Chờ và đợi – Anmai,
CSsR
Tâm trạng mong đợi, chờ mong, trông
chờ nó diễn tả nỗi lòng của con người
hồi hộp, nao nức mong điều gì đó quý báu,
điều gì đó mang đến cho con người
niềm vui, bình an, hạnh phúc. Chắc có lẽ ai ai trong
chúng ta cũng mang trong mình ít nhiều sự mong đợi,
lòng ngóng chờ niềm vui, niềm hạnh phúc đến
với mình. Nhìn những đứa con, đứa cháu trông
đợi cha mẹ chúng đi làm về hay nhất là
đợi mẹ cháu đi chợ về chúng ta thấy hay
làm sao đó!
Chúng biết rằng mẹ của chúng
thương chúng nên hễ đi chợ về là không ít thì
nhiều chúng cũng sẽ được bọc xôi, gói
chè! Vì thế, hễ mẹ chúng đi chợ là y như
rằng chúng cứ chờ, cứ đợi. Nhiều khi
chúng ra tận ngoài ngõ để chờ niềm vui từ
những gói chè tự tay mẹ chúng mang về cho chúng.
Tương tự thế, nhìn những
đứa trẻ đi học mẫu giáo, dù là vui với
các cô, các bạn. Ở với các cô, chơi chung với các
bạn đồng lứa vui lắm chứ! Nào là
được ăn chung, chơi chung, đùa chung nhưng
hình như chúng vẫn chưa thoả mãn với tất
cả những gì mà cô mà bạn mang lại. Vì sao? Vì tất
cả những thứ ấy vẫn không mang lại cho
chúng niềm vui, niềm bình an đích thực. Chúng biết
rằng thời gian ở với cô, với bạn hay là
chơi với cô với bạn chẳng hạnh phúc
bằng được ở với cha với mẹ nên
rằng cha mẹ chúng là nhất trên đời.
Ở nhà có các cháu nhỏ chúng ta sẽ
thấy hình ảnh của chúng buồn cười lắm.
Sáng thức dậy là ráng nằm nướng trên
giường chưa muốn dậy. Phần lười
biếng, phần buồn ngủ nhưng phần lớn
chính là không muốn xa ba xa mẹ là nguồn vui, nguồn
hạnh phúc của chúng. Chúng phải làm mình làm mẩy
để được ở nhà với cha và với
mẹ.
Rồi thử một buổi chiều nào
đó, chúng ta đến các trường mầm non chúng ta
nhìn hình ảnh những đứa trẻ đang
đứng ngóng đợi cha mẹ chúng dễ
thương làm sao đó. Dẫu chưa biết lúc nào ba
mẹ đến nhưng mà cứ đến khi cô bảo
mẫu bảo các con hãy thay đồ, rửa mặt là
chúng không ai bảo ai đi thay đồ và làm vệ sinh
thật là nhanh. Chẳng hiểu sao thật là thiêng liêng,
thật là bí nhiệm khi nghe cô bảo mẫu nói như
thế chúng làm nhanh thoăn thoắt. Thay đồ xong là
chạy vụt ra sân để mà đợi mà chờ. Trong
giờ học, các cô có thể bảo các cháu làm gì theo ý cô,
theo bài học cô dạy nhưng đến giờ đó cô
không thể nào điều khiển cháu được vì
lẽ giờ đấy chỉ có một điều
cần thôi là chờ ba mong mẹ.
Ngược lại với hình ảnh
buổi sáng. Giờ làm sao cho nhanh để được
nhìn thấy ba mẹ, để được ba mẹ
đón về nên chúng không còn thiết tha với búp bê,
với đồ hàng, với đồ chơi, với xe,
với cộ nữa nhưng chỉ còn thiết tha sao cho
mau gặp ba với mẹ mà thôi.
Nhìn lại lịch sử dân Israel
ngày xưa chúng ta thấy rõ tâm trạng chờ đợi
như những đứa trẻ vậy.
Do sự phản bội bất trung, họ
đã bị bắt đưa đi làm nô lệ bên Babilon.
Cuộc sống lưu đày không chỉ ràng buộc
họ với những cảnh cùng cực, đói rét, gò bó,
mà còn có cả những khe khắt trong cuộc sống tinh
thần tôn giáo. Cuộc sống ấy sói mòn tinh thần và
thể xác, khiến cho niềm tin vào Thiên Chúa không còn đứng
vững, có khác nào như những cánh tay rời rã, bàn chân
mỏi mòn.
Chờ Chúa đến nhưng thấy lâu quá
để rồi họ đi tìm cho họ đủ
thứ các loại thần để mà thờ để mà
kính. Lịch sử viết lại cho chúng ta những dòng sử
của dân Israel
như là bài học lớn cho mỗi người chúng ta. Vì
đi theo thần này, thần kia để rồi dân Israel
cứ lầm lũi đi trong đêm tối.
Chính trong bối cảnh bi thảm đen
tối, Giavê Thiên Chúa đã gửi tiên tri Giêrêmia đến
loan báo về ngày giờ Thiên Chúa sẽ ra tay tế
độ. Ngài còn mặc khải rõ hơn khi cho biết tin
mừng ấy sẽ được khởi sự ngay qua
một dòng tộc: Đó là dòng dõi vua Đavit: " Trong
những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm
nảy sinh cho Đavit một chồi Công Chính". Thế
là một triều đại mới, một vận
hội mới sẽ đem lại đổi thay cho
kiếp đoạ đày đen tối của dân Israel.
Từ đây, trật tự được tái lập,
hạnh phúc sẽ nở ra và mọi người mọi
nhà sống trong cảnh hoà bình thịnh vượng vì
Đức Vua hiển trị sẽ xét xử chư dân
trong sự khôn ngoan và công chính".
Lời hứa trên đã làm nao nức bao tâm
hồn. Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với giao
ước đã chẳng thể nuốt lời. Ngài đã
cho Con Một Nhập thể làm người để
thực hiện những gì đã hứa, nhưng không
chỉ cho Israel
mà còn cho các dân tộc. Ngài đã làm sống lại và
khơi lên niềm tin tưởng khi loan báo cho họ
biết rằng: Giờ cứu rỗi, ngày giải thoát
đã gần đến rồi. Vì thế, Ngài kêu gọi
mọi người hãy biết đọc qua những
biến đổi của vũ trụ, qua những thay
đổi của tâm hồn, dấu chỉ của ngày
cứu độ. Những biến cố như
động đất, mất màu, tai ương, ôn
dịch, hạn hán cùng với những vật đổi
sao dời làm cho lòng người khiếp run kinh hãi. Và còn có
biết bao cái ta không mong đợi mà xảy đến:
tai nạn, bệnh tật, chết chóc, hiểm hoạ...
Tất cả đều có giá trị như là một
dấu hiệu, một lời nhắc nhở để ta
hướng về ngày giờ của Con Thiên Chúa đang
đến.
Chúng ta, nhìn lại chúng ta ngày nay chúng ta
thấy hình như chúng ta cũng chẳng khác Israel
ngày xưa là mấy. Chúa yêu thương, nâng đỡ, bao
bọc, chở che cuộc đời chúng ta như Israel
ngày xưa vậy. Thế nhưng mà chúng ta vẫn chưa
cảm thấy thoả mãn với tất cả những gì
Chúa thương ban cho chúng ta để rồi chúng ta
cũng loay hoay mãi trong bóng đêm như dân Israel
vậy.
Tiếng kêu ai oán mong đợi Đấng
Cứu Thế đến cứu muôn dân được ngôn
sứ Isaia thốt lên trong bài đọc thứ nhất mà
chúng ta vừa nghe đấy: "Lạy Đức Chúa,
Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con:
đó là danh Ngài muôn thuở. Lạy Đức Chúa, tạ
sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường
lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá,
chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương
đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia
nghiệp Ngài, xin Ngài mau trở lại. Phải cho Ngài xé
trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển
trước thánh nhan". (Is 63, 16b-17.19b).
Vì lòng con người chai đá nên Isaia đã
kêu lên với Đức Chúa. Ngày hôm nay, chúng ta cũng gào lên
với Chúa là vì tình thương của Chúa, xin Chúa mau
trở lại để cứu chúng ta.
Lòng chờ mong, lòng mong đợi ấy chúng
ta cũng được nghe Thánh Phaolô nói đến trong
thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Ngài:
"Chúng ta mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
ta, mạc khải vinh quang của Người".
Và Trong khi chờ đợi, Ngài mời
gọi chúng ta hãy sống trong sự tỉnh thức và
cầu nguyện như Thánh Maccô thuật lại cho chúng ta
trong Tin mừng của Ngài mà chúng ta vừa nghe. Chúa Giêsu,
hơn lúc nào hết, Ngài cảnh báo với các môn đệ
là phải tỉnh thức luôn luôn. Như những
người lính tuần canh, chỉ được gọi
là tỉnh thức khi biết luôn đứng với đôi
mắt sáng rực nhìn về phía trước. Nói cách khác,
như thánh Phaolô khuyên trong thư gửi cho giáo dân thành
Thesalonica: Đó là không được để cho lòng trí
ra nặng nề và tối tăm, bởi những tiệc
chè chén, say sưa, bởi đam mê dục vọng, bởi
ảo vọng vật chất. Thay vào đó là phải ra
sức thực thi bác ái, yêu thương, mặc lấy
một cuộc sống khiêm nhường vì đó là điều
đẹp lòng Thiên Chúa và làm cho người ta nên thánh
thiện.
Chúng ta biết rằng cuộc đời
của chúng ta nó mong manh, nó mỏng dòn, nó yếu
đuối lắm nên cuộc đời muốn
được đứng vững để đón
nhận ân huệ của Chúa, tình thương và ơn
cứu độ của Chúa không còn cách nào khác hơn là
phải tỉnh thức, vẫn chờ mong Chúa đến
như lính canh mong đợi hừng đông như suối
mong đợi nước nguồn vậy.
Nhớ lại những đứa trẻ,
những thú vui do các cô, các bạn mang lại vẫn không là
niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực của chúng
được. Chúng ta cũng vậy, những lạc thú
trần gian: tiền - tình - danh, những thứ ấy
vẫn không thể nào bù đắp, không thể nào lấp
đầy nỗi khát khao, niềm hạnh phúc đích
thực của chúng ta được.
Mùa Vọng, mùa trông đợi lại về.
Mùa Vọng như là thời gian, như là cơ hội
thuận tiện để nhắc nhớ mỗi
người chúng ta đâu là cùng đích, đâu là niềm
vui đích thực của chúng ta. Nếu cùng đích của
cuộc đời chúng ta là tiền - là danh - là dục thì
chúng ta cứ tiếp tục cắm cúi đi tìm chúng. Còn
nếu cùng đích, lẽ sống của cuộc
đời chúng ta là Chúa thì còn thời gian, còn cơ hội,
chúng ta hãy dùng thời gian, dùng cơ hội thuận
tiện để biến đổi cuộc đời,
để mà luôn tỉnh thức để đón chờ
ánh sáng, đón chờ tình yêu vĩnh cửu đến
với chúng ta.
Nguyện xin
Emmanuel – Đấng Cứu Độ Duy Nhất
đến và ở lại trong cuộc đời mỗi
người chúng ta để tâm hồn, để cõi lòng
cuộc đời chúng ta luôn bình an giữa biết bao nhiêu
biến động, bao nhiêu xáo trộn của cuộc
đời.
|