HIỆP
SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
2 Sm 7,1-5.6b-12.14a.16 ; Rm 16,25-27 ; Lc 1,26-38
CÙNG MẸ
ĐÓN CHÚA ĐẾN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG:
Lc 1,26-38.
(c 26)
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu
tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en
đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét, (c 27) gặp một Trinh Nữ
đã đính hôn với một
người tên là Giu-se, thuộc nhà
Đa-vít, Trinh Nữ ấy tên là Ma-ri-a. (c 28)
Sứ thần vào nhà Trinh Nữ và
nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng
đầy ân sủng, Đức Chúa ở
cùng bà”. (c 29) Nghe lời ấy, bà rất
bối rối, và tự hỏi lời chào
như vậy có nghĩa gì. (c 30) Sứ
thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a xin
đừng sợ, vì bà đẹp lòng
Thiên Chúa. (c 31) Và này đây bà sẽ
thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt
tên là Giê-su. (c 32) Người sẽ nên cao cả
và sẽ được gọi là Con
Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên
Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua
Đa-vít, tổ tiên Người. (c 33)
Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp
đến muôn đời, và triều đại
của Người sẽ vô cùng vô tận”.
(c 34)
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy
sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết
đến việc vợ chồng !” (c 35) Sứ
thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự
xuống trên bà, và quyền năng Đấng
Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì
thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là
thánh, sẽ được gọi là Con Thiên
Chúa”. (c 36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người
họ hàng với bà, tuy đã già
rồi, mà cũng đang cưu mang một người
con trai: Bà ấy vẫn bị mang tiếng là
hiếm hoi, mà nay đã có thai
được sáu tháng. (c 37) Vì đối
với Thiên Chúa, không có gì là không
thể làm được”.
(c 38)
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây
là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa
cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói”. Rồi sứ thần từ
biệt ra đi.
2. Ý CHÍNH:
Câu
chuyện truyền tin của sứ thần Ga-bri-el cho
đức trinh nữ Ma-ri-a biểu lộ tình
thương và sự trung tín của Thiên
Chúa trong công cuộc cứu độ loài
người. Thái độ lắng nghe
Lời Chúa, tìm hiểu Ý Chúa và mau
mắn “Xin Vâng” của Đức Ma-ri-a chính
là thái độ mà các tín hữu
cần có để chuẩn bị đón Chúa
đến ban ơn cứu độ.
3. CHÚ
THÍCH:
- (c 26) + Gáp-ri-en:
là
một trong bảy Tổng Lãnh thiên thần (x. Tb 12,15),
trong đó ba vị được nêu rõ tên
trong Cựu Ước là: Mi-ka-en, Ra-pha-en,
và Gáp-ri-en. Tên của các vị này có
ý nghĩa phù hợp với sứ
mệnh của mỗi vị như sau: Mi-ka-en nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa?” (Đn
12,1), Ra-pha-en nghĩa là
“Thiên Chúa chữa lành” (Tb 3,17) và Gáp-ri-en nghĩa là “Anh
hùng của Thiên Chúa” (Đn 8,16).
- (c 27) + Trinh nữ: Từ
này không xác định về đức trinh khiết
của Đức Ma-ri-a, vì trinh nữ đơn
giản chỉ là một cô gái chưa lấy
chồng. Sự thanh khiết của Đức Ma-ri-a
được khẳng định qua lời thưa
với sứ thần: “Việc đó xảy ra
thế nào được, vì tôi không biết
đến người nam” (Lc 1,34). Sở dĩ
trinh nữ Ma-ri-a được chọn cho thấy
lời tuyên sấm của I-sai-a về một trinh
nữ thụ thai và sinh con trai là Đấng Em-ma-nu-en,
nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được
ứng nghiệm nơi Đức Ma-ri-a (x. Is 7,14 ; Mt 1,23). +
Đã đính hôn: Từ khi
đính hôn, Giu-se và Ma-ri-a đã
được luật pháp công nhận là
vợ chồng, và con cái sinh ra trong thời
kỳ này được kể là con chính
thức của hai người. Tuy nhiên, theo phong tục
trong xã hội Do Thái thì việc kết hôn chỉ
hoàn tất khi họ đàng trai tổ chức
lễ cưới đón rước cô dâu
về nhà chồng (x. Mt 1,18). + Thuộc nhà
Đa-vít: Chi tiết này thêm vào
nhằm chứng minh Đức Giê-su là
Đấng Cứu Thế vì theo sấm ngôn của
I-sai-a thì Đấng Cứu Thế phát xuất
từ gốc Giê-sê là cha của vua Đa-vít (x. Is
11,1) và nơi sinh của Người là Bê-lem,
quê hương của Đa-vít (x. Mk 5,1). + Ma-ri-a:
hay Mi-ry-am, là tên gọi của nhiều thiếu
nữ Do thái đương thời. Để
phân biệt, người ta thường thêm một
biệt danh sau tên gọi. Chẳng hạn: Ma-ri-a
Mác-đa-la (x. Lc 8,2-3); Ma-ri-a Bê-ta-ni-a (x. Lc 10,39); Ma-ri-a
mẹ Gia-cô-bê và Giô-xép (x. Mt 27,56); Ma-ri-a vợ
ông Cơ-lô-pát (x. Ga 19,25); Ma-ri-a mẹ Gio-an (x. Cv 12,12)
và bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su (x. Cv 1,14).
- (c 28) + “Mừng vui lên”:
Đây không phải là cách chào giữa
những người dân bình thường,
nhưng là lời chào đặc biệt
chỉ dành cho những người được
gặp Thiên Chúa (x Dcr 9,9). + “Đầy ân
sủng”: Tước hiệu dành riêng cho
Đức Ma-ri-a, một người trong sạch
vẹn toàn. Ngài đã được chọn
làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên đã
được Thiên Chúa ban đặc ân Vô
Nhiễm Nguyên Tội và luôn có Chúa ở
cùng.
- (c 29) + “Bà bối rối
và tự hỏi”: Khác với
thái độ “bối rối sợ hãi”
của Da-ca-ri-a (x. Lc 1,12), ở đây Ma-ri-a chỉ
ngạc nhiên và băn khoăn về ý nghĩa
của lời Chúa vừa mặc khải
(x. Lc 1,34 và 2,19).
- (c 31) + Giê-su: nghĩa
là “Cứu Chúa” (x. Mt 1,21) hay “Đấng
Cứu Thế” (x. Lc 2,11).
- (c 32) + Con Đấng
Tối Cao: Đây là tước hiệu
thường được áp dụng cho
các ông vua dòng tộc Đa-vít. Qua câu này,
sứ thần ám chỉ Đức Giê-su là
vua thuộc nhà Đa-vít. Người sẽ cai
trị Ít-ra-en, và triều đại của
Người sẽ vững bền mãi mãi.
- (c 34) + “Việc ấy
xảy ra cách nào, vì tôi không ‘biết’
đến người nam!”: “Biết” theo
nghĩa Thánh Kinh có nghĩa là “sự
giao hợp vợ chồng”. Câu thắc
mắc của Ma-ri-a không chứng minh việc Ma-ri-a
đã khấn hay có ý khấn giữ
mình đồng trinh như có người lầm
tưởng. Qua câu này, Ma-ri-a chỉ thắc
mắc làm sao thực hiện
được việc thụ thai ngay lúc này
được, khi mà Ma-ri-a mới chỉ thành
hôn làm vợ ông Giu-se về mặt luật
pháp, và chưa được Giu-se tổ
chức lễ cưới để rước dâu
về nhà.
- (c 35) + Sứ thần
đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà...”: Sứ thần giải thích cho
Ma-ri-a hiểu việc thụ thai của Ma-ri-a xảy ra do
quyền năng Thánh Thần, để ứng
nghiệm lời tuyên sấm của I-sai-a: Đấng
Cứu Thế sẽ do một gái đồng trinh
thụ thai và sinh ra (x. Is 7,14). + rợp bóng:
hay tỏa bóng.
Đây là Kiểu nói nhắc lại
sự kiện đã từng xảy ra trong thời
gian con cháu Gia-cóp vượt qua sa mạc để
về miền Đất Hứa: Đức
Chúa luôn hiện diện giữa dân Người
bằng cách cho cột mây “rợp bóng” che
phủ Nhà Tạm và Lều Hội Ngộ (x. Xh
40,34-38). Ngoài ra, “rợp bóng” cũng ám
chỉ sự bang trợ của Đức
Chúa, giống như chim phượng hoàng
sải cánh bao phủ và che chở Ít-ra-en là
con dân của Người (x. Tv 17,8).
+ “Đấng Thánh”
sắp sinh ra sẽ là “thánh”: “Thánh”
nghĩa là thuộc về Thiên Chúa,
được hiến “thánh” dành riêng cho Thiên
Chúa để thi hành sứ mạng cứu
thế.
- (c 36) + Kìa bà
Ê-li-sa-bét...: Sứ thần chứng minh
quyền năng của Thiên Chúa qua việc bà
chị họ Ê-li-sa-bét, tuy đã cao tuổi và
bị hiếm hoi, nhưng đã được
Thiên Chúa ban cho đặc ân thụ thai con trai và tới
nay đã được sáu tháng.
- (c 38) +“Vâng, tôi đây
là nữ tỳ của Chúa”: Khi
tự nhận là “nữ tỳ của
Chúa”, Ma-ri-a biểu lộ đức khiêm
nhường và lòng tin yêu sâu xa đối
với Thiên Chúa. + “Xin Chúa cứ
làm cho tôi như lời sứ thần nói”:
Ma-ri-a đại diện nhân loại để
đón nhận ơn cứu độ của Thiên
Chúa. Thực vậy, ngay sau lời thưa “Xin
Vâng”, Thánh Thần đã tác động
làm cho Ma-ri-a thụ thai, mà không cần tri giao
vợ chồng (x. Lc 1,34). Rồi Ngôi Lời
“đã xuống thế làm người”,
nhập vào bào thai ấy trở thành
Đấng “Em-ma-nu-en”, nghĩa là “Thiên Chúa
ở cùng chúng ta” (x. Mt 1,23). Như vậy,
Đức Giê-su chỉ có một Ngôi là “Ngôi
Con”, “Ngôi Hai” hay “Ngôi Lời” của Thiên Chúa,
nhưng lại có hai bản tính: vừa có tính
Thiên Chúa vừa có tính người phàm.
HỎI: Thắc
mắc của Đức Ma-ri-a và của ông
Da-ca-ri-a (x. Lc 1,18) có giống nhau hay không?:
ĐÁP:
Cả
hai cùng đưa ra thắc mắc, nhưng
trong hai tâm trạng khác nhau: Thắc mắc
của Da-ca-ri-a biểu lộ tâm trạng hoài nghi
về quyền năng của Thiên Chúa, nên ông
đã bị phạt phải cấm khẩu không thể
nói được. Sự cấm khẩu
này là dấu chỉ bà Ê-li-sa-bét chắc
chắn sẽ có thai khác thường (x. Lc 1,20).
Còn lời thắc mắc của
Đức Ma-ri-a biểu lộ tâm trạng tin
tưởng: Ma-ri-a muốn tìm biết thánh
ý Chúa để xin vâng. Do đó, Mẹ
đã được sứ thần ca tụng
là Đấng “đầy ân phúc hằng
làm đẹp lòng Thiên Chúa” (x. Lc 1,30) và
được bà Ê-li-sa-bét khen ngợi
là “diễm phúc, vì đã tin lời
Chúa phán sẽ được thực
hiện” (x. Lc 1,45).
4. CÂU
HỎI: 1) Thánh Kinh cho
biết có mấy Tổng lãnh thiên thần? Các
Tổng lãnh thiên thần được nêu đích
danh là những ai? Ý nghĩa của các tên
gọi của các vị ấy là gì? 2) Tại
sao Thiên Chúa lại chọn Ma-ri-a đang là một
“Trinh nữ” làm mẹ Đấng Cứu
Thế? 3) Lúc thưa “Xin vâng” để thụ thai
Đấng Cứu Thế do quyền năng Chúa
Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã kết hôn
với thánh Giu-se chưa? 4) Câu thắc
mắc của Đức Ma-ri-a khác với
thắc mắc của ông Gia-ca-ri-a ra sao? 5)
Sứ thần muốn nói gì qua câu: ”Quyền
năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên
bà”?
II.SỐNG
LỜI CHÚA:
1. LỜI
CHÚA: “Vâng, tôi đây là
nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ
làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
2. CÂU CHUYỆN:
1) ĐẾN
VỚI CHÚA GIÊ-SU NHỜ MẸ MA-RI-A (AD JESUM PER MARIAM):
Vào
một buổi chiều đông lạnh giá, PHUN-TƠN (FULTON OURSLER), một tín
hữu bị mất đức tin đã bỏ nhà
thờ nhiều năm, đang trong tâm trạng
tuyệt vọng vì gặp quá nhiều vấn
đề khó khăn nan giải. Khi đi ngang qua
đại lộ Nhà thờ chính toà
của thành phố Nữu Ước,
tự nhiên ông cảm thấy có một sức
mạnh vô hình nào đó cuốn hút ông đi
vào nhà thờ và đẩy ông đến
quỳ trước tượng Đức
Mẹ. Sau một lát im lặng, tự nhiên Phun-tơn
đã thốt ra một lời cầu nguyện như
sau: “Lạy Mẹ Ma-ri-a, có thể chỉ một
lát nữa thôi là con sẽ lại đổi
ý để tiếp tục bài bác chế
diễu các việc đạo đức con
đang làm và quay trở lại con
đường vô tín. Nhưng bây giờ con
cảm thấy tâm hồn thật bình an, dù con
đang gặp nhiều khó khăn nan giải. Xin
Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban thêm đức
tin cho con”. Ngay lúc đó Phun-tơn cảm thấy
một điều lạ lùng kỳ diệu xảy ra
nơi bản thân, biến ông trở thành một
con người mới: Ông đã có lại
đức tin ! Từ đây, ông luôn sống kết
hiệp với Mẹ Ma-ri-a để làm
chứng cho Chúa Giê-su bằng một cuộc
sống khiêm nhường, cậy trông phó thác
và đầy vị tha bác ái. Chính nhờ
Mẹ mà ông đã đến được với Chúa
Giê-su và tin vào Người.
2) THỰC
HÀNH YÊU THƯƠNG CỤ THỂ ĐỂ TRỞ NÊN CON CÁI
CỦA THIÊN CHÚA:
Vào một buổi tối mùa đông
lạnh lẽo trước lễ Giáng Sinh, một bé trai
khoảng sáu bảy tuổi đang đứng phía ngoài
cửa sổ của một cửa hàng quần áo. Cậu
bé không có giày nên phải mang đôi dép cùn, còn quần áo của
cậu đã bị cũ rách.
Một phụ nữ trẻ đi
ngang qua trông thấy cậu bé và đọc được
nỗi khao khát trong đôi mắt xanh của cậu. Chị
liền đến bên nắm lấy tay cậu bé dắt vào
trong cửa hàng, bỏ tiền ra mua cho cậu một
đôi giầy mới và một bộ quần áo ấm
rồi nói: "Bây giờ cháu có thể về nhà rồi và chúc
cháu một lễ Giáng Sinh vui vẻ hạnh phúc".
Cậu bé chăm chú nhìn người
phụ nữ trẻ và hỏi: "Cô có phải là Chúa không?".
Người phụ nữ nhìn cậu
bé mỉm cười trả lời: "Không đâu cháu à.
Cô chỉ là một trong số những đứa con
của Chúa thôi".
Quả thực, mỗi người chúng
ta đều là con của Thiên Chúa, là môn đệ của
Chúa Giê-su. Chúng ta phải làm gì để người
đời nhận ra chúng ta là con Thiên Chúa, là môn đệ
thực sự của Chúa Giê-su giống như người
phụ nữ trẻ trong câu chuyện trên ?
3) KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ:
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG MỌI VIỆC:
Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng
mến mộ Trương Lương, một trong
những vị tướng tài ba của Lưu Bang.
Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo
chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc
rách rưới đang nằm ngủ trên cầu. Ông lão
ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông.
Thấy Trương Lương, ông liền ra lệnh: « Này
thằng bé kia, mau xuống nước nhặt chiếc dép lên
cho ta ». Trương Lương vui vẻ xuống sông
nhặt chiếc dép rồi kính cẩn trao lại cho cụ
già. Cụ cầm lấy, không một lời cám ơn. Loay
hoay xỏ mãi mà không được, rồi cụ đánh
rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát
bảo Trương Lương: « Thằng bé, xuống nước
nhặt dép lên cho ta ». Trương Lương vẫn
vui vẻ làm giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế.
Thấy vậy, ông lão tự nhủ: « Thằng bé này
dạy được đây ». Thì ra ông lão là một vị
cao nhân lỗi lạc đã nhận Trương
Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông.
Nhờ thế, Trương Lương sau này trở nên
một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho
Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.
Trương Lương gặp
được thầy giỏi phần nhờ cơ may, nhưng
phần lớn là nhờ sự khiêm nhường sẵn
sàng phục vụ tha nhân của ông. Đức Ma-ri-a
cũng nhờ đức khiêm nhường thể hiện
qua lời thưa « Xin vâng » với sứ thần
truyền tin, nên Ngài đã được phúc trở thành
mẹ của Đấng Cứu Thế.
3. THẢO
LUẬN: 1) Noi gương
Thánh Mẫu Ma-ri-a xưa, mỗi tín hữu
chúng ta cần làm gì để luôn thưa “Xin
Vâng” theo thánh ý Thiên Chúa, dù gặp
phải nhiều tai nạn, rủi ro, thất bại hay
những điều trái ý cực lòng? 2)
Bạn nên làm gì để động viên
người khác thưa xin vâng thánh ý Chúa khi
gặp những điều rủi ro trái ý như: thi
rớt đại học, có người thân
mới qua đời, gặp tai nạn giao thông
phải nằm điều trị trong bệnh
viện, làm ăn thua lỗ thất bại...?
4. SUY NIỆM: LẮNG
NGHE LỜI CHÚA VÀ XIN VÂNG Ý CHÚA NOI GƯƠNG MẸ MA-RI-A:
Hôm nay là Chúa Nhật 4 Mùa Vọng,
Hội Thánh chọn Tin Mừng Lu-ca (Lc 1,26-38) về việc
sứ thần đến truyền tin cho Đức Ma-ri-a,
qua đó trình bày cho chúng ta về tình thương
và sự trung tín của Thiên Chúa trong chương
trình cứu độ loài người. Thái
độ lắng nghe Lời Chúa, tìm
hiểu Ý Chúa và mau mắn “Xin Vâng” của
Đức Ma-ri-a chính là thái độ
mà các tín hữu chúng ta cần thực
hiện để chuẩn bị tâm hồn đón
Chúa Giê-su đến ban ơn cứu độ cho
chúng ta.
1) CẢM
TẠ HỒNG ÂN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA:
- Trong Cựu
Ước, sách Xuất Hành dã thuật lại: “Đám mây
che phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa
đầy tràn Nhà Tạm” (Xh 40,34). Nhà Tạm là nơi dân
Do-thái đặt Hòm Bia Giao Ước, trong hòm chứa hai
phiến đá khắc ghi mười giới răn đã
được Đức Chúa ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê
trên núi Xi-nai xưa. Hòm bia Giao Ước là hình ảnh
của Đức Ma-ri-a của thời Tân Ước.
- Trong biến
cố truyền tin, sứ thần Gáp-ri-en đã hiện
đến chào kính Đức Ma-ri-a là đấng
đầy ân sủng luôn được Thiên Chúa ở cùng.
Rồi sứ thần báo tin vui Ma-ri-a đã được
Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Hài nhi Cứu thế
Giê-su. Khi Ma-ri-a thắc mắc làm sao mình có thai
được khi « không biết đến việc
vợ chồng ». Bấy giờ sứ thần đã
mặc khải cho Ma-ri-a về mầu nhiệm trinh thai: cô
sẽ được thụ thai do quyền năng Thánh
Thần, hầu ứng nghiệm sấm ngôn của I-sai-a:
“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ
con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).
- Câu chuyện
sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a cho thấy
tình thương và sự trung tín của Thiên Chúa trong
chương trình cứu độ loài người. Trong
những ngày này chúng ta hãy năng dâng những lời
nguyện tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta
Đấng “Em-ma-nu-en” nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”
(Mt 1,23), để chúng ta có thể gặp gỡ, tâm sự
và đón nhận được hồng ân cứu
độ do Người đến ban cho chúng ta.
2) KHIÊM NHƯỜNG XIN VÂNG Ý CHÚA:
Điểm
nổi bật của Mẹ Ma-ri-a mà Hội Thánh muốn
các tín hữu suy niệm và học tập trong mùa Vọng
này là thái độ khiêm nhường thể hiện qua
sự phó thác và xin vâng thánh ý Thiên Chúa như sau :
- Khiêm
nhường : Trái với thái độ kiêu ngạo
không vâng lời của E-và kết hợp với A-đam
xưa trong vườn địa đàng, Đức Ma-ri-a
là E-và Mới thời Tân Ước đã cộng tác
với A-đam Mới là Chúa Giê-su để lắng nghe
Lời Chúa, khiêm tốn tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa và thưa
“Xin Vâng”. Ngay sau lời thưa này, Chúa Thánh Thần đã tác
động làm cho Ma-ri-a thụ thai, như lời kinh
truyền tin: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế
làm người, và ở cùng chúng tôi”. Từ đây,
Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ các biến cố
xảy ra và “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x.
Lc 2,19). Mẹ đã cùng Thai Nhi đi thăm viếng gia
đình Gia-ca-ri-a và làm cho thai nhi Gio-an nhảy mừng trong
lòng mẹ là bà Ê-li-sa-bét (Lc 1,41). Sau này Mẹ còn “xin vâng” khi đứng
dưới chân thánh giá dâng Con yêu là Chúa Giê-su lên cho Chúa Cha
để đền tội thay cho loài người chúng ta.
- Phó thác: Qua
biến cố truyền tin, chúng ta cũng noi gương
Mẹ để cậy trông phó thác mọi sự trong tay
Chúa quan phòng. Ngày nay việc giúp những người
không tin nhận biết tin thờ Thiên Chúa, chừa
cải các thói hư nơi bản thân và góp phần xóa
bỏ các tệ nạn xã hội như xì-ke
ma-túy, cờ bạc đĩ điếm,
lừa đảo cướp giật... không dễ
thực hiện. Nhưng thực ra lại không khó chút
nào trước Thiên Chúa, vì: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể
làm được” (Lc 1,37). Vậy để
việc tông đồ truyền giáo đạt kết
quả, chúng ta cần noi gương Mẹ Ma-ri-a
năng thưa chuyện với Chúa Giê-su và thực hành
lời Người dạy, như trong tiệc cưới
Ca-na Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn: “Họ
hết rượu rồi” và đã dạy các người
giúp việc đám cưới phải vâng lời Chúa Giê-su:
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga
2,3-5).
- Tất cả đều là hồng ân: Khi
gặp sự may lành, chúng ta dễ dàng cúi
đầu cảm tạ hồng ân Chúa ban. Nhưng ngay
cả những lúc gặp cơn gian nan
thử thách, chúng ta cũng vẫn phải cảm
tạ và thưa “Xin Vâng”, vì biết rằng:
mọi sự Chúa để xảy ra đều
hữu ích cho phần rỗi chúng ta. Vì Chúa có
thể « rút từ sự dữ ra sự lành », Chúa
không bao giờ triệt đường sống của
chúng ta như có người đã nói: “Chúa đóng cửa
chính, nhưng lại mở cửa sổ” và lời
thánh Phao-lô: “Tất
cả đều là hồng ân” (x. 1 Cr 15,10).
5.
LỜI CẦU:
- Lạy Chúa, chỉ còn ít ngày nữa
là tới đại lễ Giáng Sinh. Chung quanh
chúng con, người người đang
tấp nập mua sắm và trang hoàng nhà
cửa để chuẩn bị mừng ngày Đại
lễ. Nhưng có lẽ điều Chúa muốn
chúng con làm lúc này là chuẩn bị tâm
hồn của chúng con, để chúng con trở
thành một hang đá thanh sạch và
đầy tràn ánh sáng của Chúa, xứng
đáng đón rước Chúa đến
thăm vào Đêm Giáng Sinh. Xin Chúa giúp
chúng con thật lòng ăn năn sám hối
tội lỗi, quyết tâm khiêm nhường phục vụ
tha nhân.
- Nhất
là cho chúng con biết chia sẻ tình
thương cho những người nghèo
khổ như: Các cụ già cô đơn không
nơi nương tựa, các người khiếm
thị và khuyết tật, các trẻ mồ côi
lang thang đầu đường xó chợ để
kiếm sống, và hết những bệnh nhân bị
yếu đau liệt giường không tiền
thuốc thang chữa trị... Nhờ đó
chúng con xứng đáng đón
rước Chúa đến ngự trong lòng
chúng con trong lễ Giáng Sinh và ban hồng ân
cứu độ cho chúng con.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ.
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
|