Lời mời gọi cứu rỗi
(Suy niệm của Đức Ông Trần
Văn Khả)
Bài Phúc âm theo thánh Matthêô 21,28-32 cần
được đọc trong bối cảnh của
những cuộc tranh luận cuối cùng giữa Chúa Giêsu
và các người Pharisiêu và nhóm thù địch khác chống
lại Chúa, và các cuộc này đưa tới sự căm
thù và việc Chúa Giêsu bị lên án tử trên thập giá.
Ngoài ra đoạn Phúc Âm này cũng cần
được đọc chung với bài sách Ngôn sứ
Êdêkien (Ed 18,25-28, bài đọc thứ I Chúa nhật 26
Thường niên) về việc Thiên Chúa kêu mời
người tội lỗi trở lại. Và đây là
chủ đề của Chúa nhật thứ 26 hôm nay.
Trong mạch văn của Phúc âm thánh Matthêô,
dụ ngôn Hai người con (Mt 21,28-32), cùng với Dụ
ngôn những người tá điền vườn nho (Mt
21,33-41), và lời giáo huấn về viên đá góc
tường bị loại bỏ (Mt 21,42-46), là những
dụ ngôn và giáo huấn nhắm vào các tư tế và
những người biệt phái và thái độ cứng
cỏi của họ không chấp nhận lời mời
gọi cứu rỗi của Thiên Chúa, qua con người và
các phép lạ của Chúa Giêsu Kitô. Những người
biệt phái đã hiểu rõ Chúa Giêsu nói những dụ ngôn
này ám chỉ về mình, nên đã tìm cách bắt Chúa và
loại trừ Chúa (xc Mt 21,45-46). Trước đó, họ
chất vấn Chúa lấy quyền nào mà đánh
đuổi những người buôn bán ra khỏi khuông viên
đền thờ (xc. Mt 21,23-27). Để trả lời
họ, không những Chúa làm cho họ cứng họng im
lặng, mà còn cho họ thấy sự cứng cỏi trong
thái độ đối với Chúa, cũng như với
lời kêu gọi thống hối ăn năn. Như
vậy, không những Chúa Giêsu cho cho họ biết Ngài là ai,
mà còn đòi buộc chấp nhận Ngài là vị cứu
rỗi duy nhất.
Trở lại với bản văn của
dụ ngôn Hai người con, chúng ta có đưa ra mấy
nhận xét sau đây để có thể hiểu
được ý nghĩa của dụ ngôn và từ đó
có những áp dụng cụ thể cho đời sống
đức tin của mình.
Trước tin, Chúa Giêsu đặt câu
hỏi với chính những người hỏi Chúa. Chúa
bắt họ tự vấn về thái độ phải có
đối với lời mời gọdi thống hối
và trở về, tức là đối với chính Chúa Kitô:
"Các ông nghĩ sao?"
Tiếp theo, Chúa dùng hình ảnh vườn
nho, rất quen thuộc với người biệt phái và
các tư tế, để nói lên thái độ của
người môn đệ đối với Nước
Trời, tức là với Chúa Kitô. Họ thuộc về
vườn nho đó, hay không thuộc về vườn nho
đó; thế nào là thuộc về vườn nho đó hay
không thuộc về vườn nho đó, là ở trong
vườn nho đó hay ở ngoài vườn nho đó? Có
người mang tiếng thuộc về vườn nho,
ở trong đó, nhưng lại thực sự không
thuộc về, không ở trong đó.
Sau cùng là hình ảnh trái ngược giữa
nhóm người biệt phái và những người tội
lỗi. Hình ảnh này thường thấy trong Phúc âm thánh
Matthêô. Những người biệt phái tưởng là
thuộc về, là ở trong vườn nho Thiên Chúa, vì là
thành phần nồng cốt; nhưng thực ra họ
bị phán quyết là đã bị loại ra ngoài (Mt 6,2.5.16;
7,21). Còn những người thu thuế, đĩ
điếm, tội lỗi, thì lại được tuyên
bố là thuộc về, là ở trong vườn nho (xc.
9,10-13), Lý do chỉ là vì một bên không có, một bên có
điều kiện cần của việc thuộc về
này: đó là tâm tình thống hối trở về (xc. Mt 5,20;
7,21)
Đó là tóm lược giáo huấn của
Gioan Tẩy Giả gửi tới mọi người và
dọn đường cho Chúa Kitô tới (Mt 3,1tt;11,12).
Đó là sự công chính do Gioan rao giảng: thống hối
trở về để tin nhận Chúa Kitô.
Hôm nay khi đọc và suy niệm bài Phúc Âm
này, chúng ta cũng đang được Chúa Giêsu Kitô
hỏi chúng ta: con nghĩ sao về Ta? Về lối
sống đạo của con trong liên hệ với Ta?
Về sự công chính mà con tưởng con đang có và
từ đó tự nhủ thầm về phần phúc thiên
đàng mai sau? Và chúng ta hãy tự kiểm thảo cách thành
thực đức tin của chúng ta trước mặt
Chúa trong lương tâm của ta.
|