu xa của mặc khải này, người ta không thể
tách rời diễn từ về bánh trường sinh
với những điều Đức Giêsu thực
hiện trong bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng.
Trong cả hai trình thuật này, có ba thực tại luôn
đan kết với nhau như là những yếu tố
của một mầu nhiệm duy nhất: bánh, đức
tin và sự sống - Ăn, tin và chiến thắng sự
chết.
Với cuộc phục sinh, Đức Ki-tô
sẽ thực hiện việc hoá bánh ra nhiều đích
thực: không chỉ là bánh ăn thông thường, nhưng
là bánh ban sự sống. Từ nay, qua các buổi cử hành
lễ tạ ơn, dấu chỉ này về cuộc
phục sinh - tức là bánh ban sự sống luôn có tính
hữu hiệu và có chiều kích phỗ quát. Nó không còn
bị giới hạn trong không gian và thời gian. Hai
mươi thế kỷ sau, một Charles de Foucauld trong sa
mạc Tamanrasset, hay bất cứ một vị linh mục
nào, cũng đều thực hiện cử chỉ kỳ
diệu này, cử chỉ đem lại sự sống,
bắt đầu từ lời và hành động
Đức Giêsu đã thực hiện.
Quả thế, mổi thánh lễ vẫn là
một lời khẳng định dứt khoát rằng
quyền lực tử thần không thể là tiếng nói
cuối cùng. Lời khẳng định này được
nói lên khi các Ki-tô hữu đang cùng nhau chia sẻ tấm
bánh và chén rượu là Mình và Máu Đức Ki-tô, mặc dù
họ vẫn đang bị cầm giữ trong thân xác,
vẫn đang bị cơn đói hành hạ và vẫn
đang bị cái chết đe doạ. Từ giữa
những bóng tối của cuộc đời, họ
cử hành mầu nhiệm về bánh ban sự sống và
nhờ đó họ có thể dần dần thoát ra khỏi
quyền lực của sự chết.
Có lẽ các Ki-tô hữu cần suy gẫm câu
nói của Bernanos: "Ki-tô giáo của chúng ta đặt
nền tảng trên tình yêu... Chúng ta yêu quý sự sống,
chúng ta tin vào sự sống. Chúng ta biết rằng sự
sống ấy không lừa dối chúng ta, và các lời
hứa về sự sống sẽ không phai tàn."
Phải tin mới hiểu được
Đức Giêsu vừa tuyên bố
Người là bánh ban sự sống và các địch
thủ từ chối bước theo Người vào trong
lãnh vực Người muốn đưa họ vào. Theo
họ, Đức Giêsu chỉ là một người khoa
trương: "Chúng tôi biết rõ ông ấy." Tóm
lại, họ muốn lôi Người vào trong những
sắp xếp của họ. Theo họ, Đức Giêsu
chỉ là con ông Giu-se. Thế thôi... chấm hết.
Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn
tiếp tục nhấn mạnh tính cách nghịch
thường của những khẳng định
Người đã nêu ra, đồng thời tố cáo quan
niệm của các đối thủ. Quan niệm này
chỉ là những suy nghĩ bình thường của con
người, chứ không phải là quan điểm của
Thiên Chúa.
Đức Giêsu đề nghị họ
phải thay đổi nhãn quan, thay đổi cách nhìn - có
thể nói như thế - và đó là đức tin.
Biết bao lần người ta giản
lược đức tin thành một chuổi những
khẳng định cần được lặp lại
mà không cần hiểu. Người ta tưởng rằng
như thế là đủ và tự nhận mình thuộc
về một nhóm ưu tuyển và do đó có quyền
được thưởng. Người ta đâu biết
rằng khi quan niệm như thế, họ đã biến
đức tin thành một hành động mà không có sự
tham dự của lý trí.
Theo Đức Ki-tô, đức tin là sức
mạnh đem lại sự sống và mở ra những
nhãn quan diệu kỳ. Đức tin không đề ra
những câu trả lời trực tiếp cho những
vấn đề của con người, nhưng làm thay
đổi quan niệm, cách nhìn vấn đề của
họ. Đức tin cho họ thoáng thấy một thứ
ánh sáng mà họ sẽ không ngừng tiếp cận. Nhờ
ánh sáng này, người tín hữu bước đi, khám phá
và sống.
Như vậy, đức tin là ân huệ Thiên
Chúa ban. Nó không đến do lý luận hay do nôỵ lực
của ý muốn con người. Chỉ có thể hiểu
được đức tin khi chấp nhận đó là
kết quả của ân ban. Dĩ nhiên, nỗ lực và
thiện chí của con người sẽ giúp phần nào
tiến trình này, nhưng cuối cùng, đó là chấp
nhận mở ra trước ánh sáng được bày
tỏ cho mình.
Chỉ có đức tin như thế mới
giúp hiểu Đức Giêsu là bánh ban sự sống đích
thực. Đức tin ấy đưa con người tham
dự cách trọn vẹn vào mầu nhiệm hiệp thông,
vào cuộc trao đổi. Ai hiểu được
điều này, người ấy đạt
được sự sống vĩnh cửu, bởi vì
họ hiểu được thực tại sâu xa của
tình yêu, một tình yêu mà ngay cả đến sự
chết cũng không tiêu diệt được. Nói thế,
vì tình yêu chính là nền tảng của thực tại.
Để cho Thiên Chúa lôi kéo
Giữa Đức Giêsu và các thính giả, có
một khoảng cách khá xa, hay nói đúng hơn, một
sự hiểu lầm.
Trước khi tự nhận là bánh
trường sinh, Đức Giêsu đã muốn chia sẻ
hương vị bánh của con người: ba mươi
năm chuẩn bị với những bữa ăn
hằng ngày, những bữa ăn trong ngày tang chế
cũng như trong những ngày vui; ba mươi năm
để cố gắng giúp con người hiểu
được đâu là cơn đói thực sự,
đổng thời làm cho họ nhận ra của ăn
chính yếu Người trao tặng cho họ. Ba
mươi năm để rổi nghe được
một nhận xét đầy mỉa mai: "Ông này
chẳng phải là Giêsu, con ông Giu-se đó sao? Sao bây giờ ông
ta lại nói: "Tôi từ trời xuống.""
Tâm hồn của người không tin, có
lẽ cũng là của chúng ta, đó là chỉ nhận ra
Đức Giêsu là người chia sẻ bánh của con
người chứ không muốn đón nhận
Người là Đấng qua tấm bánh, muốn chia
sẻ cuộc sống của chính họ. Dường
như chúng ta chỉ muốn lãnh nhận bánh từ tay
Đức Giêsu, chứ không muốn đón nhận chính
Người.
Đàng khác, chúng ta thường có thói quen
giản lược hành trình tôn giáo vào những cố
gắng của riêng mình. Chúng ta nghĩ rằng mình là
người đưa ra sáng kiến, và chúng ta chỉ quan
tâm đến việc chiếm lấy Thiên Chúa. Thực ra,
chính Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Người qua
Đức Giêsu. Thiên Chúa đến với chúng ta qua Con
của Người. Đức Giêsu là Lời và là bánh
từ trời xuống để chia sẻ cuộc
sống với chúng ta trước khi chúng ta có sáng kiến
về chuyện này. Qua Đức Giêsu, Đấng đã
ăn bánh của con người trong ba mươi năm,
Thiên Chúa dạy chúng ta biết rằng: có một thứ
bánh để nuôi sống trong cuộc đời này, và có
một thứ bánh ban sự sống vĩnh cửu. Một
bên là bánh của người phàm, một bên là bánh của
Thiên Chúa. Hai thứ bánh này khác nhau.
Qua sự nhập thể của Đức
Giêsu và qua bí tích Thánh Thể, chúng ta có biết để
Thiên Chúa lôi kéo và hướng dẫn? Chúng ta có tin
Đức Giêsu là bánh từ trời xuống? Chúng ta có dám
tin vào lời hứa ban sự sống của Đức
Giêsu?
Lạy Chúa,
mặc dù Chúa
rất xa chúng con,
nhưng nhờ
tình yêu, chúng con vẫn gần với Chúa.
Không hề có phân
ly
giữa chi
thể với vị thủ lãnh nhiệm mầu!
Chúa cho mọi
người được dự tiệc
khi cử hành
lễ tạ ơn.
Chính Chúa đã nói
rằng
con có thể
ăn thịt là Mình Chúa.
Điều
ấy đã được viết lại,
không phải
tự ý con nghĩ ra.
Thế mà có lúc
tại sao con nghi ngờ
trong khi Lời
Chúa quá rõ ràng như thế?
Paul Claudel.
|