Đi trên mặt biển.
Sự
kiện xảy ra qua đoạn Tin Mừng vừa nghe không
có chi là khó hiểu, thế nhưng đâu là mục đích
mà Chúa Giêsu định nhắm tới. Đi
trên mặt nước và làm cho sóng gió im lặng, mục
đích của Chúa Giêsu là muốn làm cho các tông đồ
vững tin và cậy trông ở Chúa. Thực
vậy, sau phép lạ bánh hóa nhiều Ngài truyền cho các ông
lên đường. Lúc bấy giờ
trời đã về chiều mà nước thì lại
ngược và gió đã nổi lên, các tông đồ cảm
thấy nặng nề và không mấy hứng khởi.
Vượt biển trong tình trạng đó
sẽ không thể nào tránh khỏi vất vả và mệt
nhọc. Đang lúc vật lộn với sóng gió, Chúa
Giêsu thân hành hiện đến để an
ủi và giúp đỡ. Trông thấy Chúa, lúc
đầu các ông tưởng là ma. Nhưng
Chúa đã lên tiếng để trấn an, rồi lại
truyền cho sóng gió yên lặng và con thuyền yên hàn cặp
bến.
Trước hết
đối với Phêrô, phép lạ này có tính cách quan trọng, ông
đã tỏ ra yêu mến và nhiệt thành đối với
Chúa, nhưng việc xin phép lạ vô cớ đã tỏ ra
ông là người hấp tấp thiếu suy xét, nhiệt
thành không phải lúc khi xin phép lạ được đi
trên mặt nước. Trong trường
hợp này cũng như trong nhiều trường hợp
khác, ông đã nói trước và làm trước các tông
đồ. Để đem lại cho ông một bài
học, Chúa đã để ông lảo đảo
đến sắp chìm và sau này Chúa còn để ông sa ngã…
song nhờ lòng tin mạnh mẽ, trong lúc nguy cơ ông đã
kêu cầu Chúa và Chúa đã giơ tay cho ông nắm lấy,
rồi đưa ông lên thuyền với Ngài. Như
thế, Chúa muốn bảo ông hãy tin tưởng vào Chúa và
chỉ nhờ một mình Ngài, ông mới được
đứng vững. Ông chỉ được cứu
thoát nếu biết nắm chặt vào bàn tay
Chúa.
Tiếp
đến là đối với Giáo Hội. Con thuyền của
các tông đồ là một hình ảnh tượng trưng
cho Giáo Hội, trong đó Phêrô là người đứng
đầu, vì Chúa đã thiết lập Giáo Hội trên
nền tảng Phêrô… Đúng thế, Giáo
Hội không khác gì một con thuyền của các tông
đồ, vượt biển giữa cảnh bão táp.
Có những khó khăn từ bên ngoài, khác nào
những trận cuồng phong thổi ngược,
đồng thời cũng có những khó khăn tự bên
trong khác nào những ngọn sóng ngầm không kém phần nguy
hiểm. Các tông đồ đã phải cực
nhọc chèo chống, mà đôi khi còn có cảm giác chìm
mất, đến nỗi phải thốt lên: “Lạy
Thầy, xin hãy cứu chúng con kẻo chúng con chết
mất”. Tuyệt vọng mà không mất niềm tin, trong lúc
không đợi chờ, thì Chúa Giêsu đã đến, Ngài
khiến sóng gió phải yên lặng và đưa con
thuyền tới bến bình an. Bao giờ Chúa cũng
bảo vệ Giáo Hội Ngài khỏi đắm chìm cho dù
cuồng phong và sóng gió có thổi mạnh.
Và sau cùng
là đối với mỗi người chúng ta. Mỗi
người chúng ta là một phần tử của Giáo
Hội, cũng thường gặp phải những khó
khăn, những giông tố từ bên trong cũng như bên
ngoài, làm cho chúng ta có cảm giác bị bỏ rơi và chìm
mất. Tuy nhiên, cũng như Giáo Hội, Chúa luôn nâng
đỡ và cứu giúp, miễn là chúng ta biết tin
tưởng chạy đến với Ngài. Bão táp sẽ
qua, cuồng phong sẽ dứt, trời quang mây tạnh
sẽ trở lại và chúng ta sẽ được
sống trong tình thương và sự an
bình của Chúa. Trong những ngày hạnh phúc, chúng ta đã
dễ dàng lãng quên Chúa và chỉ trong giờ phút đen
tối, chúng ta mới nhớ đến Ngài, đó là
dấu chỉ của một đức tin thiếu
trưởng thành, mang nặng tính chất vị kỷ và
cầu an. Chính vì thế mà hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ và
đặt lại vấn đề niềm tin của chúng
ta đối với Chúa hiện giờ như thế nào?
Đức tin chân chính sẽ giúp chúng ta nhận ra dấu
chỉ của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc
đời, trong sáng cũng như đen tối, vui
sướng cũng như đau khổ để rồi
chúng ta sẽ xử sự đúng với tinh thần Phúc
Âm. Bởi vì, trong giây phút này, chúng ta hãy thành tâm kêu lên: “Lạy
Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con…”
|