Sám hối là khởi điểm
– ĐTGM. Ngô Quang
Kiệt.
Nói và làm đó
là hai thái
độ khác nhau. Có người nói
mà không làm. Có người không
nói nhưng lại làm. Đó chính là hai
thái độ mà Chúa đề
cập đến trong bài dụ
ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm
đó là những người biệt phái và luật sĩ.
Họ tự cho là mình
đạo đức,
nhưng khi Chúa Giêsu rao
giảng, họ không những không tin mà còn
phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa
đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà
làm đó là những người thu
thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao
giảng, họ đã ăn năn sám
hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này
Chúa muốn dạy ta những
bài học sau.
Bài học
thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời
sống, chúng ta gặp không
ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt
Nam có câu “Mười
voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái
lại có những người không nói giỏi,
có khi không
nói gì cả,
nhưng lại làm rất nhiều.
Nhất thời ta có thể
thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng
mến những người nói ít làm nhiều.
Trong đời sống thiêng liêng cũng
thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải
những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo
ý Cha Ta trên trời”
(Mt 7,21). Đức tin phải biểu
lộ bằng việc làm mới là đức
tin sống động.
Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm
là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc
làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực.
Tin yêu Chúa
phải được
biểu lộ bằng việc làm.
Bài học
thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay
đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật
sĩ tự hào mình tốt,
nhưng khi Chúa Giêsu đến,
họ đã trở nên xấu
vì không tin vào Chúa, không
hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều
làm cho chúng
ta hy vọng.
Vì nếu ta tội lỗi
yếu hèn, ta vẫn có
cơ hội ăn năn
trở lại. Ta không bị kết án
trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời
giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết
tâm đổi mới cuộc đời.
Bài học
thứ ba: Sám hối là
việc cần thiết của mọi người. Đã là
người ai cũng có sai
lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi
ta phải hoàn hảo không bao giờ
sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi
khi sai lỗi
phải biết sám hối ăn
năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám
hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng
tha thứ cho những tâm hồn sám
hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò,
Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa
đã tha thứ cho bà
Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ
cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ
thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét
những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám
hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa
chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng
khinh miệt người khác và không nghe
lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ,
khoan dung, tha thứ cho những
tội lỗi thật lòng ăn năn.
Sám hối thật cần thiết vì tất cả
chúng ta ai cũng có
lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là
khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta
mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt
đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.
Như thế, ta đừng
chỉ nói suông mà không
làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì
mình tốt lành mà phê
bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết
mình tội lỗi, hãy ăn năn
sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được
Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em
yêu thương.
Nhất là có sám hối
ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.
Lạy Chúa
xin tha thứ
tội con đã phạm đến Chúa và đến
anh em. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1.
Nói và
làm, việc nào cần hơn
và tốt hơn?
2.
Có nhiều
chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì
không?
3.
Biết nhận
lỗi, xin lỗi và sửa
lỗi. Điều này đáng trọng
hay đáng chê trách?
|