Yêu bệnh nhân
Trong một giai thoại về
Đức Thích Ca, người ta kể lại rằng:
một hôm, ngài rơi vào tay một tên
cướp khét tiếng. Sau khi hành hung ngài, tên cướp
dọa sẽ giết ngài. Trước khi chết, ngài xin
tên cướp một ân huệ. Hắn
đồng ý. Ngài bảo hắn: “Ngươi hãy chém
đứt một cành cây”. Thoáng một cái, tên cướp
vung kiếm chém đứt một cành cây. Đức Thích Ca
liền nói: “Nào, ngươi hãy tháp cành cây cho liền vào thân
cây”. Tên cướp nói: “Ngươi quả là tên khùng nên
mới nghĩ rằng ta có thể làm được
điều đó”. Đức Thích Ca liền dạy cho tên
cướp một bài học: “Ngươi mới là tên
khùng khi ngươi nghĩ rằng sức mạnh của
con người là gây thương tích và phá hủy.
Người có sức mạnh thật sự là
người chỉ biết sáng tạo và chữa lành”.
Lời
nói trên đây của Đức Thích Ca quả thực
đã ứng dụng cho chính Chúa Giêsu. Ngài đến
trần gian để phục hồi lại những gì
đã hư mất. Các sách Tin Mừng
đã ghi lại rất nhiều phép lạ của Ngài.
Thường thấy hơn cả là những
phép lạ chữa lành bệnh tật. Chẳng
hạn như bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng những
phép lạ chữa lành bệnh tật Ngài thực hiện
không chỉ nhằm chữa trị những đau
thương nơi thân xác con người mà còn nói lên
một thực tại cao siêu hơn. Đó là bày tỏ tình
yêu thương của Thiên Chúa và mời gọi con
người đón nhận và trao ban tình yêu thương
ấy.
Quả
thực, tất cả đều do lòng nhân từ
thương yêu của Chúa. Chúa làm phép lạ
không phải để tạo cho mình một uy thế trong
xã hội, cũng không hẳn là để tỏ uy
quyền Thiên Chúa của Ngài, nhưng là để chứng
tỏ tình yêu thương của Ngài. Nói
rõ hơn, với tư cách là Đấng Cứu Thế,
Chúa đến trần gian để giải thoát con
người khỏi mọi khốn khổ phần hồn
cũng như phần xác. Vì thế, Chúa
cảm thông với những đau yếu tật bệnh
của con người. Thấy họ,
Chúa không xa tránh nhưng đến gần họ và chữa
cho họ.
Hơn
nữa, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật, Ngài
còn chữa trị tâm hồn con người. Ngài muốn biến tâm hồn ích
kỷ của con người thành tâm hồn quảng
đại biết yêu thương. Đó là ý
nghĩa sâu xa của những phép lạ Chúa Giêsu làm.
Trong suốt thời gian Chúa rao giảng, các bệnh nhân và
những kẻ tật nguyền luôn thu
hút được sự chú ý và tình thương của
Ngài. Khi làm những phép lạ để chữa lành họ,
Chúa luôn có những cử chỉ, những lời nói an ủi, khuyến khích để gợi lên
hay củng cố niềm tin của họ. Bài
học “Hãy trao tặng những người bệnh
tật và những kẻ xấu số những cử chỉ
và những lời nói yêu thương chân tình” chúng ta có
thể học nơi Chúa Giêsu.
Tại một trung tâm y tế
ở miền nam tiểu bang Ca-rô-lai-na, Hoa Kỳ, hình
ảnh đầu tiên mà các bệnh nhân có thể thấy
được trong ngày, đó là nụ cười của
cụ bà Phờ-lo-ren Hớt (Florence Hert). Từ 6 giờ
sáng, cụ đến bệnh viện thăm hỏi các
bệnh nhân và an ủi thân nhân của
họ. Ngày nào cũng thế trong suốt
nhiều năm trời. Cụ thường nói
với các bệnh nhân: “Năm nay tôi đã 90 tuổi,
nếu tôi còn có thể đến đây mỗi ngày với
nụ cười trên môi, thì các bạn cũng thế, các
bạn cũng có thể cười như tôi. Nào, các bạn hãy thử đi”.
Một
trong những cách thế hữu hiệu nhất để
xoa dịu nỗi đau khổ của chính mình, đó là ra
khỏi chính mình để tìm cách làm cho người khác
bớt đau khổ. Đau khổ được chữa
trị bằng sự chấp nhận đã đành,
nhưng còn được xoa dịu bởi những
nghĩa cử mà chúng ta làm cho người khác. Cụ bà trong câu truyện trên, hẳn không phải
là một người không đau khổ. Tuổi già,
bệnh tật, cô đơn, đau khổ… có ai thoát
khỏi phần số đâu. Thế nhưng với
nụ cười luôn nở trên môi, với đôi chân dù
phải bước đi khập khiễng, với tấm
lòng chia sẻ chân thành… cụ đã biến ra khỏi chính
mình để đến với tha nhân…
Ra
khỏi chính mình, đó là bước đầu tiên giúp
chúng ta thắng vượt được nỗi khổ
đau riêng tư của mình. Có ai trong chúng ta thoát khỏi những dằn vặt,
bất an của khổ đau? Mỗi người là một nỗi khổ.
Mỗi ngày qua đi là một cơn đau. Ai
trong chúng ta cũng có một thập giá để vác. Sức nặng của thập giá ấy sẽ
vơi đi, sẽ nhẹ bớt đi, nếu chúng ta
biết ra khỏi chính mình để đến với tha
nhân, xoa dịu nỗi khổ đau của họ.
Một cụ già 90 tuổi, chân đi khập khiễng,
vẫn có thể ngày ngày mang nụ cười và niềm an ủi lại cho người khác. Anh chị em và tôi, chúng ta có thể hé mở, dù
chỉ một nụ cười hay không?
Thế giới
của chúng ta, xã hội của chúng ta, có lẽ đang
cần đến những cái mỉm cười ấy
hơn bất cứ một cuộc truyện trò tào lao nào. Sự giúp đỡ nhân
đạo có thể sẽ không bao giờ đến
với những người đang cần đến,
hoặc nếu có đến cũng chỉ đến như
một quà tặng vô danh. Điều thiết thực
nhất đang ở trong tầm tay mỗi người
chúng ta, và mọi người đều chờ
đợi, có lẽ chỉ là một nụ cười,
một lời an ủi, một mẩu bánh nhỏ… nhưng
được trao ban với tất cả lòng yêu mến. Đó là những điều tất cả chúng ta
ai cũng có thể làm được.
Giữa
biết bao nhiêu con người đau khổ, xin cho sự
hiện diện của người Kitô trở thành dấu
chỉ của tình thương Thiên Chúa đối với
con người. Xin
cho mỗi người Kitô trở thành bàn tay
đưa ra nối kết con người với tình
thương Thiên Chúa.
|