Xin cứu tôi.
Nhà văn Mark Twain cùng đi với vợ
viếng thăm Đất Thánh. Họ đến Capharnaum,
nơi Chúa Giêsu khởi sự đời sống mục
vụ công khai và trải qua nhiều biến cố quan
trọng ở đây. Thị trấn nằm
trên bờ biển Galilêa. Vào một đêm trăng, hai
vợ chồng bước đi dọc theo
bờ biển và quyết định mướn một
chiếc thuyền chèo ra biển hóng gió. Mark
Twain hỏi một người đàn ông đang ngồi
trên thuyền phải trả bao nhiêu tiền để
đưa họ ra biển. Mark Twain
thường mặc bộ com-plê trắng, giầy
trắng và đội mũ cao bồi rộng vành của
người Texas. Với
phong cách và kiểu ăn mặc như vậy, người
chủ thuyền nghĩ Mark Twain phải là một
người Mỹ giàu sang nên ra giá 25 đôla cho một chuyến
du thuyền. Nghe vậy, Mark Twain đành cám ơn ông chủ
thuyền rồi bỏ đi. Đi được vài
bước ông quay sang nói với vợ: “Bây giờ tôi
mới biết tại sao Chúa Giêsu bước đi trên
mặt nước!” Có phải ý ông muốn nói vì đi
thuyền đắt quá, Chúa Giêsu không có tiền, nên phải
bước đi trên mặt nước không?
Mark Twain đã
nghĩ ra một cách cắt nghĩa khôi hài về phép
lạ Chúa Giêsu bước đi trên biển trong bài Phúc Âm
hôm nay.
Một sự hiểu biết đầy đủ về
ý nghĩa của câu chuyện Chúa Giêsu bước đi trên
biển, ắt phải nói về con người Chúa Giêsu là
ai, về Giáo Hội và về đời sống
đức tin của mỗi người Kitô hữu.
Câu chuyện phép
lạ Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước
biển, kết hợp với câu chuyện hóa bánh ra
nhiều trong bài Phúc Âm tuần trước, chứng tỏ
rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Ngài có quyền hành trên tất
cả mọi sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên.
Người Do Thái
tin tưởng rằng biển cả thuộc lãnh vực
của các quyền lực ma quỉ siêu nhiên, chẳng
hạn bọn quỉ nhập vào bầy heo, rồi lao xuống
biển (Mt 8,32). Một
trận cuồng phong bão tố ở biển khơi
được coi là công việc của những thần
thù nghịch. Bằng việc bước đi trên
những ngọn sóng thần hung dữ và làm yên lặng
biển động, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là
Đấng có quyền lực và hoàn toàn làm chủ trên
những sức mạnh thù nghịch này.
Rất nhiều
người Kitô hữu thờ lạy Thiên Chúa nhưng
vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần, ma quỉ, và có
khi lại còn tin vào bùa ngải nữa. Phúc Âm hôm nay mang
lại cho chúng ta một niềm tin tưởng rằng
những quyền lực của bóng tối không có gì
đáng sợ khi Chúa Giêsu đã hiện diện và hoạt
động trong đời sống và công việc làm
của chúng ta.
Con tàu trên đại
dương là một trong những biểu tượng
của Giáo Hội mà những người Kitô hữu tiên
khởi đã sử dụng để ám chỉ cuộc
hành trình đức tin trên trần gian. Giống như con
tàu nghiêng ngả trên sóng nước, Giáo Hội cũng
bị tấn công từ mọi phía bởi những
quyền lực trần gian như thánh Augustinô đã nói:
“Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và
trong niềm an ủi của Thiên Chúa”.
Ở giữa những khủng hoảng, Chúa Giêsu
đến mang lại sự bình an và hòa
khí êm dịu trong Giáo Hội. Thế nhưng, Ngài lại
đến dưới một hình thức và cách thế làm
nhiều người Kitô hữu sợ hãi và la lên: “Ma kìa!” Họ muốn Ngài tránh xa khỏi họ.
Nếu biết lắng nghe, trong bão tố chúng ta sẽ
nhận ra tiếng Ngài thì thầm trong gió: “Hãy an tâm. Thầy đây,
đừng sợ!” Nếu chúng ta tin tưởng vào
lời Ngài hứa, sự hiện diện của Ngài
sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng
được giải quyết.
|