Trách
nhiệm - Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Truyện
kể: Một du khách đang rảo qua khu danh lam thắng
cảnh ở Thụy Sĩ, ông dừng lại
trước hàng rào của một khu vườn hoa
đẹp đẽ bao quanh một lâu đài. Người
làm vườn mừng rỡ và đón chào. Họ nói
chuyện với nhau về các loài hoa. Ông du khách hỏi:
Cụ ở đây bao lâu rồi? Thưa, được 24
năm. Cụ đã gặp chủ nhân được
mấy lần rồi? Tôi đã gặp 4 lần và lần
cuối cách đây ba năm. Vậy ông ta có thường
liên lạc với cụ không? Thưa không. Vậy ai
trả lương cho cụ? Viên quản gia của ông
chủ. Người quản gia có năng tới đây
không? Tôi chưa hề gặp ông ta, chúng tôi liên lạc
bằng thơ từ thôi. Thế thì ai thưởng lãm
cảnh đẹp này, mà cụ phải mất công chăm
sóc kỹ lưỡng như vậy? Ô, thưa ông, tôi chu
toàn trách nhiệm của mình và tôi làm như chủ tôi
sẽ đến ngày hôm nay, ngay bây giờ. Ngoài ra chính khi
làm đẹp khu vườn của ông chủ, vợ
chồng tôi cũng được vui hưởng cảnh
đẹp.
Ông Adong và bà Evà có hai con trai đầu,
Cain và Abel. Vào một ngày kia, Thiên Chúa đã hỏi Cain: Abel,
em ngươi đâu rồi? Cain thưa: Con không biết,
con là người giữ em con sao? (Stk 4, 9). Vì ghen
tương, Cain đã giết em mình, nhưng Cain đã
chối từ trách nhiệm. Thiên Chúa thấu tỏ mọi
sự trong lòng. Cain và Abel là anh em ruột, đương
nhiên anh em là có trách nhiệm nâng đỡ bao bọc lấy
nhau. Bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc sống
cá nhân, gia đình và xã hội, phải có người
chịu trách nhiệm. Người ta thường nói
rằng: Tội qui vu trưởng. Thường là
người đứng đầu một tổ chức
sẽ chịu trách nhiệm trước. Chúng ta không
thể đổ thừa quanh. Nhân loại là một loài
thụ tạo cao quý có trí khôn, ý chí và tự do. Trách
nhiệm của con người liên đới
được mở rộng qua các tổ chức xã
hội để giúp nhau thăng tiến.
Khi dân số tăng trưởng, con
người đã tổ chức cơ cấu đời
sống gia đình và xã hội. Gia đình là đơn
vị nhỏ nhất để xây dựng một cộng
đoàn xã hội. Chúng ta biết mỗi một cá nhân
đều có căn tính riêng biệt. Trong gia đình xã
hội có nhiều thành viên khác nhau hợp lại, bao
gồm có người khôn kẻ dại, người
tốt kẻ xấu, người rộng kẻ hẹp và
người mạnh kẻ yếu. Mọi người
cần tựa dựa vào nhau để sinh sống. Mỗi
thành viên đều có trách nhiệm liên đới
để xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Tiên tri Ezekiel đã rao giảng về sự giúp nhau sửa
đổi: Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ
đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ
đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự
gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được
mạng sống ngươi (Ez 33, 9). Chúng ta không thể
nhắm mắt, bịt tai và làm ngơ trước
những sự dữ hay sự xấu nơi những
người anh chị em. Chúng ta có bổn phận nâng
đỡ nhau nhận ra những sự sai trái và giúp nhau
sửa đổi, đây là một món nợ của tình
người.
Vì mang bản tính yếu đuối,
hằng ngày mỗi người chúng ta đều phạm
lỗi, kẻ ít người nhiều. Có những lỗi
nhẹ, dễ dàng xí xóa bỏ qua. Nhưng đôi khi có
những thói hư tật xấu đã trở thành thói quen
thì cần được chỉ giáo và khuyên răn. Chúng ta
biết sự xấu được ngụy trang
dưới nhiều cách thế, chúng ta khó có thể lật
tẩy để nhận diện ngay. Đôi khi những
tật xấu núp dưới bóng của những cử
chỉ và lời nói ngon ngọt, êm dịu và nhẹ nhàng. Có
những phát biểu tưởng là góp ý tốt lành,
nhưng ẩn ý là phê bình, chỉ trích, gièm pha, ăn không nói
có… Tất cả cái xấu cũng do cái lưỡi không
xương lắt léo nhiều đường. Lời nói
như chiếc dao hai lưỡi rất nguy hiểm.
Lời nói có thể xây dựng đoàn kết và cũng có
thể gây hệ qủa xấu như chia rẽ, thù oán và
hại người hại ta. Nếu không xét mình một
cách thành thật, chúng ta rất khó nhận ra những
lỗi lầm này.
Là anh chị em sinh hoạt chung trong
một nhóm, hội đoàn hay cộng đoàn, chúng ta có trách
nhiệm nhắc bảo và giúp đỡ nhau sửa sai. Chúa
Giêsu cũng mời gọi chúng ta sống tình tương
thân tương ái giúp nhau nhận lỗi và sửa lỗi:
Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa
dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe
ngươi, thì ngươi đã lợi được
người anh em (Mt 18, 15). Biết rằng sửa lỗi
anh chị em không phải dễ, vì chúng ta ai cũng phạm
lỗi. Chúng ta biết người phạm lỗi là
những người yếu đuối. Ít có ai muốn
nghe những điều tiêu cực về chính mình. Vì chúng
ta dễ tự ái, nên rất khó chấp nhận sự
sửa sai của người khác. Thường thì việc
người thì sáng, việc nhà thì đui. Chúa Giêsu mách
nước cho chúng ta về sự sửa lỗi,
trước hết hãy sửa dạy cách kín đáo và riêng
tư. Chúng ta phải hết sức tế nhị gợi ý
để người khác nhận ra lỗi của họ.
Khi nói đến vết thương lòng thì rất dễ
nhạy cảm. Những phản ứng tự nhiên của
kẻ mắc lỗi thường thì gay gắt khó chịu.
Nhưng với lòng từ bi và sự kiên nhẫn, chúng ta có
thể thuyết phục người anh chị em chịu
nhận sai lầm và trách nhiệm của việc sai trái.
Vì con người có ý chí tự do, nên
mỗi người phải chịu trách nhiệm về
việc mình đã làm trong cả tư tưởng, lời
nói, chữ viết và hành động. Nơi cuộc
sống chung, có những trách nhiệm cụ thể cá nhân
và có những trách nhiệm liên đới tập thể.
Trong đời sống gia đình, người cha,
người mẹ và con cái có những bổn phận và
trách nhiệm riêng biệt. Nơi cuộc sống xã
hội, mỗi tổ chức đều có người
chịu trách nhiệm trong lãnh vực của mình. Mỗi
thành viên đều có bổn phận góp phần xây dựng
cuộc sống chung tốt đẹp. Có phước cùng
hưởng, có nạn cùng chịu. Người dám nhận
lãnh trách nhiệm là người trưởng thành. Làm sai thì
nhận lỗi sai. Công việc thành công hay thất bại
là lẽ thường của đời sống. Khi
chối tội, chạy tội, dấu tội hay
đổ thừa lỗi lầm cho người khác là thiếu
trách nhiệm. Sai thì sửa. Có lỗi thì xin lỗi. Làm
tội thì chịu tội. Đối diện với
sự xấu, sự dữ và sự thất bại,
đôi khi chúng ta cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ
và chối từ, nhưng chỉ có sự thật sẽ
giúp chúng ta tìm lại được sự bình an đích
thực.
Chúng ta đang trên đường
lữ thứ trần gian. Mỗi ngày chúng ta sống là
một ngày hồng ân. Chúng ta không biết chắc chắn
về tương lai. Mọi sự cố đều có
thể xảy ra. Anh chị em đừng để
mắc nợ nhau sự gì. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho
tín hữu Rôma đã khuyên: Anh em thân mến, anh em chớ
mắc nợ ai, ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai
yêu người, thì đã giữ trọn lề luật (Rm
13, 8). Sống giây phút hiện tại cho tròn đủ.
Đức ái là yêu thương, tha thứ, nhường
nhịn và quảng đại. Chúa Giêsu tóm kết các
giới răn vào hai điều: Mến Chúa và yêu
người. Yêu thương nhau là tôn trọng nhau. Yêu thì
không gây sầu, oán giận, gây thiệt hại hay thù ghét làm
khổ người khác. Yêu thương nhau là muốn
điều tốt cho nhau và cùng nhau tiến bước trên
con đường hoàn thiện: Lòng yêu thương không làm
hại kẻ khác. Vậy yêu thương là chu toàn cả
lề luật (Rm 13, 10).
Nếu không có ơn Chúa phù trợ,
chúng con không thể làm gì được. Cầu nguyện
là hơi thở trong đời sống đạo. Chúa
Giêsu đã dạy chúng ta tìm nơi thanh vắng để
cầu nguyện. Nhưng đẹp ý Chúa hơn, nếu
nơi nào có hai ba người đồng lòng hợp ý
cầu nguyện, thì ơn Chúa sẽ tuôn đổ dồi
dào hơn: Thầy bảo thật các con, nếu hai
người trong các con, ở dưới đất, mà
hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì
Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho
họ điều đó (Mt 18, 19). Hai người cùng
cầu nguyện nói lên sự hỗ tương, yêu
thương, hòa thuận và chung lòng chung ý. Một hình
ảnh rất thuyết phục, các dòng tu thường sai
từng hai tu sĩ ra đi rao giảng và phục vụ,
giống khi xưa, Chúa đã sai từng hai môn đệ ra
đi loan báo Tin Mừng.
Lạy
Chúa, chúng con là những Kitô hữu, mang danh của Chúa Kitô,
xin cho chúng con biết yêu thương nhau và giúp nhau thăng
tiến trên con đường trọn lành.
|