Tha thứ
Phêrô không phải là
không tính toán kỹ lưỡng khi hỏi Chúa Giêsu phải
tha thứ cho anh chị em bao nhiêu lần, có phải bẩy
lần không? Theo sự giảng dạy
của các thầy Rabbi, một người phải tha
thứ cho anh em mình ba lần. Phêrô đã đi xa
hơn luật của các thầy Rabbi bằng
cách nhân lên gấp đôi, và cộng thêm một lần
nữa cho chắc ăn. Ông hy vọng sẽ
được Chúa khen ngợi; không ngờ câu trả
lời của Chúa là “bẩy mươi lần bẩy”, có
nghĩa là phải tha thứ không giới hạn!
Rồi Chúa Giêsu nói
về dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không
biết thương xót. Sự so sánh món nợ lớn lao
của anh với nhà vua là “mười ngàn nén vàng” và số
tiền của người bạn nợ anh là “một
trăm quan tiền” đã làm nổi bật lên lòng nhân
từ của Thiên Chúa. Có tác giả đã so sánh một quan
tiền là một ngày lương của người lao động. Người
bạn nợ anh 100 ngày lương. Còn
một nén vàng tương đương với 6000 quan
tiền. Mười ngàn nén vàng là 60
triệu quan tiền. Nếu một người lao
động làm việc năm ngày một tuần, 50
tuần một năm, phải mất 280 ngàn năm mới
trả đủ số tiền nợ nhà vua. Không thể
nào trả nổi!
William Barclay đã viết như sau: “A.R.S.
Kennedy đã vẽ ra bức hình sống động này
để đối chiếu những món nợ. Giả sử họ trả bằng tiền
bảng Anh. Món nợ 100 quan tiền có thể
được mang trong một cái túi áo hay túi quần. Món
nợ 10 ngàn nén vàng phải được một
đội quân 8,600 người mang, mỗi người
mang một cái túi nặng 60 cân Anh – khoảng 27 kg; và nếu
họ đứng sắp hàng, mỗi người cách nhau
chừng 80 cm, làm thành một hàng dài 5 dặm – khoảng 8
cây số”.
Trước mặt
Chúa có ai là người vô tội? Chúng ta đã
được tha một món nợ không thể nào trả
nổi: vì tội lỗi của con người đã gây ra
cái chết của Con Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tha
thứ cho những người khác để chính mình
được Thiên Chúa thứ tha.
Sự tha thứ mang lại ích lợi cho
người tha thứ và người được tha
thứ: Shakespear xưa kia đã nói: “Tha
thứ là hai lần phúc lành”. Nó mang lại phúc
lành cho người tha thứ và người
được tha thứ.
Khi cựu tổng thống Bill Clinton gặp
cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lần
đầu tiên sau khi được thả ra khỏi tù,
ông Clinton nói: “Khi ông
được thả ra khỏi nhà tù, tôi đã đánh
thức con gái tôi dậy vào lúc 3 giờ sáng. Tôi muốn cô bé
chứng kiến biến cố lịch sử này”. Rồi
ông Clinton chuyển sang
một câu hỏi đã in trong tâm trí từ lâu: “Khi ông
bước ra khỏi khu nhà tù, băng ngang qua cái sân tới
cổng nhà tù, máy thu hình đã tập trung vào khuôn mặt của
ông. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy sự
giận dữ và hận thù trên khuôn mặt của bất
cứ một người nào được diễn
tả như trên khuôn mặt của ông vào lúc đó. Đó không phải là Nelson Mandela mà tôi biết hôm
nay”, Clinton nói. “Điều
gì đã làm ông thay đổi?”
Mandela trả lời: “Tôi ngạc nhiên
rằng ông đã nhìn thấy điều đó, và tôi
tiếc rằng những chiếc máy thu hình đã chộp
được cơn giận của tôi. Khi
tôi bước qua sân nhà tù ngày hôm đó tôi tự nghĩ
rằng họ đã tước đoạt đi tất
cả mọi sự của tôi. Sự
nghiệp đã chết. Gia đình đã
mất. Bạn bè đều bị giết. Bây giờ họ thả tôi ra, nhưng chẳng còn
gì nữa cả. Và tôi thù ghét họ vì cái
họ đã tước đoạt cuộc đời
của tôi. Nhưng rồi, tôi tự cảm thấy
một tiếng nói tự bên trong ngỏ với tôi: “Nelson!
Ông là tù nhân của họ 27 năm, nhưng ông đã luôn luôn
là một người tự do! Đừng để
họ thả ông ra làm một người tự do, rồi lại biến ông thành tù nhân
của họ qua sự hận thù”.
Henri Nouwen đã so
sánh cuộc đời của chúng ta với những cái ly
phải được làm trống rỗng đi
để được đổ đầy trở
lại. Nếu chúng ta đổ cay đắng, hận thù và
trái ý đầy vào ly, Thiên Chúa không thể tuôn đổ ân phúc của ngài vào được.
|