TÌM
KIẾM
[đăng
báo ĐMHCG số 373, tháng 9-2017, DCCT xuất
bản tại Hoa Kỳ]
Chúa
Giêsu nhắc nhở chúng ta “đừng
lo lắng về ngày mai”, mà hãy
tin tưởng vào sự quan phòng của
Thiên Chúa. Và Ngài đưa ra một
mệnh lệnh, đồng thời cũng là
lời hứa: “Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của
Người, còn tất cả những thứ
kia, Người sẽ thêm cho”
(Mt 6:33). Thế nhưng con người còn trần
tục, bởi vì thân xác nặng nề
lắm!
Đời
người là quãng đường vừa
dài vừa ngắn, với bao trăn trở
khôn nguôi, cứ miệt mài đi trong
thời gian để kiếm tìm điều
mình khát vọng. Tìm. Tìm hoài.
Tìm mãi. Và chợt một chiều
thấy tóc trắng như vôi. Bừng giấc
đời. Con người bỗng thấy mình
chưa tìm được gì – ngay cả
chính mình.
Chiều.
Quán café vắng khách. Tôi thu mình
để nghe tiếng mưa tí tách như
thầm trách. Một cơn mưa bất chợt.
Cô chủ quán để rơi nụ cười
xinh xắn bên tôi khi cô nhẹ nhàng
đặt tách café đen trên bàn.
Từng giọt buồn đặc quánh chầm
chậm nhỏ xuống. Vô tình đúng
lúc ca sĩ Khánh Ly “bước đi”
chầm chậm trong giai điệu êm đềm…
Bao
nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi
đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên
hai vai ta đôi vầng Nhật Nguyệt
Dọi
suốt trăm năm một cõi đi về
Thì
ra có người đã mang tâm trạng
mênh mang đó – cố NS Trịnh Công
Sơn, trong “Một Cõi Đi Về”.
Tôi đã bao năm sống lưu lạc
theo bước chân phù lãng nhân.
Và, hình như rất vô tình, tôi
không biết từ bao giờ và vì sao
đã vương nghiệp dĩ Âm Nhạc
– Thi Ca. Coi đó như cõi ngu-lạc-trường
riêng mình. Phải chăng vì tôi mê
Thơ Nhạc quá mà hóa thành vừa
“khô” vừa “lạnh” theo cách
nhìn của người khác? Hình như
tôi chợt nhận diện chính mình!
Ngày
tháng cứ trôi qua, trôi đi mãi
một cách vô tình. Tôi cứ đi,
đi mà chẳng biết mình đi đâu!
Tìm gì giữa dòng đời xôn
xao xuôi ngược? Tìm hoài cũng chỉ
thấy cô đơn và bâng khuâng
ngay giữa lòng phố thị nhộn nhịp.
Vừa động vừa tĩnh. Tôi như con
ruồi sa lưới nhện, giãy giụa mãi
chỉ thêm rối rắm. Ai cũng soi chung đôi
vầng Nhật Nguyệt để khả dĩ
tìm được cho mình một lối
riêng, rất riêng, ngay trong cái chung. Thế
mà tôi vẫn chưa thể tìm thấy
cho mình “một cõi đi về”
giữa cuộc đời này! Một ngày
như mọi ngày, bình thường mà
nhiêu khê, tưởng lặng mà rất
động, miên man sóng cứ xô bờ
tôi...
Viên-cuội-tôi
lăn mòn trên bao con dốc đời, vẫn
thấy cỏ dại đung đưa trong gió,
vẫn nghe côn trùng kêu da diết,... Tôi
như con dế trũi rung cánh ưu phiền.
Và tôi vẫn “lăn” tiếp,
loanh quanh bên dọc đường gió bụi
với bao trăn trở khôn nguôi, nhất
là những đêm về đối diện
với chính mình. Rời rã vì mệt
mỏi nhưng không thể thúc thủ, dù
hoan cảnh khắc nghiệt. Là con người,
vốn chỉ là “cây sậy có lý
trí” (Pascal), không thể không có
những phút xao lòng, yếu đuối,
nao núng, hoang mang,...
Bao
năm rồi nhỉ? Tôi hóa thành khó
hiểu và càng trầm lặng hơn đến
nỗi khiến nhiều người “khó
chịu”. Tôi biết mà không thể
trần tình “nỗi oan Thị Kính”.
Tôi thấy tâm hồn mình yếu đuối
trong một thể xác đang mục nát
theo thời gian. Chùn chân không muốn
bước nhưng vẫn phải tiếp tục
đi, đi nữa, đi cho đến khi hóa
thân làm cát bụi. Viên đá
cuội nằm chết lẻ loi bên vệ đường
trần gian mà chưa nguôi trăn trở.
Và như vậy, cũng lại rất ngẫu
nhiên, tôi vẫn tiếp tục loanh quanh
bước dò tìm, tìm mãi, tìm
chính mình!
Âm
nhạc của NS họ Trịnh mang nhiều
triết-lý-sống, rất gần gũi với
tôi, cũng mang những nỗi trăn trở
không nguôi của thân phận con người
nhỏ bé và hữu hạn, trong khi tình
yêu lại quá vĩ đại và bao
la.
Chiều
lên cao, gần chạm vào đêm. Tại
một góc quán, đôi tình nhân
ngồi nép sát nhau cười rúc rích
như giai điệu hạnh phúc, lảnh lót,
trong veo như tiếng thủy tinh. Ca khúc Một
Cõi Đi Về đã dứt mà điều
gì đó còn ray rứt, chưa dứt
hẳn!
Cõi
lòng tôi đắm trong cõi trầm tư,
bâng khuâng, mênh mang và khó tả.
Tôi lại tiếp tục hành trình
cuộc đời, và vẫn miệt mài
đi tìm, tìm chính mình, tìm
cái gì đó trong nhạc và trong
thơ…
Nhưng
có điều quan yếu nhất mà tôi
xác định là tôi đang tìm
Thiên Chúa, tìm Đức Kitô, tìm
Ơn Cứu Độ, vì chỉ có Ngài
là Khởi Đầu và là Cùng
Đích của tôi (x. Kh 1:17-18). Tôi không
muốn “hâm hẩm, chẳng nóng chẳng
lạnh, vì tôi sợ Chúa sẽ mửa
tôi ra khỏi miệng Ngài” (x. Kh 3:16).
Xin thương lắng nghe: “Lạy
Chúa, xin thương xót con vì con là
kẻ có tội”
(Lc 18:9-14).
Tìm
kiếm Nước Trời phải là ưu
tiên số một, và phải nỗ lực
không ngừng, phấn đấu suốt đời.
Chắc chắn phải như vậy. Nhưng làm
sao có thể đạt nược “viên
ngọc” Nước Trời? Thánh Tiến
sĩ Lm Thomas Aquino (Tomás de Aquino, Tommaso d’Aquino,
Thomas d’Aquin, 1225-1274, tác giả bộ Tổng
Luận Thần Học) cho biết: “Có
BA điều cần để con người được
cứu độ: biết mình TIN gì, biết
mình MUỐN gì, và biết mình
LÀM gì”.
TRẦM
THIÊN THU
|