Đồng Lương Xứng
Đáng
Chúa nhật XXV thường niên năm - A
(Mt 20, 1 – 16a)
Chúa nhật
này, tác giả Tin Mừng muốn tiếp tục quảng
diễn cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu về
Nước Trời. Sứ điệp sâu xa chính là ý muốn
cứu độ phổ quát cả và nhân loại của Chúa Cha,
nên mọi người đều được mời đến làm
vườn nho của Chúa.
Điểm
nổi bật trong dụ ngôn này là cuộc nổi loại
của những người đến làm việc trước.
Những người (thợ làm vườn nho) sống và làm
việc vì Nước Trời, nhưng coi đó như một trách
nhiệm nặng nề ( "chúng tôi chịu đựng
nắng nôi khó nhọc suốt cả ngày " Mt 20,12)
chứ không phải là hồng ân đến từ Thiên Chúa,
tự coi mình như những tên đầy tớ xấu.
Bước vào trong sự thân tình của
Chúa
Tất cả chúng ta đều được Chúa mời
gọi đi làm vườn nho của
Chúa. Trong Kinh Thánh, cây nho có một
ý nghĩa sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao
ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài (Is 5, 1-7 ; Gr 2,
21 ; Ez 15, 4). Câu "hãy
đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4) được Chúa Giêsu lặp
đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống
câu này muốn nói : "Hãy
đi vào trong Giao ước…Hãy đến chia sẻ Giao ước với
ta".
Đi làm vườn nho của Chúa, được sẻ
chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm hay
muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống
với Chúa. Chúa Giêsu tự khẳng định mình: "Thầy là cây nho thật"
(Ga 15, 1-5). Nên câu "Hãy đi
làm vườn nho ta" còn có nghĩa là " hãy vào hưởng niềm vui của
chủ ngươi" (Mt 25, 21). Từ đây chúng ta mới hiểu
được một đồng mà ông chủ trả cho người đến
trước cũng như người đến sau là đồng nào.
Đồng lương yêu thương
Dụ ngôn những người làm thuê được
mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác
nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng
bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc
Tin Mừng. Chúa nói với những người làm công : "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn
nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng" (Mt
20, 4). Có người hỏi : Xứng đáng ở đây là xứng
với cái gì ? Khi có hai cái bằng nhau, hoặc cái
này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy
đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu trả công xứng đáng? Nhiều
người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người
đến làm việc trước hết vì tiêu chuẩn trả
công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp
nhận được không? Không xúc phạm đến nguyên tắc đền
bù xứng đáng sao ?
Khó khăn phát xuất từ một sự sai
lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về
sự đời đời, Thiên Chúa "sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc
họ làm" (Rm 2, 6). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính
không giống chúng ta : "Tư tưởng
Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các
ngươi không phải là đường lối của Ta" (Is 55,
8). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất.
Tiêu chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của
chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng.
Trong dụ ngôn, mức lương được trả
là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờ nhê,
là thuế mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền
Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc
đồng "xtate" tiền cổ Hy lạp là đồng được
thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền thờ, phần
của ngài và của Chúa Giêsu. Mỗi người nhận được
một đồng, có ý nói đến mức lương của một
ngày làm việc, một cái gì đó để sống trong ngày
như bánh mì chẳng hạn.
Để nhận ra "điểm chính" trong dụ
ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của
Chúa Giêsu về một tình huống cụ thể. Đồng
bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước
Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế
gian. Dụ ngôn bắt đầu : "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm
ra thuê người làm vườn nho mình" (Mt 20, 1). Như vậy,
Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của
dụ ngôn.
Đồng lương ơn cứu độ
phổ quát
Một
lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ
của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành
và những người tội lỗi được đặt ra,
trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc
dầu chỉ vì nghe huấn giáo của Chúa Giêsu mà
người dân ngoại (những kẻ tội lỗi,
những người thu thuế, những người đĩ
điếm, v.v.) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc
đó họ còn đứng đàng xa (nhàn rỗi). Vì ý
định theo Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai
trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một
bàn như những người khác và hưởng đầy đủ
những của cải thời cứu thế.
Chúa Giêsu không
cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức
xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của
Thiên Chúa với hết mọi người : "Từ sáng sớm, cho đến
giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín".
Không có ai là
quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả
những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn
được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong
mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn
nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn
đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta
đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ
đời đời của chúng ta.
Có nhiều
người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc
nhưng "không ai thuê";
họ nhàn rỗi vì thiếu việc làm và không có
người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có
tiếng gọi thuê, họ lên đường mà không có sự
mặc cả giá tiền như những người trước. Ông
chủ đánh giá công việc của họ cách khôn ngoan và trả
công cho họ bằng những người khác. Ý muốn
nói, dù hoán cải vào "buổi
sáng, giờ thứ ba … và thứ mười một giờ
" đi chăng nữa, thì hết thảy mọi
người đều được đón nhận … anh trộm lành
được lên Thiên đàng " vào
giờ thứ mười một" anh thực sự là
người được mời gọi vào giờ sau hết và
trở thành người đầu tiền vào Nước
Trời : "Thật hôm
nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng với ta"
(Lc 23, 43). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ
lòng nhân lành của mình ; họ đi làm, nhưng "không ai thuê" (Mt 20, 7), nếu
người ta không thuê anh, anh "hãy
đi làm vườn nho ta" (Mt 20, 4).
Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng
với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt
quá công trạng của chúng ta : "từ người đến sau hết tới người
đến trước hết đều lãnh mỗi người
một đồng". Chúng ta không thể trách lòng
tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai
trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo
như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như
ông muốn : " Nào tôi
chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? "
Một
huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ
biết rằng những người làm thuê giờ cuối
cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ
cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm thuê
giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người
đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông
không xét theo công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông
chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà
còn "tốt lành," quảng đại và nhân đạo.
Lm. Antôn
Nguyễn Văn Độ
|