Chúa Giêsu, Vua Tình yêu.
(Suy niệm
của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Hôm nay Chúa
nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, Giáo Hội
mừng kính lễ Chúa Kitô Vua. Năm phụng vụ mở
đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, khai triển
qua cuộc tử nạn, Phục sinh để rồi
kết thúc bằng vương quyền viên mãn của
Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ
tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt
đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở
về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu
và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.
Đặt
lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm
phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta rằng,
Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ
của thời gian, của lịch sử nhân loại và
Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta.
Chúng ta phải
hiểu tước hiệu Vua Kitô như thế nào? Và
việc tuyên xưng Đức Kitô là vua mang lại ý
nghĩa gì cho cuộc sống người Kitô hữu?
1. Ông vua trong lịch
sử loài người
Sau thế
giới đại chiến lần thứ I, chế
độ Vua cai trị, thường gọi là chế
độ Quân chủ, không còn nữa. Chỉ còn mấy ông
vua bà hoàng để bày cho đẹp, như ở Thái Lan,
Anh Quốc, Nhật v.v. nhưng thực quyền của
họ không có gì cả. Những người trẻ hôm nay,
qua sách vở, khó hình dung rõ nét thế nào là một ông vua.
Trong lịch
sử loài người có một số ông vua tài giỏi
về đánh giặc cũng như về cai trị,
nhưng hầu hết các ông vua, vì cha truyển con nối,
nên độc tài độc đoán, không có khả năng
trị quốc an dân, chỉ biết hưởng thụ
cho riêng mình, chẳng quan tâm đến sự lầm than
đói khổ của bá tánh. Lịch sử Trung Hoa, các ông
vua còn tự xưng mình là Thiên tử, là con ông Trời,
bắt ai chết thì người đó phải chết, cho
ai sống thì người đó được sống
(Quân xử thần tử, thần bất tử bất
trung). Các vua Lamã thì xưng mình là Thần, ngang với
Thượng đế.
Nhìn chung, các vua
trần gian thì ích kỷ, dâm ô. Khi họ đã nắm
được ngai vàng thì coi mọi người như
bầy tôi, giang sơn đất nước thì cho là tài
sản riêng của mình. Vua thường nói: “Thần dân
của trẫm. Giang sơn của trẫm”. Thế rồi
khư khư giữ lấy. Nghi ngờ kẻ nào có ý
phản loạn thì giết ngay tức khắc, không chỉ
giết một người đó, mà còn tru di cả tam
tộc cửu tộc nữa.
Nếu muốn
đổi triều đại, vua của dòng họ này sang
triều đại dòng họ khác, thì phải giành giật,
phải thoán ngôi. Cứ đọc lịch sử Việt Nam thì thấy, mỗi thay
đổi triều vua từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, toàn
là máu và nước mắt. Đến đời Nguyễn
Ánh tự xưng là Gia Long hoàng đế, làm vua từ
năm 1802, cha truyền con nối kéo dài hơn 100 năm,
cho đến năm 1945, vị vua cuối cùng của nhà
Nguyễn là Bảo Đại. Vua này vì sợ Việt Minh
Cộng sản giết chết nên mới thoái vị.
2. Ông vua trong Kinh Thánh
Vào khoảng
thế kỷ thứ 11 trước Chúa Giáng sinh, dân Israel
đòi có vua cai trị giống như các dân khác, Giavê Thiên
Chúa (qua ngôn sứ Samuel), đã cảnh cáo dân rằng:
Ba vị vua đầu tiên của
Israel là Saul, Đavid, và Salomôn.
Về Saul thì
Thiên Chúa nói: “Ta hối tiếc vì đã đặt Saul làm
vua, nó đã quay lưng lại Ta.” (1S 15: 10).
Về Đavid,
Thiên Chúa nói: “Chính Ta đã xức dầu tấn phong
ngươi làm vua Israel... Tại sao ngươi dám khinh
màng lời Đức Giavê... ngươi đã lấy
gươm đâm Uria, người xứ Hitit và
đoạt lấy vợ nó làm vợ ngươi.” (2S 12:
9).
Còn Salômôn,
vị vua có 700 vợ và 300 hầu thiếp (1V 11: 3). Ông
đã bỏ Đức Chúa Giavê để thờ tà
thần của các vợ. Giavê phán với Salômôn: “Bởi
ngươi đã nên thể ấy nơi ngươi... Ta
sẽ giựt lấy vương quyền của
ngươi.” (1V 11: 11).
Trong Tân
Ước cũng nhắc đến một ông vua rất
tàn ác, đó là Hêrôđê. Kinh thánh nói: “Bấy giờ
Hêrôđê tức cuồng lên, sai quân giết hết cả
trẻ em ở vùng Belem, từ hai tuổi trở xuống. (Mt 12: 6).
3. Đức Giêsu Kitô
Vua
Giáo Hội suy
tôn Đức Giêsu là Vua, không phải chỉ của thế
giới này, mà của toàn vũ trụ. Ngài không bao giờ
làm vua theo kiểu các vua chúa ở trần gian, cũng không
bao giờ làm chủ một lãnh vực kinh tế nào. Ngài là
Vua theo một nghĩa hoàn toàn khác.
Vì thế, ngày
lễ Chúa Kitô Vua mang màu sắc đầy vinh quang chiến
thắng, Giáo Hội lại nêu cao biến cố đau
thương Chúa chịu chết treo trên thập giá.
Các sách Tin
Mừng đã đặt lễ đăng quang của Chúa
Giêsu trong chính cuộc tử nạn của Ngài. Khởi
đầu là cuộc khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem,
trong đó Chúa Giêsu đã ngồi trên lưng một con
lừa con. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu đã khẳng
định rằng Ngài là Vua, nhưng Ngài là Vua không theo các
cung cách của vua chúa trần gian. Tất cả bản án
của Chúa Giêsu đều xoay quanh tước hiệu Vua
của Ngài.
Chúa đã
trả lời với tổng trấn Philatô: “Nước
tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã sinh ra và
đã đến thế gian nhằm mục đích: làm
chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự
thật thì nghe tiếng tôi”. Câu trả lời ấy cho
chúng ta biết: Nước Chúa không thuộc về thế
gian, có nghĩa là bất cứ nước nào, bất
cứ chế độ nào, với nền văn minh nào,
cũng không thể đồng hóa với nước Chúa.
Nước Chúa ở trong các tâm hồn, những tâm hồn
khao khát sự thật, tôn trọng sự thật, và
nhất là đón nhận sự thật. Sự thật
đó là tình yêu cứu độ Chúa Giêsu đem đến.
Vậy, tất
cả những ai đón nhận tình yêu cứu độ
đó, họ sẽ được nhận vào Nước
Chúa. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, những
người chứng kiến đã có những thái
độ khác nhau: có kẻ xót thương, có người
lãnh đạm vô tình, có kẻ thách thức, nhục mạ,
nhưng cũng có người nhận ra Chúa và tin
tưởng Chúa. Đó chính là người trộm lành. Anh
không dám thách thức Chúa như người trộm khác cùng
bị đóng đinh với anh hay như những
người vô lễ khác, nhưng anh biết tội mình và
suy đoán rằng vương quyền mà Chúa liều
chết vì nó phải là một vương quyền tốt
đẹp vô lường nên anh kêu xin Chúa cứu vớt
để được đưa vào vương quốc
ấy. Đúng vậy, giữa đám đông mù quáng,
ngược ngạo, ít ra cũng còn một tâm hồn ngay
tình. Đó là người trộm lành trong một hoàn
cảnh thật bi đát bị treo trên thập giá, anh
đã biết nhận tội của mình và nhìn nhận
sự vô tội của Chúa Giêsu. Giữa lúc mọi
người đều bỏ rơi Chúa, đã quên hết
những phép lạ, những lần đi theo Chúa lúc Ngài
được tôn vinh, người trộm đã nhận
ra vương quyền của Chúa và tuyên xưng đức
tin của mình bằng một lời van xin đầy hy
vọng sâu xa: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của
ông, xin nhớ đến tôi”. Lời cầu nguyện khiêm
hạ của anh đã mở được cửa
vương quốc đó cho anh.
Hiện nay trên
thế giới khoảng 2,5 tỷ trên 7 tỷ người
là Kitô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau (Công giáo, Tin
Lành, Chính Thống…). Họ là những người theo Ngài,
làm môn đệ Ngài, đồng thời nhìn nhận Ngài là
lẽ sống, là gương mẫu hoàn hảo nhất cho
cuộc đời mình, và coi giáo huấn của Ngài là kim
chỉ nam cho mọi hành động của mình. Họ theo
Ngài chủ yếu không phải vì giáo huấn của Ngài cao
siêu, vì nhân cách của Ngài đáng phục nhất (mặc dù
họ tin đích thực là như vậy). Họ theo Ngài vì
họ tin Ngài là Con Thiên Chúa, là thần linh cao cả vô cùng,
lại là người yêu thương họ hơn bất
kỳ ai khác trên đời, yêu họ đến nỗi
sẵn sàng đau khổ và chết cho họ. Nhất là
Ngài là người duy nhất có thể đem lại
hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu cho họ.
Thật
vậy, còn gì vương giả cho bằng khi Ngài cầu
nguyện với Thiên Chúa Cha để xin ơn tha thứ
cho những kẻ đã làm hại Ngài. Chúa Giêsu là Vua
của Tình Yêu, chính tình yêu là sức mạnh của Ngài và
cũng chính tình yêu ấy đã khiến cho Ngài tuyên bố:
“Khi nào Ta chịu treo trên thập giá, Ta sẽ kéo mọi
người đến với Ta”.
Qua hơn 2000
năm, lời ấy vẫn mãi được ứng
nghiệm. Ngoài Đức Kitô ra không có một vị vua nào
trên trần gian này được nhân loại chọn làm
trọng tâm của lịch sử. Chấp nhận hay không
chấp nhận, tin hay không tin, ai cũng phải lấy
Đức Giêsu làm cái mốc để tính thời gian. Có
một thời gian trước Đức Kitô và có một
thời gian sau Đức Kitô và dù có tránh tên của Ngài
để nói trước hay sau Công nguyên thì con người
nói như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Con người
sẽ không bao giờ loại bỏ Đức Kitô ra
khỏi lịch sử của mình”. Đức Kitô đang
lôi kéo mọi người về với Ngài, Ngài đang
đồng hành trong lịch sử nhân loại và trong
cuộc đời của mỗi người. Cuộc
đời này có giá trị và ý nghĩa hay không là tùy thuộc
ở thái độ tiếp nhận của mỗi
người đối với Đức Kitô.
Tiếp
nhận Ngài và tuyên xưng Ngài là Vua chính là mặc lấy thái
độ tín thác của kẻ trộm lành, sẵn sàng trao
phó tất cả cuộc đời trong tay Ngài và
bước đi theo Ngài. Tiếp nhận và tuyên xưng
Ngài là Vua là đi theo con đường của phục
vụ và phục vụ cho đến cùng. Tiếp nhận
và tuyên xưng Ngài là Vua là cùng với Ngài xây dựng
vương quốc của Ngài ngay trên trần gian này,
vương quốc của huynh đệ, vương
quốc của yêu thương, vương quốc của
công lý và hòa bình. Và mỗi một lần chúng ta xây dựng
vương quốc ấy bằng một cữ chỉ yêu
thương thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ nghe
được lời hứa của Ngài cho người
trộm lành: “Hôm nay đây con sẽ ở cùng Ta trong
vương quốc của Ta”.
Mỗi
người tự xét mình xem Đức Giêsu đã thật
sự là Vua của chính bản thân ta chưa, nghĩa là Ngài
đã chiếm trọn vẹn trái tim ta chưa, đã
thật sự ảnh hưởng mạnh mẽ
đến mọi tư tưởng, lời nói và việc
làm của ta chưa, có lẽ rất nhiều người
sẽ phải ngập ngừng, hoặc phải trả
lời chưa!. Ngài là vua của tâm hồn ta, hay là tiền
bạc, quyền lực, danh vọng, địa vị,
lạc thú, hoặc chính bản thân ta?
Nếu Ngài
chỉ là Vua của thế giới, của vũ trụ,
mà không phải là Vua của tâm hồn ta, thì việc tuyên
xưng Ngài là vua có ích lợi gì cho ta? Tuyên xưng thật
mạnh mẽ trên lý thuyết, mà thực tế đời
sống của ta lại chứng tỏ trái ngược
lại, thì sự tương phản ấy chỉ cho
thấy sự giả dối hay giả hình của ta thôi!
Tôi rất thích lời của Tổng thống Bush: «Show, but
don’t tell!»: Hãy chứng tỏ (bằng thực tế,
bằng hành động) chứ đừng nói suông!
Trong ngày sau cùng,
khi Đức Giêsu phán xét chúng ta như vị Vua của
vũ trụ, Ngài chỉ xét chúng ta những điểm
rất thực tế: ta đã thực hành ý muốn
của Ngài như thế nào? nhất là đã yêu
thương và đối xử với Ngài như thế
nào qua hiện thân của Ngài là những người chung
quanh ta? Ngài có phải là Vua đích thực của chính
bản thân ta không?
Thiết
tưởng việc sống đạo của chúng ta
cần phải xây dựng trên căn bản là thực
tế của đời sống, chứ không phải trên
lời nói, lý thuyết, sách vở. Có như thế chúng ta
mới là “người khôn ngoan xây nhà trên đá”. (Mt 7,24).
|