SUY NIỆM CÁC NGÀY TRONG TUẦN 02 MÙA VỌNG
THỨ HAI
VÌ GHEN TỨC
MÀ TRỞ THÀNH BẤT NHÂN!
(Lc 5,17-26)
Tu sĩ: Jos.
Vinc. Ngọc Biển, SSP
Ghen ăn tức ở
hay không ăn được thì đạp đổ vốn
là thói xấu thường trực trong xã hội mọi thời.
Bởi vậy, chúng ta không lạ gì vào thời Đức
Giêsu, tình trạng này lại càng rõ nét nơi những người
Pharisiêu và các Luật sĩ khi họ thấy Đức
Giêsu được lòng dân và uy tín của Ngài ngày càng lan rộng.
Vì thế, họ sinh ra căm phẫn và tức tối, nên
muốn loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi cuộc sống
và xã hội.
Tuy nhiên, họ khó
lòng kết tội cho Đức Giêsu khi Ngài làm việc thiện,
việc tốt hay đứng lên bảo vệ công lý, công
bình, giúp đỡ người nghèo, người không
nơi nương tựa.... Bởi lẽ, nếu họ
chống đối ra mặt những việc Đức
Giêsu đã làm trên thì họ sẽ bị dân chúng phản
đối và đương nhiên, khuôn mặt giả hình
nhân đức của họ bị bại lộ. Như thế,
hoàn toàn không có lợi cho bản thân và mưu kế của
những người này. Chỉ có một cách là họ ghép
Đức Giêsu vào tội lộng ngôn hay phản động
thì sẽ dễ dàng hơn.
Thua keo này, họ bày
keo khác…. Và, hôm nay là cơ hội để họ thực
thi điều ác tâm đó với Đức Giêsu.
Tin Mừng thuật
lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người bất
toại cách công khai và nhân đây Ngài cũng mặc khải
Thiên Tính của mình khi nói: "Hỡi
người kia, tội ngươi đã được
tha!". Khi nói như thế, Đức Giêsu bị những
nhà lãnh đạo tôn giáo kết án Ngài nói lộng ngôn vì tự
cho mình ngang hàng với Thiên Chúa khi tha tội cho người
ta. Theo quan niệm của người Dothái thì những
người mắc bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt
vì tội lỗi của họ. Và đương nhiên, chỉ
có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Khi họ không tin
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì hẳn là họ phủ nhận
quyền tha tội của Ngài, như thế, họ có lý do
để loại trừ Đức Giêsu bằng cái chết.
Về phía Đức
Giêsu: khi Ngài bày tỏ uy quyền của mình bằng việc
tha tội, ngay lập tức, người bất toại
được lành, điều này cho thấy quyền
năng và lòng thương xót của Đức Giêsu đã
chứng minh sứ vụ Thiên Sai Con Thiên Chúa nơi Ngài, Ngài
đến là để cứu chữa và ban ơn cứu
độ cho mọi người.
Mặt khác, niềm
tin của những người khiêng anh bại liệt cũng
như niềm tin của chính người bại liệt
đã để lại cho chúng ta bài học:
Tin tưởng vào
quyền năng của Thiên Chúa, vì Ngài làm được mọi
chuyện và Ngài biết điều gì tốt nhất cho
ơn cứu độ của ta thì Ngài sẽ ban ơn.
Đức tin cần
phải đi đôi với việc làm. Nếu người
bại liệt đã tin vào Chúa, và khi được giải
phóng khỏi tội lỗi là quyền lực của Ma Quỷ,
anh ta đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa, thì chúng ta,
khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa
trên cuộc đời, hãy có tâm tình tạ ơn.
Đức tin cần
được biểu lộ qua đức ái. Vì thế,
noi gương những người Dothái khi xưa, hãy sẵn
sàng giúp đỡ những người nghèo đang cần
đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những
người cô thế, cô thân, để tăng thêm niềm
tin nơi họ ngang qua những việc thiện chúng ta
làm.
Tránh những kiểu
kỳ thị như những người Pharisiêu và Luật
sĩ. Đừng vì ích kỷ hay hình thức bề ngoài mà
ngăn cản ơn Chúa đến với mọi người,
cũng như căm tức những người vì lòng tốt
mà làm được nhiều việc thiện hơn ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho chúng con ơn đức tin để chúng con biết
tin tưởng vào Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết tạ
ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và sống đức ái với
nhau cách chân tình. Amen.
THỨ BA
TẤT CẢ
VÌ TÌNH YÊU
(Mt 18,
12-14)
Đức Giêsu
thường làm những chuyện gây “sốc” cho những người xung quanh. Vì thế,
người đương thời với Ngài và đôi khi
cả chính chúng ta cũng có lối suy nghĩ rằng: Ngài
chuyên làm những chuyện ngược đời, nghịch
lý và khó hiểu...!
Quả thật, nếu
xét theo kiểu con người thì Đức Giêsu có rất
nhiều những khuyết điểm. Những khuyết
điểm đó là:
Ngài kém trí nhớ. Khi
cả một đời tội lỗi ngập đầu,
đến giờ chết xin Ngài tha thứ tội lỗi
thì lại cho họ lên Thiên Đàng trước nhất: "Tôi bảo thật với
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng" (Lc 23, 42-43).
Ngài cũng là một
người không giỏi luận lý. Có đời thủa
nào lại bày cho chủ tiệc đi mời những
người nghèo nhất đến dự tiệc cưới
của con mình: “...hãy mời những
người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ
không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới
thật có phúc...” (Lc 14, 12-14).
Ngài còn là một
người không biết tổ chức công việc. Người
làm đầu tiên cũng như người làm giờ chót,
tất cả đều được một đồng!
(x. Mt 20, 1-16).
Trong mối liên hệ,
bạn số một của Ngài lại là những người
tội lỗi (x. Mt 9, 11. 12-13; Lc 15, 2; 19, 2. 5.7. 9...)
Hôm nay, Tin Mừng cũng
thuật lại một sự nghịch lý đó ngang qua việc
Đức Giêsu bỏ 99 con chiên lại để đi tìm
một con chiên lạc. Điều này chứng tỏ Ngài
không biết tính toán, là người dốt toán hạng chót...!
Nếu chúng ta đứng
về phía những người làm kinh tế, hẳn chúng
ta sẽ kết luận Đức Giêsu là kẻ điên
khùng vì những điều bất thường trên!
Tuy nhiên, Đức
Giêsu muốn dùng những nghịch lý đó để làm
sáng tỏ chân lý. Chân lý đó chính là: Thiên Chúa giàu lòng
thương xót. Ngài cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng
như người lành. Ngài đến để cứu những
gì đã mất. Ngài yêu thương đặc biệt những
người tội lỗi....
Thật vậy, vì
yêu thương, Đức Giêsu không để ý đến
quá khứ tội lỗi của con người. Cũng vì
yêu thương, Ngài đã chấp nhận chuộc những
kẻ tội lỗi bằng tình yêu và cái chết.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn như Chúa, hành xử
như Chúa. Hãy tin tưởng cậy trông vào lòng
thương xót của Thiên Chúa như Maria Mađalêna; Phaolô,
Augustinô, Charles de
Foucauld.... Thiên Chúa không kết án con người vì tội
lỗi quá khứ của họ. Nhưng Thiên Chúa nhìn vào thực
tại của chúng ta như chúng ta là... trong giây phút hiện
tại này.
Mùa Vọng là Mùa mời
gọi chúng ta quay về với lòng thương xót của
Thiên Chúa bằng thái độ sám hối để
được Đức Giêsu “vác
lên vai, đưa về nhà”.
Mặt khác, Mùa Vọng
cũng mời gọi chúng ta noi gương Đức Giêsu
để “đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi
lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem
chân lý vào chốn lỗi lầm ...”.
Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh
Chúa đi tìm con chiên lạc, khi tìm được, Chúa
đã vác lên vai và yêu thương chúng đặc biệt,
điều này đã khích lệ chúng con rất nhiều, bởi
vì mỗi người chúng con đều cần đến
sự tha thứ của Chúa như con chiên lạc khi
xưa. Amen.
THỨ
TƯ
HÃY MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU
(Mt 11,
28-30)
“Anh em hãy mang lấy
ách của tôi ...”. Đây chính là lời mời gọi của
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài lên tiếng mời
gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy
“ách” và “gánh” của Ngài.
Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của
các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ
hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại
trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của
Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế
nên, hệ quả của “ách”
và “gánh” đó chính là trở
nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Như vậy, khi
mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin
Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn
đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống
như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng
thời học cho biết và sống sự hiền lành với
tha nhân.
Nếu một khi
chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức
Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được
thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui
bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Ngày hôm nay, con người
đang bị cơn lốc của kinh tế thị
trường, của ăn chơi hưởng thụ, của
những chân lý nửa vời lôi cuốn..., nên họ muốn
cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ
đã mời Chúa đi chỗ khác, thì ngay lập tức, cuộc
đời của họ trở nên trống rỗng, cô
đơn, bất an và đau khổ.... Họ mong muốn
được tự do, nhưng thực ra, con người
đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua
chóng hết.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu,
hiền hòa, khiêm nhường, là những hy sinh, từ bỏ,
và sẵn sàng vác Thập Giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Sống
mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính
mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh
kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ
qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với
nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ
thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần
của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
THỨ
NĂM
GIOAN TẨY
GIẢ LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG
(Mt 11,11-15)
Trong các cuộc diễn
nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và
người dẫn chương trình phải là người
biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội
dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng
điều quan trọng là làm sao cho người tham dự
rút ra được bài học từ những cuộc diễn
xuất đó mới là điều đáng nói!
Thánh Gioan Tẩy Giả
đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành
người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế,
và, ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những
người đương thời về tinh thần sám hối,
chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài
những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời
Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về
Đức Giêsu. Cuối cùng, Gioan đã thực hiện
thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng
cái chết để làm chứng cho sự thật. Như
vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu
khen ngợi: "Ta bảo thật
các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra,
chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn
Gioan Tẩy Giả”.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy
Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi
người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn
sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời
loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu
cho diễn viên chính là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới
hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc
như Gioan Tẩy Giả khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, thánh
Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống
chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm
nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn,
can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.
THỨ SÁU
TẠI
SAO...?
(Mt 11,16-19)
Tin Mừng hôm nay tiếp
nối bài Tin Mừng trước. Nếu hôm qua, Đức
Giêsu khen ngợi sự xuất hiện và vai trò cũng
như sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả, thì hôm
nay, Ngài khiển trách nặng nề đối với các vị
lãnh đạo tôn giáo thời của Gioan. Tại sao vậy?
Thưa vì Gioan đã kêu gọi dân chúng sám hối để
đón chờ Đấng Cứu Tinh đến. Dân chúng
đã tỏ lòng sám hối, xin chịu phép rửa thanh tẩy,
còn những người lãnh đạo thì cứng lòng, ích kỷ
và không chịu tin. Vì thế, Đức Giêsu đã mượn
một trò chơi hát đối của trẻ em thời
đó, nhằm diễn tả về thế hệ này vì sự
cố chấp, kém tin của họ:
Các trẻ em thường
chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng
hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên
đáp phải khóc lóc, than vãn..., còn nếu bên xướng
hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy
múa hân hoan....
Nếu đôi bên
không hiểu ý nhau thì cuộc chơi mất vui. Tuy nhiên,
trong thực tế, không phải lúc nào bọn trẻ cũng
thành công trong trò chơi này, vì gặp phải những “đầu biếu” cố
tình chọc ngoáy làm cho cuộc chơi mất vui. Vì vậy,
bên chủ động bực tức nên mới nói: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn
không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc
lên!". Tệ hơn nữa là nhóm trẻ không chịu
chơi đó lại còn trách móc đủ điều....
Sự xuất hiện
của Gioan Tẩy Giả cũng vậy. Lời mời gọi
của ngài không được giới lãnh đạo
đáp ứng, mà ngược lại, họ còn coi ông
như là: người bị quỷ ám. Đức Giêsu cũng
chung số phận với Gioan vì Ngài cũng đã từng
bị họ lên án là người “mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế
và những kẻ tội lỗi".
Tin Mừng hôm nay
được đọc trong bối cảnh của Mùa Vọng,
hẳn sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta
hãy noi gương dân chúng thời Gioan khi xưa là: hãy hoán cải
đời sống, ăn năn sám hối, trở về với
Chúa trong phẩm giá người Kitô Hữu, để chuẩn
bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh.
Bên cạnh đó, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy thực
thi tinh thần sám hối cách thiết thực hơn nữa
chính là những việc hy sinh, hãm mình, khổ chế, làm việc
bác ái…, để nêu gương sáng cho hối nhân sám hối
trở về với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin
Chúa ban cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi
của thánh Gioan để ăn năn sám hối, canh tân
đời sống, ngõ hầu tâm hồn chúng con được
xứng đáng đón tiếp chính Chúa Giáng Sinh hằng ngày
qua việc đón nhận chính Mình và Máu Chúa. Amen.
THỨ BẢY
ĐAU KHỔ
VÌ SỨ VỤ
(Mt 17,10-13)
Trong Mùa Vọng,
người được nhắc nhiều nhất chính
là Gioan Tẩy Giả. Bởi vì Ngài vừa là vị tiên tri
cuối cùng của thời Cựu Ước, vừa là
người loan báo, chuẩn bị dọn đường
trực tiếp cho Đấng Cứu Thế. Có thể
nói: Gioan Tẩy Giả là vị tiên tri kết thúc thời Cựu
Ước, và khai mào cho thời Tân Ước.
Mặc dù ngài là
người sống trong sa mạc, tuy nhiên, những lời
giảng của ngài đã lay động nhiều tâm hồn,
và ngày càng đông người đến để xin thụ
huấn.
Sứ mạng của
Gioan đến là để canh tân các tâm hồn, kêu gọi
sám hối để được ơn cứu độ
của Đấng Cứu Thế. Sứ mạng này cũng
chính là của Êlia thời Cựu Ước.
Thật vậy, Êlia
đến để loan báo về tình thương của
Thiên Chúa trên dân Người, ngài cũng trở thành trung gian
để khẩn cầu lòng thương xót của Thiên
Chúa, làm nguôi cơn thịnh nộ của Người. Ngài
còn đóng vai trò làm người giao hòa giữa mọi
người với nhau, xây dựng sự hiệp nhất
và bình an trong xã hội. Đến thời Gioan cũng vậy.
Ông đến để kêu gọi dân quay trở lại
đường chính nẻo ngay để chuẩn bị
tâm hồn, dọn lòng thanh sạch để đón mừng
Đức Giêsu đến. Hai con người nhưng cùng
chung một sứ mạng. Hai thời điểm, nhưng
cùng hướng về một mục đích. Vì thế, nếu
Êlia đã phải chịu bách hại vì sứ vụ, thì
Gioan cũng không thoát khỏi cảnh tù đầy và bị
giết chết. Đặc biệt, chính Đức Giêsu,
Ngài cũng đồng số phận với các tiên tri khi
thực thi sứ mạng cứu chuộc nhân loại.
Điều này đã
được Đức Giêsu nhắc lại trong bài Tin Mừng
hôm nay, Ngài nói: “Êlia đã đến
rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã
đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy,
Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối, ăn năn
vì những lỗi lầm thiếu sót của chính mình.
Noi gương Gioan Tẩy
Giả, sống cuộc sống hy sinh để làm
gương cho dân chúng noi theo. Đồng thời, chia sẻ
bác ái cho những người khó khăn. Sẵn sàng loan báo
Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng nhiều
cách, nhất là bằng gương sáng.
Nếu có phải nguy
hiểm đến tính mạng thì hãy nhớ rằng:
đây chính là số phận của Êlia, Gioan Tẩy Giả
và của Đức Giêsu cũng như những môn đệ
của Ngài trên khắp thế giới.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả mà
hăng say vì sứ vụ, sẵn sàng dấn thân vì Chúa.
Ước mong sao Mùa Vọng này, chúng con có được một
tâm hồn mới, nhờ sự sám hối chân tình để
xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng Sinh sắp
tới. Amen.