dỤ ngôn tiỆc
cưỚi hoàng gia
(Mátthêu
22,1-14 – CN XXVIII TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Cả ba dụ ngôn nối tiếp
nhau – Hai người con (21,28-32), Những người
thợ vườn nho (21,33-46) và Tiệc cưới
hoàng gia (22,1-14) – đều được gửi đến
cho các thượng tế và các kỳ mục của Dân (x.
21,23) và đều mang một sứ điệp rất
giống nhau. Bằng các dụ ngôn này, với một lời
khuyến cáo lặp đi lặp lại, nghiêm túc, mạnh
mẽ, Đức Giêsu muốn làm cho họ mở mắt
ra để hiểu tương quan của họ với
Thiên Chúa. Các thượng tế và các kỳ mục không
được chạy theo ảo tưởng nào, nhưng
phải thấy rõ tương quan đó trước khi quá
muộn và phải điều chỉnh bản thân cho kịp
thời.
Thật ra các dụ ngôn và các lời
khuyến cáo không phải chỉ được dành cho giới
lãnh đạo Do Thái giáo, nhưng cũng được gửi
đến cho thính giả mọi thời. Thiên Chúa không ép buộc;
Người ngỏ với chúng ta và chờ đợi chúng
ta tự do quyết định. Các người con
được mời đi làm việc trong vườn nho
của cha; những người thợ vườn nho
được nhắc nhở giao nộp hoa lợi thuộc
về ông chủ; những khách được mời
được kêu gọi đến dự tiệc cưới.
Không một ai bị bó buộc phải xử sự
theo cách nào cả. Thiên Chúa kiên nhẫn và đại lượng
ước muốn rằng lời mời của Người
được đón nhận.
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành bốn phần:
1) Mở
(22,1);
2) Dụ
ngôn Tiệc cưới thất bại (22,2-7);
3) Dụ
ngôn Tiệc cưới thành công (22,8-13):
a) Mời mọi người (cc.
8-10),
b) Vấn đề áo cưới
(cc. 11-13);
4) Kết
luận: Lời bình của Đức Giêsu (22,14).
3.- Vài điểm chú giải
- mở tiệc cưới cho con mình (1): Hình ảnh
bữa tiệc thiên sai có lẽ được mượn
từ Cựu Ước (Is 25,6; 55,1-3). Nó diễn
tả tính nhưng-không của ơn cứu độ
được Thiên Chúa ban tặng cho Dân Người.
- nhưng họ không chịu đến (3): Dịch
sát là “không muốn đến”. Mt dùng động từ
“muốn” (thelô), là một động từ ngài
ưa chuộng (x. 11,14; 16,24; 18,30; 19,17; 23,27b) để diễn
tả một quyết định rõ ràng.
- Vậy các ngươi đi ra (9): Công thức
mệnh lệnh poreuesthe (các ngươi hãy đi) oun
(vậy) khiến chúng ta hướng tới công thức
phân từ poreuthentes oun có giá trị như một mệnh
lệnh ở Mt 28,19, khi Đức Giêsu sai phái các môn
đệ đi đến với Dân ngoại (“muôn dân”).
- các ngả đường (9): Từ diexodos
thuộc Bản LXX có nghĩa là điểm bắt đầu
hay là điểm đến, phần xa nhất của một
miền đất. Vậy dịch diexodoi tôn [h]odôn là
“các ngả đường” dường như không chính
xác. Đây là điểm mà từ đó con đường
([h]odos) bắt đầu hay kết thúc. Như thế
các đầy tớ đi ra khỏi thành và tỏa ra khắp
nơi cho đến tận biên cương của
vương quốc.
- bất luận xấu tốt (10): Những
người “xấu” này có thể là những người tội
lỗi, một khi đã được kêu gọi
nhưng-không, sẽ sửa mình khi đã vào trong Vương
Quốc hoặc trong Hội Thánh; mà cũng có thể là những
người xấu theo nghĩa tuyệt đối, sẽ
bị loại trừ ngày nào đó khỏi Vương
Quốc (hoặc khỏi Hội Thánh). Các câu 11-14 hiểu
theo nghĩa thứ hai này.
- quan sát (11): Động từ theaomai có
nghĩa là “nhìn xem; chiêm ngưỡng; quan sát”. Bên Đông
phương, các nhân vật quan trọng không ngồi ăn
chung với các khách mời, nhưng chỉ xuất hiện
vào một lúc nào đó để chào cách quan khách. Phân
đoạn gồm cc. 11-13 hẳn là một bản văn
áp dụng cho đời sống Hội Thánh (trong khi cc. 1-10
áp dụng cho lịch sử dân Do Thái), nay được
đưa vào đây để sửa chữa một lối
giải thích quá tự do cc. 1-10. Quả thật, việc
đi vào Hội Thánh là chuyện nhưng-không, nhưng
cũng không được quên rằng đấy là Hội
Thánh của Đức Vua! Đã nhận ơn, thì phải
sống theo chiều hướng của ơn đã nhận.
- không có y phục lễ cưới (12): Vào thời
Thượng Cổ, không có tập tục các khách mời phải
mặc một bộ y phục riêng cho tiệc cưới;
chỉ cần một bộ y phục sạch sẽ, trang
trọng, là được. Do đó, công thức “y phục
lễ cưới” khiến độc giả phải
nghĩ đến nghĩa ẩn dụ. Cụm từ “y phục
lễ cưới” (endyma gamou) này hẳn cũng là thực
tại được dụ ngôn Những người thợ
vườn nho nói đến, đó là các hoa trái của
Vương Quốc, phải có trước khi ra trước
tòa phán xét. Đây là “sự công chính” thường được
TM Mt nói đến (ch. 5–7: 5,20; 6,33…). Xem thêm: Is
61,10; Ep 4,24; Gl 3,27; Kh 19,6-8; 7,9-17.
- kẻ được gọi thì nhiều,
mà người được chọn thì ít (14): Ngôn
ngữ Híp-ri không có những hình thái đặc biệt cho
các tính từ ở dạng so sánh (comparative: better; more) hay tối
thượng cấp (superlative: best; most); do đó, người
ta dùng cách kiểu nói quanh (paraphrases). Phải dựa vào ngữ
cảnh thì mới xác định được nghĩa so
sánh nằm ở dưới. Xem Mc 9,42; Mt 22,36;
26,24; Lc 10,42; 18,14…
4.- Ý nghĩa của bản
văn
* Mở (1)
Dụ ngôn này được ngỏ
với những thính giả đã được nói đến
(“họ” = “các thượng tế và người Pharisêu”, x.
21,45), những người phải gánh lấy tất cả
trách nhiệm và tội lỗi, khi từ khước Đức
Kitô.
Chính dụ ngôn gồm các câu 2-13. Câu
14 là một lời bình của người kể, tức
Đức Giêsu. Sau lời giới thiệu ở c. 2, dụ
ngôn được triển khai thành hai phân đoạn, cc.
3-7 và cc. 8-13. Mỗi phân đoạn bắt đầu bằng
việc nhà vua sai các đầy tớ đi mời khách
đến dự tiệc cưới. Lần mời thứ
nhất thất bại; lần mời thứ hai thành công. Tuy
nhiên, mỗi lần đều kết thúc bằng một
tai họa. Trong trường hợp thứ nhất, tai họa
đổ xuống trên những người được
mời; trong trường hợp thứ hai, tai hoạ chỉ
đổ xuống trên một người khách.
Ta thấy dụ ngôn này và dụ
ngôn trước có những điểm giống nhau. Một
bên, đó là ông chủ nhà có một vườn nho, ở
đây là một vị vua. Ông chủ nhà sai đầy
tớ hai lần đến vườn nho để nhận
hoa lợi; đức vua sai các đầy tớ hai lần
đi mời khách tới dự tiệc. Trong cả hai
trường hợp, các tôi tớ đều thất bại
vì những người họ đến gặp tỏ ra xấu
xa. Trong cả hai trường hợp, có liên quan đến
một “người con [trai]”. Những điểm
song song đó cho hiểu rằng hai câu chuyện nhắm
đến một số nhân vật như nhau. Ông chủ
vườn nho và đức vua chỉ là một, đó là
Cha trên trời; người con trai chắc chắn là Đấng
đã tự gọi mình là “Người Con” (11,27). Các tôi tớ
chính là các ngôn sứ. Còn những người được
mời chính là Dân bất trung của Thiên Chúa.
Trong dụ ngôn Tiệc cưới,
nhân vật duy nhất hành động tích cực là nhà vua. Chỉ
một minh ông nói, chứ không có đối thoại. Ngoại
trừ cc. 5-6 và c. 10, truyện hệ tại các hành vi hoặc
các lệnh truyền của nhà vua.
* Dụ ngôn Tiệc cưới thất bại
(2-7)
Tuy
nhiên, hai dụ ngôn cũng có những điểm khác nhau. Trong
dụ ngôn Những người thợ vườn nho, vấn
đề là một đòi hỏi về công bình; ở
đây là một lời mời, một vinh dự
diễn tả cho một ai đó. Một bên là ông chủ
đòi hỏi điều thuộc về ông, bên kia là vị
vua quảng đại, muốn mời tối đa người
ta đến thông phần vào niềm vui của ngày cưới
hoàng tử. Trong trường hợp sau này, thái độ thiếu
quan tâm càng đáng trách hơn, vì ở đây không còn chuyện
vi phạm một quyền, nhưng là một xúc
phạm nặng nề đến danh dự. Đã thế,
thái độ thiếu quan tâm còn trầm trọng đến
mức trở thành sự căm thù chẳng hiểu vì sao. Ngay
ở đây cũng có thể đặt lại câu hỏi của
dụ ngôn trước: “Khi ông chủ vườn nho đến,
ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” (21,40). Câu trả lời
không còn phải là một đe dọa, nhưng là một
hành động trừng phạt. Như thế, từ dụ
ngôn kia sang dụ ngôn này, có một sự tiệm tiến.
Những
“người đã được mời” (keklêmenous)
là những người được báo tin về tiệc
cưới đúng thời điểm. Đây là các bạn
hữu, những người đang sống trong những
tương quan thân tình với nhà vua. Việc nhà vua sai đầy
tớ đến và mời thúc bách (c. 4) cho thấy cử
chỉ tối hậu của lòng tốt của nhà vua,
nhưng đã không được đáp lại. Thế mà
nhà vua chỉ nhận được một sự từ
khước dứt khoát (“không muốn đến”, c. 3). Các
động lực thâm sâu là họ có những mối quan
tâm thực tiễn, những của cải vật chất
(chủ đề của Mt: x. 8,18-22; 19,21). Dưới
ánh sáng của dụ ngôn trước, qua việc nhà vua sai
các đầy tớ lần đầu (c. 3), độc giả
có thể nghĩ đến các ngôn sứ trong Cựu Ước;
qua lần sai phái thứ hai (cc. 4-6), họ có thể nghĩ
đến các tông đồ và các nhà thừa sai (x. 21,34.36). Các
độc giả cũng đã biết Israel thường xử tệ và giết
các ngôn sứ (x. 23,34-35). Còn những khách được mời,
thoạt tiên độc giả sẽ nghĩ đến các
thượng tế và người Pharisêu, vì các dụ ngôn
được nói cho họ. Tuy nhiên, không nhất thiết
chỉ nghĩ tới giới lạnh đạo Do Thái, bởi
vì các sứ giả của Đức Giêsu được cử
đến với toàn thể Israel (x. 10,5-6.23).
Câu 6 có
vẻ đột ngột: đi từ “kẻ thì … , người
thì …” (hos men … hos de), ta không chờ đợi “còn những
kẻ khác” (hoi de loipoi), nhất là một tội ác (giết
các đầy tớ). Nhưng các độc giả đã
quen với truyền thống Do Thái, thì hiểu rằng du
ngôn đang nói về các thừa sai của họ, các vị
này đã bị bách hại tại Israel (10,16-23) cũng
như nói về các ngôn sứ Cựu Ước cũng
đã bị bắt bớ trước rồi (5,12;
21,35-36). Nhưng c. 7 thì thật lạ, kể cả với
các độc giả đã quen với truyền thống Do
Thái. Không còn cỗ bàn, bò tơ, thú báo nữa. Nhà vua lên
đường hành quân, chắc chắn đâu có thể
làm một sớm một chiều. Dù sao, từ tư cách những
người đầu tiên được ưu đãi,
người Do Thái trở thành những đối thủ
đầu tiên chống lại ơn cứu độ, và mục
tiêu đầu tiên cơn giận Thiên Chúa nhắm tới. Họ
bị đánh giá là “không xứng đáng” (c. 8) không phải
vì họ có những thiếu sót hay sự ngu dốt nào
tự nhiên, nhưng do họ từ khước.
Đức
vua đã huy động quân lính đi “tru diệt bọn sát
nhân và thiêu hủy thành phố của chúng” (c. 7). Các khách
được mời nay được gọi đơn
giản là “bọn sát nhân”. Tại sao sự việc lại
trở nên gia trọng đến mức ấy? Dường
như các khách được mời sống ngay trong thành
phố nơi tổ chức lễ cưới. Các kẻ
sát nhân chỉ là một vài người trong số
khách được mời thôi. Chẳng lẽ mọi
người khách mời khác đều đáng xử
như những kẻ sát nhân? Đàng này, cả thành bị
thiêu hủy, hẳn là với tất cả những người
vô tội. Nếu muốn tiếp nối câu chuyện cho hợp
lý, thì phải nói đến việc mời những người
khác. Tất cả các thắc mắc này khiến ta phải
nhìn nhận rằng cc. 6-7 là một câu lạc lõng. Rất
có thể tác giả đang nghĩ đến cuộc tàn
phá Giêrusalem đã xảy ra vào năm 70. Chỉ điều
này mới giải thích được vì sao tác giả gán một
tầm quan trọng đặc biệt cho chuyến hành
quân trừng phạt và cuộc thiêu hủy thành phố. Và
những kẻ sát nhân không phải chỉ là một vài
người tạo cớ cho tác giả viết dụ ngôn,
nhưng là tất cả các thợ làm vườn nho đã
giết người con sau khi bàn bạc với nhau (21,38-39).
Như thế ở đây tác giả Mt không chỉ làm
chứng trung thành về các lời của Đức Giêsu
đã được truyền đạt cho ngài, nhưng
còn cung cấp cho chúng ta cách thức giải thích các lời
này cho các thành viên của các cộng đoàn tiên khởi của
Hội Thánh. Hai phương diện này được kết
nối chặt chẽ với nhau. Chỉ lời được
Hội Thánh phát xuất từ các tông đồ hiểu và
giải thích đúng đắn mói có thể được
coi như là Lời Chúa, được Chúa Thánh Thần linh
hứng và buộc chúng ta tin nhận.
* Dụ ngôn Tiệc cưới thành công
(8-13)
Phân
đoạn này gồm hai truyện khác nhau được kết
nối lỏng lẻo (cc. 8-10 và 11-13). Câu truyện có thể
kết thúc ở c. 10. Chính cụm từ “xấu và tốt”
ở c. 10 khiến độc giả nghĩ rằng câu
truyện có thể còn tiếp.
Bây giờ các đầy tớ có
nhiệm vụ ngỏ lời mời với những
người khác, mà không chọn lựa. Họ có nhiệm vụ
đưa tất cả những ai họ gặp trên
đường khắp cùng bờ cõi vương quốc (diexodoi
tôn [h]odôn) vào phòng tiệc. Tác giả Mt không nói là
“người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt”
như Lc 14,21, vì hiểu chữ “tất cả” (“mời
hết vào”) theo nghĩa khác: kẻ xấu người tốt
đều được mời. Lần mời này thành
công. Chẳng mấy chốc phòng tiệc đã đầy
một khối người đa tạp. Sự
đa tạp này không do khác nhau về y phục, về địa
vị xã hội hay về những yếu tố bên ngoài. Đây
là một sự khác biệt bên trong, chủ yếu, giữa
“người xấu và người tốt (c. 10). Chúng ta chỉ
hiểu được tình trạng này nếu khởi
đi từ thực tế tác giả đang nghĩ tới.
Lời mời đã được ngỏ với dân
Israel, nhưng họ đã không muốn đón nhận; thế
là lời mời được gửi đến một
dân mới, Dân ngoại. Đây không còn phải là một
dân gồm những người trong sạch và các thánh,
mà là một xã hội đa tạp gồm những
người xấu và những người tốt. Ta gặp
thấy có cả hai hạng người này trong Hội
Thánh, như cỏ lùng giữa lúa tốt (13,28; x. dụ ngôn
Chiếc lưới: 13,47-50). Dù sao, phòng tiệc cũng
đã đầy vì mọi người được tự
do đi vào. Thế nhưng đến đây, bài dụ ngôn
vẫn chưa kết thúc “có hậu”. Bởi vì sẽ có một
cuộc biện phân quyết định: lời mời
không khẳng định là người ta sẽ thực sự
được tham dự vào lễ cưới. Trước
tiên phải có một cuộc phán xét: phải tách cỏ
lùng khỏi lúa tốt. Đây chính là mục tiêu của phân
đoạn thứ hai (cc. 11-13).
Đến đây khung cảnh vẫn
là bữc tiệc, nhưng sự chú ý lại xoáy vào chiếc
áo cưới. Ông chủ dường như không còn phải
là vị vua trước đây nữa. Ông không đến
để chiêu đãi một bữa tiệc linh đình nữa,
mà đến để “quan sát” (theasasthai; x. 2 V
9,18) các khách dự tiệc. Ông đã thấy có một
người không có “y phục lễ cưới” (endyma
gamou). Nhà vua gọi anh ta là “này bạn” (hetairos),
nhưng thái độ rất cứng rắn, không khoan
nhượng. Dĩ nhiên người ta tự hỏi là làm
thế nào người kia có thể có một cái áo cưới
(và tất cả những người khác thì lại có sẵn
áo cưới!) khi mà anh ta bị mời đột ngột
giữa đường. Như thế là bất công trắng
trợn! Chính điểm gây “sốc” này cho hiểu rằng
đây không phải là vấn đề một cái áo
theo nghĩa cụ thể. Chúng ta đã được chuẩn
bị cho cách giải thích này bởi vì dụ ngôn đã ghi
trước đó là trong phòng có kẻ xấu người
tốt. Rõ ràng người không có áo cưới thuộc về
hạng kẻ xấu. Cũng chính điểm này mới
giúp hiểu cách đối xử người ấy sẽ
phải chịu: không phải là đuổi ra ngoài, nhưng
“quăng ra chỗ tối tăm” (x. 8,12; 25,30), nơi sẽ
phải “khóc lóc nghiến răng” (x. 8,12; 13,42.50; 24,51; 25,30),
tức là người ấy bị tiêu vong. Sự “câm miệng”
của người khách này chứng tỏ lời trách của
ông chủ là đúng. Người này, cũng như những
người đầu tiên, đã không hề quan tâm đến
vinh dự đã nhận; họ đã đến tiệc
cưới với đầu óc tầm thường, thô
thiển, không trân trọng, không biết ơn.
Bữa
tiệc là hình ảnh Nước thiên sai; chiếc áo tượng
trưng cho các tư thế căn bản để
được vào và ở lại đó. Trong Bài Giảng
trên núi, Đức Giêsu đã yêu cầu các môn đệ phải
có một “sự công chính dồi dào hơn” (x. 5,20);
đây chính là tinh thần mới người ta phải có
để sống các tương quan với Thiên Chúa.
Nhận được lời mời
không đương nhiên là được cứu độ
vĩnh viễn. Con số những người được
kêu gọi thì nhiều, điều này có nghĩa là nhiều
người được để cho đi vào, không phân
biệt, không điều kiện. Họ không cần phải
giữ luật Môsê, họ không cần phải chịu cắt
bì. Nhưng khả năng đi vào không có nghĩa là một
bảo đảm; đi vào trong sự hiệp thông Hội
Thánh không có nghĩa là được đi vào trong Nước
Thiên Chúa và lúc tận thế. Phải phân biệt giữa niềm
cậy trông đầy tín thác và phó thác với sự tự
phụ, tự hào không cơ sở là mình có ơn cứu
độ.
* Kết luận (14)
Câu kết
luận này là một lời bình của Đức Giêsu. Câu
này, “Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người
được chọn thì ít”, thường được
giải thích theo hai cách. Cách thứ nhất cho rằng “những
người được chọn” đây là những
người được nhận một ơn
đặc biệt khiến họ có thể sống gần
kề hơn với những sự thuộc về Thiên
Chúa và có thể cậy dựa nhiều hơn vào lòng từ
bi thương xót của Thiên Chúa đối với họ.
Dĩ nhiên con số này ít, còn đa số chỉ nhạn
được một ơn thông thường. Cách thứ
hai, phổ biến hơn, giới hạn khẳng định
của Đức Giêsu vào trường hợp những
người Do Thái thời Người mà thôi: tất cả
đều được gọi vào Nước Trời
theo nghĩa là tin vào Người, nhưng tuyệt đại
đa số đã từ khước đi vào Nước ấy
khi loại trừ Đấng Mêsia.
Cả
hai cách giải thích này đều có phần giá trị,
nhưng không khớp với dụ ngôn. Cách thứ nhất
giả thiết rằng người khách bất xứng
đã bị quăng ra ngoài bởi vì đã lén đi vào một
nhóm nhỏ gồm những người được
ưu tuyển; nhưng bản văn nói rõ là người ấy
bị loại bởi vì thiếu điều tối thiểu
cần thiết cho sự đoan trang của bữa tiệc.
Cách thứ hai cũng không thỏa đáng. Bởi vì người
khách bị loại đã đi vào với nhóm thứ hai, nên
người này là một người ngoại chứ
không phải là một người Do Thái; thế
nhưng lại chính vào lúc loại trừ người ấy
mà Đức Giêsu mới công bố lời nói về nhóm nhỏ
những người được chọn. Đàng khác,
hiểu sát bản văn, chúng ta thấy câu này không phù hợp
với các sự hiện: trên con số lớn các khách dự
tiệc, chỉ có người bất xứng này bị loại
trừ; làm sao có thể nói đến một số
“ít” (nhỏ) những người được chọn?
Do
đó, giải pháp đơn giản nhất nằm ở
bình diện ngữ học (philologie): đây là hai công thức
so sánh theo ngôn ngữ Sê-mít ở thể ngầm, mà ta có thể
dịch ra như sau: “Những kẻ được gọi
thì nhiều [hơn], nhưng những người
được chọn thì ít hơn”. Hiểu như thế,
chúng ta thấy phù hợp với ngữ cảnh: con số
người được gọi thì rất đông,
nhưng rồi có những người từ khước
và có người bị loại trừ. Quả thật, nhiều
người được gọi, nhưng những
người được chọn thì ít hơn. Do đó,
điều hết sức quan trọng là để ý mà thực
hiện những điều kiện cần thiết để
cho việc chúng ta được kêu gọi đưa chúng
ta đến chỗ được chọn vĩnh viễn
(x. Lc 13.22-24 trong chiều hướng này).
+ Kết luận
Tầm
nhìn của bản văn có thay đổi: Từ chỗ
minh họa lời rao giảng của Đức Giêsu, dụ
ngôn đã trở thành một minh họa đời sống
của Hội Thánh. Đã là những người được
thừa hưởng những lời hứa của Thiên
Chúa, người Do Thái cũng là những người đầu
tiên được đón nhận Tin Mừng, từ phía
Đức Giêsu cũng như từ phía các tông đồ.
Vậy mà họ vẫn không tin: thái độ cứng tin
này quả là một mầu nhiệm, nhưng cũng không
làm hỏng được các kế hoạch của Chúa
quan phòng. Vào lúc tác giả Tin Mừng viết, thì Hội
Thánh đã quy
tụ lại nơi bàn tiệc thứ hai rồi. Các tín hữu
thuộc về Hội Thánh cũng như các khách dự tiệc
phải luôn luôn trong y phục chỉnh tề vì bất cứ
khi nào vị thẩm phán cũng có thể xuất hiện
và loại họ khỏi phòng tiệc vĩnh viễn. Cũng
như dân Do Thái đã bị loại bởi vì họ đã
tỏ ra bất xứng khi từ chối lời mời,
người ki-tô hữu cũng có thể bị loại trừ
mặc dù đã đón nhận lời mời.
Tuy
nhiên, chính chúng ta phải thấy mình được Thiên
Chúa kêu gọi và chờ đợi chúng ta tự do quyết
định. Thiên Chúa vẫn cứ nhắc lại các lời
kêu gọi và tiếp tục gửi đến các sứ giả
của Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hoàn cảnh hiện tại có đặc điểm
là Thiên Chúa kêu gọi qua trung gian các tôi tớ, sự tự
do của con người và sự đại lượng của
Thiên Chúa. Từ hoàn cảnh này, ta không được rút ra
những hậu quả sai lạc. Ta không được
cho rằng tiếng gọi của Thiên Chúa là một đề
nghị không quan trọng, rằng chúng ta có thể tùy nghi
đón nhận hoặc từ khước, rằng chúng ta
có một tự do không giới hạn có thể không
những chọn lựa mà còn xác định được
các hậu quả của sự chọn lựa, rằng sự
tự do của Thiên Chúa là dấu cho thấy Ngài yếu
đuối và dửng dưng. Bây giờ Thiên Chúa là Đấng
kêu gọi và mời mọc; con người là những
người hành động, đáp trả với khả
năng quyết định tự do. Nhưng đến cuối,
Thiên Chúa sẽ là Đấng hành động và xác định
vĩnh viễn. Ai từ chối làm việc trong vườn
nho sẽ bị loại khỏi Nước Trời (x.
21,31). Ai không giao nộp các hoa lợi của vườn nho
và xử tệ với các tôi tớ của ông chủ sẽ
bị mất vườn nho và phải chịu một kết
thúc thảm thương (21,41). Ai không đón nhận lời
mời đến dự tiệc, sẽ bị loại trừ
(22,8).
2. Chúng ta có thể chọn lựa tự do, nhưng chúng
ta không còn tự do nữa đối với các hậu quả
của sự chọn lựa của chúng ta, bởi vì chúng
ta không thể tự do xác định chúng, nhưng chúng thuộc
về cách do Thiên Chúa xác định. Chúng ta có thể nói
không với tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng chúng ta
không thể đạt được sự thể hiện
tốt đẹp cuộc sống chúng ta với tiếng không
này. Cần phải ý thức như thế để không xử
sự cách phi lý, khi không đón nhận tiếng gọi của
Thiên Chúa.
3. Bữa tiệc
không chứa những yếu tố khiến có thể
nghĩ đến tiệc Thánh Thể, nhưng chính hình ảnh
vẫn có thể gợi ra những bữa tiệc agapê và
các cuộc cử hành phượng tự thường xuyên
trong Hội Thánh. “Các
đầy tớ” (douloi) của dụ ngôn thứ nhất
ở đây được gọi là “những người
phục dịch” (diakonoi); từ ngữ diakonoi
khiến ta nghĩ đến các thừa tác viên trong các cử
hành phụng vụ. Áo cưới nêu bật tình trạng
thánh thiện và ân sủng mà người
ta phải có để được đến gần
bàn tiệc của Chúa.
4. Trong các dụ
ngôn Cỏ lùng và Lưới cá (13,37-43.49-50), Đức Giêsu
cũng đã nói rõ rằn Hội Thánh cũng là một phần
của tập thể pha trộn là thế giới, “thửa
ruộng” của Con Người. Như thế, các thành viên
của Hội Thánh phải để ý đừng thuộc
về “những kẻ xấu” đứng đó mà không có y
phục lễ cưới. Chỉ có một
người trong dụ ngôn bị cật vấn có nghĩa
là từng người phải trả lẽ, chứ không
thể cây dựa vào người khác.
5. Vào ngày chúng ta được rửa
tội, chúng ta đã được mặc một áo
trắng, và vị chủ lễ đã chúc chúng ta giữ cho
nó được tinh tuyền cho đến ngày Phán xét. Nếu chúng ta đã làm hoen ố bộ áo rửa tội
này, chúng ta vẫn có thể đến trình diện trước
tòa của lòng từ bi thương xót, đo là bí tích hòa giải.
Tại đây Đức Giêsu lại giặt
sạch bộ áo cưới của chúng ta và lại mời
chúng ta vào tham dự bữa tiệc vương giả của
Người, trong niềm vui của tình thân mật đã
tìm lại được. Như thế,
cũng đừng bao giờ tự hào rằng mình đã “tới
nơi”, cũng đừng phê phán ai. Không phải vì ta
đang “ở trong” mà ta đã được bảo đảm,
và có quyền xét đoán những người “ở ngoài”,
những người chưa biết mà đi vào, hoặc thậm
chí những người đã từ khước. Cho dù có ở
trong Hội Thánh hay Nước Thiên Chúa, chúng ta vẫn chỉ
là “khách được mời”, do ân huệ
nhưng-không.
Lm PX Vũ
Phan Long, ofm
|