Kỷ luật
của Giáo Hội và sự hiện diện của
Đức Kitô
(Suy
niệm của Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Với ch. 18 của
Tin Mừng Mátthêu, chúng ta đi vào Bài Diễn từ thứ
tư, đề cập đến đời sống huynh
đệ trong lòng Hội Thánh, cộng đoàn Kitô hữu.
Bài Diễn từ được chia thành hai phân
đoạn, phân đoạn thứ nhất đề
cập đến "những kẻ bé mọn"
(18,1-14) và phân đoạn thứ hai liên hệ đến
"người anh em phạm tội" (18,15-35). Mỗi
phân đoạn kết thúc với một dụ ngôn: con
chiên lạc (18,12-14), và ông vua và người đầy
tớ (18,21-35).
Sau đây là bố
cục chung cho cả bài Diễn từ:
I. Mối quan tâm đến những
kẻ bé mọn (18,1-14):
A. Người
lớn và kẻ bé mọn (cc. 1-5),
B. Đừng khinh
những kẻ bé mọn (cc. 6-10),
C. Kết luận
bằng Dụ ngôn: Quan tâm đến những kẻ
lầm đường lạc lối (cc. 12-14)
II. Kỷ luật và Tha thứ (18,15-35):
A. Kỷ luật
của Giáo Hội và sự hiện diện của
Đức Kitô (cc. 15-20),
B. Tha thứ không
giới hạn (cc. 21-22),
C. Kết luận
bằng Dụ ngôn: Tha thứ như một sự biết
ơn (cc. 23-35).
2.- Bố cục
Bản văn có
thể chia thành ba phần:
1) Kỷ luật của Giáo Hội
(18,15-17);
2) Cầm buộc và tháo cởi (18,18);
3) Sự hiện diện của
Đức Kitô (18,19-20).
3.- Vài điểm chú giải
- Người anh em (15): Từ ngữ
adelphos này nói về những người có liên hệ
huyết thống trong một gia đình, nhưng cũng
để gọi những người có tương quan với
nhau trong một cộng đoàn thiêng liêng. Cũng như các
"con cái Israel" thuộc về cùng một "nhà",
các môn đệ Đức Kitô, được quy tụ
nhân danh Người, làm thành một "nhà thiêng liêng"
(x. 1 Pr 2,5).
- phạm tội (15): TM Mt chưa bao
giờ xác định rõ "phạm tội" ([h]amartanô)
có nghĩa là gì. Dựa vào ngữ cảnh, một đàng
độc giả liên kết động từ này với
động từ "làm cớ cho sa ngã" (skandalizô; cc.
6.8-9), thì hiểu tội là một cái gì nghiêm trọng.
Đàng khác, khi liên kết với truyện con chiên lạc,
độc giả biết là tội có thể được
tha thứ. Bản văn ở đây nói riêng đến
tội của "người anh em".
- sửa lỗi nó,
một mình anh với nó (15): Đây không phải là một
lời khuyên mới do sáng kiến của Đức Giêsu.
Đọc Lêvi 19,17, chúng ta ghi nhận một quy
định tương tự ("Ngươi không được
để lòng ghét người anh em, nhưng phải
mạnh dạn quở trách người đồng bào,
như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì
nó"). Phái Êxêni ở Qumrân cũng có những lời
dạy tương tự (Thủ bản kỷ luật
5,25 truyền: "Không ai được nói với anh em
với sự giận dữ hoặc hiềm khích hoặc
trịch thượng hoặc với trái tim cứng
rắn hoặc tâm trí gian tà". Xem thêm Văn kiện
Đamát 9,2-8).
- chinh phục (15): Động
từ kerdainô có nghĩa là "thủ đắc
được, chiếm được" vật gì.
Thường các bản văn Hy Lạp và Kinh Thánh không dùng
cho nghĩa bóng là "chinh phục một con
người". Thế nhưng động từ này
được dùng hai lần khi nói về sứ mạng
của Hội Thánh sơ khai (1 Cr 9,19-22; 1 Pr 3,1).
- không nghe (17): Động
từ parakouô có nghĩa là "nghe những gì không nhắm
cho tai họ; nghe không đầy đủ; nghe không đúng
đắn", nên cũng có nghĩa là "không nghe; không
vâng lời".
- một
người ngoại ... một người thu thuế (17): Ở đây,
hai hạng người được nêu ra với
giọng miệt thị dưới cái nhìn thông
thường, để làm biểu tượng cho
những người ngoan cố, không có tinh thần
phục thiện.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Đức Giêsu không
coi cộng đoàn các môn đệ như một hiệp
hội các cá nhân, trong đó mỗi người có thể
làm bất cứ điều gì mình muốn và chẳng có ai
quan tâm đến ai cả. Người đã dạy rõ ràng
đâu là cách xử sự bắt buộc đối
với những ai đang bước theo Người.
Bắt buộc bởi vì cần thiết để vào
được Nước Trời (x. Mt 5,20; 7,21). Trong
cộng đoàn các tín hữu, mọi người
đều được liên kết vào các quy tắc chung
này và mọi người phải cảm thấy mình có trách
nhiệm về việc không được để một
ai bị hư mất. Khởi đi từ mối quan tâm
huynh đệ này, là một hình thái cốt yếu của
tình yêu đối với người thân cận tùy
thuộc ý muốn của Thiên Chúa, có thể là cần
phải nhắc đến đòi buộc quan tâm
đến một người anh em lầm lạc và
mời người ấy hoán cải.
Đi trước
các lời dạy về cách chăm sóc một người
anh em có lỗi là một đoạn cho thấy sự quan
tâm vô giới hạn của Thiên Chúa đối với
mỗi một tín hữu, cho dù nhỏ bé nhất và không
đáng kể gì (18,10-14). Mỗi con người có một
giá trị vô song, bởi vì họ luôn luôn hiện diện
trước mặt Ngài. Không một ai bị Thiên Chúa quên
lãng một lúc nào cả; tình yêu cũng như sự trợ
giúp của Ngài không hề phai nhạt đi.
* Kỷ luật
của Giáo Hội (15-17)
Vấn đề là
người anh em "phạm tội" (ho adelphos
hamartêsê). "Tội" là một điều có tính
trầm trọng, nhưng cũng là điều có thể
được tha thứ. Những người có thể
lấy sáng kiến can thiệp không phải là vì họ có
trách nhiệm chính thức về cách thức mà các thành viên
của Hội Thánh theo mà cư xử, nhưng bởi vì
họ bị trực tiếp liên lụy đến do
tội của người anh em ("đối với
anh; chống lại anh", eis se). Tuy thế,
"tội" mà một thành viên phạm đối
với một thành viên khác không phải là vấn đề
riêng tư, không can dự gì đến Hội Thánh. Có
một xác tín trong Kinh Thánh, trong Do Thái giáo và Kitô giáo là
mỗi một tội đều ảnh hưởng
đến toàn thể Hội Thánh.
Về mối quan tâm
đến người anh em, phải nói là có nhiều
cấp độ; nhưng dù ở cấp độ nào,
sự quan tâm này cũng phải kín đáo, kiên nhẫn và
thanh thoát khỏi mọi kiểu nhìn cá nhân riêng tư. Cách
tốt nhất hẳn là tránh mọi cớ vấp
phạm, bằng cách dàn xếp công chuyện giữa hai
người: không có người chứng, người anh
em có tội không bị ngượng ngùng. Vấn đề
không phải là đề cập đến những
thiếu sót của kẻ khác, nhưng là liên hệ với
người đã sai lầm, để "tranh
thủ" người ấy. Vậy, ở đây không
được nóng giận (x. Lv 19,17). Câu Lv 19,17 đi
trước điều răn về tình yêu đối
với người thân cận ở Lv 19,18, để nói rằng
việc khuyến cáo một người anh em Israel phải là cách
diễn tả tình yêu đối với người thân
cận và tình liên đới bên trong lòng Dân Thiên Chúa. Cách làm
này có thể đạt một kết quả tích cực: "chinh
phục (ekerdêsas) được người anh em" (x. 1
Cr 9,19-22; 1 Pr 3,1). Hẳn đây là đưa người anh
em về lại với Dân Thiên Chúa hay với Hội Thánh.
Cấp độ
tiếp theo tiên liệu có nhiều người khác can
thiệp vào, khi việc đối thoại riêng tư không
đạt kết quả (c. 16). Họ phải thuyết phục
người có lỗi về sự thiếu sót đã
xảy ra. Bằng cách đó, những người này cho
thấy rõ ràng là lời nhắc nhở của người
đầu tiên không phải chỉ là cái nhìn riêng tư cá
nhân, nhưng cũng được các anh em khác chia sẻ.
Như thế, càng rõ là cả người lầm lạc
cũng như người nhắc nhở đều không
được phán đoán theo các tiêu chuẩn chủ quan.
Cả hai đều được tháp vào cộng đoàn
các tín hữu, nên cả hai đều được liên
kết vào những quy tắc mà Đức Giêsu đã ban cho
cộng đoàn.
Tính cách cộng
đoàn của đời sống Kitô hữu này và của
các quy tắc của cộng đoàn càng hiển nhiên hơn
nữa ở cấp độ thứ ba (c. 17). Nếu
vụ việc không thể làm sáng tỏ giữa vòng ít
người, "nếu nó không nghe (parakousê) họ", thì
phải đưa ra trước Giáo Hội (ekklêsia).
Đây là cộng đoàn Kitô hữu địa
phương, trong tư cách không tách biệt, nhưng
được tháp vào trong Hội Thánh duy nhất mà
Đức Giêsu đã thiết lạp trên "tảng
đá" Phêrô (x. 16,18). Không phải là từng người
Kitô hữu, nhưng là Hội Thánh mới có thể tuyên bố
một phán đoán dứt điểm, nhằm nói rằng
một hành vi có phù hợp hay không với các quy tắc
của Hội Thánh. Ai không nghe lời có khả năng làm
sáng tỏ của Hội Thánh, thì tự đặt mình ra
ngoài Hội Thánh: "hãy kể nó như một
người ngoại hay một người thu thuế".
Đây không phải là lời kết án chung cuộc,
nhưng theo cái nhìn của các Kitô hữu gốc Do Thái
vẫn trung thành với Lề Luật, là không còn gì
để làm với người ấy nữa. Quả
thế, người ta không thể cho rằng mình thuộc
về một cộng đoàn, đồng thời lại từ
chối các quy tắc điều hành và đảm bảo
đời sống cho cộng đoàn ấy. Ở đây
vấn đề không chỉ là vi phạm một quy
tắc, mà là từ chối chính quy tắc do người ta
chống lại phán đoán của Hội Thánh. Ai nhìn
nhận mình sai lỗi và thiếu sót với quy tắc, thì
được cứu (x. c. 15); ai từ khước quy
tắc, thì rời bỏ cộng đoàn.
* Cầm buộc và
tháo cởi (18)
Rất có thể câu
nói về "cầm buộc và "tháo cởi" này
đã thuộc về truyền thống có trước Mt.
Nếu Hội Thánh có thể công bố một phán đoán
dứt điểm về điều gì phù hợp và
điều gì không phù hợp với lối sống của
mình, là vì dựa trên quyền tháo cởi và cầm buộc
Đức Giêsu đã ban (c. 18); quyền này phải
được thực thi phù hợp với các cơ
cấu mà Người đã ban cho Hội Thánh (x. 16,18t;
10,1-42; 28,16-20). Trong quyền này có hàm chứa khả năng
biết cách thuyết phục bằng các quy tắc của
Đức Giêsu, phán đoán cách đáng tin cậy các
trường hợp riêng lẻ và cho thấy các ranh
giới của sự thuộc-về Hội Thánh.
* Sự hiện
diện của Đức Kitô (19-20)
Thêm vào nguyên tắc
tổng quát của c. 18, một lần nữa (palin) tác
giả nói đến một nguyên tắc về cơ
cấu. Lời Đức Giêsu dạy về cầu nguyện
chung và về việc hội họp nhân danh Người
lại nêu bật tầm quan trọng của hành
động chung (cấp độ thứ hai ở trên). Ý
tưởng ở đây không phải là việc cầu
nguyện chung thì quan trọng hơn việc cầu nguyện
cá nhân. Tác giả chỉ muốn nói đến việc
những người cầu nguyện đồng ý với
nhau về điều mà họ đang cầu xin.
"Hai" là số người tối thiểu có thể
đồng ý hay không đồng ý về một
điều gì. Vậy lời đáp cho việc cầu
nguyện tùy thuộc tương quan giữa các thành viên
trong Hội Thánh. Những lời thỉnh cầu chỉ
tập trung vào cá nhân sẽ không được chấp
nhận.
Ở cuối lênh
truyền giáo, Đức Giêsu đã nói với các môn
đệ: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho
đến tận thế" (Mt 18,19t). Người ta
sẽ không còn thấy được Người, nhưng
Người sẽ hiẹn diện và hỗ trợ
mạnh mẽ khi họ đi chu toàn lệnh Người
truyền. Các môn đệ không bị bỏ mặc một
mình, nhưng được Người để ý cùng
đi với và giúp đỡ hữu hiệu. Người
cũng hứa hiện diện như thế với
những ai quy tụ lại nhân danh Người. Nguồn gốc
và trung tâm của cuộc quy tụ là "danh Đức
Giêsu". "Danh" là chính bản thân Đức Giêsu mà
các môn đệ đều quen biết; "nhân danh" có
nghĩa là: vì tình yêu đối với Người, trong
sự hiểu biết rõ ràng Người là ai và trong sự
tuyên xưng về địa vị của Người.
Đây là một cuộc quy tụ với ý thức sống
động và tin tưởng vào ý nghĩa của
Đức Giêsu và của tất cả những gì thuộc
về Người, của sứ điệp và hành trình
của Người. Các Kitô hữu quy tụ lại trong
tinh thần này thì không bao giờ bị bỏ mặc cho
chính mình, nhưng họ có Đức Giêsu ở giữa
họ. Chính Người sẽ nâng đỡ sự
hiệp nhất và hoạt động của họ.
+ Kết luận
Tình huynh đệ
chân chính đòi hỏi các môn đệ của Đức
Giêsu không được bỏ mặc một người
anh em đi vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm ("phạm
tội"), nhưng phải hết sức cố gắng
đưa họ trở lại với đường ngay
nẻo chính. Đàng khác, do tôn trọng đặc tính bó
buộc và cứu độ của sứ điệp
của Đức Giêsu, trong Hội Thánh, ta không
được tùy nghi xử sự theo bất cứ cách
nào, nhưng phải tôn trọng những giới hạn,
phải tiến hành theo những cấp độ khác nhau.
Dù sao, tất cả những gì cổ võ sự hiệp
nhất nhân danh Đức Giêsu thì đều có thể
chắc chắn là sẽ được Thiên Chúa hỗ
trợ đặc biệt, và như thế sẽ góp
phần vào việc kiến tạo Hội Thánh.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Như
người mục tử không bỏ rơi nhưng đi
tìm một con chiên lạc, Thiên Chúa cũng không bỏ rơi
bất cứ người nào. Trên nền tảng là cách hành
động đó của Thiên Chúa, không một ai
được phép nói về một người anh em: Tôi
không quan tâm đến anh/chị ta! Trái lại, chúng ta
buộc phải quan tâm đến người anh em chị
em đi lạc. Chúng ta không được phép tránh né vì ích
kỷ, lười biếng hay sợ hãi, hoặc bi quan
về kết quả. Cũng không được rơi vào
thái cực kia, đó là chỉ trích, trịch thượng
và tự hào mình công chính.
2. Đức Giêsu tha
thiết quy tụ những con người lại quanh
Người để làm thành một cộng đoàn tín
hữu và huynh đệ. Chúng ta nhớ: Đức Giêsu kêu
gọi từng người để họ sống
với nhau và cùng đi thi hành sứ mạng (x. Mt 4,18-25).
Cách sống này ngược lại với cách mỗi
người đi theo con đường của mình và không
quan tâm đến đặc tính cộng đoàn của
đời sống Kitô hữu (x. 18,15). Đàng khác, một
nhóm lo lắng săn sóc một anh em có tội (c. 16) thì
phải được quy tụ không phải nhân danh chính
mình, nhưng nhân danh Đức Giêsu, để Cha
Người sẵn lòng nhận các lời họ cầu
xin.
3. Đức Giêsu
không hề có ý đề nghị các thành viên trong cộng
đoàn phải theo giám sát nhau và phân loại con người
theo bậc thang giá trị luân lý. Các cách thức
Người đề nghị chỉ là nhằm diễn
tả đức bác ái. Chính Mt 18,14 cho ta hướng
đúng để hiểu những lời khuyên này: "Cha
của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn
cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư
mất". Đây là bổn phận săn sóc anh em về
mặt thiêng liêng. Giúp đỡ một người anh em
chị em đang gặp khó khăn, chìa tay ra cho một
người anh em chị em đang rơi vào tội
lỗi, là một đòi hỏi của tình yêu, một
sự trung thành với công trình của Đức Giêsu. Chúng
ta chịu trách nhiệm về nhau.
4. Chúng ta đi
cầu nguyện để thờ phượng Đức
Giêsu hiện diện trong Lời Người và trong Thánh
Thể, nhưng cũng là để gặp anh chị em
để hòa với lời cầu nguyện của
họ. Khi chúng ta khiêm tốn và sốt sắng hòa hợp
tâm trí và giọng điệu với nhau mà cầu
nguyện, chúng ta nên một trong Thân Mình Chúa Kitô, chúng ta làm
thành Nhiệm Thể Đức Kitô.
|