Trụ cột
của đức tin – Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 16,13-20)
nói với chúng ta những nội dung rất quan trọng
liên quan đến đời sống của Hội Thánh. Hôm
ấy, Đức Giêsu đưa các môn đệ
đến Xêdarê Philípphê, một thành phố do tiểu
vương Hêrôđê Philipphê xây năm 2 tr.CN để kính
nhớ hoàng đế Augustô “Khi Đức Giêsu đến
vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các
môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là
ai?” (c.13). Người đã không hỏi các ông về ý
kiến của đám đông dân chúng về bài giảng trên
núi của Người chẳng hạn, hay về một
hoạt động nào đó của Người, ví dụ
như về phép lạ hóa bánh ra nhiều mới đây… Nhưng Người quan tâm đến ý kiến
của đám đông và nhất là của các môn đệ
về chính bản thân Người. Điều
này cho thấy đây là một vấn đề quan
trọng đối với Đức Giêsu. Các môn đệ nhanh chóng nói cho Đức Giêsu
biết đám đông dân chúng nghĩ gì về Người.
“Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả,
kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông
Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (c.14). Đám
đông dân chúng đồng hóa Đức Giêsu với các nhân
vật nổi tiếng trong Cựu Ước. Thậm chí
có kẻ còn cho rằng Người chính là ông Gioan Tẩy
Giả, vốn đã bị giết (x. 14,2),
nay tái thế. Có kẻ nói Người là ông Êlia, vị ngôn
sứ phải trở lại, theo sấm ngôn do Ml 3,23 và Hc 48,10 loan báo từ trước. Có người bảo Người là ông Giêrêmia,
như đã từng xảy ra trong 2Mcb 15,13tt. Nói chung
lại, đám đông dân chúng chỉ quan niệm về
Đức Giêsu như một nhân vật, cho dù vĩ
đại, cũng vẫn chỉ là sự tiếp nối
quá khứ; đó là một nhân vật do Thiên Chúa sai
đến như các nhân vật vĩ đại trong
Cựu Ước mà thôi. Họ chưa
nhận ra nơi Đức Giêsu những thực tại
mới mẻ chứng tỏ tính cách độc nhất vô
nhị của Người, càng không nhận ra nguồn
gốc độc đáo và thần linh của
Người. Họ không hiểu đúng về con
người và sứ mạng của Người.
“Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh
em, anh em bảo Thầy là ai?. Ông Simôn
Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống” (cc.15-16). Câu hỏi thứ hai này
hướng trực tiếp về các môn độ. Đức Giêsu muốn biết lập
trường và quan niệm của chính các ông về bản
thân Người. Các ông đã đi theo
Người một thời gian dài, đã chứng kiến
những hoạt động của Người, đã
được nghe những giáo huấn của
Người. Thay mặt anh em, ông Phêrô thưa
với Đức Giêsu câu trả lời của các ông
đối với vấn đề quan trọng này.
Ông tuyên xưng lòng tin của chính ông và của các anh em ông
trong cộng đoàn các môn đệ: “Thầy là
Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Câu trả lời của ông Phêrô rõ ràng
là một lời tuyên xưng đức tin rất hoàn
hảo. Trong Mc 8,29 câu trả lời
chỉ đơn giản là “Thầy là Đấng Kitô”. Hình như tác giả Mt không hài lòng lắm với
câu trả lời đó. Ông bổ túc rõ ràng: “Con Thiên
Chúa hằng sống”. Tác giả Mt muốn nhấn mạnh
tư cách là Con Thiên Chúa của Đấng Mêsia (x. 3,17;17,5), không hoàn toàn trùng với quan niệm
về Mêsia con vua Đavít như dân chúng nói chung đang mong
chờ. Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” không chỉ theo nghĩa là do Thiên Chúa sinh ra, mà
trước hết là do Người hành động trong
tư cách là chính Thiên Chúa đang hành động. Nói cách khác,
công thức “Con Thiên Chúa” ở đây là tương
đương với công thức “Thiên Chúa ở cùng chúng
ta” (1,23). Thiên Chúa hằng
sống (x. Is 37, 4.17; Hs 2,1; Đn
6,21) thì đối ngược, khác biệt và siêu
vượt các ngẫu thần chết chóc: Ngài sống và
làm cho sống. Là Con Thiên Chúa hằng sống,
Đức Giêsu là Đấng sống và thông ban sự
sống đích thực cho con người. “Đức
Giêsu nói với ông Phêrô: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là
người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải
cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy,
Đấng ngự trên trời” (c.17). Đáp
lại lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu
tuyên bố một mối phúc. Ngài khẳng
định Phêrô có phúc vì được lãnh nhận một
ơn huệ cao trọng và huyền nhiệm do chính Thiên
Chúa ban. Chính Cha của Đức Giêsu, tức là vị Thiên
Chúa hằng sống trong lời tuyên xưng của Phêrô,
đã mặc khải cho Phêrô biết về căn tính
đích thật của Đức Giêsu.
Trong 11,25-27, Đức Giêsu đã dâng
lời tạ ơn Cha của Người: “Lạy Cha là
Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha
đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho
những người bé mọn. Vâng, lạy
Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. Đọc
câu 27 của bài Tin Mừng hôm nay trong liên hệ với
lời ngợi khen đó, chúng ta biết rằng ông Phêrô
đang được đón nhận ân
huệ dành cho những người bé mọn, chứ không
phải vì ông là kẻ khôn ngoan và thông thái theo kiểu các
người Pharisêu và các kinh sư. Nói cách khác, ông Phêrô và các
môn đệ anh em của ông không bị nhiễm men,
tức là không bị ảnh hưởng, của giáo
thuyết của các người Pharisêu và nhóm Xađốc
(16,12). Đước chính
Thiên Chúa mạc khải, ông Phêrô và các anh em được
hiểu biết ý nghĩa sâu xa của những hoạt
động và giáo huấn của Đức Giêsu.
“Cha của Thầy, Đấng ngự
trên trời” cần được đọc song song
với “Cha của chúng con, Đấng ngự trên trời”
trong Mt 6,9. Những ai đón nhận
từ Chúa Cha mặc khải liên quan đến Đức
Giêsu thì đồng thời cũng nhận biết nơi
Đức Giêsu dung mạo của chính Chúa Cha; và những ai
đón nhận từ Đức Giêsu kinh nghiệm về
chính Thiên Chúa là Cha thì sẽ có thể thưa với Thiên
Chúa lời Abba thân tình. Chính trong ân
huệ và trải nghiệm huyền nhiệm ấy mà ông
Phêrô và toàn thể cộng đoàn các môn đệ tuyên
xưng lòng tin của mình về căn tính của
Đức Giêsu. Đức Giêsu tiếp tục nói với
ông Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là
Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền
lực tử thần sẽ không thắng nổi” (c.18). Tương ứng với lời tuyên xưng
“Thầy là” của ông Phêrô là lời tuyên bố của
Đức Giêsu “Anh là”. Đức Giêsu khẳng
định ông Phêrô là “Tảng đá” (pêtra), tức là
một thực tại chắc chắn, không lay chuyển,
không thay đổi. Hội Thánh
được Đức Giêsu xây trên nền đá vững
chắc ấy. Cộng đoàn những người
tuyên xưng cùng một lòng tin mà ông Phêrô vừa tuyên xưng
thì được ví như một tòa do chính Đức
Giêsu xây dựng trên tảng đá Phêrô. Ông có nhiệm vụ
cung cấp cho cộng đoàn ấy sự chắc
chắn, bền vững, không thay đổi, không lay
chuyển, dựa trên ơn huệ là mạc khải
của chính Thiên Chúa ban cho những con người bé
mọn. Và sự bền vững ấy
được bảo đảm bởi chính lời
hứa của Đức Giêsu rằng “quyền lực
tử thần sẽ không thắng nổi”.
“Quyền lực tử thần sẽ
không thắng nổi” (c.18). Chúng ta thấy thấp thoáng ở đây nội dung
của mối phúc cuối cùng trong 5,10t (“Phúc thay ai bị
bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là
của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị
người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ
điều xấu xa”) và nội dung lời giáo huấn
trong 10,28 (“Anh em đừng sợ
những kẻ giết thân xác mà không giết
được linh hồn”). Quyền lực của tử
thần, quyền lực của những kẻ bách hại
Hội Thánh, quyền lực của những kẻ sỉ
vả và vu khống các môn đệ Đức Giêsu,
quyền lực của những kẻ chỉ giết
được thân xác… sẽ không thể tiêu diệt
Hội Thánh, vì Hội Thánh được Đức Giêsu
xây dựng trên nền tảng ân huệ lòng tin mà Chúa Cha ban
cho những người bé mọn thoe thánh ý Ngài.
Bên cạnh nhiệm vụ cung cấp
cho cộng đoàn sự bền vững, ông Phêrô còn có
nhiệm vụ quản lý các mầu nhiệm Nước
Trời như một người tôi tớ
được Chủ trao cho chìa khóa (x. Is 22,22):
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời:
dưới đất, anh cầm buộc điều gì,
trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy;
dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên
trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (c.19).
“Cầm buộc và tháo cởi” là ngôn
ngữ của các trường phái rabbi, diễn tả
nhiệm vụ cho phép hay ngăn cấm về những
điểm còn tranh luận trong giáo huấn chính thức. Hai động từ này
cũng quy về việc lấy những quyết
định liên quan đến những cách hành xử
cần thiết để được vào Nước Trời.
Trao cho Phêrô những nhiệm vụ làm
đá tảng, giữ chìa khóa và cầm buộc – tháo
cởi, Đức Giêsu cho thấy Người không bỏ
mặc cộng đoàn các tín hữu trong tình trạng
mất hướng, nhưng ban cho cộng đoàn đó
người lãnh đạo với những năng
quyền và nhiệm vụ lớn lao.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay nói
với chúng ta rằng: ông Simon Phêrô, người thứ
nhất và là đại diện cho anh em, tuyên xưng lòng tin
vào Đức Giêsu với một công thức diễn
đạt hoàn hảo con người và sứ mạng
của Người, đã được Đức Giêsu
đặt làm đá tảng cho Hội Thánh, làm người
quản lý các mầu nhiệm Nước Trời và làm
người có quyền bính thực sự trong việc
lấy những quyết định liên quan đến
những cách hành xử cần thiết để
được vào Nước Trời. Với ông,
Đức Giêsu xây dựng cộng đồng nhân loại
mới, cộng đồng những con người bé
mọn tuyên xưng lòng tin vào Người là Đấng Kitô
Con Thiên Chúa hằng sống. Cộng
đồng mới này là chính Hội Thánh, sẽ
đứng vững trước những sức mạnh
tấn công của quyền lực tử thần. Ý thức về sự cao cả và sự nặng
nề của những quyền bính và các nhiệm vụ mà
Phêrô đã được trao phó, chúng ta được
mời gọi cầu nguyện, vâng phục và hiệp thông
sâu xa với Đấng kế vị Thánh Phêrô.
|