Phúc
Âm, Tin Vui, Tin Mừng hay Tin Lành?
Không biết bắt đầu từ khi nào chữ Phúc Âm (Gospel) trong Tiếng Việt hiện
nay chu du đi đâu mất tiêu và gần như tuyệt chủng, thay vào đó trong các bài giảng
của các đấng các bậc và tràn lan trên các sách báo đạo là cụm chữ mới mẻ
"Tin Mừng/Tin Vui" (Happy News/Joyful news) hay "Tin Lành" (Good
News). Mỗi khi nghe hay đọc đến mấy cụm
chữ mới mẻ này tôi thấy vương chút buồn man
mác không tên và luyến tiếc chữ Phúc Âm trước kia có nghĩa rất thâm thúy theo khoa triết Đông, và tôi khắc khoải
không biết chừng nào chữ Phúc Âm độc nhất thân quen trở lại tái
ngộ như trước kia trong Tiếng Việt nhà đạo.
Phúc Âm (Gospel), Tin Mừng/Tin Vui (Happy News/Joyful news) hay Tin Lành (Good News), từ nào mới
đúng - mới chính xác đây hở thưa quý vị?
Thánh Lễ Tiếng Việt ở xứ tôi hoặc các xứ bạn lúc nào
cũng rất đông đúc, hoặc bị đứng chen chúc và thường là thiếu chỗ ngồi, cho nên
tôi hay đi Lễ Tiếng Anh cho rộng rãi và cũng tiện giờ cho tôi hơn. Trong Thánh Lễ tôi luôn luôn được nghe câu xướng
sau khi các bài đọc Thánh Thư và Phúc Âm được đọc xong như sau, "Đó là Lời Chúa và Phúc Âm của
Chúa", họa hiếm lắm mới thỉnh thoảng có linh mục xướng câu "Tin
Lành của Chúa" (the Good News of the Lord), và tôi chưa bao giờ nghe các
ngài xướng câu, "Tin Mừng/ Tin Vui của Chúa" (the Happy News
/ the Joyful News of the Lord).
Chữ
Phúc Âm có nghĩa là gì?
Tiếng Latin "Evangelium" mà tiếng Việt dịch
là Phúc Âm, Chữ Nho-Hán Việt 福音 (phát âm là fủ-ing [fú-yīn]), tiếng Anh “Gospel”,
tiếng Pháp “Évangile” hoặc
tiếng
Nga (евангелие), tất cả đều bắt nguồn từ gốc chữ Hylạp (Greek) εὐαγγέλιον
(euangelion)
mà các vị học giả và dịch giả thời nay dịch ra nghĩa tiếng Việt là "Tin Vui
/ Tin Mừng " (the Happy News
/ the Joyful News of the Lord) hay "Tin Lành" (Good News).
Theo Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Tiếng Việt định
nghĩa:
"Phúc Âm, còn được gọi là "Tin Mừng"
(của Công giáo Rôma) hay "Tin Lành" (của các cộng đồng Kháng Cách - Protestant Reformation), là tên
gọi chung để chỉ bốn cuốn sách đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong Kinh
Thánh Tân Ước, bao gồm: Phúc Âm Mátthêu, Phúc Âm Máccô, Phúc Âm Luca và Phúc Âm
Gioan, trong đó các Sách Phúc âm Mátthêu, Máccô và Luca được gọi là các Phúc Âm
Nhất Lãm." [Phúc Âm Nhất Lãm có
nghĩa là cả ba cuốn Phúc Âm Mátthêu, Máccô và Luca có thể chia thành ba cột
song song để nhìn cùng một lúc thấy hết cả ba có nội dung hầu như giống nhau.]
Qua những giải nghĩa trên đây cho thấy một kết luận rõ
ràng chữ tiếng Việt trước kia gọi là "Phúc Âm” và hiện nay gọi là “Tin Mừng/Tin
Vui/Tin Lành" đều đúng cả.
Nhưng tôi chỉ thấy tâm đắc với chữ dịch là
"Phúc Âm", vì nó có tính xác tín rõ ràng và có ý nghĩa rành mạch chính
xác và phù hợp hơn hết cả. Vì khi đọc lên nó liền xác định được ngay ý nghĩa
và vai trò của chữ mình đang nói nghĩa là gì mà không cần phải dài dòng đặt chấm
hỏi đằng sau ý nghĩa của ba chữ mới kia.
Chẳng hạn khi tôi muốn nói tới chữ:
1.
Phúc Âm: có nghĩa là tôi đang muốn nói tới tôi có Phúc được
nghe lại thanh Âm/tiếng nói của chính Thiên Chúa phán truyền qua các Ngôn Sứ và
các Thánh Tông Đồ mà chính Người đã tuyển chọn và sai đi loan truyền tiếng
nói/Âm Thanh của Người, cũng như chính Người đã giảng cho các vị ấy biết rõ ý
nghĩa của chữ Phúc Âm này như sau:
"Phúc
cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe.
Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước
trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các
con nghe, mà không được nghe". (Mt 13, 16-17)
Rõ ràng là Chúa đang giảng nghĩa cho các đồ đệ biết
điều các vị ấy đang được Thấy và được Nghe những gì chính Chúa đang nói đó là
điều có Phúc. Cho nên, khi chúng ta nghe xướng câu, "Đó là Lời Chúa / Phúc
Âm của Chúa", tức là chúng ta cũng đang giống như các đồ đệ xưa kia đang được
Phúc Nghe và Thấy Lời Chúa, cho nên mới có câu xướng xác nhận điều chúng ta vừa
nghe xong đấy là điều có thật và đích thực có Phúc, vì "Đó là Lời Chúa / Phúc
Âm của Chúa".
Để xác nhận một lần nữa điều chúng ta mới vừa có
Phúc được tai nghe mắt thấy Lời/Âm Thanh "Đó là của Chúa / Phúc Âm của
Chúa", tới phần Hiệp Lễ… rồi tới lúc chúng ta được rước Lễ, linh mục nâng cao Mình Thánh Chúa để tôn vinh
Phúc Âm của Chúa giờ đây đã thực sự hóa thành Mình Máu Thánh Chúa, là Chúa và là
Người Thật qua câu "Mình/Máu Thánh Chúa Kitô" cũng là để đợi chúng ta
tuyên xưng đức tin - xác tín lần nữa về Phúc Âm / Tiếng Lời Chúa quả thực đã
hóa thành Mình và Máu Thánh Chúa qua câu thưa "Amen". “Amen” có nghĩa là quả thật, đúng vậy, quả thực “chúng
ta có phúc được tai nghe mắt thấy Tiếng Lời Chúa” đúng là vậy, và chúng ta đã xác tín điều mình tin kính và tuyên
xưng.
Hơn nữa, Thánh Paulô đã giảng nghĩa cho biết phải loan truyền điều có Phúc tức là Âm Tiếng / Lời của Chúa đã được chính Chúa sai các môn đồ đi như sau: "Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Phúc Âm/Tiếng Lời (của Chúa)!(Roma 10: 14-15)
Và Thánh vịnh 18:5 kết thúc với câu: "Tiếng các ngài (sứ giả được Chúa sai đi) đã vang dội khắp hoàn cầu và thông điệp (Phúc Âm của Chúa/Tiếng Lời của Chúa đã được các ngài) loan truyền đi tới chân trời góc biển."
2.
Tin Mừng/Tin Vui/Tin Lành: không lột tả được hết ý nghĩa,
không xác định cũng như không chỉ được đích danh đó là "Phúc", đó là
"Âm Tiếng" của Chúa mà chúng ta đang được tai nghe mắt thấy để mà sau đó đem đi rao truyền. Khi đọc
xong Lời Chúa rồi nghe câu xướng "Tin Mừng/Tin vui/Tin Lành của
Chúa", thì tức khắc ở trong đầu tôi sẽ đặt ngay thêm câu hỏi phía sau, là
Tin Mừng/Tin vui/Tin Lành gì của Chúa vậy? Tin mừng Chúa Phục Sinh, Tin Vui
Chúa Giáng Sinh hay Tin Lành Chúa và Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được tôn vương trên
trời?
Tôi rất tâm đắc với bài viết của Lm. Stêphanô Huỳnh
Trụ trong phần giải nghĩa về chữ "Phúc" và chữ "Âm" theo
khoa triết Đông rất phong phú ý nghĩa mà khoa triết Tây không có qua sự phân tích rành mạch sau đây: PHÚC ÂM-TIN
MỪNG. http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/179PhucAmTinMung.htm
Mừng Lễ Kính Hai Mẹ Con Thánh Mônica -
Âugústinô
Sóng Biển
Ngày 27-28/8/2017