TUẦN 26 THƯỜNG
NIÊN
THỨ HAI
MUỐN LÀM LỚN...,
PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ
(Lc 9, 46-50)
Xem lại CN 25 TN
B, thứ Ba tuần 7 TN và tuần 19 TN, lễ Thánh Têrêxa và lễ
Các Thiên Thần Bản Mệnh
Khi
Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu
tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai
dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị
trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu
nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất
trong anh em. Biết được tâm tưởng của
các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã
ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu
và đi theo đúng con đường mà Ngài mong muốn
nơi môn sinh của mình.
Huấn
giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng
mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ
đến bên cạnh và nói: "Hễ
ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là
đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy,
tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ
nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là
người cao trọng nhất". Qua đó, Đức
Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ
tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn
được người khác ca tụng, hay thích ăn
trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong
muốn được người khác phục vụ, rồi
thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.
Ngày
nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ
khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống
của chúng ta!
Thật
vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có
suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ
vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức
Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo
danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ
cũng diễn ra thường xuyên.
Tất
cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh
thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng
rất lớn.
Vì
thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi
chúng ta:
Luôn
sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng
nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên
như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ,
chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn
và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng
tác với hết mọi người để ra đi
loan báo Tin Mừng cách trung thành.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống
tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp
nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác.
Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ
thơ, để không màng chi đến danh vọng,
nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người
tha thiết. Amen.
THỨ BA
HÃY KIÊN TRÌ ĐỂ
THI HÀNH SỨ VỤ
(Lc 9, 51-56)
Xem lại CN 13 TN C
Hành
trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành
trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong
chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên
hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện
để Thầy trò tâm tư về sứ mạng!
Thật
vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu
quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có
được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì
trước nghịch cảnh và thử thách, cần khiêm tốn
và phải có tấm lòng bao dung, vị tha.
Tại
sao vậy? Thưa! Người môn đệ của Đức
Giêsu phải là người phản chiếu tình
thương của Thầy cho anh chị em mình một cách
trung thực, mà sự thật về Đức Giêsu là gì nếu
không phải là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ
và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót,
Đấng đến để phục vụ thay cho
được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết
cho người mình yêu...!
Vì
thế, Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ
trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin
Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu
đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi
qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học
về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử
thách vì lòng yêu mến Chúa. Đồng thời cũng dạy
cho các ông bài học về sự kiên trì và trung thành.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái
độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự
tuyệt của người đời, ngay cả những
sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi
gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận
đau khổ vì sứ vụ: "Phúc
cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả,
bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng
dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao". (Mt
5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn
của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi
đến đâu cũng có một số người sống
chết với ta, một số người quyết loại
bỏ và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến
sự hiện diện cũng như công việc của ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tấm
lòng bao dung như Chúa. Luôn hiểu và thông cảm cho những
bất toàn của anh chị em mình. Đồng thời, xin
cho chúng con biết đón nhận mọi thử thách, nghịch
cảnh xảy đến trong đời và nơi sứ vụ
vì lòng yêu mến Chúa. Amen.
THỨ TƯ
TỪ BỎ MỌI
SỰ ĐỂ THEO CHÚA TRỌN VẸN
(Lc 9, 57-62)
Xem thêm thứ Hai
tuần 13 TN
"Con chồn có
hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ
tựa đầu". (Lc 9, 58), đây chính là thân phận
và tinh thần của Đức Giêsu và cũng là thái độ
của người môn đệ cần có. Lần giở
lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy khi
Thiên Chúa muốn chọn và gọi ai để ra đi thi
hành sứ vụ, hẳn Người đều muốn kẻ
được chọn và gọi phải có thái độ dứt
khoát và chấp nhận thiệt thòi, khổ đau.
Khởi
đi từ tổ phụ Abraham: Thiên Chúa gọi ông và truyền
cho ông phải rời bỏ xứ sở để lên
đường đến một nơi Người sẽ
chỉ cho. Rồi khi chọn dân riêng là Israel, Thiên Chúa
cũng truyền cho họ ngay lập tức phải rời
bỏ Aicập và lên đường tiến về Đất
Hứa. Tiếp theo là các môn đệ, Đức Giêsu luôn
mời gọi các ông dứt khoát khỏi những tơ
vương để sẵn sàng lên đường.
Bài
Tin Mừng hôm nay tường thuật việc hai thanh niên
xin đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng mời gọi họ
phải từ bỏ tất cả, kể cả những
cái gắn liền với cuộc sống như công việc
hay tình cảm: “Hãy để kẻ
chết chôn kẻ chết, phần ngươi hãy theo Ta...
ai tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại nhìn đằng sau
thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa”. (x.
Lc 9, 59-62).
Mỗi
người chúng ta cũng vậy. Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa
Tội, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta từ
bỏ những gì không phù hợp với tư cách làm con Chúa
và sứ mạng được trao. Thật vậy, nếu
không từ bỏ, chúng ta sẽ bị vướng víu vào những
điều phụ thuộc và quên đi công việc chính yếu.
Đồng thời, theo Chúa mà còn quá nhiều lỉnh kỉnh
thì hẳn khó có thể chu toàn và dễ rơi vào tình trạng
dở dang, chẳng khác gì kẻ "bắt
cá hai tay".
Như
vậy, chúng ta chỉ có thể an vui và hạnh phúc khi "là" môn đệ của
Chúa thay vì "làm" môn
đệ.
"Là môn đệ", chúng ta trở nên
giống Thầy. "Là môn
đệ", chúng ta từ bỏ như Thầy. "Là môn đệ", chúng ta sống
chết như Thầy.... Nhưng "làm môn đệ", chúng ta sẽ dễ bị
rơi vào tình trạng thích thì làm, không thích thì thôi. Thuận
thì dấn thân, khó thì lừng khừng. "Làm môn đệ", chúng ta dễ bị có cảm
tưởng như một công việc được hợp
đồng, nên có lợi thì làm mà không có lợi thì hủy...,
không khác gì một nghề kinh doanh thuần túy.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một
khi đã đi theo, là môn đệ của Chúa thì phải từ
bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về
của cải vật chất, danh vọng, địa vị
và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho
Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc
cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán.
Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn.
Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên
cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia
đình, nếu vì nó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm
cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ.
Có
thế, chúng ta mới coi mọi người là anh chị
em của mình, và mình phải có trách nhiệm lo lắng, giúp
đỡ họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cám dỗ
là: chuyện đó có người khác lo, không phải chuyện
của ta; hay chỉ muốn làm những việc này nọ cho
một số người mà ta ưa thích, số còn lại,
chúng ta vô cảm vì họ không phải thuộc phe ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn
sàng từ bỏ những quyến luyến của tình cảm,
nếu điều này làm cho chúng con xa Chúa và phần rỗi
của mình. Xin cho chúng con biết can đảm để
tiếp bước theo Chúa trên con đường hoàn thiện.
Amen.
THỨ NĂM
MỖI NGƯỜI
ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI
(Lc 10, 1-12)
Xem lại CN 14 TN C
Loan
báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi
người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục
hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức
Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ
quát của sứ vụ này.
Khi
được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa
sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về
sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của
Chúa. Người tông đồ là người được
sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục
đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu
độ.
Tuy
nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều
thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông
đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do
ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu
đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng
buồn chán, thất vọng và buông xuôi....
Vì
vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng
dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và
tinh thần của người thừa sai, để các
ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.
Trước
tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy
của mình, đến để cứu độ bằng
con đường thập giá. Vì thế, can đảm
đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu
lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu
thương. Khó khăn này được ví như: "Chiên giữa bầy sói".
Thứ
đến: người môn đệ phải sống cuộc
sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn.
Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái
quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an
thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì
của cải vật chất không đương nhiên
đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó
luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của
cải vật chất vốn dễ làm cho con người
trở nên mù quáng đối với bản thân cũng
như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở
thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất
lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần
cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc
đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì
đáng được thưởng công. Thế nên: không bị,
không tiền, không mang hai áo ... là tinh thần của người
thừa sai.
Tiếp
theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến
để cho chiên được sống và sống dồi
dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi
trở nên của ăn cho người khác. Vì thế,
người môn đệ cần nhạy bén để
khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay
đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an
thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như
thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng:
"Đi hết nhà này đến
nhà kia" mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.
Mặt
khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết
để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống,
văn hóa, được chuyển tải bằng những
thứ ngôn ngữ của chính người bản địa.
Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ
ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế,
người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản
năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng
nhu cầu "hạ đẳng"
của chính mình. Vì vậy: "Vào
bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ
ăn những gì mà người ta dọn cho anh em".
Hơn
nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu
lời giảng dạy là để giới thiệu Đức
Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu
thương, đứng về phía người nghèo, áp bức,
bất công để giải thoát con người cách toàn diện,
thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về
tình thương, sự liên đới do lòng thương
xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người
môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ
yếu đuối..., để làm chứng cho: "Triều Đại Thiên Chúa
đã đến gần".
Cuối
cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự
bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban
cho người khác bình an được. Cuộc đời
sứ vụ của người thừa sai mà thiếu
đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất
hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất
vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên
Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy:
"Nếu ở đấy có
con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ
đến trên người ấy. Bằng không, sự bình
an lại trở về với các con".
Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng
mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người
thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa.
Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người
cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng
truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm
gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với
đời sống bác ái yêu thương. Amen.
THỨ SÁU
SÁM HỐI ĐỂ
ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG
(Lc 10, 13-16)
Càng
văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta
được sống trong tiện nghi và sung túc. Chuyện
này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội
thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng
mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là
ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người
rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương
đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề
giảm thiêng trong đời sống đạo đức.
Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng
vây của tội lỗi và tệ nạn..., khiến nền
tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác
táng là điều dễ dàng xảy đến!
Hình
ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như:
Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon.... Sang đến thời
Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ
thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum.... Họ đã chối
bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ
những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu
tượng. Chai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa
mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong
tâm hồn.
Nhưng
tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi
vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở
trong chốn ăn chơi, sa đọa, mà chỉ gặp
toàn những đối tượng, phương tiện
làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo
đức mà thôi.
Sự
lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain,
Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của
dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta
đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế
giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã
không trở về với phẩm giá đích thực của
mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ
ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội
lỗi....
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào
Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa
và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh
phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc
sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ
mà còn cắt đứt mối tương quan với tha
nhân.
Thật
vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì
chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội,
gia đình mới trở nên tốt mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến
Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng
dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều
dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới
trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng
được cứu độ. Amen.
THỨ BẨY
ƠN CHÚA PHÙ TRỢ
KẺ BÉ MỌN
(Lc 10, 17-24)
Xem lại CN 14 TN
C, thứ Ba tuần 1 MV, thứ Tư và thứ Năm tuần
15 TN và lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su năm A
Hôm
nay, bài Tin Mừng thuật lại việc các môn đệ
tập kết quanh Đức Giêsu để báo cáo thành tích
mà các ông đã đạt được trong lần đi
truyền giáo vừa qua. Các ông khoe với Chúa: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy
thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Tuy
nhiên, Đức Giêsu thay vì khen ngợi các ông, Ngài lại tạ
ơn Thiên Chúa vì đã làm những điều kỳ diệu
nơi các ông, mặc dù bản thân và khả năng các ông
không xứng đáng. Nhân đây, Đức Giêsu cũng mặc
khải và hướng các ông về niềm vui siêu nhiên. Vì
thế, sự chiến thắng không nằm ở chỗ
khuất phục được thiên nhiên, bệnh tật,
ma quỷ, mà là tên các ông đã được nghi dấu
trên trời.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người
chúng ta ý thức rằng: sứ mạng truyền giáo không
chỉ dành riêng cho ai, mà cho hết mọi người. Qua
Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, sứ mạng đó thuộc
về chúng ta, và chúng ta phải có bổn phận thi hành.
Khi
thành công đến, chúng ta cần cảm nghiệm niềm
vui siêu nhiên hơn là tự nhiên. Được cứu
độ hơn là những thứ bề ngoài, vì giá trị
tinh thần thì cao trọng và có sức biến đổi
chứ không phải hình thức hay số lượng bên
ngoài. Để đạt được điều
đó, chúng ta luôn sống trong tâm tình đơn sơ, khiêm
nhường, tín thác của kẻ bé mọn.
Lạy Chúa Giêsu, trong hành trình loan báo Tin Mừng,
xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn, nghèo khó và tín thác
nơi Chúa trọn vẹn. Amen.
|