Ngày 23 Tháng 12: Gioan Tẩy giả chào đời
Bài Trích Phúc Âm theo Thánh Luca 1:57-66
Khi đến ngày
sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã
tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ
tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria
của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ
gọi tên là Gioan".
Họ bảo bà rằng:
"Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ
muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi
người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.
Mọi người lân
cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền
mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con
trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó". Ðó là lời Chúa. Vai Trò của Thánh Gioan Tẩy Giả trong Mùa Vọng
Hằng năm, các bài đọc Phúc Âm vào Chúa
Nhật thứ hai và thứ ba Mùa Vọng của Giáo Hội Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới
đều tập trung vào Thánh Gioan Tẩy Giả. Vị này là ai mà được Chúa Giêsu khen là
"cao trọng" và cũng được Người nhắc là "kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông." Vị
này là ai mà lại xuất hiện và được Hội Thánh Công Giáo nhắc mãi luôn vào Mùa
chay cũng như Mùa Vọng? Chúng ta học được
những gì từ Vị Thánh này?
Sử gia người Do Thái Josephus cho
chúng ta biết khi nói về truyện Thánh Gioan Tẩy Giả chịu tuẫn đạo bởi tên tiểu
vương Hêrốd Antipas, là kẻ cai trị miền Galilêe lúc bấy giờ như sau: "Gioan
là một người thánh thiện và thúc giục người Do Thái phải luôn hướng đến sống
một đời sống công chính, thực thi công bình bác ái với những người đồng loại để
chứng tỏ lòng tôn kính đối với Thiên Chúa của họ, và như thế là tham dự vào việc
làm phép rửa..."(Josephus, Antiquities 18.5.2)
Josephus chỉ lưu tâm đến Gioan, là
vì ngài nằm trong câu truyện của Hêrốd Antipas, là kẻ cai trị miền Galilê, kẻ
đã coi Gioan như là một mối họa của y. Các vị truyền giáo kể cả thánh Gioan Tẩy
Giả trong các bài đọc Phúc Âm cũng vậy, là bởi vì vai trò của ông trong cuộc
đời Chúa Giêsu. Vì chức vụ hay vai trò của Gioan trong Phúc Âm có thể tăng thêm
sự phong phú cho chúng ta trong Mùa Vọng để chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh.
Theo truyền thống Mùa Chay là mùa
tuân giữ luật ăn chay sám hối, ăn năn đền tội và cải sửa tính khí đời mình để
chuẩn bị tâm hồn cho Lễ Phục Sinh. Mùa
vọng cũng thế, là mùa của gieo trồng và tập tành nhân đức, gồm có cả lời kêu
gọi ăn năn hối cải đền tội mình và làm hòa với Chúa cùng tha nhân qua Bí Tích
Giải Tội.
Chủ đề này nổi bật nhất là vào Chúa
Nhật thứ hai của Mùa Vọng. Chữ "Ăn Năn Hối Cải" được tái hiện trong
mỗi ba bài đọc Phúc Âm của chu kỳ ba năm; với ngữ cảnh là Gioan Tẩy Giả thuyết
pháp trong hoang địa, mà cao điểm trong hành trình thuyết pháp của ông là được
làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại Sông Dược đăng (Giođan/Jordan). Chúng ta hãy suy xét ba câu truyện trong Phúc
Âm mà chúng ta được nghe về sự thuyết pháp của Thánh Gioan Tẩy Giả trong năm nay:
Năm B (là Mùa vọng hiện giờ của chúng ta trong những ngày cuối năm 2017-2018),
vì năm nay là năm B, cho nên bài đọc Phúc Âm của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng theo
Thánh Sử Máccô, rồi năm tới sẽ là năm C theo Phúc Âm Thánh Luca, và sau năm tới
sẽ là năm A theo Phúc Âm Thánh Mátthêw.
Gioan Tẩy Giả là ai? Theo Phúc Âm Thánh Gioan ở chương 1:6,19… cho
biết Gioan Tẩy Giả chỉ xưng, "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa
cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaiah đã loan báo", và lời tiên tri
Isaiah này xuất hiện trong bài đọc Phúc Âm theo Thánh Máccô 1:1-18 cho Chúa
Nhật thứ hai Mùa Vọng.
Ý chính trong Phúc Âm theo Thánh
Máccô 1:1-8 mô tả Gioan Tẩy Giả như là "người đi trước", nghĩa là người
chuẩn bị trước đường đi nước bước để dọn lối đón Chúa Cứu Thế Giêsu, cũng như
chuẩn bị trước dân chúng tập trung họ lại để giới thiệu Chúa Giêsu cho họ và để
họ được lắng nghe Lời Chúa Kitô giáo huấn. Hơn nữa, chính ông Zacariah sau một
thời gian bị câm xong, ông liền mở miệng chúc tụng Chúa đã sai con ông "đi trước để dọn lối cho Người..."
qua bài ca vãn ‘Benedictus’: "Hài nhi, con ơi, con sẽ được gọi là
tiên tri của Ðấng Tối cao, vì con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn lối cho Người, báo
cho dân Người biết ơn cứu độ, và ơn tha thứ các tội khiên." (Luca 1:76-77)
Câu Thánh Kinh: "Bấy giờ, Gioan mặc áo lông lạc đà,
thắt giây da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng", hẳn đã cho biết Gioan
chính là sứ giả/ngôn sứ được sai phái đi trước làm tiên tri chuẩn bị cho ngày
của Chúa (Xuất hành 23:20; Malakhi 3:1).
Theo lời Gioan, Chúa Giêsu là “Người
đến sau"; ông chỉ cho biết đấy là “Người mạnh hơn " (Mc 1:11). Đấy chính là Chúa Giêsu, Đấng mà
Thần Khí Chúa sẽ ngự xuống, là Đấng mạnh thế hơn, mà quỷ dữ-Satan muốn đột nhập
vào nhà của Người mạnh hơn để cướp của. (Máccô 3:27) (Luca 11:21-22). Nó đã cướp thành công đến cuối cùng chia nhau cái áo không có đường khâu của Chúa Giêsu, và vùi dập thân xác Người cho tới chết trên thập giá. Nhưng nó đâu thể giết được linh hồn của Người. Người đã chiến thắng sự chết và phục sinh thân xác sống lại trong vinh quang. Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu bằng nước,
đó là phép rửa sám hối, nhưng Chúa Giêsu sẽ chịu Phép rửa trong Thánh Thần.
Gioan và các môn đồ của ông đã ăn chay, nhưng Chúa Giêsu lại là chàng rể và người
của chàng rể không có ăn chay (Mc 2:18-22).
Toàn dân Giêrusalem tấp nập đi nghe Gioan thuyết pháp và chịu phép rửa
sám hối và ăn năn tội, nhưng dân chúng khắp mọi ngõ ngách của Thánh Địa lại kéo
nhau đến với Chúa Giêsu (Mc 3:8). Gioan
sẽ bị Hêrôđê xử trảm, nhưng thánh Máccô muốn kể lại câu truyện cách mạch lạc rõ
ràng hơn về cái chết của Gioan chỉ mới là khúc mở màn cho sự thương khó và sự
chết của Chúa Giêsu (Mc 6:14-19).
Vào Chủ Nhật thứ hai Mùa Vọng,
những người nghe bài đọc Phúc Âm này đều được thúc giục bước theo gương của
"dân chúng khắp vùng thôn quê xứ Giuđêa và của tất cả dân chúng thành
Giêrusalem" xưa, để được đổi mới tinh thần trong phép rửa sám hối và xưng
thú tội lỗi của họ. Như thế, họ sẽ được
chuẩn bị để cung nghinh Chúa Giêsu, chứ không phải chào đón Chúa Giêsu như khi
Người từ Nazaréth đến để chịu Gioan làm phép rửa mà Phúc Âm đã mô tả, nhưng là
trong sự Người Giáng Sinh vào tâm hồn - vào thế giới của riêng mỗi người chúng
ta dịp Giáng Sinh.
"Ta bảo các ngươi, trong những kẻ sinh bởi người nữ, không ai cao
trọng hơn Gioan; nhưng người nhỏ hơn trong nước Thiên Chúa, lại cao trọng hơn
ông!"(Luca 7:28).
Lịch phụng vụ của Giáo Hội kết thúc
Mùa vọng với bài đọc Phúc Âm về "Gioan Tẩy giả chào đời". Gioan là người được sinh ra trước (đến trần
gian trước) và không ai cao trọng hơn ông. Chúa Giêsu là Người sinh sau (đến trần
gian sau) nhưng cao trọng hơn ông và lớn hơn ông, và được tôn là Đấng Tối Cao. Gioan
là Tiếng, Chúa Giêsu là Lời. Tiếng e
thẹn, "tôi không đáng xách dép..." cho Lời, và Lời ôn nhu trìu mến
đáp, “bao lâu tân lang còn ở với…” thì nàng dâu không cần ăn chay, mà là ăn
mừng. Tất cả chúng ta đều như nàng dâu hay như Gioan mà bài đọc Phúc Âm hôm nay
cho sinh ra trước để cùng với chúng ta ăn mừng "Người đến sau" là
Đấng Tối Cao, chính là ăn mừng Lời hóa xác phàm, là Chúa Giêsu đã Giáng Sinh cho
chúng ta được Cứu rỗi, Người là chàng rể, là tân lang, và chúng ta được hiệp
nhất với Người mỗi khi đón rước Người vào lòng, mà Người bảo bao lâu chàng rể
còn ở với (chúng ta được ví như các nàng dâu) thì không cần phải ăn chay mà là
ăn mừng vì Người đang ngự giữa chúng ta, vì đã Giáng Sinh vào tâm hồn của riêng
mỗi người chúng ta để chúng ta được nên hiệp nhất với Người đời này và đời sau.
Amen.
Ngày
23/12/2017
Sóng
Biển
|