CÔNG
LÝ
Công
lý là một khái niệm xuất hiện
trong lĩnh vực triết học từ thời
Hy Lạp cổ đại và được
phát triển mạnh mẽ trong nền khoa học
pháp lý ngày nay. Công lý là
sự công bằng của xã hội, là
phán quyết đúng theo luật pháp,
đặc biệt là thi hành Thánh Luật
của Thiên Chúa.
Alexander
Hamilton (1755-1804, “cha đẻ” nước
Mỹ) xác định: “Nghĩa
vụ đầu tiên của xã hội là
công lý” (The
first duty of society is justice). Ai cũng phải thực
hiện công lý, can đảm thực hiện
công lý với tha nhân và với cả
chính mình. Người ta vì sợ liên
lụy mà không dám đòi công
lý cho tha nhân, cao lắm thì chỉ dám
đòi công lý cho mình – nhưng
vẫn… run! Hàng ngày, bất công
vẫn không ngừng xảy ra khắp nơi
trên thế giới, thậm chí còn xảy
ra ngay trong các giáo xứ và các
hội đoàn, vì thế mà càng
phải mạnh mẽ lên án bất công,
đòi lại công lý và đừng
bao giờ hèn nhát hoặc kỳ thị
nhau! Đó chính là sống Luật Yêu
mà Chúa Giêsu truyền dạy!
Một
lần nọ, khi lên Đền Thờ, thấy
cảnh nhố nhăng, Chúa Giêsu đã
“ngứa mắt” nên mới nổi nóng
và nói ngay: “Nhà
Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà
các ngươi đã biến thành sào
huyệt của bọn cướp”
(Lc 19:46). Ngài nổi nóng vì Ngài
là Đấng Chí Thiện, không chấp
nhận cái xấu, và Ngài muốn
người ta phải cố gắng hoàn thiện
hơn. Thấy cảnh trái tai gai mắt, những
người yêu thích Chân-Thiện-Mỹ
không thể làm ngơ được, dù
biết rằng nói ra sẽ bị người
ta ghét, vì người ta “chạm tự
ái”. Quả thật, rất cần can đảm.
Đừng mạnh miệng xó bếp! Nếu
không can đảm hành động vì
ích lợi chung (Giáo huấn Xã hội
của Giáo hội Công giáo gọi là
“công ích”) thì làm sao có
những vĩ nhân và thành nhân mà
chúng ta thấy xuất hiện trong lịch sử
đời và đạo? Dân oan làm sao
ngước đầu lên nổi? Chúa
Giêsu đến không chỉ cứu thoát
những tội nhân mà còn bảo vệ
công lý của đám dân đen
khốn khổ bị áp bức, bị bóc
lột tận xương tủy, bị lũ “đỉa”
có chức quyền hút hết máu
sống!
Chính
trị gia kiêm sử gia Horace Walpole (1717-1797, Anh
quốc) phân tích: “Công
lý là hành động của sự
thật hơn là đạo đức. Sự
thật cho chúng ta biết điều gì
do người khác, và công lý thực
hiện sự thích đáng đó. Sự
bất công là hành động của
dối trá”
(Justice is rather the activity of truth, than a virtue in itself.
Truth tells us what is due to others, and justice renders that due.
Injustice is acting a lie). Rất rõ ràng, chính
xác. Còn John Adams (1735-1826, tổng thống
thứ hai của Hoa Kỳ) nhận định:
“Hãy
để công lý được thực
hiện cho dù bầu trời có sụp đổ”
(Let justice be done though the heavens should fall). Hãy vắt
tay lên trán mà suy tư thật nhiều!
Chiến
tranh cũng có “bóng dáng” của
công lý. Người ta bị áp bức
nên phải đấu tranh để đòi
lại công lý. Con chó bị dồn vào
góc tường thì nó cũng cắn
lại, dù đó là chủ nó. Bị
dồn vào thế cùng, người ta có
thể nổi loạn. Mỗi người phải
“sống” ba dạng người mà
Hiền triết Khổng Tử đề cập:
“Người
nhân không lo buồn, người trí
không nghi kỵ, người dũng không sợ
hãi”.
Khi
quân Amalếch đến đánh Ítraen
tại Rơphiđim, ông Môsê bảo
ông Giôsuê: “Anh
hãy chọn một số người, và
ngày mai ra đánh Amalếch. Còn tôi,
tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi,
tay cầm cây gậy của Thiên Chúa”
(Xh 17:9). Ông Giôsuê làm như ông
Môsê đã bảo: Ông giao chiến
với Amalếch, còn các ông Môsê,
Aharon và Khua lên đỉnh đồi. Khi
nào ông Môsê giơ tay lên, thì
dân Ítraen thắng thế; còn khi ông
hạ tay xuống, thì Amalếch thắng thế.
Giơ tay lâu quá, ông Môsê mỏi
tay, người ta lấy một hòn đá
kê cho ông ngồi, còn ông Aharon và
ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi
người một bên.
Giơ
tay hoặc dang tay là một chút hy sinh kết
hợp với lời cầu nguyện, Giáo hội
vẫn dùng dạng này khi dâng lời
cầu nguyện. Và rồi Kinh Thánh cho
biết: “Ông
Giôsuê đã dùng lưỡi gươm
đánh bại Amalếch và dân của
ông ta”
(Xh 17:13).
Chúng
ta đều là những tội nhân, bị
ma quỷ kiềm chế, bị thế lực đen
áp đảo, bị điều xấu lôi
kéo, và bị cái ác bóc lột,
vì thế mà chúng ta rất cần
Chúa giải nguy, cứu độ. Cầu
nguyện mãi mà thấy vẫn khổ, có
thể có lúc chúng ta cũng tự
nhủ: “Tôi
ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi
nao?”
(Tv 121:1). Và rồi với đức tin, chúng
ta xác nhận nhờ ơn soi sáng của
Chúa Thánh Thần: “Ơn
phù hộ tôi đến từ Đức
Chúa là Đấng dựng nên cả
đất trời”
(Tv 121:2).
Thiên
Chúa trao ban cho chúng ta một “vũ
khí” rất hữu hiệu: Cầu nguyện.
Thật vậy, cầu nguyện là sức mạnh
của loài người, khiến Thiên Chúa
phải “mềm lòng”. Càng kiên
trì cầu nguyện liên lỉ thì
Thiên Chúa càng “mềm lòng”.
Tác giả Thánh Vịnh nói: “Xin
Đấng gìn giữ bạn đừng để
bạn lỡ chân trật bước, xin Người
chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ
Ítraen, lẽ nào chợp mắt ngủ
quên cho đành!”
(Tv 121:3-4). Điều đó không chỉ là
điều mơ ước hoặc lời cầu
chúc, mà là sự thật minh nhiên:
“Chính
Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính
Chúa là Đấng vẫn chở che, Người
luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu
khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm
năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều
bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an
toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra
vào, lui tới, từ giờ đây cho đến
mãi muôn đời”
(Tv 121:5-8). Thiên Chúa thật tuyệt vời
biết bao, nhưng Ngài chưa được
người ta tín thác thật lòng vì
người ta không thấy nhãn tiền.
Đôi khi lời cầu nguyện chỉ vì
ích kỷ và tư lợi chứ chưa
thật lòng vì tin tưởng và yêu
mến Chúa. Lại phải xét mình và
“nghĩ ngợi” nhiều lắm, vì
nếu không thì Chúa sẽ đòi
công lý ở chính mỗi chúng ta!
Thánh
Phaolô nói với Thánh Timôthê:
“Phần
anh, hãy giữ vững những gì anh đã
học được và đã tin chắc.
Anh biết anh đã học với những ai.
Và từ thời thơ ấu, anh đã
biết Sách Thánh, sách có thể
dạy anh nên người khôn ngoan để
được ơn cứu độ, nhờ lòng
tin vào Đức Kitô Giêsu”
(2 Tm 3:14-15). HỌC để BIẾT, BIẾT để
TIN, TIN thì mới YÊU, YÊU thì cần
DẠY (cho biết), DẠY thì phải GIỮ.
Một chuỗi nối kết tuyệt vời biết
bao! Không thể cho cái mình không có,
nếu không có mà cho thì chỉ là
“bánh vẽ”, là “hôn gió”,
là “quà ảo”. Nói hay mà
không thực hiện thì là “lẻo
mép”, viết hay mà không thực
hiện thì là “lẻo bút”.
Cái
“lẻo” nào cũng nguy hiểm, chỉ
là nói phét, là lừa dối, là
giả hình: “Khốn
cho các người, hỡi các kinh sư và
người Pharisêu giả hình! Các
người giống như mồ mả tô vôi,
bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng
bên trong thì đầy xương người
chết và đủ mọi thứ ô uế.
Các người cũng vậy, bên ngoài
thì có vẻ công chính trước
mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn
là giả hình và gian ác!”
(Mt 23:27-28).
Lời
Chúa có lúc làm chúng ta vui mừng,
nhưng có lúc làm chúng ta đau
nhói. Thuốc đắng “đã”
tật. Nhưng liệu chúng ta có dám
“uống” không? Thánh Phaolô xác
định: “Tất
cả những gì viết trong Sách Thánh
đều do Thiên Chúa linh hứng, và
có ích cho việc giảng dạy, biện
bác, sửa dạy, giáo dục để
trở nên công chính. Nhờ vậy,
người của Thiên Chúa nên thập
toàn, và được trang bị đầy
đủ để làm mọi việc lành”
(2 Tm 3:16-17). Những lời nhẹ nhàng mà
như xoáy vào tận đáy tim vậy!
Cuối
cùng, Thánh Phaolô đề nghị như
một mệnh lệnh: “Hãy
rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng,
lúc thuận tiện cũng như lúc không
thuận tiện; hãy biện bác, ngăm
đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng
nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ”
(2 Tm 4:2). Cứ đọc kỹ và “nuốt”
từng chữ thì ai cũng đủ sức
hiểu, vì không có gì phức tạp.
Quả thật, người ta phải thực sự
can đảm mới có thể sống tốt
và bảo vệ chân lý, bảo vệ
một cách tích cực chứ không nói
suông, nói sau lưng, hoặc lơ là,
chỉ mong hai chữ bình an cho mình –
đó là HÈN NHÁT.
Một
hôm, Đức Giêsu kể cho các môn
đệ dụ ngôn để dạy các
ông phải cầu nguyện luôn và
không được nản chí (Lc 18:1-8). Dụ
ngôn nói rằng trong một thành nọ
có một ông quan toà không kính
sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi
ai ra gì, và có một bà goá.
Bà này đã nhiều lần đến
thưa với ông: “Đối
phương tôi hại tôi, xin ngài minh
xét cho”
(Lc 18:3). Một thời gian khá lâu, ông
không chịu xét xử cho dân oan này.
Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng:
“Dầu
rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa,
mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ
goá này quấy rầy mãi, thì ta
xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ
đến hoài, làm ta nhức đầu
nhức óc”
(Lc 18:4-5).
Cán
cân công lý đã bị lệch.
Thẩm phán ác ôn muốn làm ngơ
đơn kiện của bà góa kia, muốn
bỏ qua hồ sơ dân oan, có thể vì
bên bị đơn đã “đi cửa
sau” với cái “phong bì” dày
cộm. Thế nhưng bà góa biết chắc
mình bị oan nên liên tục đưa
đơn kiện, quyết đòi lại công
lý.
Rồi
Chúa nói: “Anh
em nghe quan toà bất chính ấy nói
đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa
lại không minh xét cho những kẻ Người
đã tuyển chọn, ngày đêm
hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ
nào Người bắt họ chờ đợi
mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người
sẽ mau chóng minh xét cho họ”
(Lc 18:6-8a).
Quan
tòa kia là ác nhân mà còn sợ
bị quấy rầy nên xử cho xong, huống
chí Thiên Chúa là Đấng Thánh.
Chắc chắn Ngài không để ai chịu
oan uổng lâu, vấn đề là chúng
ta đừng nản chí thất vọng, hãy
kiên tâm cầu nguyện liên lỉ. Đức
Maria đã tuyên xưng: “Chúa
giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp
tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm
nhường”
(Lc 1:51-52). Chúa rất thích chúng ta
“quấy rầy” Ngài bằng cách
cầu nguyện không ngừng.
Cuối
cùng, chúng ta phải lưu ý câu
hỏi của Chúa Giêsu: “Khi
Con Người ngự đến, liệu Người
còn thấy lòng tin trên mặt đất
nữa chăng?”
(Lc 18:8b). Mỗi người phải tự trả
lời thành thật, không thể lươn
lẹo hoặc “đánh trống lảng”,
cũng không thể ỷ mình có chức
có quyền, vì Ngài là “Đấng
thấu suốt mọi sự” (2 Mcb 7:35; 2 Mcb
9:5; 2 Mcb 15:2; 1 Cr 2:10), dù chúng ta có trốn
lên trời hoặc chui xuống âm ty cũng
không thoát Ngài (Tv 139:8), và bất
kỳ ai cũng bình đẳng trước
mặt Chúa về nhân vị, nhân phẩm,
và nhân quyền, với ba thiên chức
(vương đế, tư tế và tiên
tri).
Lạy
Thiên Chúa chí minh, chí công và
chính trực, xin giúp chúng con cam đảm
thực sự, không hèn nhát, không
nghi kỵ, sống công bằng và thể
hiện đức bác ái đúng mức
để kiến tạo hòa bình đích
thực, có thể sống như thiên đàng
ngay trên thế gian này. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng
cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
|