Ánh sáng phục
sinh
Sau khi xua đuổi phường buôn bán ra
khỏi đền thờ, các nhà lãnh đạo Do Thái
đã đến hỏi Chúa Giêsu: Ông có thể làm một
phép lạ nào để chứng minh rằng ông có quyền
làm như thế không? Và Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy
phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ
xây dựng lại. Thánh Gioan đã ghi chú: Ngôi đền
thờ mà Chúa Giêsu nói đến chính là thân xác Ngài. Vì thế
khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại, các môn
đệ mới nhớ rằng Ngài đã nói như vậy,
nên họ tin vào Thánh Kinh và những gì Chúa Giêsu đã nói.
Như thế có nghĩa là ngay
cả các môn đệ cũng không hiểu hoàn toàn những
điều Ngài nói. Chỉ sau khi Ngài sống lại
trong vinh quang, thì những điều ấy mới
được sáng tỏ. Nói cách khác, biến cố
phục sinh chính là luồng ánh sáng chiếu soi, nhờ
đó mà chúng ta hiểu được những biến
cố và toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu tiến vào thành
Giêrusalem một cách trọng thể, thánh Gioan cũng đã
viết: Lúc đó, các môn đệ không hiểu những
điều ấy, nhưng khi Ngài sống lại trong vinh
quang, họ mới nhớ lại rằng Thánh Kinh đã nói
những điều đó về Ngài. Rồi khi Ngài
biến hình trên đỉnh Taborê, lúc xuống núi Ngài đã
căn dặn các ông không được tiết lộ cho
bất kỳ ai biết những việc xảy ra cho đến
khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Phúc Âm
đã ghi chú: Các ông tuân giữ lời căn dặn ấy,
nhưng vẫn thắc mắc: từ trong kẻ chết
sống lại có ý nghĩa gì? Tất cả
những điều vừa trình bày có phần nào giống
với công việc của người thợ rửa hình.
Anh ta rọi phim xuống tấm giấy.
Lúc bấy giờ chỉ là tấm giấy
trắng, không hình ảnh, không màu sắc. Thế
nhưng sau đó, anh ta đem ngâm tấm giấy đã
được rọi vào thau đựng thuốc: Thế
là hình ảnh và màu sắc bắt đầu hiện lên trên
tấm giấy ấy. Cũng thế,
những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu,
mới đầu không có gì đặc biệt. Nhưng sau biến cố phục sinh, ý nghĩa
sâu xa của nó mới bắt đầu xuất hiện.
Từ đó chúng ta hãy nhìn cuộc đời
chúng ta qua ánh sáng của sự phục sinh. Đúng
thế, nếu không có sự phục sinh thì đời
sống của chúng ta chỉ là một mớ hỗn mang,
một chùm những sự kiện vô nghĩa, nếu không
muốn nói là phi lý. Bởi vì
người giàu và kẻ nghèo, người đạo
đức thánh thiện và kẻ gian ác bất lương
rồi cũng sẽ bằng nhau trước cái chết.
Nếu không có ánh sáng của sự phục sinh, thì chết
là hết, là trở về với hư vô và cát bụi.
Thế nhưng, với ánh sáng của sự phụng
sự, thì tất cả đều chuyển biến,
tất cả đều đổi thay, tất cả
đều mang một giá trị và ý nghĩa. Đúng
thế, nếu như cuộc đời tôi chất
đầy những đắng cay và chua xót, thì không có
nghĩa là tôi đã thất bại, bởi vì nếu tôi
biết thánh hoá, biết chấp nhận những
đắng cay chua xót ấy vì lòng yêu mến Chúa, thì rồi
mai ngày tôi sẽ sống lại và được Chúa ân
thưởng niềm hạnh phúc Nước Trời.
Dưới ánh sáng của sự phục sinh thì dù cuộc
sống hiện tại của chúng ta có vắn vỏi, có
buồn phiền, thì mãi mãi vẫn là một kho tàng quý giá,
bởi vì nhờ nó mà chúng ta có thể chiếm
được sự sống đời đời,
cũng như nhờ nó chúng ta có thể lãnh nhận
niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
|