Chó con cũng
được ăn…
(Suy
niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
“Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ
lòng thương tôi… Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”
Lời cầu xin trên của
người đàn bà Canaan có gì khác không nhỉ với lời kêu
cứu của Phêrô “Thưa ngài, xin cứu con với!”? Người môn đệ ruột có
quyền được Thầy mình cứu vớt, thế
nhưng lời cầu khẩn đó của ông lại
bị Đức Giêsu coi như một biểu hiện
của thiếu tin tưởng, của hoài nghi, do đó
đáng bị quở trách, “Người đâu mà kém tin
vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31) Còn
lời cầu xin thương xót của người
đàn bà Canaan ngoại giáo và bất xứng này
lại được Đức Giêsu đề cao: “Này bà,
lòng tin của bà mạnh thật!”
Quả thế, đoạn Tin Mừng
hôm nay hầu như muốn lột tả tới từng
chi tiết tình trạng bất xứng của người
đàn bà này trước ân huệ được xót
thương: là người Canaan thuộc miền Tia và
Si-đôm mà người Đo Thái khinh bỉ gọi là vùng
đất dân ngoại (một đối nghịch và
loại trừ rõ ràng so với danh xưng ‘đất
hứa của dân riêng Đức Chúa’). Con gái bà bị
quỉ ám lại càng cho thấy gia đình bà thuộc
hạng xấu xa bất hạnh. Đức Giêsu, qua thái
độ và lời nói, càng như muốn nhấn mạnh
trên sự bất xứng, không đáng được
bố thí thương xót chút nào: ‘Người không đáp
lại một lời’. Trước sự can thiệp
bất đắc dĩ của nhóm môn đệ chỉ vì
muốn được yên thân khỏi bị quấy
rầy, Thầy Giêsu càng tỏ ra lạnh nhạt, “Thầy
chỉ được sai đến với các con chiên
lạc của nhà Israel mà thôi”. Thái độ khinh bỉ
khước từ đạt tới đỉnh
điểm trong câu chối từ không nể nang: “Không nên
lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con!” Thế
đấy, nếu người Do Thái nói chung và các môn đệ
nói riêng (điển hình nhất là Phêrô) tự coi mình là thành
phần được tuyển chọn, là xứng đáng
hơn ai hết lãnh nhận sự ưu ái, che chở và
cứu vớt của Thiên Chúa, thì người dàn bà Canaan
này chỉ là con số không, thâm chí còn dưới không
nữa. Thế nhưng chính ở điểm này mà lòng
thương xót thần linh biểu lộ được
nội dung sâu xa và độc đáo nhất của nó.
Còn về phía người đàn bà Canaan, bà không hề muốn che dấu sự bất
xứng của mình, ngược lại xem ra bà còn muốn
đề cao nó hơn nữa: “Thưa Ngài, đúng thế,
nhưng mà lũ chó con cũng được ăn
những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”.
Quả thế, nếu đã xứng đáng thì chẳng
cần gì tới lòng thương xót, ngược lại
càng bất xứng bao nhiêu thì lòng thương xót càng
tỏa sáng bấy nhiêu: một định luật dễ
hiểu. Ai kể mình xứng đáng để
được ân thưởng,
người đó sẽ được áp dụng luật
công bằng với các cân đong đo đếm rất
chi li (qua hình ảnh cán cân tội phúc vẫn thường
được sử dụng). Còn đối với lòng
thương xót, Đức Giêsu hình như muốn cho
thấy nó thật chan hòa tới độ, chỉ cần
duy một điều kiện độc nhất là khiêm
tốn đón nhận, thế là nó tuôn trào vô giới
hạn - “Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Chính lúc khiêm tốn nhìn nhận sự bất
xứng của mình mà người đàn bà Canaan hầu như đã hoàn
toàn điều khiển được quyền năng xót
thương của Thiên Chúa, ‘từ giờ đó con gái bà
được khỏi’.
Ôi thật lạ lùng và tuyệt diệu thay sức mạnh
của khiêm tốn đón nhận xót thương!
Trước đó cũng đã từng
có một người nữ khác khám phá ra và khai thác
được định luật này cách triệt
để hơn nhiều, đó là trinh nữ Maria tại
thôn xóm Nadarét. Trinh nữ
này đã hiểu ra sức mạnh vô địch của
khiêm nhường (tức nhìn nhận mình bất xứng)
khi xác quyết bằng lời ngợi ca Magnificat: một
khi Đức Chúa nhận thấy phận nữ tì hèn
mọn của tôi, thì Đấng giầu lòng xót
thương xót sẽ thi thố nơi tôi biết bao
điều cao cả, tới độ từ nay hết
mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Niềm vui
lớn nhất làm cho trinh nữ đó hớn hở vui
mừng không phải là các ơn huệ nhận
được (nhân đức, thánh thiện hay trở
thành vô nhiễm hay làm Mẹ Thiên Chúa…) mà chính là: vì mình
được Thiên Chúa cứu độ và xót
thương. Ân huệ nào thì cũng có
giới hạn, nhưng lòng thương xót thì vô bờ và
tồn tại mãi cho tới muôn đời.
Có lẽ đây là khía cạnh dễ
bị quên lãng nhất mỗi khi Kitô hữu chúng ta quyết
tâm noi gương hay học đòi Mẹ Maria. Khiêm
nhường là nhân đức không được mấy
ai đề cao, và cũng ít ai nhận ra tầm quan
trọng lớn lao hầu như
tuyệt đối của nó. Nếu Phúc âm vẫn hay
đề cập tới hai khuôn mặt Maria, và đặt
gần kề bên nhau trong nhiều tình huống của hành
trình cứu độ, có lẽ cũng có một ý nghĩa
nào đó? Maria Nadarét và Maria Mácđala bổ xung cho nhau cách
tuyệt diệu lắm thay, và điểm giao thoa gặp
gỡ giữa hai người phụ nữ có lý lịch
rất khác biệt nhau này chính là các ngài đã biết
mở rộng cõi lòng khiêm tốn để đón nhận
ơn cứu độ của Thiên Chúa từ nhân.
Lạy
Mẹ Maria, xin dạy con bài học quan trọng và cao quí
nhất này là nhìn nhận sự bất xứng tột cùng
của mình để có thể khai thác được
sức mạnh vô địch của lòng thương xót
Chúa. Xin cho con xác tín chân nhận ‘Lạy Chúa, con chẳng
đáng Chúa ngự vào nhà con…’ để mỗi khi
rước lễ, con chạm tới được lòng
thương xót vô bờ của Thiên Chúa - Đấng
cứu chuộc con. Xin cho con biết hàng ngày hiệp
lời ca ngợi lòng thương xót hải hà Chúa dành cho
Mẹ và cho tất cả các con cái của Mẹ
đến muôn thuở muôn đời. A-men
|