Hành động
tốt thắng câu nói hay
(Suy niệm
của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Ngày nay
người ta đề cao vai trò của “thế giới
kỹ thuật số”. Vì thế, họ vận dụng
nghành kỹ thuật này như một phương tiện
tối ưu cho vấn đề quảng bá trong lĩnh
vực kinh doanh. Tuy nhiên, khi nghành này phát triển, họ
đã không ngừng “kỹ xảo hóa” để làm bắt
mắt người tiêu dùng và khai thác sự tò mò của
người dân. Từ đó, sự gian trá trong lãnh vực
này cũng leo thang. Nhiều người đã bị
những viên: “Thuốc đắng bọc đường”
đánh lừa.
Còn trong lãnh
vực cuộc sống nhân sinh, con người ngày nay
cũng đang phải đối diện với thực
trạng tốt - xấu lẫn lộn. Khó có thể
biện phân được đâu là người chân tình;
đâu là người dối trá; đâu là người xây
dựng, đâu là người phá hủy! Lý do là vì họ
được bao bọc bởi cái mã bên ngoài rất tinh
vi, quỷ quyệt!
Bài Tin Mừng
hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra hai hạng
người tốt - xấu; thật - giả thông qua hình
ảnh trong dụ ngôn: “Hai người con”, để
nhằm giúp cho mọi người hiểu rằng: giá
trị đích thực không phải ở chỗ nói
nhiều, nhưng là thi hành đúng. Không phải ở
chỗ nịnh hót, mà là toàn bộ đời sống
của người đó có “ngôn hành đồng nhất”
hay không.
1. Ý nghĩa dụ ngôn
Khởi đi
từ sách tiên tri Isaia giới thiệu về cách hành xử
của Thiên Chúa như sau: “Trời cao hơn đất chừng
nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn
đường lối các ngươi, và tư
tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng
các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9), bởi vì: “...
tư tưởng của Ta không phải là tư
tưởng của các ngươi, và đường
lối các ngươi không phải là đường
lối của Ta” (Is 55,8).
Thật
vậy, đường lối của Thiên Chúa thì khác xa
với đường lối và tư tưởng của
con người. Với chúng ta thì dễ nhìn về quá
khứ và đóng khung trong đó như một định
luật bất di bất dịch, hầu kết án hay khoan
hồng. Nhưng với Thiên Chúa thì Người nhìn và
hướng về tương lai để mong sao cuộc
đời của mỗi người được
tốt đẹp hơn và có cơ hội trở lại.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn để đạt được
điều hoàn thiện lại không phải phụ
thuộc vào lời nói, mà là nơi hành động.
Để làm
sáng tỏ vấn đề trên, Đức Giêsu đã
đưa ra hai hình ảnh của hai người con
được cha sai đi làm vườn nho. Người
thứ nhất không đi, nhưng sau lại đi.
Người con thứ nhận đi, sau lại không đi.
Hình ảnh đứa
thứ nhất
được Đức Giêsu ám chỉ là những
người tội lỗi, thấp cổ bé họng,
bị xã hội ruồng bỏ. Họ cũng là những
người dân ngoại, thu thuế và gái điếm,
bị người Dothái khinh miệt. Vì thế, họ không
dám tham gia vào công việc làm vườn của người
cha, nhưng sau khi hiểu được lòng tốt
của cha, họ đã sám hối, an tâm, can đảm và
vui vẻ thi hành cách trung thực.
Còn đứa thứ
hai là hình ảnh
đại diện cho những Thượng tế, Kỳ
lão, Luật sĩ và Biệt phái Dothái. Những người
này luôn luôn tự hào mình là con cái Tổ Phụ Abraham, dòng dõi
các Tiên tri và là những người trung thành với luật Maisen. Vì thế, cái vé vào
Nước Trời là chắc chắn. Họ coi các dân
tộc khác là những hạng người bị ruồng
bỏ, là đứa con hoang, những hạng người
như thu thuế, gái điếm thì khái niệm
Nước Trời cũng không thể hiện hữu trong
tâm tưởng phương chi nói gì đến ơn
cứu độ!
Vì sẵn có tính
tự kiêu, tự coi mình là con cưng, được ưu
tuyển. Nên ban đầu, họ cũng nhận cho hài lòng
người cha, nhưng vì kiêu ngạo, tự mãn, họ
lại không làm. Điều này cho thấy, họ thuộc
hạng người nịnh hót, nói một đàng, làm
một nẻo.
Kết cục,
Đức Giêsu phán: “Kẻ sau hết sẽ nên trước
hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”
(Mt 20, 16a); bởi vì: “Tôi bảo thật các ông: những
người thu thuế và những cô gái điếm vào
Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31).
Đó là câu
chuyện Tin Mừng thời Đức Giêsu, nhưng ngày
nay, điều đó có còn không?
2. Thật giả
vẫn luôn tồn tại
Chỉ cần
ngồi lại để suy nghĩ một chút, chúng ta
thấy hiện lên trong đầu rất nhiều tình
huống thật giả, tốt xấu lẫn lộn
đan xen quá nhiều. Nhất là trong lãnh vực quảng
cáo. Họ tuyên truyền, thổi phồng tin tức,
sự kiện để làm hấp dẫn điều
muốn nói. Hay trong lãnh vực Marketing, người ta
quảng bá những sản phẩm chất lượng
tối ưu, bán chạy như tôm tươi, nhưng thực
chất chỉ là thứ hàng giỏm, hàng giả.
Đôi khi
điều đó là hành vi của những người xung
quanh. Nhưng cũng không chừng, đó lại là của
chính chúng ta!
“Căn bệnh
giả dối” là đầu mối sinh ra những xói mòn về đạo
đức, niềm tin của con người, từ đó
phát sinh ra những suy thoái về giá trị tinh thần,
nhất là làm lu mờ lương tâm.
Điều
đáng nói là sự giả dối nó lan tràn và gần như
là chuyện bình thường trong xã hội, nếu không
muốn nói là nó đã trở nên ông chủ tồi chỉ
đạo cuộc sống! Vì thế, nhiều khi muốn
sống lương thiện cũng khó, làm người
tử tế trong bối cảnh hiện nay không dễ!
Tại sao
vậy? Thưa! Bởi vì bậc thang giá trị không còn
phụ thuộc vào sự thật nữa, cán cân công lý
được điều chỉnh bằng tiền,
quyền. Gian dối là bình thường, thật thà lại
là bất thường, là ngu dốt, là kém cỏi... Vì
thế, người ta thường có câu nói mỉa mai
như sau: “Chân lý, chân giò cùng một giá”; “Lương
thực, lương tháng và Lương Tâm bằng nhau”.
Thật
vậy, nếu ai đóng kịch giỏi và giống thì
sẽ được tôn vinh, kính trọng. Trong khi đó,
người sống liêm chính thì phải chịu thân
phận của 8 chữ “t”:
“Thật thà thẳng thắn thì thường thua
thiệt”. Còn kẻ vô tài, thất đức, lẻo
mồm, tâng bốc, nịnh hót thì lên như diều,
để rồi “làm láo, báo cáo hay”.
Vì vậy, không
thiếu gì cảnh: “Bề ngoài thơn thớt nói
cười, mà trong nham hiểm giết người không
dao” (Truyện Kiều). Những người này
thường dùng chiêu thức: “Tốt đẹp khoe ra,
xấu xa che lại”, vì thế, họ ưa sống hào
nhoáng bên ngoài nhưng thực chất bên trong trống
rỗng. Họ thuộc hạng người: “Khác nào
quạ mượn lông công. Ngoài hình xinh đẹp trong lòng
xấu xa” (Ca dao), nên không sớm thì muộn, họ bị
đặt nghi vấn: “Trông anh như thể sao mai,
biết rằng trong có như ngoài hay không” (Ca dao).
Đứng
trước thực trạng như thế, chúng ta
nhiều khi thông cảm với cảm thức của
người Việt là thích ứng và tùy nghi. Tuy nhiên, là
người Kitô hữu, chúng ta không thể sống
kiểu: “Gió chiều nào che chiều đó”. Sống như
thế là trái với đạo lý của Tin Mừng,
nghịch với Lương Tâm ngay thẳng. Khi sống
như thế, ta chẳng khác gì một cây tầm gửi,
hay ký sinh trùng ăn nhờ ở đợ người
khác, nên khi họ bị thất thế, ngã gục thì
cũng chết theo.
Thật
vậy, chúng ta có thể "lừa dối vài người
mãi mãi, có thể lừa dối mọi người một
lúc nào đó, nhưng ta không thể lừa dối mọi
người mãi mãi được". Là người Kitô
hữu, chúng ta phải nằm lòng câu nói sau: “Mất
tiền là mất ít, mất người là mất
nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất
cả!”.
3. Hiểu và sống
sứ điệp Lời Chúa
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy
trở về đường ngay nẻo chính để
được hạnh phúc, bằng không sẽ phải
chết trong sự thất vọng: “Khi người công
chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều
bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó
đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác
từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành
điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu
được mạng sống mình”(Ed 18, 26-27).
Lời Chúa hôm
nay còn mời gọi chúng ta cần loại bỏ tư
tưởng đạo đức giả và cho mình
thuộc hàng công chính, rồi sống trong sự tự mãn,
kiêu căng. Đừng mang danh là Kitô hữu nhưng
thực tế không có “chất Kitô”. Luôn có tinh thần sám
hối, quay trở về với Chúa. Không được
có thái độ tự ti để rồi tự nhận
mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm”
để buông xuôi trong sự thất vọng.
Mong sao tất
cả chúng ta, mỗi người luôn ý thức rằng mình
đều là những người đang lữ hành, nên
chưa phải là hoàn hảo. Vì thế: “Không hề có tình trạng
đã thành một Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng
đang trở thành một Kitô hữu” (Soren Kierkegaard).
Nếu: “Có thì
nói có, không thì nói không, thêm
thắt là do ma quỷ mà ra”.
Thực hành lập trường “ngôn hành đồng
nhất”, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình
trạng “mâu thuẫn nội tại”. Và chúng ta bị
rơi vào tình trạng nói thì rất hăng nhưng khi làm
thì chẳng thấy đâu, họ giống như
người: “Nói thì đâm năm chém mười,
đến khi tối trời chẳng dám ra sân” (Tục
ngữ).
Lạy Chúa, xin cho chúng con
được thuộc về sự thật và trở nên
chứng nhân cho sự thật, bởi vì chỉ có sự
thật mới giải thoát được chúng con mà thôi.
Amen.
|