Chay tịnh
và cầu nguyện
(Suy niệm của AM Trần Bình An)
Tháng Ba năm
1976, người ta chở Má từ nơi quản thúc
tại gia ở Cây Vông đến nhà biệt giam Nha Trang… Má
bị đưa vào ở trong một căn phòng giam
nhỏ không cửa sổ, ngột ngạt, dưới chân
tường chỉ có một lỗ nhỏ để thông
hơi. Má thường nằm xuống đất
để mũi gần đó và thở. Vài tuần sau
Bảy cũng bị bắt đưa vào phòng biệt giam,
cách Má bức tường ngăn. Ban đầu hai phòng hoàn
toàn cách biệt, nhưng về sau người ta cho
đục một cửa sổ nhỏ giữa bức
tường ngăn cách, và có lệnh cấm Má và Bảy
không được liên lạc với nhau qua nơi này…
Một ngày
nọ qua cửa sổ, Má bảo Bảy:“Má và Bảy không
biết sống chết ra sao. Má có thể ra đi bất
cứ lúc nào! Má xin Bảy cho Má một ân huệ được
không?” “Má cứ tự nhiên, con có thể làm gì để giúp
Má?” Bảy đáp. “Má muốn tĩnh tâm ba mươi ngày,
nhờ Bảy giảng cho Má.” “Má nói sao? con giảng tĩnh
tâm cho Má? Con làm gì có đủ khả năng giảng cho Má.
Chính Má giảng cho con chứ?” Bảy ngạc nhiên vô cùng và
tưởng chừng mình nghe lầm nên hỏi lại.
“Bảy cứ làm theo ý Má đi. Vì đây là ân huệ Má xin.”
Má ôn tồn và nhỏ nhẹ bảo… “Má nói vậy thì con xin
khiêm tốn vâng lời Má.” Bảy đáp lại. Thế là
mỗi ngày Bảy giảng cho Má ba bài, bắt đầu
từ lúc Chúa Giêsu sinh ra, sống cuộc đời ẩn
dật và công khai rao giảng Tin Mừng, đối đáp
lại những bắt bẻ của người Do Thái,
dạy dỗ, kể dụ ngôn và làm phép lạ, đến
lúc bị bắt, chất vấn, sỉ nhục, đánh
đập, con đường khổ nạn và chết
trên thập giá, rồi vinh hiển sống lại và
hiện ra cho các tông đồ nhiều lần,
trước khi về trời gởi Thánh Thần
xuống. Mỗi bài giảng kéo dài từ hai mươi
đến ba mươi phút, sáng trưa chiều. Sau đó
Bảy còn kéo thêm được bài thứ tư vào
buổi tối trước khi ngủ. Cứ vào những
giờ giấc cố định Bảy đến bên
cửa sổ, phía bên kia Má đã đứng chực đó
từ lúc nào rồi. Má chăm chú lắng nghe các bài
giảng, sau mỗi bài Má đều góp ý rồi cả hai
cùng hát thánh ca có khi bằng tiếng Việt, hoặc La Tinh
và Má dâng lời cầu nguyện kết thúc. Mỗi ngày lúc
ba giờ chiều là giờ tử nạn của Chúa Giêsu,
Má dâng thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt
nước trong lòng bàn tay với mẫu bánh nhỏ
được bẻ vụn ra. Bên kia bức tường
của phòng giam Bảy cũng làm như thế… Cuộc tĩnh tâm linh thao
theo phương pháp thánh Ignatiô Loyola của Má kéo dài đúng
một tháng… (Nguyễn Hồng Phúc, Câu chuyện của Má
và Bảy)
ĐGM Fx
Nguyễn Văn Thuận (Má) đã mời Lm Giuse Nguyễn
Quang Thạnh (Bảy) giảng cấm phòng cho ngài,
để chuẩn bị cuộc lữ hành gian lao ròng rã 13
năm. Ngài noi gương Thầy Giêsu vào sa mạc 40 ngày
đêm, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú,
chay tịnh cầu nguyện, chuẩn bị đi gieo Tin
Mừng.
Hoang địa
Sau khi vào hoang địa 40 ngày đêm chay
tịnh, Đức Giêsu vẫn còn luôn ra nơi hoang
vắng để cầu nguyện trong suốt thời
công khai rao giảng. Hiện nay, trong cuộc sống ồn
ào, xô bồ hiếm khi được thực sự
hưởng những giây phút im lặng. Có lẽ vì
người ta đâm ra sợ hãi sự thinh lặng, tránh
né nỗi cô đơn, không dám đối diện chính mình,
nên luôn thích sống trong không gian ô nhiễm tiếng ồn.
Tuy nhiên tĩnh lặng lại rất cần thiết cho
tâm hồn thư giãn, tái lập quân bình. Cũng như
một bản nhạc luôn cần có những dấu
lặng thiết yếu, để thay đổi,
chuyển sang giai điệu, tiết tấu, hòa âm, lời
ca, ý nhạc mới.
Trong Thánh Lễ, có những khoảng lặng
quan trọng trước kinh Cáo Mình, sau khi nghe Lời Chúa và
Hiệp lễ. Đó là những giây phút nhìn lại mình, suy
niệm Tin Mừng và tâm tình cùng Thánh Thể. Tất cả
sự thinh lặng đó tựa như không gian thông thoáng,
tĩnh mịch của hoang địa, bỏ qua, quên đi
những vướng mắc, bận tâm đến thân xác,
thế gian, cám dỗ phù phiếm, để có thể
gần gũi, cầu nguyện, tâm sự với Chúa.
Ngoài ra, ai cũng có thể tận dụng
những giây phút trước khi ngủ, hay khi vừa
thức dậy để vào hoang mạc tâm hồn. Xét mình,
ăn năn, sám hối và tâm tình với Chúa hằng ngày.
Chay tịnh
Theo nghĩa phổ thông, chay tịnh là
giữ mình sạch sẽ, thanh khiết qua việc kiêng
ăn thịt động vật, chỉ dùng rau quả cùng
các sản phẩm thực vật, và nhất là qua việc
giữ tâm hồn yên tĩnh, vô ưu, không vương vấn
tham, sân si, lục dục, thất tình. Theo Kitô giáo, chay
tịnh tuy cũng có sắc thái tương tự, nhưng
kèm thêm ý nghĩa tích cực hơn nữa, là hy sinh, hãm mình,
ăn năn, sám hối, xả kỷ vị tha, yêu
thương và phục vụ tha nhân, hòa giải, bác ái
từ thiện.
Chay tịnh là thoát ra khỏi sự chế
ngự, kiềm hãm của thân xác, của bản năng,
của cái tôi nhỏ mọn, vị kỷ, để
hướng thượng, nâng hồn lên với Thiên Chúa,
để hướng ngoại với tha nhân. Đó là hành
vi bày tỏ lòng khiêm cung, niềm hy vọng và tình yêu
trước Thiên Chúa và tha nhân.
Chay tịnh để hướng về Chúa
với một thái độ lệ thuộc, phó thác hoàn
toàn, trước khi khởi đầu một nhiệm
vụ khó khăn, hay nài xin tha thứ tội lỗi đã
vấp phạm, để mở lòng đón nhận ánh sáng
Thiên Chúa, xin ơn cần thiết hầu hoàn thành sứ
vụ.”Đaniel đừng sợ, bởi ngay từ hôm
đầu, khi ngươi đem hết lòng tìm hiểu và
ăn chay hãm mình trước nhan Thiên Chúa của
ngươi, thì Thiên Chúa đã nghe những lời
ngươi nói, và chính vì những lời ấy mà ta
đến.” (Đn 10, 12)
Cầu nguyện
Khi giữ chay tịnh thật sự thì
mới có thể thành tâm cầu nguyện, như Thánh Phêrô
khuyên nhủ. “Anh em hãy sống chừng mực và tiết
độ để có thể cầu nguyện
được.” (1Pr 4, 7) Mặc dù đã tràn đầy Chúa
Thánh Thần khi vào hoang mạc, Đức Giêsu vẫn siêng
năng cầu nguyện sớm tối, hầu nhận
được hồng ân, Thánh Ý từ Thiên Chúa Cha.
Người dạy các môn đệ cách
thức cầu nguyện khiêm tốn, kín đáo và chân thành.
“Khi cầu nguyện hãy vào trong phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện
diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng
thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho
anh.” (Mt 6, 6) Hơn nữa, Người còn ban cho các môn
đệ Kinh Lạy Cha, một mẫu mực hoàn
chỉnh để cầu nguyện.
“Cầu nguyện là nền tảng của
đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con
nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng
điện sáng nhờ nối liền với máy phát
điện.” (Đường Hy Vọng, số 120)
Lạy Chúa Giêsu,
xin hướng dẫn chúng con vào hoang mạc hằng ngày,
qua những phút thinh lặng, cô đơn, để hãm
mình, hy sinh và cầu nguyện với Chúa luôn.
Lạy Mẹ
Maria, suốt cuộc đời Mẹ là chuyến lữ
hành âm thầm, chay tịnh và cầu nguyện, luôn kết
hợp tâm tình với Chúa Giêsu, Con Mẹ, để lắng
nghe và thực hành Thánh Ý Chúa. Kính xin Mẹ chỉ dạy,
hướng dẫn, giúp đỡ chúng con noi gương
Mẹ hy sinh hãm mình và cầu nguyện với Chúa luôn. Amen.
|