Crux est lux – thập
giá là vinh quang!
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
SDB)
Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho là cảnh
hiển dung trên núi Ta-bo là một trong những sự
kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì tuy
không phải là chóp đỉnh, biến cố này thật
sự tóm tắt tất cả mạc khải cứu
độ. Chúng ta thấy ở đây, Mô-sê và Ê-li-a, các phát
ngôn viên của lề luật và ngôn sứ (tắt một
lời là đại diện của Cựu Ước)
giới thiệu đấng Kitô của Tin Mừng cho các
môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Các môn đệ này sẽ
là các nhân chứng được coi là ‘trụ cột’
của Giáo Hội (theo lối diễn tả của Phao-lô
trong thư gửi tín hữu Ga-lát), những người có
trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ
tạo (Xem chú thích Mc 9:1tt trong ‘Lời Chúa Cho Mọi
Người’). Nếu quả thật là như thế thì
hiển dung đâu chỉ đơn thuần là một
liệu pháp tâm lý đề vực dậy tinh thần suy
sụp của các môn đệ trước cuộc khổ
nạn đau thương Đức Giêsu sẽ phải chịu
tại Giê-ru-sa-lem. Ý nghĩa của nó chắc hẳn
phải lớn lao hơn nhiều…, và vì thế đáng
để ta dành đôi chút thời giờ tìm hiểu thêm.
Vinh quang, hay diện mạo đích thực
của Thiên Chúa là điều con người mọi
thời đại và mọi tôn giáo đều muốn
kiếm tìm. Mô-sê và Ê-li-a là hai nhân vật Cựu Ước
được mô tả như đã có diễm phúc chớm
thấy vinh quang đó tỏ lộ; Mô-sê trên định
Si-nai khi lãnh tấm bia giới luật (xem sách Xuất Hành
chương 19), và Ê-li-a trên đỉnh núi Khô-rếp trên
đường trốn chạy khỏi sự truy
đuổi của hoàng hậu I-dê-ven (xem 1 Vua chương
19). Tuy nhiên thứ vinh quang Đức Chúa mà hai ông
được chứng kiến thực tế đã
rất khác nhau; một đàng là ‘Đức Chúa ngự
trong đám lửa mà xuống, khói bốc lên như khói lò
lửa và cả núi rung chuyển mạnh… (Xh 19:18), đàng khác là ‘Sau động
đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không
ở trong lửa. Sau lửa là tiếng gió hiu hiu. Vừa
nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt,
rồi ra đứng ở cửa hang… (1 V 19:12-13). Nếu
thế vinh quang mà Đức Giêsu muốn hiển thị
trong lần biến dạng trên núi Ta-bo có chi khác với
những lần đó không? Trước hết đó
hẳn phải là một thứ vinh quang đích thực, vì
được hiển thị do chính Người Con duy
nhất từ Thiên Chúa mà đến. Vinh quang đó không
những phải vượt xa mọi thứ hào quang
đôi mắt phàm tục có thể nhìn thấy, mà còn
phải vượt xa những gì cả Mô-sê lẫn Ê-li-a
đã được chứng kiến trong những lần
thị kiến Đức Chúa thời Cựu Ước.
Tác giả Lu-ca cho biết ‘hai vị hiện
ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc
xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem’
(Lc 9:31), điều đó
chứng tỏ cuộc xuất hành sắp tới mới
biểu hiện vinh quang thật, khác với những gì các
ông đã biết hoặc đang được chứng kiến
lúc này. Thứ hào quang mà hai ông hiện đang
được chứng kiến chưa hẳn là tột
đỉnh; tột đỉnh vinh quang phải là cuộc
xuất hành các ông đang được nghe đề
cập tới. Đức Giêsu cũng hàm cùng một ý
đó khi căn dặn ba môn đệ trên đường
xuống núi: “không được kể lại cho ai nghe các
điều vừa thấy, trước khi Con Người
từ cõi chết sống lại”. Đúng vậy, cuộc
tử nạn hay cuộc vượt qua Người
sắp chịu mới chính là vinh quang đích thực, trong
đó tình yêu cứu độ của Thiên Chúa
được tỏ hiện cách rực rỡ nhất.
Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì vinh quang chói lọi của
Người không thể là điều gì khác hơn biểu
hiện của tình yêu đầy từ nhân và xót
thương thông qua hành động cứu chuộc. Sau này
khi gần tới giờ ra đi chịu chết và khi
cầu nguyện với Chúa Cha, chính Đức Giêsu đã
không ngần ngại gọi giờ phút ‘tang thương’
đó là giờ Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Ngài, giờ
phút Thiên Chúa được tôn vinh cách tuyệt đối.
“Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha
để Con Cha tôn vinh Cha… xin ban cho con vinh quang mà con vẫn
được hưởng bên Cha trước khi có thế
gian” (Ga 17:1.8).
Chính Mô-sê và Ê-li-a cũng hầu như còn
đang mong đợi được chứng kiến
thứ vinh quang đó, vinh quang của Thập Giá. Và
Đức Giêsu thật sự mong muốn và khích lệ các
môn đệ, đặc biệt ba môn đệ thâm tín
nhất, loan truyền cho mọi người thứ vinh
quang ‘xuất hành’ đó, hơn là chựng lại làm ba
lều bên thứ vinh quang ‘giả tạo’ của diện
mạo sáng láng và y phục trắng tinh. Phải chăng
đây chính là cuộc chuyển biến quyết
định nhất của mọi niền tin, từ
Cựu Ước bước qua Tân Ước, từ vinh quang
của quyền uy (lửa, động đất, loa vang
dội…) qua vinh quang của tha thứ và cứu độ,
từ quan niệm về một Đức Chúa quyền
phép qua hình ảnh một Thiên Chúa là Cha của Đức
Kitô Giêsu đầy xót thương nhân hậu? Đối
với các môn đệ là những người Do Thái chính
hiệu, sự chuyển tiếp này không thể không gây
ngỡ ngàng và đặt ra nhiều vấn nạn. Các ông
vẫn còn phải ‘bàn nhau xem câu “từ cõi chết sống
lại” nghĩa là gì’, và Đức Giêsu còn phải cất
công giải thích nhiều lần hơn nữa. Điều
này cũng sẽ mãi mãi, qua mọi thời đại,
tiếp tục là vấn đề then chốt độc
đáo của niềm tin Kitô hữu (so với các tôn giáo
khác, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo) khi phải vẽ lên
trong tâm linh các tín hữu hình ảnh về một Thiên Chúa…
lòng lành, xót thương và cứu độ, những nét
không tuân theo bất cứ thứ lô-gich hay lối suy
nghĩ thông thường nào, nhưng chỉ dựa trên
mạc khải duy nhất của Đức Kitô thập
giá. Cách duy nhất họ có thể làm là để mình hoàn
toàn bị khuất phục bởi mạc khải vinh quang
thập giá, điều làm cho họ, trước mặt
khôn ngoan của người đời, bị liệt vào
hạng ngu đần và hèn nhất; do đó “Hãy vâng nghe
lời Người!”
Mùa chay chính là thời gian để mỗi
chúng ta vâng nghe và đón nhận thứ vinh quang cứu
độ này của Thiên Chúa, vì thế đó là thời gian
của thanh lọc và củng cố niềm tin Kitô.
Lạy Chúa là
đấng Cứu Độ của con! Con xin
được như Phêrô dựng lều, nhưng không
phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng
láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành
cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở
lại trong tình yêu xót thương của Người, không
những chỉ trong mùa chay thánh mà còn trong suốt cuộc
sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê
Trời mai sau. Amen.
|