Con đường
của Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Sau khi làm phép lạ
hóa bánh ra nhiều, nuôi năm ngàn người ăn uống
no nê, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ xuống
thuyền đi qua bờ bên kia. Rồi Người một mình lên núi cầu
nguyện suốt đêm. Tại sao Chúa
có thái độ kỳ lạ như thế? Tại sao Chúa Giêsu bắt ép các môn đệ ra
đi? Tại sao giữa lúc dân chúng
đang phấn khởi tinh thần, giữa lúc uy tín
của Người dâng cao như núi, Người lại
bỏ đi? Trong Phúc Âm, thánh Marcô và thánh Matthêu không nói
rõ lý do. Nhưng Phúc Âm thánh Gioan thì nói rõ: “Chúa Giêsu bỏ đi vì Người biết dân chúng
muốn tôn Người lên làm vua” (Ga 6,14-15).
Thật là một quyết định khác
thường. Theo thói thường, ta sẽ khuyên Chúa
Giêsu lên ngôi làm vua rồi đi khắp nơi làm phép lạ
nuôi người ta ăn uống no nê, mọi người
sẽ theo Chúa và chịu phép rửa
tội, cả thế giới sẽ thuộc về Chúa,
khỏi mất công truyền giáo khổ cực.
Không, con đường của Chúa
thì khác với con đường của ta.
Con đường
của ta là con đường kiêu ngạo trong khi con
đường của Thiên Chúa là con đường khiêm
nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên, còn Thiên Chúa luôn tìm
cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa trong khi
Thiên Chúa lại muốn xuống làm người. Không chỉ làm một người bình
thường, nhưng còn mặc lấy thân phận nghèo
hèn, yếu ớt, thậm chí bị coi như một
người tội lỗi nữa. Khi
nâng mình lên, ta thường hạ người khác xuống.
Còn Thiên Chúa tự hạ mình xuống
để nâng con người lên làm con Thiên Chúa. Con
người và Thiên Chúa đều sử dụng bậc
thang, nhưng theo những mục đích
khác nhau. Con người sử dụng bậc thang
để leo lên cao. Ai
cũng muốn lên cao trong đời sống vật
chất. Ai cũng muốn leo cao
trong địa vị xã hội. Ai cũng muốn leo cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa lại sử dụng bậc thang
để đi xuống. Từ trời
Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Từ một người bình thường, Chúa
còn xuống làm một người nghèo hèn, một
người tội lỗi, một người thất
bại.
Con đường
ta chọn là con đường rộng rãi, dễ dãi. Còn con đường của Chúa là con
đường chật hẹp khó khăn. Ta luôn tìm sự
dễ dãi: làm sao cho đời sống đỡ vất
vả, làm sao cho có những tiện nghi phục vụ
đời sống, làm sao cho cuộc đời thành công tốt
đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường
chật hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường. Trong
nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn
cho khách hàng mọi sự tiện nghi thoải mái. Còn
Chúa Giêsu thì hứa với những kẻ muốn theo Người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá
mình mà theo Ta” (Mt 16, 24). Trong các trường đại
học người ta quảng cáo: ai học trường
này sẽ thành công, sẽ lên chức, sẽ lên lương.
Còn Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ: “Trong anh em, ai lớn nhất thì phải nên như
người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu
thì phải nên như người phục vụ” (Lc 22,26).
Chính Chúa Giêsu không
đi vào con đường rộng rãi thênh thang, nhưng
đã chọn con đường bé nhỏ, chật
hẹp. Người không chọn cứu chuộc con người
bằng những thành công lẫy lừng, những phép
lạ kinh thiên động địa. Nhưng Người
đã chọn cứu chuộc nhân loại bằng con
đường đau khổ, con đường thập
giá, con đường tử nạn. Chính vì thế, hôm nay,
vì sợ đám đông tôn Người lên làm vua, đi xa con
đường khiêm nhường bé nhỏ, Người
đã bỏ đám đông mà đi. Người sợ các
môn đệ bị nhiễm thói kheo khoang, phô trương,
quyền lực, nên thúc giục các ông xuống thuyền
sang bờ bên kia trước.
Đây không phải
lần đầu tiên Chúa gặp cơn cám dỗ loại
này. Trong sa mạc ma quỉ đã xui
giục Người bỏ con đường khiêm
nhường, đau khổ để đi vào con
đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa
phải là cơn cám dỗ cuối cùng. Cám dỗ sẽ còn
trở lại với lời khuyên của Phêrô khi ông
ngăn cản Thầy ra đi chịu chết (x. Mt 16,23). Cơn cám dỗ khốc liết tiếp
tục trong vườn Giệt-sê-ma-ni khiến
Người nao núng hầu như muốn tháo lui (x. Mt 26,
39). Cơn cám dỗ không buông tha cả khi Người
đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức
của mọi người: “Nếu
Ông là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá để
chúng tôi tin” (x. Mt 27, 42). Nhưng Người đã
chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma
quỉ, kiên quyết đi vào con đường thánh ý Chúa
Cha, con đường khiêm nhường, vâng lời, hi sinh
gian khổ.
Bản thân ta và
Hội Thánh, nếu muốn trung thành với Chúa, không
thể có chọn lựa nào khác ngoài con đường
của Chúa đã đi.
Quá khứ đã minh
chứng: Chính khi giàu sang, quyền thế, thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái
lại những khi gặp khó khăn, nghèo khổ, bắt
bớ, Hột Thánh lại phát triển mạnh mẽ, vì
đang đi vào con đường của Chúa.
Là môn đệ Chúa,
ta hãy mạnh dạn bước theo Chúa
vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, vào con
đường chật hẹp từ bỏ mình, vào con
đường thánh giá đau khổ. Tuy khó khăn, đau
đớn, nhưng đó mới là con đường dẫn
ta đến với Chúa, ơn cứu độ của ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1.
Chúa bỏ đi, Chúa thúc giục các môn
đệ bỏ đi vì sợ người ta tôn làm vua. Tôi
có lựa chọn nào khiến Chúa phải bỏ đi không?
2.
Tôi mong muốn Hội Thánh có khuôn
mặt nào: uy quyền giàu sang hay nghèo khó, khiêm nhường?
3.
Tôi có sẵn sàng đi vào con
đường của Chúa không?
|