Suy
Niệm Chúa Nhật V Thường Niên –
Năm B
Nếu
sắp xếp cho có thứ tự, chúng ta
sẽ có một ngày sống của Đức
Giêsu được Tin mừng Thánh Marcô
hôm nay tường thuật lại. Từ một
ngày sống của Đức Giêsu, chúng
ta nhìn lại một ngày sống của
chúng ta phải như thế nào?
Một
ngày sống của Đức Giêsu
Thứ
nhất, Ngài cầu nguyện:
Đức Giêsu bắt đầu ngày sống
của mình bằng việc cầu nguyện.
Tin mừng hôm nay cho biết: “Sáng
sớm tinh sương, Ngài chỗi dậy, ra
khỏi nhà, đi đến một nơi
thanh vắng và cầu nguyện tại đó.”(Mc
1,35). Ngài cầu nguyện để sống
thân mật với Chúa Cha. Ngài cầu
nguyện để lắng nghe và thực hiện
ý Chúa Cha muốn. Việc Ngài cầu
nguyện nói lên sứ mạng của Ngài
phát xuất từ Thiên Chúa và
luôn có Chúa Cha đồng hành. Đọc
Tin mừng chúng ta thấy, đây không
phải là lần duy nhất Đức Giêsu
cầu nguyện, mà Ngài cầu nguyện
luôn, cả sớm mai và chiều tối,
có khi Ngài cầu nguyện suốt đêm.
Cách riêng, Ngài cầu nguyện trước
những biến cố quan trọng, như trước
khi Ngài chọn các Tông đồ, trước
khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều,
trước khi bước vào cuộc khổ
nạn, trước khi trút hơi thở cuối
cùng trên thập giá. Ngài cầu
nguyện cho Ngài, cầu nguyện cho các
môn đệ, cho những người nhờ
Ngài mà tin và cho thế gian. Ngài
không những cầu nguyện mà còn
dạy cho các Tông đồ cầu nguyện
bằng Kinh Lạy Cha và Ngài khuyên bảo
các Tông đồ và mọi người
chúng ta hôm nay: Hãy cầu nguyện luôn
kẻo phải sa chước cám dỗ; Cầu
nguyện như vũ khí để xua trừ
quỷ dữ: “Giống
quỷ đó chỉ có cầu nguyện
mới trừ được thôi.” (Mc
9,29).
Thứ
hai, Ngài rao giảng Tin mừng:
Tại Caphácnaum, vào ngày sabát,
Ngài vào hội đường giảng
dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời
giảng dạy của Ngài, vì Ngài
giảng dạy như một Đấng có
thẩm quyền, chứ không như các
kinh sư. (x. Mc 1,21-22). Tại Nazarét, là
nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào
hội đường như Ngài vẫn quen
làm trong ngày sabát, và đứng
lên đọc Sách Thánh. Sau đó,
Ngài cắt nghĩa cho dân chúng về
ý nghĩa của đoạn Kinh thánh mà
họ vừa nghe (x. Lc 4,16-30). Ngài không chỉ
rao giảng trong hội đường mà còn
rao giảng nhiều nơi khác nữa: tại
tư gia (x. Mc 2, 2), ngoài bờ biển (Mc 2,
13), trên núi (x. Mt 5,1-12). Rồi Ngài đi
giảng khắp mọi nơi vì Ngài đến
là để làm công việc đó.
Cho nên, khi các môn đệ đi tìm
Ngài, Ngài nói với họ rằng:
“Chúng
ta hãy đi nơi khác, đến các
làng xã chung quanh, để Thầy còn
rao giảng ở đó nữa, vì Thầy
ra đi cốt để làm việc đó.”
(Mc 1,38).
Thứ
ba, Ngài chữa lành bệnh tật, xua trừ
ma quỷ:
Tin mừng hôm nay cho biết, ra khỏi hội
đường, Ngài cùng với ông
Giacôbê và Gioan đến nhà Simon
và Anrê, Ngài chữa cho bà nhạc
gia của Simon khỏi bệnh cảm sốt (x. Mc
1,29-31). Không dừng lại ở đó,
đọc Tin mừng chúng ta biết, Ngài
dành nhiều thời gian để chữa bệnh
và trừ quỷ. Ngài chữa lành hết
tất cả các người bệnh được
đưa đến với Ngài: Bệnh phong
cùi, bệnh bất toại, bệnh loạn
huyết, bệnh mù, bệnh câm điếc,
bệnh què quặt…Ngài dùng nhiều
cách thế để chữa bệnh nói
lên quyền phép của Ngài trên
bệnh tật: chữa bệnh từ xa, phán
một lời, Ngài lấy nước miếng
trộn vào đất bôi lên mắt
bệnh nhân được khỏi, người
bệnh đụng đến Ngài, Ngài
đụng đến người bệnh thì
người bệnh được khỏi... Tin
mừng hôm nay làm chứng cho chúng ta
biết điều đó: “Lúc
mặt trời đã lặn, người ta
dẫn đến với Người tất cả
những bệnh nhân, tất cả những
người bị quỷ ám: và cả
thành tụ họp trước cửa nhà.
Người chữa nhiều người đau ốm
những chứng bệnh khác nhau, xua trừ
nhiều quỷ, và không cho chúng nói,
vì chúng biết Người.”
(Mc
1,32-34).
Đức
Giêsu không giới hạn việc chữa
lành vào một số người bệnh
hay một số vùng miền, nhưng đối
tượng được Ngài cứu chữa
là hết tất cả mọi người
bệnh và các vùng miền. Như thế,
chúng ta thấy một ngày sống của
Đức Giêsu thật ý nghĩa: cầu
nguyện, rao giảng, chữa lành. Còn
một ngày sống của chúng ta thì
sao?
Một
ngày sống của chúng ta
Nếu
một ngày sống của chúng ta giống
như ngày sống của Đức Giêsu
thì tốt biết mấy, nhưng có lẽ
khó có ai thực hiện được
như Ngài. Vậy, để ngày sống
của chúng ta có ý nghĩa và
phần nào họa lại ngày sống của
Đức Giêsu, xin được gợi ý
một số thực hành sau đây:
Thứ
nhất, chúng ta hãy bắt đầu ngày
sống bằng việc cầu nguyện:
Tùy vào hoàn cảnh cho phép, sau khi
thức dậy chúng ta có thể đi tham
dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung
với cộng đoàn hay với các thành
viên trong gia đình. Những hoàn cảnh
đặc biệt khác, chũng ta có thể
cầu nguyện, đọc kinh riêng hay đọc
và suy gẫm Lời Chúa một mình.
Nghĩa là phải cố gắng bắt đầu
ngày sống bằng việc cầu nguyện.
Cầu nguyện để xin ý Chúa. Cầu
nguyện để kết hợp với Chúa
trong công việc. Cầu nguyện để
dâng tất cả các công việc trong
ngày cho Chúa để Chúa lo liệu,
nhờ đó, mọi công việc chúng
ta làm trong ngày mang lại lợi ích
hồn xác. Thực tế, trong cuộc sống
hôm nay do công ăn việc làm và
nhiều nguyên nhân khác nên rất
nhiều kitô hữu đã không cầu
nguyện đầu ngày, thậm chí bỏ
cầu nguyện trong ngày. Theo gương Đức
Giêsu, chúng ta đừng quên cầu
nguyện đầu ngày, thậm chí còn
cần phải dành thời gian để cầu
nguyện trong ngày và kết thúc ngày
sống cũng phải bằng việc cầu
nguyện.
Thứ
hai, chúng ta làm việc trong ngày theo bổn
phận trao phó với ý thức làm
sáng danh Chúa:
Có người làm việc đời, có
người làm việc đạo; Có
người làm việc tri thức, có
người làm việc chân tay; Có
người đi chợ bán hàng, có
người đi chợ mua hàng; Thầy cô
đi dạy, học sinh đi học; Có người
đi cày, có người đi cấy; có
người làm bác sỹ, có người
là bệnh nhân; có người làm
kỷ sư, có người làm công
nhân…và biết bao nhiêu công
việc khác. Nhưng dù làm bất cứ
việc gì cũng không được gian
dối, không được lỗi công
bằng, không được lỗi bác ái
yêu thương. Trái lại, hãy làm
trọn phận vụ, hãy làm việc cho
sáng danh Chúa. Thánh Phaolô nhắc
nhở: “Bất
cứ làm việc gì, hãy làm tận
tâm như thể làm cho Chúa, chứ
không phải cho người đời.”
(Cl 3,23). Ngài còn khuyên: “dù
ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc
gì, anh em hãy làm tất cả để
tôn vinh Thiên Chúa”
(1Cr 10,31).
Thứ
ba, chúng ta cần dành thời gian nhiều
hơn để quan tâm chăm sóc các
bệnh nhân:
Hiểu theo nghĩa chặt thì bệnh nhân
là những người mắc các chứng
bệnh về phần xác nhưng hiểu theo
nghĩa rộng thì bệnh nhân là
những người đau khổ cả về
phần xác lẫn tinh thần: đói,
khát, trần truồng, tù đày... Đó
là đối tượng chúng ta cần
phải quan tâm. Vì trong ngày phán
xét, Đức Giêsu sẽ phán xét
và thưởng phạt chúng ta dựa vào
việc chúng ta có quan tâm hay không
đối với các đối tượng
trên.
Bài
Tin mừng cho chúng ta thấy, Đức Giêsu
đã dành nhiều thời gian để
chữa lành bệnh tật và vì thể
Ngài đã đem đến niềm vui và
niềm hy vọng cho họ. Ngược lại,
Bài đọc I, kể lại câu chuyện
ông Gióp. Mặc dầu, ông là người
thánh thiện, nhưng khi ông bị bệnh
tật, thiếu sự quan tâm của người
thân, ông vẫn cảm thấy bi quan.
Ngày
hôm nay, những trường hợp như ông
Gióp hay như bà nhạc mẫu Simon cũng
đầy dẫy trong xã hội chúng ta
đang sống. Họ ở bên cạnh chúng
ta, có thể họ là người thân
của chúng ta. Họ đang cần sự quan
tâm giúp đỡ của chúng ta. Nếu
không giúp họ được khỏi bệnh
thì chúng ta có thể góp phần
làm xoa dịu họ bằng cách quan tâm
giúp đỡ, thăm hỏi, động viên
khích lệ, không được để
người mắc bệnh phải cô đơn,
thất vọng.
Nếu một ngày
sống của chúng ta bắt đầu bằng
việc cầu nguyện, sau đó làm tốt
việc bổn phận với ý thức làm
sáng danh Chúa, nhất là biết quan
tâm giúp đỡ các bệnh nhân
thì chúng ta đang họa lại ngày
sống của Chúa Giêsu. Lạy Chúa
Giêsu, xin cho ngày sống của chúng
con giống như ngày sống của Chúa.
Amen.
Lm.
Anthony Trung Thành
|