Đã mãn
Để
chuẩn bị chịu phép Thêm sức, các em thanh thiếu
niên phải thiện nguyện tham gia những việc bác ái
như giúp đỡ những người già yếu, tham
gia vào việc xã hội của cộng đoàn… Sau khi làm
công tác, các em họp nhau lại để chia sẻ cảm
nghiệm. Có một em đã kể câu chuyện giúp
đỡ một bà cụ từ siêu thị Kmart về nhà
như sau:
Sáng Chúa nhật
em ra ngoài tiệm Kmart, gặp một bà cụ đang
khệ nệ với hai túi xách tay nặng những hàng hóa
mới mua. Bà cụ chỉ có một mình, vất vả
với hai túi xách tay cồng kềnh, và cứ đi
được ít bước phải dừng lại
nghỉ ngơi, em liền đến xin giúp đỡ. Bà
vui vẻ thuận lời ngay. Nhận thấy hai túi
đồ hơi nặng, em hỏi bà: “Nhà bà có xa lắm
không?” bà trả lời: “Không xa lắm đâu, ở
cuối đường kia thôi!”
Lúc đầu em
cảm thấy OK, sau một lúc em hơi mỏi tay. Hai bà
cháu đã đi bộ qua được vài khu phố. Hai
cánh tay em bắt đầu ê ẩm nhưng vì tự ái em
không muốn nghỉ dọc đường. Tuy vậy, em
cứ luôn miệng hỏi bà cụ xem đã về gần
đến nhà chưa. Mỗi lần hỏi, bà đều
trả lời: “Không xa lắm đâu, gần tới
rồi!” Sau cùng bà quẹo vào một con đường
nhỏ. Em mừng rỡ hỏi: “Phải khu phố này
không?” “Không xa lắm đâu, ở cuối đường
kia thôi!” Bà trả lời.
Bà và em lại
bước đi thêm mấy khu phố nữa. Những
bước chân chậm chạp, nặng nề và
đầy nỗ lực. Các ngón tay của em đã đau
và tê cóng lại. Sau cùng bà cụ dẫn em vào một cái
building cho mướn, chừng 5 hay 6 lầu. “Bà ở
lầu mấy?” Em hỏi bà cụ. Bà lại trả
lời, “Không xa lắm đâu, mấy bước ấy
mà!” Hai bà cháu lại lết thết bước lên từng
lầu một. Tại mỗi lầu, em đều hỏi
xem có phải bà ở lầu này không. Sau cùng thì lên
đến lầu thứ 5. Em chia sẻ rằng em cảm
thấy công việc bác ái từ thiện của em giống
như một cuộc mạo hiểm leo lên núi! Cái
khoảng cách bà cụ nói rằng “Không xa lắm đâu,
ở cuối đường kia thôi!” đã làm em kiệt
sức!
Tôi không thể
tránh được sự nghi ngại rằng Chúa Giêsu trong
bài Phúc âm hôm nay, có cái gì đó giống như bà cụ:
“Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã
gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Và thánh Phaolô trong bài đọc II cũng đã kêu gọi
giáo dân Côrintô rằng: “Thời gian chẳng còn bao lâu.
Vậy từ nay những người có vợ hãy sống
như không có…” À há! Chúa Giêsu và thánh Phaolô đã nói như
thế cách đây đã hơn 2000 năm rồi, và bây
giờ cũng vẫn chờ đợi mãi!
Có phải
rằng thời gian của Chúa khác với thời gian tính
của con người không? Trong thơ thứ hai của
thánh Phêrô cũng đã cắt nghĩa rằng: “Xin anh em
đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví
thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày”.
Tại sao Chúa Giêsu nói rằng thời giờ đã mãn mà
vẫn cứ phải chờ đợi?
Vương
Quốc Thiên Chúa giữ một vai trò quan trọng trong
lời rao giảng của Chúa Giêsu. Thánh Maccô dùng từ
“Vương Quốc Thiên Chúa”, nhưng thánh Matthêu lại
dùng từ “Vương Quốc Trên Trời”, theo như ngôn
ngữ của các thầy Rabbi Do Thái đương
thời. Thực ra cả hai từ đều đồng
nghĩa với nhau.
Trong Phúc âm Chúa
Giêsu đã dùng rất nhiều dụ ngôn khác nhau để
công bố và diễn tả Vương Quốc của Ngài.
Nó sẽ tăng trưởng giống như hạt cải,
hạt giống được gieo xuống đất,
trở thành một cây to lớn, ở đó mọi chim
trời sẽ đến làm tổ. Nó sẽ nâng thế
giới lên như men trong bột, và có thể
được coi như một thực tại vô hình,
nhưng đang hiện diện. Nó ẩn hiện giống
như lúa lẫn lộn với cỏ lùng trong một cánh
đồng, hay ở chính giữa “đàn chiên nhỏ bé”
đã lãnh nhận nó.
Vương Quốc
có thể là Giáo Hội được xây dựng trên Phêrô.
Đó cũng là ân sủng tuyệt hảo của Thiên Chúa
ban do làng nhân lành của Ngài qua dụ ngôn thợ làm
vườn nho, hoặc người ta phải sở
đắc bằng tất cả những gì họ có, hay
được ban cho ai có tâm hồn khó nghèo, có thái
độ bé thơ, tích cực tìm kiếm sự công chính,
chịu đựng những sự bách hại, chu toàn thánh
ý Chúa Cha, và có tình yêu thương huynh đệ. Muốn vào
được Vương Quốc không phải ai cũng
có thể vào được, nhưng phải chu toàn
những đòi hỏi, có kẻ bị đuổi ra ngoài
vì không mặc áo cưới. Theo nguyên tắc phải hoán
cải và tỉnh thức.
“Vương
Quốc Thiên Chúa” là một từ với rất nhiều ý
nghĩa. Một ảnh hưởng thấm nhập vào tâm
khảm con người để con người trở nên
một với Thiên Chúa. Đó là ân sủng và sự hiện
diện của Thiên Chúa nơi các tâm hồn. Một nơi
mà tình yêu Thiên Chúa cai trị trong trái tim của ta.
Trong những
trang nhật ký của bà Elaine M. Prevallet trích từ “Occasional
Journal” có đoạn như sau:
“Vương
Quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta, ở giữa chúng ta,
ở trong sức mạnh của chúng ta, nó có sẵn đó
cho chúng ta. Nó có thể bị lôi kéo ra khỏi chúng ta, và chúng
ta có thể lấy nó ra khỏi những người khác…
Chữ “Vương Quốc” chỉ về một tiến
trình phát triển của tình yêu Thiên Chúa trong cuộc
sống của con người”.
“Vương
Quốc ở trong tôi khi tôi có an bình, khi tôi giữ phẩm
giá của mình, khi tôi biết mình là quý giá trong ánh mắt
Chúa, khi tôi sống thẳng thắn với nhân quyền, khi
tôi biết đón nhận và dùng tài năng, khi tôi có thể
cảm tạ Chúa vì đời mình.
Vương
Quốc không ở trong tôi khi tôi sợ hãi, khi tôi đầy
mặc cảm tội lỗi, khi tôi mất niềm tin, khi
tôi bị khinh thường, khi tôi không biết kính trọng
mình, khi tôi nghĩ mình là xấu.
Vương
Quốc ở giữa chúng ta khi chúng ta cư xử với
mọi người như anh chị em, khi chúng ta có thể
tha thứ, khi chúng ta nhân ái với mọi người, khi
chúng ta chân thành trong các liên hệ, khi chúng ta làm việc cho an
hòa, khi chúng ta chỉ ước ao làm điều tốt.
Vương
Quốc không ở giữa chúng ta khi chúng ta muốn
khống chế người khác, khi chúng ta chất
đầy những tư tưởng báo thù, khi chúng ta
lạm dụng tình yêu và sự tin tưởng của
người khác, khi chúng ta không thành thật trong các
tương quan, khi có sự chia rẽ trong gia đình, khi
chúng ta tạo ra đau khổ và ghen tương.
Vương
Quốc ở xung quanh chúng ta khi chúng ta đoàn kết
với nhau, khi chúng ta nhìn thẳng vào cuộc sống, khi
chúng ta dấn thân, khi chúng ta phấn đấu trong kiên
nhẫn và vui sướng, khi chúng ta mời người
khác cùng xây dựng, khi chúng ta cảm tạ Chúa vì sự
hiện diện của Ngài trong chúng ta, trong gia đình và
cộng đoàn chúng ta.
Vương
Quốc không ở xung quanh chúng ta khi chúng ta bị chia
rẽ và phân tán, khi chúng ta mù quáng đối với
những vấn đề phải giải quyết, khi
chúng ta không muốn biết, khi chúng ta đầu hàng trong
tuyệt vọng, khi chúng ta làm nản lòng người khác,
khi chúng ta đổ thừa cho Chúa”.
Vương
Quốc Thiên Chúa đã hiện diện đầy
đủ và sung mãn nơi chúng ta, nhưng chúng ta không
nhận ra là vì trong chúng ta và thế giới này còn
đầy tội lỗi và bất công. Chúng ta chưa hoán
cải và tỉnh thức như Chúa Giêsu đã kêu gọi:
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Giờ đây
trên Internet tôi nhận được một bản
thống kê về sự chênh lệch và bất công trên
thế giới. Nếu dân số thế giới
được thu hẹp lại với cùng một tỷ
lệ tương tự vào một ngôi làng nhỏ chỉ
có 100 người, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh
như sau:
Có 57
người Á Châu, 21 người Âu Châu, 14 người
từ cực Nam Bắc, 8 người Phi Châu.
30 người
là da trắng; 70 người không phải da trắng.
30 người
là Kitô hữu; 70 người không phải là Kitô hữu.
50/o của
cải trên thế giới ở trong tay 6 người và 6
người này là công dân Hoa Kỳ.
70 người
không biết đọc.
50 người
thiếu ăn, bị suy dinh dưỡng.
80 người
không nhà không cửa, hoặc nơi ở thiếu tiêu
chuẩn.
Chỉ có
một người tốt nghiệp đại học mà
thôi!
Cải
thiện đời sống, xóa bỏ bất công, tránh xa
tội lỗi là những lời kêu gọi thúc dục
cấp bách của Tin Mừng để giúp nhận ra
sự hiện diện của Vương Quốc Thiên Chúa.
William Barclay
đã giải thích lời Chúa Giêsu kêu gọi sám hối
như sau: “Chữ sám hối theo từ ngữ Hy Lạp
“metanoia” có nghĩa là một sự thay đổi của
tâm trí. Chúng ta thường lẫn lộn hai điều:
hối tiếc vì những hậu quả của tội
lỗi và hối hận vì tội. Nhiều người
rất ân hận vì sự rối loạn do tội lỗi
gây ra cho họ, nhưng chính họ lại biết rõ ràng
rằng, nếu có thể thoát khỏi những hậu
quả của tội lỗi, họ cũng sẽ phạm
lại y như vậy.
Sám hối
thực sự có nghĩa là một người không chỉ
ân hận vì những hậu quả của tội mình,
nhưng phải tiến tới việc ghét bỏ chính
tội lỗi nữa. Xưa kia, Montaigne, một nhà khôn
ngoan đã viết trong cuốn tự thuật rằng,
“Trẻ em nên được dạy dỗ phải ghét
bỏ tật xấu vì chính sự cấu tạo của
nó, các em sẽ không chỉ tránh né trong hành động, mà còn
phải chê ghét nó trong tâm hồn tới nỗi chỉ
một tư tưởng về nó thôi cũng đủ làm
cho ghê tởm”. Sám hối có nghĩa là phải ghét tội vì
chính sự tội tỗi của nó”.
Sách Giáo lý Công
giáo khuyên chúng ta: “Nhưng trong cuộc lữ hành của
mình, Giáo Hội đã kinh nghiệm về “quãng cách giữa
sứ điệp mình phải công bố và sự yếu đuối
của những con người được ủy thác
Phúc âm này”. Vậy phải tiến bước trên con
đường “của sám hối và của đổi
mới…”
Vương
Quốc Thiên Chúa chính là ân sủng của Thiên Chúa đã
hiện diện ở giữa chúng ta để giúp chúng ta
chiến đấu với tội lỗi. Bổn phận
của chúng ta là hòa hợp hành động của mình
với hành động của Thiên Chúa. Khi chúng ta hòa nhịp
với thánh ý Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm nghiệm
được Nước Thiên Chúa. Mỗi giây phút hiện
hữu trên cuộc đời là một cơ hội cho con
người gặp gỡ Thiên Chúa và Vương Quốc
của Ngài.
|