Lòng thương
cảm sâu xa –
Peter Feldmier
(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
Người đã đến rao giảng cho các vong
linh bị giam cầm (1 P3, 19)
Sự thương hại mang dáng dấp
giống như lòng thương xót, nhưng thật sự
hoàn toàn khác nhau. Nhiều phật tử còn coi sự
thương hại như là kẻ thù của lòng xót
thương chân thật. Sự thương hại nhìn
từ bên ngoài, dễ khiến chúng ta ngộ nhận,
dễ bị đồng hòa với những rung cảm sâu
tận từ con tim. Sự thương hại xảy ra
khi nhìn thấy một người bị đau khổ,
nhưng chúng ta chỉ đứng ngoài cuộc để
bàng quan nhìn vào những khổ đau đó như một
người hoàn toàn xa lạ. Nhiều khi chúng ta còn thốt
lên “ Cám ơn Chúa, rất may là tôi không gặp những
bất hạnh giống như thế’’.
Nhưng sự thương xót chân thật thì
trái ngược lại. Nó đặt nền tảng trên
tình yêu chân thành. Nó lôi kéo chúng ta đến với những
người đau khổ, đồng hành với họ,
cảm thương họ, và chia sẻ với họ
về những thống khổ họ đang gánh chịu.
Tín hữu phật giáo diễn tả sự thương xót
đó bằng thuật ngữ Karuna, có nghĩa là “ Mang
chở nơi mình một con tim biết rung động”.
Trong Tân ước, chúng ta cũng gặp hạn từ
Splanknizomai, nghĩa là “ Cảm thấu đến tận
ruột gan” trước nỗi khổ đau của
kẻ khác. Sự thương xót mời gọi chúng ta
đi vào chiều sâu, biết cảm thông và biết sẻ
chia một cách sâu xa trong chính trạng huống thực
sự của cuộc sống con người.
Sự đồng cảm đó là một
sợi dây vô hình gắn kết con người lại
với nhau. Ví dụ khi chúng ta đang gặp đau
khổ, tâm hồn bị bầm dập và tan nát, có một
ai đó đã quảng đại, sẻ chia và thông sự
vào chính đời sống chúng ta một cách cụ thể.
Hoặc ngược lại, có bao giờ chúng ta đã
trải nghiệm việc đồng cảm và chia sẻ
thực sự với những đớn đau của
người khác? Làm sao chúng ta có thể xem nỗi khổ
của người khác như là nỗi đau của chính
mình để thực sự biết thương cảm
một cách sâu xa.
Tin mừng hôm nay kể lại biến
cố Đức Giêsu lui vào hoang địa và ở đó
40 ngày, trước khi khởi sự sứ vụ rao
giảng công khai. Marcô diễn tả sự kiện này
chỉ với 2 câu giản đơn “ Thần khí
đẩy Ngài vào hoang địa. Người ở đó
40 ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và
có các thiên sứ hầu hạ Ngài.” Nhìn nơi Đức
Giêsu, Đấng được Thần khí đưa vào sa
mạc, chịu sự tấn công của Satan, và sống
giữa loài dã thú, giữa những con vật khủng
khiếp nhất, đáng sợ nhất, chúng ta cảm
nhận ra đó là một thân phận rất bi
thương trong kiếp người. Cuộc sống
của Ngài 40 ngày trong sa mạc đã không còn là cuộc
sống của chính Ngài nữa.
Bài đọc hai hôm nay trích trong thơ
thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ gửi
đến các Kitô hữu mới được lãnh
nhận phép rửa. Trong đoạn văn này, thánh nhân
diễn tả cái chết của Đức Kitô như là
phương cách chuộc tội cho con người, và
cơn đại hồng thủy năm xưa là một
hình ảnh tiên báo ( bài đọc 1). Trận lụt phác
vẽ trước hình ảnh của bí tích rửa tội,
và chính qua giếng rửa tội chúng ta được
cứu chuộc. Thánh Phêrô còn nói thẳng thừng một
điều xem ra rất khó hiểu: Ngài đã đến
rao giảng cho các vong linh bị giam cầm (1P 3,14), tức
là những con người trước đây đã
phạm tội vì bất tuân phục. Tôi không có ý cắt
nghĩa bản văn theo nghĩa đen của từng câu
từng chữ, giống như chúng ta vẫn thường
tuyên tín trong kinh Tin Kính, “sau khi chết, Người
xuống ngục tổ tông đem các thánh lên thiên đàng”,
hoặc cũng phản ánh một điều mà Đức
Giêsu đã nói trong bài giảng trên núi. Tôi muốn mời
gọi chúng ta hãy nhìn lên Con người Chịu-
Đóng-Đinh, Đấng đã đem sự hiện
diện cứu độ của Ngài đến những
vùng tối tăm nhất của phận kiếp con
người. Sheol hay cõi “lâm bô” như được nói
đến trong cựu ước, được trình bày
như là một thế giới mênh mông ngập trong
nước, nơi không còn hy vọng, nơi không có sự
sống và không có cả Thiên Chúa. Đức Giêsu đã
sẻ chia kinh nghiệm của chính Ngài. Với tình yêu
giải thoát, Ngài đã đi vào thế giới con
người, xuống tận vực thẳm ngập sâu
trong tối tăm của kiếp sống làm người.
Vào Chúa nhật thứ nhất mùa chay, chúng ta
được mời gọi để cử hành suốt
thời gian này để đi vào sự thương
cảm với anh chị em đồng loại. Tức là
chúng ta phải tiến sâu vào thân phận con người
để nhìn ra những khổ đau, những bầm
dập và cay đắng, hầu biết diễn bày lòng
thương xót sâu xa, và để con tim chúng ta luôn biết
rung động. Ba hình thái theo truyền thống của mùa
chay là cầu nguyện, chay tịnh và bố thí sẽ giúp
chúng ta bắt đầu mùa chay thật ý nghĩa. Chúng ta
cầu nguyện để thông hiệp sâu xa hơn với
Đấng đã đem chúng ta vào hiện hữu, và lôi kéo
chúng ta đến với tình yêu vô tận của Ngài. Chúng
ta thực hành việc chay tịnh để cảm thông
với 2 triệu người trên thế giới đang
đói, đang khát vì chẳng có cái gì để ăn. Chúng
ta giang rộng đôi tay bố thí để giải thoát
chúng ta khỏi sự keo kiệt ích kỷ, hầu chúng ta
được liên đới chặt chẽ hơn
với những người đang cần đến chúng
ta.
Mùa chay là thời gian đặc biệt
để giúp chúng ta ý thức, đồng thời khơi
dậy nơi chúng ta lòng thương cảm sâu xa. Đây là
thời kỳ mà Giáo hội gọi mời chúng ta phải
tiến sâu hơn, đi vào sự chia sẻ đồng
phận trong kiếp người, với những ai
đang gặp khổ đau, để với một tình
yêu chân thành, chúng ta biết sống chan hòa, và con tim chúng ta
biết rung động trước những khổ đau
của anh chị em mình.
|