ĐEM SÂN KHẤU
PARIS BY NIGHT VÀO CUNG THÁNH
LÀ MỘT SỰ XÚC PHẠM
Trần Mỹ Duyệt
Hy vọng sau Gloria 3 mà sân khấu Paris by Night được phép dàn dựng trên cung thánh
của thánh đường St. Coluban sẽ không xảy ra cho bất cứ ngôi thánh đường nào trong Giáo Phận
Orange, hoặc trong các thánh đường nơi có đông tín hữu Việt Nam trên khắp thế giới nữa. Vì đây là một hành động
xúc phạm, có thể coi là phạm thánh.
Tôi không khai triển đề tài này dưới cái nhìn
liên quan đến chính
trị, văn
hóa, kinh tế hay xã hội. Tôi muốn nhìn vấn đề
với cái nhìn của một Kitô hữu, một người
mà ngày ngày vẫn đến thánh đường cầu nguyện,
tham dự các Thánh Lễ,
chầu Thánh Thể, hay các nghi thức tôn giáo. Và cái nhìn ấy
của tôi là:
-Các đức ông, linh mục, các ban điều hành và lãnh đạo
các cộng đoàn, giáo xứ
có đông tín hữu Việt Nam cứ việc tổ chức
những đêm văn nghệ, những đêm
diễn nguyện, những đêm ca nhạc mang màu sắc
tôn giáo. Nếu cần và
có điều kiện vẫn
có thể nhờ Paris by Night hay bất cứ một
ban nhạc chuyên nghiệp nào hỗ trợ về chuyên môn
và kỹ thuật. Nhưng dĩ nhiên, tuyệt đối
không được đem sân khấu Paris by Night hay các ban
nhạc đó vào các thánh đường, và lên trên cung thánh.
Phạm vi tối thiểu có thể dành cho họ
là hội trường,
khuôn viên các giáo xứ
hoặc tại một rạp hát, hay một hý viện.
-Vẫn theo cái nhìn chủ quan của tôi, các nhạc sỹ,
các nhạc công, các ca sỹ
tuy nhà nghề nhưng không thể hòa âm, phối khí, sử
dụng nhạc cụ, và hát để nâng lòng
con người về tới cõi cao siêu, ngoại trừ người
nghe có nhu cầu giải
trí, hoặc thưởng thức nghệ thuật. Thánh
Augustine nói: "Hát là cầu nguyện hai lần”, là có ý nhấn
mạnh đến những ca vịnh, những bài thánh ca với
những ngôn từ, âm điệu và cung bậc thích hợp
với bầu khí linh thiêng và môi trường cầu nguyện.
Dòng nhạc thánh của
thánh nhạc hoàn
toàn khác với những
dòng nhạc trữ tình, lãng mạn, tình cảm hoặc
kích động của nhạc đời. Những ca trưởng,
những nhà soạn nhạc, viết nhạc thánh ca đều
biết rõ sự
khác biệt này giữa nhạc thánh ca và nhạc đời.
Do đó, đem một bài hát đời thường, với
ngôn từ, cung điệu, và hòa âm dù mang hơi
hướng Giáng Sinh để
trình bày ở nơi tôn nghiêm, thờ phượng là một
điều không thể chấp nhận.
Chính vì thế, mang sân khấu Paris by Night hay một ban nhạc
chuyên nghiệp nào
vào cung thánh của một thánh đường là một hành
động phạm thánh, là xúc phạm. Những người
cho phép, tiếp tay hoặc tổ chức những chương
trình như vậy, chắc chắn rất khó trả lời
một cách thanh thỏa
những điều mà chính Thánh Kinh, Giáo Hội đã
qui định, đã hướng dẫn về thánh đường, về
cung thánh, về bàn thánh, cũng như về sự hiện
diện của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể bên trong các nhà tạm.
Trong ca nhập lễ dùng cho các thánh lễ cung hiến thánh
đường, Giáo Hội đã hát lên: "Nơi nầy
đáng kinh hãi là dường nào: Đây là đền thờ
của Thiên Chúa, là cửa Thiên Đàng và là nơi Thiên Chúa ngự” (Ca nhập lễ, Lễ
chung cung hiến nhà thờ).
Giáo Hội cũng đã dùng lời trong Thánh Vịnh 121 để
diễn tả niềm vui mừng của con cái Chúa khi họ
tiến vào nhà Ngài:
"Tôi vui mừng
khi người ta nói với tôi: ‘Chúng ta sẽ tiến
vào nhà Chúa’" (TV 121:1).
Linh mục nhạc
sỹ Kim Long đã cảm thán ý tưởng Thánh Vịnh
bằng những dòng nhạc thánh ca:
Tôi mừng vui mỗi khi nghe nhủ rằng: Nào ta tiến
lên đền thờ Thiên Chúa. Ðây Gia-Liêm, ta dừng chân ngắm
cửa tiền đường. Ôi thành thánh vinh quang.
Ðây Gia-Liêm thành đô luôn vững
bền với tháng năm. Người người cùng mừng
vui, dâng lễ vật ca
tụng Chúa Trời.
Muôn
dân xum họp đây nơi thánh điện hương ngát
bay. Vạn lòng cùng vui say, ơn Chúa tràn ứ trong chốn này.
Tay trong tay cùng nhau trông thánh
điện đưa bước mau. Cầu hòa bình bền
lâu cho thánh điện thắm tươi sắc màu. (Tôi Mừng
Vui, Kim Long)
Tại sao nhà của Chúa lại là nơi thánh thiêng, là
nơi mà con cái Chúa vui mừng hạnh phúc khi tiến vào, thưa
bởi vì: Chúa phán: "Ta đã chọn lựa và thánh hóa nơi
nầy, để danh Ta được hiện diện khắp
nơi cho đến muôn đời” (2 Chron 7:16). Chúa Giêsu thì
gọi nhà của
Ngài là nhà cầu nguyện. Khi đánh đuổi những kẻ
buôn bán quanh đền thờ, Ngài nhắc lại lời Thánh
Kinh: "Có lời chép rằng: ‘Nhà ta là nhà cầu nguyện.’”
(Mátthêu 21:13)
Bởi đó, khi một
ngôi thánh đường được thánh hiến, theo luật
Phụng Vụ, “Thánh đường hay nhà thờ là những
nơi vĩnh viễn dùng để cử hành các mầu
nhiệm thánh, nên đáng được cung hiến cho Thiên
Chúa." (954)
CUNG THÁNH
Cung thánh (sanctuarium). Theo
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể, chữ sanctuarium
có nguồn gốc La tinh từ chữsanctus,nghĩa là thánh
hay thuộc thần thánh. Trong thánh đường,
cung thánh là nơi thánh vì nó là khu vực phụng tự, đặc
biệt là chung quanh bàn thờ.
Căn cứ theo ý nghĩa của Thánh Kinh, cung thánh là nơi
linh thánh nhất, tương tự như nơi cực thánh
của Đền thờ Giêrusalem. Cũng theo Lm. Ái, cung
thánh biểu tượng cho nơi cao vời thánh thiện,
là thiên đàng nơi Đức Kitô đã vào (Do Thái
9:11-12.24), là Nhà Cha (x. Gioan 14:2), là cung lòng Chúa Cha (Gioan 1:18), là
nơi Chúa Con đang ngự trị và đợi chờ các
tín hữu. Giáo Hội Đông phương coi toàn bộ cung
thánh là bàn thờ. Do đó, cung thánh, là nơi được
dành riêng cho việc cử hành các nghi lễ phụng vụ.
Riêng cung thánh của thánh đường St. Columban còn là
nơi nhiều Giám Mục, Linh Mục, và Phó Tế đã từng
phủ phục trong nghi thức thánh hiến, tấn
phong và truyền chức. Trong đó có Đức Giám Mục
Mai Thanh Lương, vị Giám Mục Việt Nam đầu
tiên trong lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ. Nhiều linh mục
và phó tế vĩnh viễn Việt Nam cũng đã được
thánh hiến trong ngôi thánh đường này. Không biết các
vị đó nghĩ sao khi hồi tưởng lại khung cảnh
uy nghiêm trên cung thánh trong những giây phút linh thiêng ấy, giờ
này bị chà đạp bởi những bàn chân thế tục?!!
Hành động như thế có khác gì tục hóa hay phạm
thánh???
BÀN THỜ
Trong nơi thánh thiện ấy,
nơi dùng làm đàn tế lễ, nơi mà hiến tế Mình
và Máu Con Thiên Chúa được thực hiện như trên đồi
Golgotha chính là "bàn thờ”.
-Bàn thờ là nơi làm hiện
diện Hy Tế thập giá dưới các dấu chỉ Bí
tích; bàn thờ cũng là Bàn Tiệc của Chúa để mời
gọi dân Chúa đến tham dự trong Thánh Lễ, và cũng
là trung tâm việc tạ ơn được kiện toàn
trong Lễ tế Tạ ơn (Thánh Thể). (918)
-Tự bản chất, bàn thờ chỉ được
cung hiến cho một mình Thiên Chúa mà thôi, vì chỉ được
dâng Lễ tế Thánh Thể cho một mình Thiên Chúa. Thánh
Augustine đã diễn tả ý nghĩa cung hiến bàn thờ
như sau: “Chúng ta dựng các bàn thờ không phải cho một
thánh Tử đạo nào, nhưng cho chính Thiên Chúa của các
thánh Tử đạo, cho dù có để nhớ các Thánh Tử
đạo”. (921)
-Vì bàn thờ trở nên
thánh thiêng nhất là do việc cử hành Thánh Thể, nên
ngay việc cử hành Thánh Lễ nơi một bàn thờ mới
chưa được cung hiến cũng bị ngăn cấm.
(922)
Đức Giám Mục khi cung hiến
một thánh đường đã nguyện cầu:
Lạy
Chúa, khi Con Chúa được giương cao trên bàn thờ
thập giá, Chúa lôi kéo mọi sự lên cùng Người. Hôm
nay chúng con cung hiến bàn thờ này là nơi Chúa sẽ quy tụ
chúng con, lại ân cần nuôi dưỡng và tặng ban Thánh
Thần làm cho chúng con thành dân riêng của Chúa; xin tuôn đổ
ơn thánh xuống tâm hồn chúng con, để chúng con xứng
đáng đến gần Chúa mà lễ tế phụng thờ.
Chúng con cầu xin, nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa
chúng con là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng
Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn
thuở muôn đời. (Ordo. Ben. n. 15)
Và:
Lạy
Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, vì do nhiệm ý khôn tả của
tình thương: Chúa đã ấn định để khi
mọi thứ hình bóng chấm dứt thì mầu nhiệm bàn
thờ được kiện toàn nơi Đức Kitô.
Thật
vậy, Noe là nguyên tổ mới của loài người, thấy
sóng nước yên hàn, thì lập bàn thờ và dâng hy lễ lên
Chúa.Và lạy Chúa là Cha, Chúa đã chấp nhận hy lễ ấy
như hương thơm ngào ngạt để tái lập
giao ước tình yêu với loài người.
Ápraham
tổ phụ đức tin của chúng con, hết lòng vững
tin ở Lời Chúa, cũng đã dựng lên một bàn thờ,
để không tha ngay cả Isaac đứa con yêu quý, bắt
nó làm lễ vật hầu làm đẹp lòng Chúa. Rồi cả
Môsê, vị trung gian của giao ước cũ, cũng
đã dựng bàn thờ và lấy máu chiên rảy lên, để
báo trước một cách mầu nhiệm bàn thờ Thánh
Giá sau này. Tất cả những điều đó được
Đức Kitô hoàn tất bằng mầu nhiệm Vượt
Qua. Người quả thật là Tư Tế và là của
lễ khi bước lên cây Thánh Giá. Lạy Cha, Người
đã hiến mình làm của lễ vẹn sạch dâng lên
Cha, để xóa bỏ tội lỗi tất cả trần
gian và ký kết với Cha một giao ước mới và vĩnh
cửu.
Vì vậy,
lạy Cha, chúng con nài xin Cha tuôn đổ ơn thánh hóa bởi
trời xuống trên bàn thờ dựng trong ngôi thánh đường
này, để mãi mãi là bàn thờ cung hiến cho Hy Tế của
Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Người,
để ở đó dân Chúa được Tiệc thánh
thiêng bổ dưỡng.
Xin cho
bàn thờ này trở nên cho chúng con dấu chỉ của Đức
Kitô, vì từ cạnh sườn bị đâm thâu của
Người, máu và nước đã chảy ra để
thiết lập các Bí tích của Hội Thánh; xin cho bàn thờ
này trở nên bàn tiệc mà những thực khách của Đức
Kitô vui mừng chạy đến, để sau khi trút bỏ
các âu lo và gánh nặng trong Chúa, họ nhận được
sức mạnh tinh thần mới mà đi theo đường
lối mới; xin cho bàn thờ này trở nên nơi hiệp
thông thân mật và bình an với Chúa, để những người
được muôi dưỡng bằng Mình và Máu Con Cha, đầy
tràn Thánh Thần của Người mà lớn lên trong tình
yêu Chúa; xin cho bàn thờ này trở nên nguồn hiệp nhất
của Hội Thánh và nguồn đồng tâm giữa anh chị
em, để tín hữu Chúa cùng nhau đến đây, múc được
tinh thần thương yêu nhau; xin cho bàn thờ này trở
nên trung tâm lời ca ngợi và tạ ơn của chúng con,
cho đến ngày chúng con được vui mừng đạt
tới nơi ở vĩnh hằng, để cùng với Đức
Kitô là Thượng Tế và Bàn thờ sống động,
chúng con dâng lên Cha Hy lễ ngợi khen muôn đời. Người
hằng sống hằng trị cùng Cha
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở
muôn đời. (O 48)
Trong Kinh Tiền Tụng,
Giáo Hội cũng hoan ca lên lời chúc tụng:
Lạy
Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ
ơn Cha mọi nơi mọi lúc: thật là chính đáng, phải
đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ
Đức Kitô Chúa chúng con.
Người
là Tư tế đích thực và là Của lễ linh nghiệm.
Người đã truyền cho chúng con cử hành luôn mãi nghi
thức tưởng niệm Hy lễ chính Người đã
hiến dâng lên Cha trên bàn thờ thập giá. Bởi vậy,
dân hạ đã lập bàn thánh này mà hân hoan cung hiến cho
Cha. Đây chính là tế đàn cao trọng: ở đó, dưới
hình thức bí tích, hy lễ ca tụng hoàn hảo của Đức
Kitô không ngừng được tiến dâng lên Cha; và cũng
ở đó, ơn cứu độ chúng con được
thể hiện.
Ở
đó, Đức Kitô dọn sẵn bàn tiệc cho con cái
Cha, để nhờ Mình Máu Người nuôi dưỡng, họ
được quy tụ thành Giáo Hội duy nhất và thánh
thiện. Ở đó, các tín hữu lãnh nhận Chúa Thánh Thần
như dòng nước tuôn chảy từ Đức Kitô là Đá
tảng thiêng liêng; nhờ Người, họ trở nên bàn
thờ sống động, nên của lễ thánh thiện đẹp
lòng Cha.
Vì thế, cùng với toàn thể
các thiên thần và các Thánh, chúng con tuyên xưng Cha và hân hoan
tung hô rằng : Thánh, Thánh, Thánh... (OD 60)
(Nghi Thức Làm Phép Nhà Thờ Và
Cung Hiến Bàn Thờ. Conggiao.info, 1/2/2016 10:19:53 AM)
NHÀ TẠM VÀ THÁNH THỂ
Nhà Tạm (Tabernacle) tiếng Do Thái (mishkan) nghĩa
là cư ngụ và tiếng La tinh (tabernaculum) nghĩa
là cái lều. Nhà tạm chính là một đền thánh
hay cung thánh di động, có thể mang đi được,
và được làm theo sự chỉ dẫn chi tiết mà
Thiên Chúa đã truyền dạy cho ông Maisen. Nó giống như
cái lều hình chữ nhật và được gọi là
"lều hội ngộ” do những người Do Thái dựng
lên mỗi khi đóng trại. Nó được che bởi
những bức rèm làm từ lông dê, màu sắc sặc sỡ
và có trang trí hình các thiên thần; mái của lều thì được
làm bằng da cừu đực. Bên trong nhà tạm được
chia làm hai phòng: Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh. Chúng tách biệt
nhau bởi bức rèm hay bức màn che (x. Xuất Hành 25-31;
35-40). Theo ý nghĩa lịch
sử, đối với người Do Thái xưa,
khi họ lang thang trong hoang địa và trước khi xây
dựng được đền thờ Giêrusalem, nhà tạm
chính là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên
Chúa cho dân được tuyển chọn, là nơi thông
truyền ý muốn của Ngài và là nơi thờ tự của
những bộ tộc người Do Thái.
Trong Sách Xuất Hành, Lê Vi và Dân Số, Nhà Tạm là nơi
linh thiêng mà Giavê và Dân Chúa gặp nhau qua trung gian là ông Maisen. Trong Tân Ước,
Nhà Tạm hay Lều Trại đích thực, không do tay người
phàm làm ra (x. Do Thái 9:11, 24), là nhân tính mà Con Thiên Chúa đã mặc
lấy: “Và Ngôi Lời đã làm người, và cắm lều
ở giữa chúng ta." (Gioan 1:14)
Đọc lại lịch
sử dân Chúa, dân
Do Thái đã không dám ngẩng mặt kêu cầu Giavê Thiên
Chúa. Họ đã run sợ khi nghe tiếng phán của Ngài, và vì thế Maisen chính là người đại diện cho dân chúng mỗi khi thưa chuyện với Chúa trong Liều Trại. Trong các thánh đường, Nhà Tạm dùng để lưu giữ Mình Thánh Chúa, nơi “cắm lều” của Chúa Giêsu
giữa dân Ngài. Ngọn đèn
chầu nói lên sự hiện diện của Chúa. Viếng
Thánh Thể là để cảm
nhận được niềm
hân hoan của Maisen trong “Lều Hội Ngộ”, nơi “Giavê Thiên Chúa đã trò chuyện với Ông mặt đối mặt, như bạn với bạn” (Xuất Hành 33:11). Từ thế
kỷ thứ VIII, Mình Thánh được đặt trên bàn
thờ trong một nhà tạm vững chắc. Giáo luật ấn định thể thức, Nhà tạm phải bất
di bất dịch (GL. số 938). Phải có một chiếc
đèn chầu ngày đêm thắp sáng (GL. số 940). (Học
Viện Thánh Thể. Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss).
Ngày nay, có thể do tình thương và sự dịu hiền
của Ngài, Thiên Chúa đã không làm cho dân Ngài hoảng sợ
khi họ đến gần Ngài, nhờ trung gian duy nhất là Chúa Giêsu đang ngự
trong Thánh Thể bên trong Nhà Tạm. Nhưng cũng nên nhớ
rằng chính Giêsu Thánh Thể
ấy cũng là Thiên
Chúa, và do đó, nếu coi thường Nhà Tạm của
Ngài, coi thường Ngài cũng lại là một hình thức
phạm thượng.
KHI CUNG THÁNH BIẾN THÀNH SÂN KHẤU
Như vậy khi thiết
kế một sân khấu cho những buổi trình diễn
như Paris by Night trong các thánh đường, tất cả
những sự thánh thiện
bao gồm trong ngôi
thánh đường ấy như cung thánh, bàn thánh và nhà tạm
đều bị xúc phạm.
Những người bước vào nhà Thiên Chúa trong đêm
trình diễn không bái quì, không làm dấu thánh giá, không giữ thái
độ tôn nghiêm, nhưng
nói cười thoải mái. Nhà Chúa là nhà chung, nhưng hôm nay
ai ngồi đâu cũng đều phải có giá cả, phân
chia giầu nghèo, sang hèn. Bàn thánh và Nhà Tạm
bị che khuất hoặc bị di chuyển. Cung thánh hóa
thành sân khấu. Những
người bước lên sân khấu ấy, nơi chốn
trang nghiêm ấy lại không phải là những người
đã được thánh hiến để bước vào.
Hoặc nếu như
có một ai đó đã được thánh hiến, thì
trong tư cách là một diễn viên, một ca sĩ, họ
đã vô tình làm cho nơi thánh ấy trở nên ô uế, nên cớ cho những người
thiếu đức tin bị vấp ngã, coi thường sự hiện diện
của Thiên Chúa trong chính nhà của Ngài, nơi Ngài
đặt ngai tòa của Ngài để ở giữa dân Ngài.
|