Trước tòa án Thiên Chúa
Một người anh em Ki-tô hỏi tôi, “Này
anh, sau này đến trước tòa án Thiên Chúa vào ngày chung
thẩm, nếu được nói một câu, anh sẽ nói
câu gì?” – Tôi trầm ngâm suy tư chút hỏi lại: “Nếu
là bạn, bạn sẽ nói câu gì?” – Người bạn ấy
tỏ vẻ đắc ý nói: “Nếu là em, khi đứng
trước tòa án Thiên Chúa em sẽ quỳ gối khóc lóc
đấm ngực và xin Chúa thương xót!” – Tôi bảo:
sai lầm, hoàn toàn sai lầm, đợi đến lúc
đó mới kêu xin lòng Chúa thương xót là sai lầm hoàn
toàn! Tại sao? – tại vì khi nhân loại đứng
trước ngai phán xét của Thiên Chúa, lúc ấy thì giờ
của lòng thương xót đã hết, đó là giờ của
công lý của Thiên Chúa được thực thi! Mỗi
người khi ấy sẽ chịu phán xét về những
việc họ đã làm khi còn sống trong cuộc đời.
Trong một số thông điệp mạc khải cho các vị
thánh, Chúa Giê-su nói, “Trước khi Ta đến như một
vị quan án xét xử thì Ta sẽ đến như một
vị vua giàu lòng thương xót!”. Thì giờ của lòng
thương xót là thì giờ con người còn sống trên
thế gian này, khi kết thúc cuộc đời mỗi
người sẽ chịu phán xử về những việc
đã làm trên trần thế! Và đúng hơn, khi đến
trước tòa án Thiên Chúa, chúng ta chỉ có thể nói được
rằng, “Lạy Chúa, con đã cố gắng chu toàn bổn
phận của con đối với Chúa, giờ đây con
xin quỳ gối khấu đầu để chịu công
lý của Chúa phán xử!”
Nguyện gẫm: Bạn thân mến! Ví
như câu thành ngữ “Đừng đợi khi nước
đến chân mới nhảy”, mỗi người Ki-tô
chúng ta đừng bao giờ đợi đến khi đứng
trước tòa án Thiên Chúa mới kêu xin lòng Chúa thương
xót mà hãy kêu xin từng phút giây, từng giờ, từng ngày
khi còn sống trên thế gian này. Chúng ta hãy đấm ngực
khóc lóc từ giờ cho đến lúc lâm tử để
xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm thiếu xót của
chúng ta. Và muốn được Chúa thương xót, chúng
ta phải làm gì? – thưa rằng: Chúng ta hãy hoán cải, hãy đổi
mới tâm hồn và hoàn thiện bản thân từng ngày khi
còn sống… Trong bài giảng ‘Tám mối phúc thật’, Chúa
Giê-su phán, “Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ
được Chúa xót thương!” – Như vậy, chìa
khóa để nhận được lòng Chúa thương
xót đó chính là chúng ta hãy thực hiện những nghĩa
cử bác ái, thực thi lòng thương xót đối với
tha nhân: với những người đau khổ, bất
hạnh, nghèo khó,… chúng ta hãy có một lòng từ bi, nhân hậu
với tha nhân vì khi đó cánh cửa của Lòng Chúa
Thương Xót sẽ mở ra và chào đón chúng ta bước
vào.
(Vũ Thắng)
|