Giải
phóng đau khổ - ViKiNi
(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse
Vũ Khắc Nghiêm)
1. Ông Gióp kêu rên
thảm thiết: “Cuộc sống con người là
một khổ dịch... Là chuỗi ngày làm thuê... Số phận tôi là những đêm đau khổ...
ngay từ chiều tối, tôi trằn trọc đến
hừng đông”.
Lời than
thở đó diễn tả đủ loại đau
khổ chồng chất trên đời người: Đau
khổ thể chất thì ít, đau khổ tinh thần thì
quá nhiều.
Cuộc sống
thể chất là “một khổ dịch”. Khổ dịch vì bao nhiêu công việc nặng
nhọc. Con người sống như nô lệ, không
còn thời giờ hóng mát. Mệt mỏi về làm lụng,
mệt mỏi về ăn uống,
mệt mỏi về chơi bời giải trí! Còn biết
bao nhiêu khổ dịch của bệnh tật, già cỗi,
nghèo đói, loạn lạc, chiến tranh, thiên tai luôn vùi dập con người.
Đau khổ
thể chất còn đổ lỗi cho trời đất.
Những đau khổ tinh thần ghê sợ gấp
bội, lại do chính con người gây ra. Đó
là những đau khổ tâm lý, đau khổ đạo
đức, đau khổ siêu hình (siêu nhiên).
Đau khổ tâm
lý là những mặc cảm về “cuộc sống chỉ
là chuỗi ngày làm thuê”, mặc cảm về thân phận hèn
hạ tôi đòi, ở đậu. Không đâu là nhà,
luôn luôn bị trôi dạt, bị chao đảo, bị o ép,
nên dễ bất mãn, chống đối người khác,
chống đối xã hội, chống đối Thiên Chúa,
cuộc sống đầy những tâm trạng nổi
loạn, ghen ghét, hận thù, phản bội, chứng
tỏ một tâm lý ấu trĩ, tự ti mặc cảm,
thiếu tự tin, tự chủ, cái đau khổ của
Ađam Evà thân phận bùn đất nhưng lại
muốn bằng Thiên Chúa, thân phận là con ếch
dưới đáy giếng lại đòi bằng con bò
để căng da phình bụng nổ tan bành mà chết,
như trong ngụ ngôn của Lafontaine. Chừng nào ta
thấy được vinh phúc Thiên Chúa đã ban cho mình
từ bùn đất nên con người và từ con
người nên con Thiên Chúa, ta mới được
hạnh phúc thật.
Đau khổ đạo
đức: “Ngay từ chiều tối, tôi trằn trọc
đến hừng đông”. Con người
bối rối âu lo, bị ray rứt về những
dục vọng đen tối. Những đam mê sai
trái, những dằn vặt ấy đã làm thánh Phaolô
phải kêu lên: “Điều tôi không muốn, tôi lại làm!”. Bao nhiêu thiếu sót, bê trễ bổn
phận cũng là những tác nhân gây ra đau khổ:
“Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. “Nỗi ray rứt hàng ngày của tôi là mối
bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2Cr. 11, 28).
Sau cùng, thứ đau khổ cùng cực nhất của con
người là thấy “số phận của tôi là
những đêm tối đau khổ”, đêm tối là số phận
tôi, không ánh sáng, không tương lai, không hy vọng. Tất
cả gia tài, sự nghiệp ky cóp, bon
chen, giành giựt, chèn ép, chạy chọt như con thoi,
đều tan ra như mây khói: “Đời con chỉ là
một hơi thở”, một cái thở hắt ra là
chấm dứt cuộc đời, con người câm
lặng nhắm mắt lìa đời. Thật
ghê sợ, rợn rùng “Mắt con sẽ không được
thấy hạnh phúc bao giờ”. Đó là
thứ đau khổ siêu hình, thứ đau khổ về
hư vô. Thứ đau khổ mất
niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống, mất hy vọng
vào Đấng Cứu Độ đời đời.
2. Ai ai có thể cứu chữa tôi
thoát khỏi những thứ đau khổ này? Tất
cả nhân loại đều bó tay,
chỉ còn có Đức Giêsu thôi. Chính vì
để giải phóng đau khổ này, Đức Giêsu
đã đến trần gian. Người
đến để chữa lành đau khổ thể xác
và tinh thần. Cụ thể, hôm nay,
Đức Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê. Họ liền nói cho Người biết bà
nhạc mẫu của ông Simon đang đau liệt.
Đức Giêsu đến gần, cầm tay
nâng bà dậy. Bà liền hết sốt. Một cử chỉ thân tình xoa dịu mọi lo
âu thống khổ của gia đình. Người
đến làm cho cảnh gia đình sầu khổ
được sống lại hân hoan.
Cơm chiều đã dọn
sẵn, chỉ vài món ăn thanh đạm, nhưng vị
thượng khách chẳng kể chi. Cùng ngồi quây
quần với mọi người, Người thanh thoát
niềm nở kể chuyện. Câu chuyện trong sáng,
giản dị. Mọi người đón nghe Tin mừng
chan chứa niềm vui và hy vọng vào tương lai vinh
phúc bất diệt của con người. Mọi
xao xuyến, sầu khổ biến tan. Những
nụ cười tươi nở, những ánh mắt
sáng lên. Họ nhìn Người xiết bao trìu
mến và đầy tin tưởng. Hoàng
hôn buông xuống, chấm dứt ngày nghỉ lễ Sabbat,
cả thành ùn ùn kéo đến nhà ông Simon. Ông mở rộng cửa, dọn dẹp sân
vườn đón tiếp bà con xa gần. Simon mở
cửa nhà càng rộng, Đức Giêsu càng giang rộng
đôi cánh tay âu yếm, thương
mến đón tiếp mọi hạng người: nghèo hèn,
sang giàu, đau khổ, bệnh tật, đủ loại
quỷ ám và tội lỗi. Nhà Simon thành
đại gia đình tình thương của Chúa. Suốt tối hôm đó, Người chữa lành
mọi vết thương tâm hồn và thể xác.
Người luôn tay chúc phúc cho tất
cả toàn dân. Trời về đêm cũng
không cản nổi giòng thác người sầu khổ tuôn
đến với Người. Người không
biết mệt, tay vẫn giơ lên chạm đến
từng người, miệng luôn đọc lời chúc
lành bình an. Trái tim Người rung động cảm thương
dân chúng vô biên, không gì có thể làm tê liệt
được, như lời tiên tri Isaia đã loan báo:
“Người coi bệnh hoạn của chúng ta như
của riêng Người. Người mang hết mọi tai ương của chúng ta” (53, 4).
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gánh
lấy mọi khổ dịch của loài người và
đưa Tin mừng nước Trời cho khắp
mọi nơi, từ thánh đường đến gia
đình, từ thành phố đến mọi nẻo
đường xã ấp. Xin cho muôn dân mau mau đến xum
họp chung quanh Chúa đoàn tụ thành
đại gia đình tình thương vinh phúc của Chúa.
Amen.
|