Trừng
phạt hay phục hồi?
(Suy niệm của Lm Nguyễn Khoa Toàn)
Nếu ai đó am hiểu và theo dõi nội tình chính
trị tại tiểu bang New South Wales ở Úc Châu tuần
qua, rồi lồng những bài đọc Chúa Nhật 23
thường niên tuần này, chắc hẳn người
ấy sẽ tìm được một vài điểm trùng
hợp thật ngẫu nhiên. Và một bài học
đời vô cùng ý nghĩa...
Chuyện là một
buổi chiều cuối tuần chỉ vài ngày sau khi
Thủ Hiến Bob Carr đột ngột từ chức,
Thủ Lãnh Đối Lập John Brogden đã không ngờ 'vận
đỏ' đến với mình sớm đến
thế. Cùng một vài nhân viên phụ tá, John đã 'chén thù
chén tạc' tại khách sạn năm sao Hilton ở Sydney
vừa mới tân trang.
Theo nhiều quan sát viên
thời cuộc, với tình hình hiện tại và với
tình trạng kinh tế có chiều hướng đi
xuống, ai cũng chắc rằng chiếc ghế Thủ
Hiến của tiểu bang đông dân nhất Úc Châu này
sẽ lọt vào tay một thanh niên một vợ một
con mà tuổi đời chưa quá 40 này. Cả một
tương lai chính trị sáng tươi đang chờ
đợi...
Nhưng sáng thứ hai tuần qua, hình như sau một
cuối tuần vật vã với luơng tâm, và có lẽ
nhất là khi báo chí địa phương đã đánh
hơi được một vài lời nói và cử chỉ
khiếm nhã với một vài phụ nữ buổi
chiều định mệnh ấy, John Brogden đột
ngột từ chức. Đến chiều thứ ba, khi
nhật báo The Daily Telegraph quyết định phanh phui thêm
một vài hành vi lem nhem khác trong quá khứ, Brogden lặng
lẽ rời nhà không một lời từ biệt cùng
vợ Lucy và đứa con trai đầu chưa tròn hai
tuổi Flinders, tạt vào nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm
ở Mona Vale rồi sau đó đến văn phòng riêng. Và
bằng vài liều độc dược, Brodgen cắt gân
máu kết liễu đời mình.
Dư luận liền chia làm hai phía khi đuợc hung
tin. Một bên tố cáo báo chí đã đi quá trớn, xâm
phạm thô bạo vào đời sống tư riêng. Bên kia
phản pháo cho rằng nhiệm vụ của báo chí là thông
tin cho đại chúng biết những gì cần biết
nhất là từ những đại diện dân cử. Nói
một cách khác, theo lời ký giả Damien Murphy, John Brogden là
nạn nhân của công lý trừng phạt (punitive justice)
chứ không phải công lý phục hồi (restorative justice).
Công lý phục hồi nhắm đến một sự
cân bằng giữa người gây ra sự cố, nạn
nhân và gia đình cùng xã hội chung quanh. Vì thế, mục
đích tối hậu của công lý phục hồi không
phải là trừng phạt những là hoán cải người
gây ra lầm lỗi. Hoán cải không phải là bưng bít
che đậy mà là khôn khéo nhẹ nhàng tế nhị
nhưng dứt khoát cứng rắn giúp cho kẻ lỡ
bước sa chân kia thấy sự việc sai trái của
mình đồng thời tạo mọi điều kiện
để người ấy có cơ hội trở về
đuờng ngay nẻo chánh.
Bài Phúc Âm hôm nay là một biểu chứng hùng hồn là
nền công lý phục hồi cần đuợc triển
khai trong mọi khía cạnh của đời sống
từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đoàn
và từng xã hội. Bước đầu tiên là phục
hồi danh dự và nhân phẩm của nạn nhân và
của cả người gây ra tội phạm.
"Nếu anh chị em ngươi lỗi phạm, hãy
đi dạy sửa nó, riêng ngươi và nó thôi."
Chỉ riêng ngươi và nó thôi vì tiến trình hoán cải
con nguời đòi buộc khá nhiều nhạy bén tế
nhị và rất nhiều tha thứ cảm thông.
Càng thiếu tế nhị cảm thông tha thứ bao nhiêu
thì càng dẫn đưa người lầm lỗi vào ngõ
cùng hụt hẫng. Họ mất niềm tin. Và chẳng
còn hy vọng. Và khi không còn ai để cấy niềm tin
và khi không còn nơi nào để bấu hy vọng vào, cái
chết là một kết luận đã rồi!
|