Một chút
quà dâng tiến
Hài Nhi
(Suy niệm của Lm Nguyễn Khoa Toàn)
Câu chuyện về ba
đạo sĩ vượt đường xa vạn
dặm dậng tiến Chúa Hài Nhi vàng, mộc dược và
nhũ hương chỉ được ghi lại qua thánh
Matthêo. Cả ba quà tặng qúy giá kia
tượng trưng toàn bộ đời sống con
nguời về vật chất và cả về tâm linh
phải được nhìn qua lăng kính của những
người khách lạ rất khôn ngoan đến từ
phương Đông. Ngày xưa, và ngay cả
ngày nay cũng thế, phương Đông tượng
trưng cho những gì lạc hậu, chậm tiến và
nhất là lạc giáo.
Lễ Ba Vua là dịp cảnh
tỉnh những người nặng đầu óc cục
bộ chủ quan chỉ môi miệng hào nhoáng thờ
phượng Thiên Chúa nhưng lòng dạ lại dẫy
đầy những tính toán vật chất thế trần.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta khiêm cung
nhận chân tinh thần đạo đức và lòng bác ái
vị tha nơi các tôn giáo khác cũng như truyền
thống văn hoá từ những dân tộc, quốc gia
trên khắp cùng thế giới.
Soren Kierkegaard, trong "Only a Rumor" viết
rằng dẫu cho những đại giáo trưởng và
luật sĩ đã có thể biết đích xác ngày giờ
và nơi chốn Con Thiên Chúa giáng lâm, họ đã không buồn
theo bước ba đạo sĩ
phương Đông. Có thể chúng ta cũng thế!
Lắm khi chúng ta thông suốt ngọn nguồn điều
răn giáo lý, thuộc nằm lòng từng chữ từng
kinh nhưng vẫn không buồn lê buớc có lẽ vì
đôi chân đã chĩu nặng những phấn bụi
đường đời!
Thật là một nghịch lý
khôn cùng, Kierkegaard chua chát nhận xét. Ba Vua chỉ
mới nghe đồn thôi mà họ đã vội vã ra đi,
còn những nhà thông thái kia vẫn không
một mảy may biến động. Và ai
sẽ tìm đuợc chân lý? Những người khách
lạ từ phuơng Đông xa xôi kia?
Hay những người địa phương ung dung
tự mãn với một chút kiến thức nhỏ nhoi
hạn hẹp nơi mình? Và từ những hạn hẹp
nhỏ nhoi kia đưa đến
một cuộc thảm sát dã man thương tâm nhất
trong lịch sử con người.
Ngay từ lúc mới mở mắt chào
đời, Hài Nhi Giêsu đã hiểu
đuợc rằng từ đây số phận
Người đã gắn chặt cùng những kẻ
khốn cùng nhất trong những kẻ khốn cùng.
Những em bé thơ ngây trong trắng thành Bêlem đã là
những thánh tử đạo tiên khởi của toàn nhân
loại chỉ vì Thiên Chúa, ngay từ giây phút đầu tiên
nhập thể, đã thách thức những quyền thần
thế lực dương trần.
Hành động kinh khiếp kia
của Hêrôđê nhắc nhở rằng suốt cuộc
đời của Chúa Giêsu từ hang Bêlem âm u đến
đồi Golgotha trống vắng,
Người đã thở hơi đầu tiên với bò
lừa và đã trút hơi thở cuối cùng bên hai tên
tử tội. Và vì Hêrôđê, Người
đã đồng hoá cùng những người phải lìa
bỏ quê cha đất tổ vì bạo chúa bạo
quyền. Người đã tha phuơng cầu
thực nên những đau đớn họ đã tủi
nhục kinh qua, Người đã sống, đã từng...
Joy Carroll Wallis đã viết là quyền uy và
tình thương của Thiên Chúa đã biểu hiện
thật tận cùng trong những kẻ đói nghèo nhưng
rất khao khát tự do hoà bình công lý. Trong những kẻ
đói nghèo kia, có hàng triệu triệu
nguời tỵ nạn. Và những thuyền
nhân mang hai chữ Việt Nam.
Hãy đừng mặc cảm tự ti về thân phận và
danh xưng tỵ nạn của mình, nhưng hãy hãnh
diện với tước hiệu rơm rác kia,
vì chính rơm rác cùng các mục đồng và ba đạo
sĩ phương Đông đuợc gần Chúa Hài Nhi
trước nhất. Và đó cũng là món quà
hiếm quý nên dâng tiến lên Đấng Cứu Tinh.
|