Người
giữ cửa phải canh thức
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn
Ty)
Hai anh em chuyên viên Kinh Thánh Bernard và Louis Hurault
chú giải về đoạn Tin Mừng hôm nay như sau:
“Đây là một đoạn thu gom
dụ ngôn những yến bạc (Mt 25:14tt) và dụ ngôn
mười trinh nữ (Mt 25, 01tt). Đoạn văn
dạy chúng ta phải biết chờ đợi Chúa
đến bằng cách hoàn tất công việc Người
giao phó. Người giữ cửa
tượng trung cho các người có trách nhiệm lãnh
đạo trong Giáo Hội; họ không phải là chủ,
nhưng chỉ là người nắm giữ chìa khóa
của Hội Thánh”.
Quả đúng như vậy! Đối
tượng trực tiếp nhất của mệnh
lệnh ‘phải tỉnh thức và sẵn sàng’ mà
Đức Giêsu gióng lên với tất cả tính thành
khẩn chính là các tông đồ hoăc các môn đệ thâm
tín nhất của Người; cho dầu sau này
Người có mở rộng mệnh lệnh tới
hết thảy mọi người “Điều Thầy nói
với anh em đây, Thầy cũng nói với hết
thảy mọi người là: phải canh thức!” Chính vì
thế mà khi chọn đoạn Tin Mừng này để
khai mở cho một năm phụng vụ mới (năm
B), Hội Thánh hầu như muốn nhắc nhở cho
chính mình trước hết, rồi sau đó cho mọi
Ki-tô hữu về phận vụ then chốt
được Đức Ki-tô giao phó là ‘phải canh
thức!’ Mười hai tông đồ
trước nhất, thứ đến là những
người có trách nhiệm lãnh đạo trong Hội
Thánh, được Đức Giêsu ví như người
giữ cửa. Ông chủ không trao chía khóa cho
người giữ cửa để thi hành trách nhiệm cai quản và sắp đặt mọi
việc trong nhà, vì chính ông chủ, trước khi “trẩy
đi phương xa, để lại nhà, trao quyền cho
các đầy tớ mình, chỉ định cho mỗi
người một việc”. Việc cắt
đặt và xác định phận vụ từng
người trong Vương Quốc hoàn vũ thuộc
về Ông Chủ, riêng với người giữ cửa,
ông ra lệnh “Phải canh thức!” Như vậy
phận vụ của người giữ cửa không
phải để duy trì trật tự trong nhà, điều
động các đầy tớ chu toàn
công việc đâu ra đó. Người giữ cửa
phải canh thức vì một mục đích duy nhất: ‘…
khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa
đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng…” sẽ nhận ra ông ngay và
mở toang cánh cửa chờ đón… “kẻo
lỡ chủ đến bất thần, bắt gặp anh
em đang ngủ”. Thế thì đã rõ ràng: công việc chính mà
Hội Thánh nói chung, và của hàng giáo
phẩm lãnh đạo nói riêng, phải chu toàn chính là luôn
sẵn sàng và tỉnh táo để nhận ra Ông Chủ, cho
dầu Ông chợt đến bất cứ lúc nào. Các gia nhân khác đều có việc riêng của
họ, duy người giữ cửa được
cắt đặt để làm phận vụ này.
Như vậy trách nhiệm chính của Hội Thánh phải
là luôn tỉnh táo để nhận ra ngay khuôn mặt Thiên
Chúa từ nhân khi Ngài đến vào bất cứ lúc nào và
dưới bất kỳ hình thức nào, và mở cửa
ngay để đón tiếp Người.
Và nếu ông chủ sau chuỗi ngày đi xa
có trở về với một diện mạo thay
đổi, mà đôi khi chỉ mình người giữ
cửa mới nhận ra, thì anh lại càng phải canh
chừng vì trọng trách của anh quả là quá lớn
đối với mọi gia nhân trong nhà. Ông
Chủ mà Hội Thánh phải canh thức và tỉnh táo
chờ đón có diện mạo nhân ái và giầu lòng xót
thương của một Thiên Chúa cứu độ đã
được Đức Giêsu giáng thế mạc khải.
Diện mạo này không một ai khác nhận
ra được trừ những người đã đón
nhận Tin Mừng cứu độ. Phê-rô cùng với
các tông đồ, và mọi cấp phẩm trật Hội
Thánh sau này, là những người giữ cửa; họ
nắm giữ chìa khóa cánh cửa đón nhận Thiên Chúa
cứu độ. Trách vụ này không hệ tại ở
việc họ phải lo khóa kín cửa để bảo
vệ ơn cứu độ khỏi mất mát, hoặc
chỉ hé mở cho một thiểu số chọn lọc
được lọt vào, nhưng là để nhận ra
ngay Ông Chủ nhân ái và mở cửa đón ông, cho dầu
ông có trở về vào bất cứ giờ nào và cải
trang dưới bất kỳ hình thức nào. Hội Thánh phải canh thức và tỉnh táo
để mau mắn nhận ra Thiên Chúa yêu thương
để mà giới thiệu Ngài cho mọi người.
Chỉ sợ người giữ cửa lúc đó quá lo
toan, quá say mê sắp đặt công việc trong nhà, tâm trí bị
thu hút vào các vấn đề bề
bộn linh tinh khác, tựa như “… đang ngủ”,
để rồi quên bẵng diện mạo độc
đáo của Ông Chủ và không nhận ra khi Người
đến cách bất chợt nhất. Nguy cơ này là
rất lớn và có thể xảy ra cho Hội Thánh qua
mọi thời đại’
Phải chăng Thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII và Công
Đồng Chung Va-ti-can II đã muốn canh tân Hội Thánh
chính ở điểm mấu chốt này, khi kêu gọi
mọi Ki-tô hữu, nhất là những ai có trách nhiệm
lãnh đạo trong Giáo Hội, hãy không ngừng tỉnh
thức để nhận ra các ‘dấu chỉ thời
đại’ như những nét chứng tỏ sự
hiện diện sống động của Thiên Chúa tình yêu
giữa loài người? Giữa lòng nhân loại, chỉ
duy Hội Thánh có thể tỉnh táo nhận ra
được khuôn mặt nhân ái của Thiên Chúa và lắng
nghe được tiếng Người yêu thương
mời gọi phát ra từ tất cả các ‘dấu
chỉ’ đó, cho dầu đôi lúc chỉ biểu hiện
toàn mặt tiêu cực như chiến tranh, thiên tai, nghèo
đói, bất công… hoặc mang nặng tính thế tục
như kinh tế, chính trị, truyền thông, di dân… Khả năng này trước Vatican II có lẽ
đã bị suy yếu lắm rồi, ngay cả đối
với nhiều vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
Như vậy mệnh lệnh ‘phải
tỉnh táo và canh thức’ cần vang vọng mạnh
mẽ ra xa hơn nữa, đặc biệt phải
thấu tới tai những ai
được trao phó công việc ‘giữ cửa’. Sứ
điệp Mùa Vọng quả là cấp thiết cách riêng
cho tôi – linh mục, và cho mọi mục tử trong Hội
Thánh Chúa!
Lạy Thiên Chúa
từ bi nhân ái, Đấng đang và sẽ đến
với nhân loại bất chợt và cải trang
dưới muôn hình muôn vẻ. Chúa cho con tham gia vào công
việc giữ cửa để nhận ra và chào đón
Chúa khi Ngài đến. Xin cho Mùa Vọng khởi đầu
năm phụng vụ nhắc nhở con về việc con
phải thi hành trong suốt đời Ki-tô hữu và linh
mục của mình, đó là nhận ra khuôn mặt nhân ái
của Chúa để đón tiếp và giới thiệu
Người cho hết mọi người. Amen.
|