Suy
Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép
Rửa – Năm B
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là
thời gian kết thúc Mùa Giáng sinh và
bắt đầu bước vào mùa Thường
niên hay còn gọi là Mùa quanh năm.
Đây cũng là thời điểm Đức
Giêsu được tấn phong làm Đấng
Messia, Đấng Cứu Thế, Ngài bắt
đầu bước vào đời sống
công khai, thi hành sứ mạng mà Chúa
Cha giao phó. Mở đầu bài Tin mừng
hôm nay, Thánh Gioan Tẩy Giả đã
giới thiệu về Đức Giêsu và
cho biết sự khác biệt giữa phép
rửa của ông và phép rửa của
Đức Giêsu như thế nào. Thánh
Gioan Tẩy Giả cho biết: “Có
Ðấng đến sau tôi, nhưng quyền
lực hơn tôi, tôi không xứng đáng
cúi xuống cởi dây giày cho Người.
Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong
nước, nhưng Người, Người sẽ
rửa anh em trong Thánh Thần.”(Mc 1,7-8).
Đồng thời, bài Tin mừng hôm nay
cũng cho biết những việc lạ lùng
xảy ra sau khi Đức Giêsu chịu phép
rửa: “Khi vừa lên khỏi nước,
Người liền thấy trời mở ra, thấy
Thánh Thần như chim bồ câu ngự
xuống trên mình. Và có tiếng
từ trời phán: ‘Con là Con yêu
dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.’”(Mc
1,10-11).
Từ
lời chứng của Gioan Tẩy Giả và
lời chứng của Chúa Cha, cùng với
sự hiện diện của Chúa Thánh
Thần xác minh cho chúng ta thấy sứ
mạng của Đức Giêsu là sứ
mạng từ trời, sứ mạng từ Chúa
Cha. Thật vậy, sau biến cố chịu phép
rửa, Tin mừng Thánh Marcô cho biết,
Đức Giêsu vào sa mạc chịu ma quỷ
cám dỗ (x. Mc 1,12-13) và sau thời gian đó,
Ngài bắt đầu thi hành sứ mạng
mà Ngài đã nhận lãnh từ
Chúa Cha: Rao giảng (x. Mc 1,14-15); kêu gọi
bốn môn đệ đầu tiên (x. Mc 1,
16-20); chữa lành bệnh tật và trừ
quỷ (x. Mc 1, 21-45)… Sau đó, Ngài đi
khắp nơi tiếp tục rao giảng, làm
phép lạ để hoàn thành lời
sách ngôn sứ Isaia đã nói về
Ngài rằng: “Thần Khí Chúa
ngự trên tôi, vì Chúa đã
xức dầu tấn phong tôi, để tôi
loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được
tha, cho người mù biết họ được
sáng mắt, trả lại tự do cho người
bị áp bức, công bố một năm
hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19).
Đó cũng là lời xác minh của
Thánh Phêrô trong bài đọc II hôm
nay: “Đức Giê-su xuất thân từ
Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng
Thánh Thần và quyền năng mà xức
dầu tấn phong Người. Đi tới đâu
là Người thi ân giáng phúc tới
đó, và chữa lành mọi kẻ
bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên
Chúa ở với Người.” (Cv
10,38).
Trước khi về trời, Ngài đã
thiết lập Giáo hội, thiết lập
các Bí tích, nhất là Bí tích
Rửa tội để tha tội Tổ tông
và tội riêng cho con người, giúp
họ trở nên Con Thiên Chúa. Ngài
còn ra lệnh cho các Tông đồ
rằng: “Các con hãy đi rao
giảng cho muôn dân, rửa tội cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”
(Mt 26,20).
Vâng
nghe lời Đức Giêsu, các Tông đồ
đã ra đi thi hành sứ mạng trên.
Sách Công vụ tông đồ cho biết,
bài giảng đầu tiên của Thánh
Phêrô đã thu hút trên 3 ngàn
người trở lại đạo. Cuối cùng,
các Tông đồ cũng đã chết
để làm chứng cho lời mình rao
giảng. Tiếp tục sứ mạng của các
Tông đồ, Giáo hội suốt hai ngàn
năm qua đã cố gắng không mệt
mỏi để đi khắp nơi rao giảng
Tin mừng và giúp vô số người
lãnh nhận Phép rửa. Dầu vậy, số
người chưa biết Đức Kitô, chưa
trở thành người công giáo vẫn
còn chiếm khoảng 83%. Vì thế, lời
mời gọi của Đức Giêsu vẫn
luôn là sứ mạng hàng đầu
của Giáo hội. Đó cũng là
sứ mạng của mỗi người chúng
ta khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Một
trong những sứ mạng mà Bí tích
Rửa tội mời gọi chúng ta chu toàn,
đó là sứ mạng ngôn sứ. Với
sứ mạng ngôn sứ, người kitô
hữu phải rao giảng Lời Chúa không
chỉ bằng lời nói mà bằng chính
đời sống của mình để giúp
người khác tin yêu Chúa. Nghĩa
là, trong khi người đời họ ăn
gian nói dối, gian tham, cờ bạc, rượu
chè, buôn gian bán lận, thù ghét
nhau, thay vợ đổi chồng, phá thai, ly
dị…thì người kitô hữu phải
sống thật thà, công bằng, bác
ái yêu thương, một vợ một
chồng, tôn trọng sự sống…để
như lời Đức Giêsu nói: “Họ
thấy những việc tốt đẹp anh
em làm, mà tôn vinh Cha của anh em,
Đấng ngự trên Trời.” (Mt
5,16) hay “Mọi người sẽ nhận
biết anh em là môn đệ của Thầy
ở điểm này: là anh em có lòng
yêu thương nhau.” (Ga 13,35).
Bí
tích Rửa tội còn mời gọi chúng
ta sống xứng danh là con cái của
Thiên Chúa. Thật vậy, khi lãnh nhận
Bí tích Rửa tội là chúng ta
trở thành con cái Thiên Chúa, mang
danh là Kitô hữu. Kitô hữu là
có Chúa. Muốn có Chúa trong tâm
hồn thì phải sạch tội trọng. Vì
thế, mỗi người kitô hữu cần
phải tránh xa tội lỗi: những tội
phạm đến Mười điều răn
của Chúa, Sáu điều răn Hội
thánh và Bảy mối tội đầu.
Mặt khác, mỗi người cần phải
tránh xa các tệ nạn như cờ bạc,
rượu chè, đề đóm, hút
xách, xì ke ma túy, buôn gian bán
lận. Các bậc cha mẹ hãy sống
gương mẫu trong lời ăn tiếng nói
và hành động việc làm, không
cãi vã, xung đột, tránh xa những
nguyên nhân làm mất hạnh phúc
gia đình. Các thanh thiếu niên hãy
tránh xa phim ảnh và sách báo xấu,
những trò chơi thiếu lành mạnh,
nhất là đừng giết chết thời
gian bằng Game Online…Thay vào đó,
hãy quyết tâm siêng năng học giáo
lý, học văn hóa, lãnh nhận các
Bí tích nhất là Bí tích Giao
hòa và Thánh Thể. Trong mọi hoàn
cảnh, hãy dùng lời nói và
việc làm để giúp người khác
nhận biết Chúa. Hãy cố gắng
sống tốt để được Chúa
Cha giới thiệu về mình như Ngài
đã từng giới thiệu về Chúa
Con: “Con là Con yêu dấu của Cha,
Con đẹp lòng Cha.”
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người
chúng con biết chu toàn sứ mạng mà
Bí tích Rửa tội đòi buộc,
đó là sống xứng đáng làm
con cái Chúa và luôn ý thức
giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh
bằng chính lời nói và việc làm
của chúng con. Amen.
Lm.
Anthony Trung Thành
|