Hướng
đến sự thật
(Suy niệm của G. Nguyễn Cao Luật,
OP)
Giả hình và kiêu ngạo
Thêm một lần nữa, Tin Mừng
đề cập đến những người Pharisêu.
Họ là những người có địa vị trong xã
hội và có tầm ảnh hưởng khá rộng. Và
cũng thêm một lần nữa, lời lẽ của
Đức Giêsu với những người Pharisêu
chẳng có chút gì là dịu dàng, hoà hoãn. Đức Giêsu
đã đưa ra những lời nghiêm khắc với
những người tự nhận mình biết tất
cả, nhưng chính họ lại chẳng hiểu gì.
Vậy, Đức Giêsu quở trách những
người Pharisêu về chuyện gì? Sự dối trá
của họ. Thông thường, sự dối trá chỉ
thể hiện qua lời nói: người ta biết
một điều là sai nhưng lại trình bày là đúng.
Về phương diện này, người Pharisêu không
bị khiển trách. Điều họ quả quyết
thực sự là đúng: họ có nhiều kiến
thức, có khả năng xét xử, lời họ nói có
thể dẫn đến Thiên Chúa, và dựa vào những
thẩm quyền chính thống. Họ không nói năng như
những người xa lạ muốn chiếm đoạt
một quyền dành riêng. Họ là những người
"nối quyền ông Môsê mà giảng dạy" -như
lời Đức Giêsu, họ không giống như những
người Xa-ma-ri vốn cũng nói về ông Môsê, nhưng
giáo huấn của người này đã sai lạc vì đã
pha trộn thêm nhiều yếu tố khác.
Như vậy, sự dối trá của
những người Pharisêu không phải là lời nói,
nhưng một cách tinh vi hơn, là sự cách biệt,
sự mâu thuẫn giữa lời họ nói và việc
họ làm. Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn
đệ: "... họ nói mà không làm. Vậy những gì
họ dạy, thì anh em hãy làm, hãy giữ ; nhưng cách
họ hành động, thì đừng có làm theo." Bởi
vì "họ bó những gánh nặng mà chất lên vai
người ta, nhưng chính họ thì lại không buổn
động ngón tay vào."
Chính sự cách biệt, mâu thuẫn giữa
lời nói và việc làm cho thấy tội của
người Pharisêu. Đó là tội "giả hình".
Đó là một sự đứt đoạn mà chẳng hề
có một sự hối hận nào.
Xa hơn, Đức Giêsu cho thấy
động lực của thái độ này: "họ làm
mọi việc cốt để cho thiên hạ
thấy", tức là lòng "kiêu ngạo". Đây không
phải là thái độ của một người tự
hào về những tài năng hay sự thành công của mình,
nhưng đây là một thái độ tinh vi hơn, nếu
không muốn nói là tệ hại hơn. Quả vậy,
đây là việc sử dụng quyền bính và uy tín cách
bất xứng: đúng ra quyền bính và uy tín này chỉ có
được ý nghĩa khi được sử dụng
qua và vì nhiệm vụ của mình, và khi có nhiệm vụ
càng cao, lại phải khiêm tốn hơn. Làm sao
người ta có thể tự nhận là dụng cụ
của Thiên Chúa để thông truyền cho người khác
về mầu nhiệm của Người, mà lại
chẳng quan tâm đến việc sống xứng hợp
với mầu nhiệm này, và cũng chẳng ý thức
rằng dụng cụ chỉ có được ý nghĩa
khi phục vụ cho điều mình đã khấn
nguyện, và mình chỉ là một phản ánh cho sự
thật lớn lao!
Những người Pharisêu đã sử
dụng quyền bính được trao cho mình để
tìm vinh quang cho cá nhân và thu lợi cho riêng mình. Đó là
một sự sai lầm, một sự lạm dụng
quyền bính. Sự lạm dụng này đã biến họ
trở thành những người đổi bại,
ngược hẳn với điều họ bắt
người khác làm.
Vì lợi ích của cộng đoàn
Thiên Chúa đã trao Lời của Người
cho con người, nhưng họ đã tìm cách chiếm
đoạt Lời đó. Con người được
mời gọi làm sứ giả, làm tôi tớ của
Lời, nhưng họ đã biến lời đó thành
dụng cụ để phục vụ lợi ích riêng mình.
Nói cách khác, họ biến Thiên Chúa thành người phục
vụ họ.
Hiện tượng này đã xảy ra vào
thời Đức Giêsu, và vẫn xảy ra trong Hội
Thánh, suốt dòng lịch sử. Đã không phải chỉ
một lần Hội Thánh bỏ quên sứ mạng cốt
yếu của mình là loan báo Tin Mừng, các giáo sĩ cũng
đã nhiều lần ủng hộ các chế độ
trong đó quyền lợi của các vị được
đề cao để rổi xa lánh những đòi
hỏi của Tin Mừng. Và với các tín hữu, sứ
điệp được trao cho họ là sự thật,
nhưng họ đã cắt nghĩa theo lối của mình
để xét đoán người khác.
Những lời của Đức Giêsu
với những người Pharisêu cho thấy thái
độ đầy giận dữ trước sự
dối trá, và những hình thức của nó là kiêu căng,
giả hình, ham mê tiền bạc. Những hình thức
dối trá này làm phát sinh tình trạng vô trật tự và
cuối cùng làm bùng nỗ bạo lực. Nơi
người Pharisêu, lời chân lý đã bị trói chặt,
bị giam hãm, và thay vào đó là lời dối trá.
Ngoài ra, những lời của Đức
Giêsu cũng là một lời mời có sức giải thoát,
cho thấy một chân trời mới đang xuất
hiện và làm nỗ tung những giới hạn của con
người. Những lời này mở ra một khoảng
không để mọi người có thể hiệp thông
với nhau, cùng chia sẻ một ưu tư là trao
đổi về ý nghĩa chiều hướng sẽ
đến, luôn cần phải khám phá. Những lời này
không phải là những lý do để tạo ra những
trường phái đối lập nhau, hay gây ra những
cuộc chiến tranh có sức gây huỷ diệt.
Chính vì mỗi người ý thức
được nhiệm vụ của mình là bảo toàn
sự siêu việt của Lời, nên Hội Thánh phải là
điểm quy chiếu của sứ vụ: không ai có
quyền giải thích lời Chúa mà không hướng
đến toàn thể cộng đoàn. Không ai có quyền
giải thích lời Chúa nhằm lợi ích cho cá nhân mình,
trong khi coi thường ích lợi của người khác.
Tuy vậy, Hội Thánh cũng nhắc
nhở rằng, những lời này có thể
được đọc lại theo một cách thức
mới do những người nghèo. Cộng đoàn có
thể được hình thành và bao gổm những trách
nhiệm nhỏ hay lớn, nhưng từ căn bản,
tất cả mọi người trong cộng đoàn
đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Mọi
người, bất kể là ai, đều là anh em với
nhau, và đều cùng được mời gọi làm cho
lời đã âm vang trong lòng họ được thêm phong
phú. Mỗi người, trong trách nhiệm, trong công việc
của mình, đều là chứng tá sống động và
đích thực của lời Chúa.
Đừng tưởng mình vô tội
Đọc lại đoạn Tin Mừng này,
có lẽ chúng ta cảm thấy vui mừng vì nhận
thấy Đức Giêsu nói những lời này với
những người đã sống và chết từ lâu.
Ngày nay chẳng còn những kinh sư, những biệt phái
nữa! Có phải như thế không?
Và cũng có lúc chúng ta nghĩ rằng có
một vài sự kiện trong quá khứ có thể đã
tạo nên một hình ảnh không mấy tốt đẹp
về Hội Thánh, nhưng tất cả đã trôi vào
dĩ vãng.
Nhưng coi chừng, chúng ta lại không
phải là kinh sư và biệt phái đấy sao, mỗi khi
lời nói và việc làm của chúng ta không ăn khớp
với nhau.
Và nhất là, khi đã ý thức
được điều này, không phải chỉ là thay
đổi thái độ, còn cần phải thay đổi
lối nhìn: tất cả chúng ta đều là anh em, tất
cả chúng ta đều bình đẳng, vì chúng ta
"chỉ có một Cha, chỉ có một Thầy, chỉ
có một vị lãnh đạo."
Không có điều nào cho phép chúng ta nghĩ
mình trổi vượt hơn người khác, dù đó là
kiến thức, địa vị xã hội, hay tiền
bạc ... Những điều này chỉ có ý nghĩa
một khi chúng ta đem sử dụng để phục
vụ người khác.
Như vậy, để không dối trá
với người khác, với chính mình và với tình yêu,
chúng ta phải gạt bỏ đi thế giới
đầy ảo tưởng và những vẻ bên ngoài mà
tính ích kỷ và thói kiêu ngạo hay tạo nên nơi chúng ta.
Chỉ khi nào chúng ta không còn muốn "thu góp" và
"xuất hiện", lúc ấy chúng ta mới bắt
đầu "là".
Cái nhìn đức tin xuyên thủng tấm màn
bên ngoài. Cái nhìn của những người Pharisêu, cái nhìn
dối trá, thật quá thô thiển, bởi vì nó chỉ mong
tìm vinh quang và ích lợi. Cái nhìn này không cho chúng ta nhận ra
những chiều kích về con người cũng như
về Thiên Chúa. Chúng ta chẳng ngạc nhiên nếu một
ngày nào đó những vẻ hào nhoáng này rơi xuống, và
khi ấy những chiều kích đích thực sẽ
xuất hiện, trong đó -như lời Đức Giêsu-
"người đầu hết sẽ trở nên
cuối hết, và người cuối hết sẽ nên
trước hết."
"Trong tất cả thảm kịch
của Chúa Giêsu, người ta cảm nhận ra vì sao
người Pharisêu lại sợ Người. Bởi vì
sự hiện diện của Người làm mờ đi
sự hiện diện của họ, và chính vì sự ghen
tương mà họ đã không có được sự sáng
suốt để nhận biết Người ... Họ
đã cảm thấy không có vũ khí ngang tầm để
tấn công Chúa Giêsu. Họ đã cảm thấy ở
Người có một sự chân thật, một sự
chất phác mà họ không thể với tới
được. Họ đã muốn bịt tiếng nói
đó, bởi tiếng nói đó quá trung thực khiến
họ không thể thoát được ...
"Nếu chúng ta làm điệu làm bộ
với mốt này, mốt nọ, điều đó ích
lợi gì cho ai, vì đó chỉ là những điệu
bộ. Điều mà dân chúng chờ đợi, đó là
một ý thức sắc bén về sự công bằng, lòng
nhân ái, một sự rộng mở của con tim, rộng
mở đến vô hạn, đến độ
người ta nhận ra ở đó có cái gì rất lạ
lùng, một ý tưởng của Thiên Chúa ..."
(x. Maurice Zundel, "Sống với Chúa trong
cái thường ngày", tập 1, trang 33-35).
|