Sự thống hối
Đức Giêsu
bắt đầu sứ vụ công khai của Người
bằng lời rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Lời kêu gọi sám hối này
nhắm đến ai vậy? Trước
hết, lời kêu gọi này nhắm đến những
kẻ tội lỗi, nhưng trên thực tế, cũng
nhắm đến tất cả mọi người, ngay
cả người tốt lành.
Đức Giêsu
băn khoăn đối với những người
tốt lành hơn, so với những kẻ tội lỗi.
Tại sao vậy? Kẻ
khó biến đổi nhất lại chính là những người
tốt lành, bởi vì họ không nhận thấy mình có
bất cứ nhu cầu nào trong việc hoán cải.
Muốn đưa một bệnh nhân đi khám bác sĩ
đã là một chuyện khá khó khăn, nhưng bạn hãy
thử thuyết phục người đang mạnh
khỏe đi bác sĩ xem sao! Những kẻ
tội lỗi vốn công khai thừa nhận rằng mình
là người tội lỗi, lại không gây ra cho
Đức Giêsu cùng một nỗi băn khoăn như
vậy.
Để
đáp ứng lại lời kêu gọi hoán cải,
người ta phải cảm thấy bất mãn với
chính mình, và ao ước một điều gì đó tốt
đẹp hơn. Họ phải ý thức
rằng bản thân mình có một điều gì đó sai
trái, hoặc ít nhất là đang thiếu sót một
điều gì đó. Cảm nghiệm
về nhu cầu hoán cải bắt đầu với
việc nhận ra rằng chúng ta không được
như điều chúng ta có thể và nên làm. Nhận thức này là giai đoạn đầu
tiên của một quá trình, bước kế tiếp là
cả một hành trình.
Để xúc
tiến lời kêu gọi hoán cải, đòi hỏi
người ta phải có tinh thần cởi mở, chân
thành, khiêm tốn, và nhất là lòng can đảm – can
đảm để chấm dứt kiểu tự lừa
dối chính mình, và dám đối diện với một
thực tại đau lòng, can đảm thừa nhận
tội lỗi của mình, cầu xin ơn tha thứ và
quyết tâm thay đổi. Con người ta có thể
trở nên quá kiên định trong lối sống của
mình, do đó, lại càng bị chìm đắm trong những
lối mòn, đến nỗi hầu như không thể lay
chuyển họ được.
Một
số người có thể nhìn thấy tương lai
tốt đẹp hơn, nhưng vẫn không chịu di
chuyển. Họ nhận ra rằng không thể đạt
được tương lai này chỉ trong nháy mắt,
hoặc bằng phương tiện là cây gậy thần.
Họ nhận ra rằng con đường trước
mặt sẽ lâu dài, sự tiến bộ thật là
chậm chạp và đau thương. Con người
của hiện tại không thể cư ngụ trong ngôi nhà
của tương lai, chỉ người nào biết
biến đổi mới có thể sống được
mà thôi. Đây là lý do tại sao một số người
đã chọn lựa ở lại nguyên tình trạng
của họ.
Người ta
thường trình bày sự thống hối như là
một công việc đầy khó khăn, tiêu cực và
đáng buồn, dường như thể điều
đó chỉ bao hàm cảm giác tội lỗi về
những sai phạm của mình, và phải gánh chịu hình
phạt do các tội lỗi này. Sự
thống hối là một hành động rất tích
cực. Thật vậy, thống hối
là thừa nhận rằng tất cả mọi sự
nơi bản thân mình đều chưa tốt đẹp.
Nhưng cũng là khám phá rằng con người mình có
một điều gì đó tuyệt vời, nghĩa là có
những tiềm năng, mà mình chưa biết là mình có.
Điều này có nghĩa là người đó đang
đạt được một tầm nhìn mới,
đang đi theo một đường
hướng mới, tự mình theo đuổi những
mục đích xứng đáng hơn, sống theo những
giá trị tốt đẹp hơn. Nói tóm
lại, điều này mở ra một lối sống
mới. Khi thấu hiểu
được điều này, thì thống hối lại
là một công việc đầy phấn khởi, và luôn luôn
đưa đến niềm vui.
Thống
hối nghĩa là biến đổi. Sự biến
đổi là điểm mở đầu cho mỗi
cuộc hành trình thiêng liêng, và đó là điều tiên
quyết để đi vào nước Thiên Chúa. Cuộc sống Kitô hữu là một quá trình
biến đổi liên tục.
|