Biết nhận ra sai lỗi và hối hận
(Suy niệm
của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Có một tâm sự như sau: Lúc
tôi còn là một chàng thanh niên nhà nghèo từ miền quê lên
thành phố học tập, mẹ tôi đã phải gồng
gánh, chắt chiu từng đồng gửi cho tôi ăn
học. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi
thấy ngôi nhà ẩm thấp, nóng nảy ngày xưa vẫn
không hề thay đổi. Trời tối nóng bức,
mẹ tôi phải phe phẩy chiếc quạt nan cũ
kỹ cả đêm. Tôi nói với mẹ: Tháng lương
đầu tiên, con sẽ mua tặng mẹ cái quạt
điện cho mát. Thời gian trôi qua, tôi cũng đã có
việc làm, nhưng dường như tôi đã quên hẳn
lời hứa với mẹ về tháng lương đầu
tiên. Cuộc sống ở thành phố cứ cuốn tôi vào
với dòng chảy của nó, bạn bè ngày càng nhiều
hơn, các bữa tiệc ngoại giao ngày càng thường
xuyên hơn, có những bữa tiệc tiêu tốn
đến vài triệu.
Rồi một ngày, nhận
được tin mẹ mất, tôi vội vã trở
về với mẹ. Vẫn ngôi nhà đơn sơ năm
xưa, mẹ tôi nằm đó, trên gương mặt còn
đậm nét khắc khổ. Buổi chiều hôm ấy,
khi người ta đặt mẹ vào quan tài, những
người phục vụ đã không quên bỏ vào quan tài
của mẹ chiếc quạt nan cũ kỹ năm
xưa. Nhìn thấy chiếc quạt, tim tôi thắt lại,
giật mình nhớ lại lời hứa về tháng
lương đầu tiên sẽ mua tặng mẹ
chiếc quạt điện. Tôi vô cùng hối hận vì
đã không thực hiện được một lời
hứa nhỏ bé dành cho mẹ. Kể từ đó, mỗi
khi ngồi cạnh chiếc quạt điện tại
văn phòng, tôi lại nhớ lời hứa năm xưa
với mẹ mà lòng đau đớn.
Hối hận
là gì? Thưa là tiếc nuối, day dứt về một
hành động trong quá khứ, về một việc
tốt có thể làm mà ta đã không làm và ước mong có
cơ hội để chuộc lại sai lầm ấy.
Nếu hối
hận chỉ là day dứt và tiếc nuối quá khứ
thôi, thì chưa đủ ; trái lại, nó cần phải
đi kèm một quyết tâm khắc phục sửa
chữa sai lầm của mình trong quá khứ, đó mới
là hối hận thực sự. Thiên Chúa cũng luôn chờ
đợi con người nhận ra sai lầm của mình,
hối hận và làm lại cuộc đời, và khi con
người hối hận thực lòng, Thiên Chúa không còn xét
đến quá khứ của người ấy nữa,
Ngài sẵn sàng tha thứ và đón nhận người
ấy như người con đi xa trở về với
Cha. Những luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó
chịu khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với những
người thu thuế và tội lỗi. Họ tự cho
mình là những người đạo đức, luôn chu
toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa, nhưng
thực ra họ chỉ nói mà không thực hành, xét đoán
khắt khe với người khác, nhưng lại không nhìn
lại bản thân mình.
Câu chuyện
dụ ngôn về hai người con hôm nay, Chúa Giêsu cho
thấy, Thiên Chúa quan tâm đến hành động hối
lỗi một cách cụ thể hơn là những lời
nói suông trống rỗng. Cả hai đứa con trong câu
chuyện đều được cha đến tận
nơi và mời gọi: Con ơi ! Hôm nay, con hãy đi làm
vườn nho cho cha. Đứa con thứ nhất trả
lời: Con không muốn đi. Người con này, lúc
đầu nó từ chối lời mời của cha nó, nó
làm cho cha hụt hẫng, đau lòng vì bị từ chối
thẳng như thế ; nhưng sau đó, nó hối hận
và đi làm. Chắc chắn khi thấy nó vào vườn nho
làm việc, cha nó sẽ quên hết nỗi đau
trước đây, và ông vui mừng vì sự hiện diện
thiện chí của nó. Ngược lai, Người con
thứ hai đã nhanh chóng trả lời: Vâng con sẽ
đi. Nó nói để lấy lòng cha nó, nhưng rốt
cuộc anh ta không đi.
Câu hỏi
được Chúa Giêsu đặt ra với các
thượng tế và kỳ mục rằng: Trong hai người con đó, ai
đã thi hành ý muốn của người cha? Họ
trả lời ngay: Người con thứ nhất. Như
thế, ngay câu hỏi của Chúa Giêsu đã cho thấy:
Thiên Chúa như người cha trong câu chuyện, Ngài chờ
đợi không phải là những lời nói ngọt ngào,
dễ nghe, mà Ngài mong muốn những người con làm
theo ý Ngài. Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn so sánh
những thượng tế và kỳ mục giống
như người con thứ hai. Khi Đức Giêsu
đến giảng dạy về giới răn, lề
luật của Thiên Chúa, gửi đến họ cơ
hội để gia nhập Nước Trời, bên ngoài
thì họ tỏ ra như một người con hiếu
thảo, nhưng thực ra, họ lại không tuân giữ
giới răn và không làm theo ý muốn của Thiên Chúa, mà làm
theo ý mình. Còn những người bị coi là tội
lỗi như những người thu thuế và gái
điếm, trong con mắt mọi người, họ
như những kẻ từ chối Thiên Chúa, nhưng khi
nghe những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thì
họ đã mau mắn hối hận và quyết tâm thay
đổi tình trạng của mình. Vì thế, Chúa Giêsu
đã quả quyết với họ: Những người
thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên
Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ
đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông
ấy, còn những người thu thuế và các cô gái
điếm lại tin.
Đối
với Thiên Chúa, quá khứ không quan trọng bằng
hiện tại, việc làm cụ thể thì quan trọng
hơn lời nói trên môi. Nếu chỉ dừng lại
ở quá khứ để tự dằn vặt, trách mình
thì sẽ chẳng ích lợi gì. Nhưng điều quan
trọng là khi biết thực lòng hối hận ăn
năn, thì đối với Thiên Chúa, không bao giờ là quá
muộn, Ngài sẽ vui lòng và sẵn sàng tha thứ mọi
lỗi lầm và quên hết quá khứ của tội nhân.
Bài đọc một, Thiên Chúa đã nói qua miệng tiên tri
Ezekiel như thế: Khi người công chính từ bỏ
lẽ công chính mà làm điều gian ác, nó sẽ phải
chết vì những điều bất chính của nó. Còn
nếu kẻ gian ác từ bỏ sự gian ác nó đã làm,
mà thi hành điều chính trực, nó sẽ cứu được
mạng sống mình, nó sẽ được sống.
Thiên Chúa không
muốn chúng ta nhìn Ngài như một nhà độc tài
hoặc một vị thần khó tính, mà Ngài muốn chúng ta
nhìn Ngài như một Thiên Chúa tốt lành, một
người Cha nhân hậu. Ngài luôn đối xử
với chúng ta theo lòng khoan dung của Ngài. Ngài chờ
đợi tâm tình thảo hiếu của người con
đối với cha, như Đức Giêsu là mẫu
gương thảo hiếu, hết lòng yêu mến, vâng
phục Cha. Thánh Phaolô đã nhận ra và mời gọi chúng
ta noi gương Ngài: Anh em hãy có những tâm tình như chính
Đức Giêsu-Kitô.
Tâm tình của
Đức Giêsu Kitô là tâm tình nào? Đó là tâm tình yêu mến và
vâng phục Thiên Chúa, vâng phục một cách tuyệt đối.
Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy qua bài ca:
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ
nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế…vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thập tự. Vì thế là môn đệ của
Đức Giêsu, là con thảo của Thiên Chúa, chúng ta
cũng phải học nơi Đức Giêsu và phải có
cùng một tâm tình vâng phục, yêu mến Thiên Chúa như
Ngài.
Thưa quý OBACE,
một trong những vấn đề của con
người ngày nay, đó là họ làm điều tội,
nhưng lại không cho là tội, làm tổn thương
đến người khác mà vẫn coi như chuyện
bình thường. Sự vô tâm đến vô tình ấy đã
gây ra nhiều nỗi khổ cho người bên cạnh.
Tình trạng ấy cũng đang xảy ra giữa
nhiều người với Thiên Chúa. Họ gây tổn
thương cho Thiên Chúa, từ chối lời mời
gọi yêu thương của Ngài mà không hề áy náy hay hối
hận. Ngoài ra, nhiều lần chúng ta không chỉ vô tình, mà
còn cố ý xúc phạm
đến Thiên Chúa, khi mang trên mình cái vỏ là Kitô hữu,
nhưng thực ra, chúng ta từ chối giới răn
lề luật của Chúa và để ngoài tai lời
mời gọi của Ngài. Lời Chúa hôm nay là một lời
nhắc nhở và mời gọi chúng ta, hãy can đảm
nhìn vào tình trạng tâm hồn và đời sống của
mình để biết hối hận ăn năn về
những hành động, lời nói đã xúc phạm
đến Chúa, đồng thời tin tưởng vào Thiên
Chúa để quyết tâm sửa chữa sai lầm. Hãy
đến với Chúa nơi Bí Tích Giải tội
để nhận ra sự bao dung, tha thứ của Thiên
Chúa. Hãy để cho Lời Chúa soi sáng, chỉ dạy chúng
ta và quyết tâm thực hành những điều Chúa
muốn. Chúa đang nói với mỗi người qua
Lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày và qua tiếng nói của
lương tâm, là lời mời gọi từ trong tâm
hồn mà Chúa nhắn gửi chúng ta.
Không chỉ
hối hận với Thiên Chúa, chúng ta cũng cần khiêm
tốn để nhìn ra những tổn thương mà chúng
ta đã gây ra cho nhau: trong gia đình, với ông bà cha mẹ,
với vợ chồng con cái, với bạn bè. Một
lời nói, một cử chỉ nào đó có thể gây ra
vết thương trong tâm hồn nhau. Hãy mạnh dạn
bước đến với nhau để bày tỏ
sự hối hận của mình. Trước hết,
mỗi người hãy bày tỏ sự hối hận
với các bậc làm cha mẹ. Các Ngài là những
Đấng sinh thành, dưỡng dục chúng ta, dạy
dỗ chúng ta nên người, nhưng ngược lại,
khi khôn lớn, chúng ta đã không kính trọng và biết
ơn các ngài cho đủ, mà có những lời nói, cử
khỉ hỗn láo, khinh thường. Điều đó làm
tổn thương các ngài biết bao. Hãy làm những
việc cần thiết, để bày tỏ sự hốn
hận của mình với các Ngài trước khi quá
muộn.
Không chỉ con
cái gây tổn thương cho cha mẹ, nhưng nhiều khi
chính cha mẹ cũng gây tổn thương cho con cái,
vợ chồng gây tổn thương cho nhau, bạn bè làm
tổn thương nhau… Đối với người Châu
Á, việc một người lớn nói lời xin lỗi
với người bề dưới quả là không
dễ, nhưng là những bậc cha mẹ hoặc
những người lớn, chúng ta cũng cần xét mình
lại và can đảm bước đến với con
cái, với những người bề dưới
để nói với họ rằng mình đã sai và cố
gắng sửa chữa sai lầm. Việc làm đó không làm
giảm uy tín của người bề trên, mà trái lại
càng làm tăng lòng cảm phục nơi người bề
dưới. Trong tương quan với bạn bè cũng
thế, khi biết hối hận và khắc phục sai
lầm, sẽ làm cho tình bạn ngày càng chặt chẽ
hơn.
Xin Chúa giúp mỗi chúng ta không
ngừng nhìn lại tương quan của mình đối
với Chúa để biết sống trọn tình con
thảo, và nhìn lại tương quan của mình với anh
em để sống với nhau trong sự cảm thông và
yêu thương. Amen.
|