Tiếp nối những bước chân anh
hùng
(Suy niệm
của Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP)
Chuyện xưa kể lại:
ngày ấy, có một người tên là Ápram, cùng với
vợ là Xarai và người cháu tên là Lot, sinh sống trong
một nông trại ở một miền đất gọi
là Kharan. Ông ao ước có một đứa con để
nối dõi tông đường, nhưng chẳng
được. Súc vật, đồng cỏ, mọi
thứ có đầy đủ, thế mà ông Ápram vẫn
cảm thấy thiếu thốn. Đời
sống cứ thế qua đi, cho đến một hôm,
ông Ápram nghe được một tiếng nói lạ lùng
“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha
ngươi mà đi tới miền đất Ta sẽ
chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành
một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ
cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng và
ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc
phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai
nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.
Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt
đất sẽ được chúc phúc” (St 12,1-3).
Bảy
mươi lăm tuổi đầu rồi đâu còn
trẻ gì nữa, làm sao có thể chịu đựng
những nỗi vất vả, những hành trình; của
cải cũng đầy đủ quá rồi, còn mong
ước gì hơn nữa. Lại còn chuyện sẽ được cai quản một dân lớn, làm tổ
phụ cả một đoàn dân đông đảo; ôi
những chuyện xa vời quá, làm sao chấp nhận
nổi?
Ápram phân vân,
đắn đo suy nghĩ ông cảm thấy tiếng nói
lạ lùng ấy đầy uy lực, thôi thúc ông phải
thi hành. Và ông đã chấp nhận lên đường,
bỏ lại quê cha, bỏ lại mồ mả tổ tiên,
bỏ lại mảnh đất thân yêu, bỏ cả
sự an toàn đang có ông chỉ mang theo những gì có
thể, và dấn mình vào trong cuộc phiêu lưu liều
lĩnh với muôn ngàn bất trắc, chưa xác
định nơi nào sẽ định cư. Tất cả chỉ dựa trên một lời
hứa, một lời hứa linh thiêng và bí nhiệm.
Apram
đã không lầm. Những chi tiết của lời hứa đã
được thực hiện. Ong
đã được dẫn tới một miền
đất phì nhiêu, ông đã có được nhiều
của cải, chiên bò, gia súc, v.v… và có nhiều nhân viên giúp
việc. Đời sống của ông bây giờ sung
túc hơn xưa nhiều. Điều vui
mừng hơn hết là Apram có được một
cậu con trai, người con bấy lâu ông hằng mơ
ước. Cuộc đời ông tưởng như
không còn ước mong gì hơn nữa … (x. St 21,1-7).
Câu
chuyện lại không chấm dứt ở chỗ này. Một lần nữa, tiếng
nói lạ lùng năm xưa lại đến với ông,
cũng đầy uy dũng và thúc bách: “Hãy đem con của
ngươi, đứa con một yêu dấu của
ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Moria mà dâng nó
làm lễ tòan thiêu” (x. St 22,1-2).
Sao? Lệnh truyền gì mà lạ lùng
thế! Lần trước tiếng nói ấy đã cho ông
biết: ông sẽ là tổ phụ của một dân
lớn, con cháu ông sẽ đông như sao trên trời,
như cát dưới biển. Thế mà giờ đây
lại được lệnh đem sát tế, đem
giết đi đứa con độc nhất, đứa
con nối dõi.
Apraham
đã được đổi tên – cảm thấy như
có một sức mạnh linh diệu thôi thúc ông,
đồng thời dựa trên những kết quả
từ lời hứa lần trước, ông quyết
định thi hành.
Kết cuộc
câu chuyện ra sao, chúng ta đã biết rồi, vào lúc Apraham
sửa soạn thi hành lệnh truyền, thì đứa con
đã được cứu thóat do một sự can thiệp
lạ lùng …
Với
những hành động can đảm và liều lĩnh
ấy, kèm theo một lòng tín trung phó thác mãnh liệt, Apraham
trở thành cha của tất cả những ai có niềm
tin, trở thành con người khai mở cả một
chặng đường, một hành trình nhiều
đột biến nhưng thật phấn khởi,
trở thành gương mẫu điển hình cho lòng vâng
phục, cho hy vọng …
Một
câu chuyện khác.
Cách đây hơn
2000 năm, hay có khi trước đó nữa, đã có
những nhà chiêm tinh, căn cứ vào những điềm
xảy ra trong vũ trụ để nghiên cứu những
biến cố. Đó là công việc của
những nhà giàu có, sẵn tiền của và thời
giờ. Ở vùng đất xa xôi nọ, theo truyền thuyết, có ba nhà đạo
sĩ cùng làm công việc ấy. Ngày nọ, ba
người thấy xuất hiện trên bầu trời
một vì sao lạ, một vì sao chưa thấy xuất
hiện lần nào. Ba ông ngạc nhiên và bàn tính với
nhau: Hẳn đây là một điềm báo trước
một biến cố trọng đại. Nghiên
cứu tìm tòi, ba ông được biết vì sao ấy ám
chỉ một ông vua mới sinh. Vì vua ấy chắc
là cao sang lắm! Nên mới có ngôi sao lạ.
Ba ông đều muốn lên đường
đến chiêm bái vị vua mới sinh. Ba ông quyết
định từ bỏ cả của cải, đem theo những báu vật để dâng cúng
vị vua mới sinh.
Và
ba ông đi mãi, đi mãi, dưới sự hướng
dẫn của ba sao lạ … Và đến đây chúng ta
đã biết được phần cuối của câu
chuyện rồi.
Đó là ba nhà đạo sĩ đến kính bái Chúa Giêsu
mới giáng sinh ở Bêlem (Mt 2,1-12).
Apraham, ba nhà
đạo sĩ đã đi trên một con
đường: con đường của tìm kiếm, con
đường của đức tin, con đường
dẫn tới tương lai, dẫn tới sự
sống. Các vị đã chọn đi trên con
đường đó với bao quả cảm, với bao
nỗ lực và phấn đấu. Con đường
ấy dẫn đưa các vị đến những thành
đạt kỳ ảo nhất và cũng dễ hiểu
nhất. Con đường ấy là con đường duy
nhất, vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng,
chẳng còn con đường nào khác. Con đường
ấy thật nhiều đột biến, thật
nhiều thử thách và gian nan, đôi khi
rất tăm tối, nhưng cũng đầy hứng
thú và kỳ diệu …
Con
đường đức tin hay hành trình chinh phục chân
lý. Con đường dẫn con người đến
những đỉnh cao, những thực tại siêu
vời của cuộc sống …
Đó
cũng là con đường của chúng ta, của mọi
người. Mỗi người đều được
mời gọi hướng về sự thật,
hướng về vô biên. Con đường ấy
cho cả hôm nay, hôm qua và ngày mai, không thể có một con
đường nào khác. Chỉ có đức
tin mới dẫn đến sự thật, chỉ có tín
trung mới dẫn đến sự sống. Đó là
chấp nhận phiêu lưu, chấp nhận mạo
hiểm, như nhà leo núi chấp nhận
những khó khăn để đạt được
danh hiệu cao quý nhất của nhà chinh phục.
Chân
lý – sự sống.
Đó là nguyên lý cao nhất. “Phải
sẵn sàng hy sinh những gì yêu quí nhất để theo đuổi cuộc tìm kiếm ấy, dù
có phải hy sinh cả cuộc sống” (Gandhi).
Mãi
mãi đi trên hành trình của Apraham, của ba nhà đạo
sĩ, hành trình của lòng tin và hy vọng.
|