Người Kitô hữu
Trong những dòng cuối của sứ
điệp: “Hoà bình dưới thế”, Đức Giáo
Hoàng Gioan XXIII, được mệnh danh là vị Giáo Hoàng
nhân từ, dễ thương, đã đưa ra cho chúng ta
một định nghĩa: thế nào là một
người Kitô hữu chân chính như sau: “Mỗi một
tín hữu trong thế giới của chúng ta là một
mảnh sao băng, là một tụ điểm của tình
yêu, là một thứ men sống động giữa
những người anh em của mình. Nếu người
tín hữu đóng trọn vai trò ấy, họ sẽ là
người Kitô hữu chân chính”.
Sống trọn
những cam kết trên, quả thật người Kitô luôn
là một thách thức, một câu hỏi, một sự
hiện diện quấy rầy đối với mọi
người. Một mảnh sao băng khi chợt sáng lên
rồi tắt lịm, nhưng cũng đủ thu hút cái nhìn của con người về
một góc trời nào đó. Một hạt men bé nhỏ,
mất hút trong khối bột, nhưng cũng đủ
sức làm dậy lên cả khối bột. Một
thể hiện yêu thương, dù nhẹ nhàng đơn
giản, cũng đủ sưởi ấm cõi lòng,
đủ sức chinh phục hay cảm hoá bất cứ
người nào. Như thế đó, sự hiện
diện của người tín hữu luôn có sức thu hút, tạo được ảnh
hưởng tốt cho người khác, với điều
kiện họ phải sống đúng danh nghĩa
người Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay
cũng muốn nhắc nhở chúng ta về cuộc
sống ấy. Trong những việc làm của mình, và
nhất là cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã không
ngừng là một câu hỏi cho tất cả chúng ta: “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Câu
hỏi đó Chúa không ngừng đặt ra cho chúng ta và yêu
cầu chúng ta sống đúng với niềm tin của
mình. Ai trong chúng ta cũng phải trả
lời được Chúa Giêsu là ai? Là
Đức Kitô, Con Thiên Chúa đến trần gian
để dạy bảo Tin Mừng, để cứu
chuộc chúng ta. Rồi đến
lượt chúng ta, qua cuộc sống của mình, chúng ta
cũng luôn là câu hỏi cho những người chung quanh.
Dù âm thầm ẩn dật đến đâu, dù bé nhỏ vô
danh đến đâu, sự hiện diện của chúng ta
cũng luôn là một câu hỏi cho những người
chung quanh. Nghĩa là nhìn vào đời sống
chúng ta, họ bảo chúng ta là ai?
Thực vậy,
giữa một xã hội đầy giành giật,
đầy bon chen, lấy tiền
bạc làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô
sẽ vẫn là một câu hỏi, nếu chúng ta sống
trong tinh thần khó nghèo, chấp nhận thua thiệt, mất
mát hơn là bán đứng lương tâm để
chạy theo điều phi pháp. Có một số
người lấy hận thù, ăn
miếng trả miếng làm luật sống, người
Kitô sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu chúng ta vẫn
yêu thương với mọi người, sẵn sàng tha
thứ và theo Chúa cho đến cùng. Giữa
một xã hội mà nhiều người đang buông xuôi,
thất vọng, người Kitô vẫn mãi mãi là một câu
hỏi, nếu chúng ta biết sống lạc quan, tin
tưởng vào một Đấng có tình yêu trong lịch
sử con người. Giữa xã hội mà sự thành
thật với nhau đã trở thành một thứ xa
xỉ phẩm, người Kitô sẽ mãi mãi là một câu
hỏi, nếu chúng ta vẫn tiếp tục sống thành
thật, sống tử tế, tốt đẹp với
mọi người, ngay cả đối với chính
kẻ thù của mình… Sống như thế quả là không
dễ, là một đòi hỏi cam go, nhưng Chúa đòi
chúng ta phải cố gắng sống được
như thế nếu chúng ta muốn là một Kitô hữu
đúng danh, nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa.
Trong tiểu sử của thánh Sác đơ
Phu-cô kể rằng: sau khi từ Ma-rốc trở về,
anh say sưa kể lại cho gia đình nghe những
cuộc thám hiểm đầy kỳ thú của anh qua
những khu rừng Phi Châu, người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là một cô
cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa kể
xong, bất ngờ cô bé hỏi: “Thưa cậu, cháu
thấy cậu làm được nhiều việc rất
hay, thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu
chưa?”. Câu hỏi ấy như một
luồng điện giật làm Sác đơ Phu-cô bất
động. Từ bao lâu nay chưa ai đã khiến anh
phải suy nghĩ nhiều như thế: anh đã làm
được gì cho Chúa Giêsu? Anh lục soát tâm hồn mình,
anh chỉ thấy một lỗ hổng không đáy, anh
đã phí phạm tất cả thời giờ và tuổi
thanh xuân cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và
những danh vọng thấp hèn, mắt anh bỗng mở
ra để thấy nỗi khốn khổ, nghèo hèn của
mình.
Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội
với một linh mục. Anh vào dòng khổ tu, ít lâu sau, anh
xin đến Nagiarét để sống trọn vẹn cho
Chúa Giêsu. Một ngày kia, khi đang cầu nguyện sốt
sắng trong phòng, bỗng anh nghe thấy từ căn nhà
bên cạnh tiếng rên rỉ của một người
Hồi giáo, nhớ lại gương bác ái của Chúa
Giêsu, anh tự hỏi: tôi có thể giam mình cầu
nguyện trong phòng trong lúc có những anh chị em chung quanh
đang khốn khổ thất vọng chăng? Thế là
anh quyết định đến sống giữa họ,
trở thành người anh em của họ, nhất là
của những người cô đơn, lạc lõng, nghèo
hèn. Những năm cuối đời, anh sống giữa
sa mạc Sa-ha-ra, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống cho
những người cùng khổ, và chia sẻ đến
giọt máu cuối cùng khi phát súng oan nghiệt của
kẻ sát nhân bắn gục anh giữa lúc đang cầu
nguyện.
Mọi Kitô hữu
chân chính đều phải tự hỏi mình: tôi đã làm
được gì cho Chúa Giêsu? Chúng ta cũng
tự hỏi mình như thế. Qua bao nhiêu năm tháng
cuộc đời, qua bao nhiêu nhiệm vụ lớn
nhỏ đã hoặc đang đảm trách, qua bao nhiêu
hồng ân đã lãnh nhận, tôi đã làm
được gì cho Chúa Giêsu? Không phải là cho Chúa Giêsu mãi
đâu trên trời, nhưng là cho Chúa Giêsu đang tiếp
tục ngự đến, đang tiếp tục hiện
diện trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi,
nơi những người anh em tôi, cũng là anh em của
Ngài, nhất là những ai thấp hèn, cùng khổ. Tôi tự
hỏi mình, mà chính Chúa Giêsu cũng hỏi tôi mỗi ngày:
“Con đã làm được gì cho Cha?”,
cũng có nghĩa là “Con đã làm được gì cho
những người anh em bé mọn nhất của Cha?”. Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và trả
lời.
|