Cộng đồng
huynh đệ – Cố Lm. Hồng Phúc
Chúa Giêsu đã
muốn thiết lập Giáo hội của Ngài như
một cộng đồng Tình yêu, trong đó luật bác ái
thương yêu là một giới răn mới, một
dấu chỉ để biết ai là môn đệ của
Chúa. Nhưng Chúa cũng biết rằng đâu đâu
cũng có những yếu đuối con người,
đâu đâu cũng có những vấn đề giữa
con người. Trong cộng đoàn bé nhỏ 12 môn
đệ sống với Ngài, Chúa đã nghiệm thấy
như vậy.
Giáo hội là một
cộng đồng anh em, nhưng là một cộng
đồng gồm người tội lỗi bên cạnh
người lành. Chúa phán: “Nếu anh em ngươi lỗi
phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Nhưng sửa dạy
làm sao? Theo tinh thần Phúc Âm, việc sửa lỗi anh em là
một việc rất tế nhị và gồm 3 công tác sau
đây:
-
“Hãy đi sửa dạy nó, riêng
ngươi và nó thôi. Nếu không kết quả thì hãy
nhờ đến hai ba người làm nhân chứng. Và sau
cùng mới trình với cộng đoàn”. Đây là một
thủ tục tình thương và bác ái dạy làm hết
mọi sự để giữ một người anh em
đang muốn xa lìa cộng đoàn. Vì thế, việc
sửa lỗi anh em là một việc tế nhị, đòi
hỏi vừa sự can đảm vừa sự thanh nhã,
đồng thời phải có sự khiêm nhường và
thông cảm với anh em. Đừng khơi thêm hố chia
rẽ, nhưng hãy cầu nguyện để thành công,
để đưa người anh em về
đường công chính.
Chị Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, chung
sống trong tu viện với một chị bạn tên là
Marthe. Chị này có một tật xấu là quá quyến luyến
Bà Mẹ bề trên. Têrêxa, sau nhiều tháng chờ
đợi và cầu nguyện, chị quyết định
nói. Trước khi nói, chị đã cầu nguyện:
“Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy đúng sự thật”,
Chị đã nói với người bạn “với tất
cả tâm hồn và với tất cả kinh nghiệm
đã có”. Chị Marthe như được giải
tỏa tâm hồn và cũng nhìn nhận rằng “Vị
chăn chiên đừng nghe theo những lời dua nịnh
dối trá, vì không có gì tai hại cho bằng những
lời ca tụng đầy nọc độc”.
-
Giáo hội theo lối quảng diễn
của Matthêô còn là một cộng đồng tha thứ và
liên đới, trong đó mỗi người có trách
nhiệm về đức tin của anh em mình. Nếu sau
nhiều cố gắng để đưa người
anh em lầm lỗi trở về mà không có kết quả
thì hãy trông cậy vào tình thương xót của Đấng
chăn chiên tối thượng.
Cái quyền
“tuyệt thông” đối với một người anh em
làm cho ta nhớ lại một lời khác của Chúa về
quyền năng của Giáo hội: “Sự gì các con cầm
buộc dưới đất, trên trời cũng cầm
buộc và sự gì các con tháo gỡ dưới đất
trên trời cũng tháo gỡ”. Quyền năng tha thứ
đó, Chúa đã hứa cho Phêrô thì nay Chúa cũng ban cho các
môn đệ. Đó là tập đoàn 12 Tông đồ Chúa
đã tuyển chọn và sai đi, trong đó Phêrô giữ
một vai trò trọng yếu. Chúa trao cho họ sứ
mạng hòa giải và cứu rỗi. Như vậy dần
dần Chúa đã thiết lập các cơ cấu của
Giáo hội.
-
Sau cùng, Giáo hội là một cộng
đồng cầu nguyện. Nếu tội lỗi làm chia
rẽ thì sự cầu nguyện nối kết và hiệp
nhất chúng ta lại với nhau. Vì thế, cả
những lúc có sự bất bình không đồng ý kiến,
nếu có “hai hay ba người tụ họp với nhau
nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những
người ấy”. Chúa ở đó như gạch nối
niềm tin. Tám ngày sau phục sinh, một bầu khí chia
rẽ cũng bao trùm các môn đệ. Tôma nằng nặc
không muốn tin rằng Thầy đã sống lai. Chúa xuất
hiện, sự hiện diện của Chúa đánh tan
mối nghi ngờ, chia rẽ, đem lại sự hiệp
nhất.
Khi viết
đoạn Phúc Âm này, hẳn là Matthêô muốn nhắc
nhở cho Giáo hội, đã lan rộng ra ngoài biên
cương Do thái, đến Cận đông, đến
cả Lamã rằng Chúa là sự hiệp nhất. Muốn có
sự hiệp nhất, muốn tránh sự chia rẽ vì
mầu sắc chủng tộc, văn hóa, thì Giáo hội
phải cầu nguyện, phải tập họp “nhân danh
Thầy” vì có Thầy ở giữa. “Thầy là trung tâm
hội tụ mọi động lực” (Kinh của
Teilhard de Chardin).
Lạy Chúa, xin dạy con biết khiêm tốn
hòa nhã khi phải sửa lỗi anh em, xin dạy con biết
cầu nguyện khi phải đương đầu
với chia rẽ hiểu lầm, vì chỉ có Chúa là
rường mối sự Hiệp nhất.
|