Chúa Giêsu đi trên
mặt biển
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện)
Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 14,22-33)
là một trình thuật được viết theo thể
văn “thần hiện”, trong đó, các yếu tố
văn chương được sắp xếp
để làm nổi bật một cuộc tỏ hiện
lạ thường và bất ngờ của một hữu
thể thần linh, dành cho một số đối
tượng đặc biệt, nhằm mục tiêu mặc
khải một phẩm chất hay một hành động
thần linh.
Hôm ấy, sau khi dân chúng ăn no nê
bởi phép lạ hóa bánh ra nhiều (14,13-21),
“Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền
đi qua bờ bên kia trước, trong lúc Người
giải tán dân chúng” (c.22). Đức Giêsu thúc
giục, thậm chí là ép buộc, các đồ đệ
xuống thuyền. Người muốn các ông mau chóng
rời xa khung cảnh “huy hoàng” của một phép lạ
cả thể, và rời xa đám đông đang phấn
khích vì phép lạ đó. Chính Người
đảm nhận việc giải tán đám đông dân
chúng này.
“Giải tán xong, Người lên núi riêng
một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn
ở đó một mình” (c.23). Đây là lần
đầu tiên Mt nói về việc Đức Giêsu cầu
nguyện, cho dù, như Lc cho thấy, đây là một
việc làm rất thường xuyên của Người. Lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng
Mt kể về việc Đức Giêsu cầu nguyện
sẽ là trong câu chuyện ở vườn Ghếtsêmani
(26,36tt). Điều này kín đáo cho chúng ta hiểu
nội dung lời cầu nguyện của Đức Giêsu
tối nay trên núi, khi Người ở riêng một mình, còn
các môn đệ thì đang ở trong thuyền lênh đênh
trên biển. Quả thực, sự kiện Người
vội vã bắt buộc các môn đệ rời xa đám
đông sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, và sự song song
của cảnh tượng cầu nguyện này với
trình thuật Ghếtsêmani, cho phép chúng ta nghĩ rằng
lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở
đây có liên quan đến cám dỗ về lý tưởng
Mêsia hiển thắng mà các môn đệ của
Người (và Hội Thánh mọi thời) phải
đối diện. Nói cách khác, sự kiện Đức
Giêsu buộc các môn đệ xuống thuyền khi
Người giải tán đám đông, đề nghị
một cách hiểu Đức Giêsu cầu nguyện
suốt đêm cho các môn đệ, để họ không
bị sa vào chước cám dỗ về một
Đấng Mêsia quyền năng, hiển hách, “hoành tráng”.
Khi Đức Giêsu đang cầu
nguyện một mình trên núi, thì chiếc thuyền của
các môn đệ “đã ra xa bờ cả mấy cây số,
bị sóng đánh vì ngược gió” (c.24). Trong Mt, con thuyền là biểu
tượng của Hội Thánh (x. 8,23-27).
Các môn đệ đang ở trong con thuyền ấy, còn
con thuyền thì đang lênh đênh giữa biển.
Trong tư duy Thánh Kinh (x. Is 27,1; 51,9t; Đn 7;
G 7,12…), biển là nơi cư ngụ của các mãnh lực
tà thần. Khi con thuyền đã ra xa bờ “cả mấy
cây số” (dịch sát: nhiều stađiôs; mỗi stađiôs
= 185m), tức là con thuyền đang ở giữa vùng
cư ngụ và hoạt động của các mãnh lực
đó. Cộng đoàn các môn đệ, như
thế, đang ở trong tình trạng bị đe dọa
bởi các mãnh lực của bóng tối và quyền lực
tà thần.
Con thuyền của các môn đệ
đang bị sóng đánh vì ngược gió. Trước
đây, ở 8,24, tác giả Mt đã
từng dùng một lối nói đặc biệt hơn
nhiều để mô tả hoàn cảnh của cộng
đoàn Hội Thánh: con thuyền bị tra tấn (basanizô)
bởi các cơn sóng. Khi viết về tình trạng con
thuyền ở 8,24 cũng như ở 14,24, có lẽ tác
giả Mt liên tưởng đến những hoàn cảnh
đau khổ mà Hội Thánh phải trải qua khi thi hành sứ
mạng. Nhưng có sự khác biệt giữa
hai hoàn cảnh. Một bên là những cơn sóng “tra
tấn” con thuyền, như thể có “động
đất” (seismos) trên biển (x. 8,24), tức là những
khó khăn đến từ xã hội bên ngoài, từ
những hoàn cảnh biển đời nổi sóng “hành
hạ/tra tấn” con thuyền Hội Thánh. Còn bên kia, trong 14,24, là một nguyên nhân bên trong: trạng thái
tâm linh và tinh thần không đúng đắn của các môn
đệ. Đức Giêsu sai các môn đệ xuống
thuyền để “sang bờ bên kia” (c.22), là nơi mà các
ông đã từng đến với Người (x. 8,28), tức là trong một vùng dân ngoại.
Ngọn gió thổi ngược (c.24) ngăn cản các môn
đệ thi hành lệnh truyền của Đức Giêsu,
có lẽ chính là phản ứng của các ông khi phải
rời bỏ nơi chỗ vừa diễn ra một
biến cố hoành tráng cả thể, rời bỏ nơi
chỗ trong đó vừa bùng lên niềm hy vọng về
một sự chiến thắng hiển hách, tức là
niềm hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ trở
thành một thủ lãnh huy hoàng của đám đông dân chúng
đang phấn khích vì được ăn no nê sau một
phép lạ cả thể. Chính trạng thái tâm hồn không
muốn rời xa niềm hy vọng đó đã làm cho con
thuyền của các môn đệ tròng trành: con thuyền
bị ngược gió.
“Vào khoảng canh tư, Đức Giêsu
đi trên mặt biển mà đến với các môn
đệ” (c.25). Trong sách
Gióp, Thiên Chúa “đi trên mặt nước” (G 9,8: “Duy mình Người trải rộng các
tầng trời, đạp lên trên ba đào biển
cả”; x. 38,16). Bằng cách lướt đi trên mặt
biển, Đức Giêsu cho thấy Người là
Đấng được Thiên Chúa ban cho quyền lực
thần linh tuyệt đối.
Nhưng phản ứng của các môn
đệ lúc này là phản ứng của sự không tin vào
quyền năng và phẩm giá thần linh đó. Trong cái trạng thái tâm linh không thích
hợp như đã nói trên kia (“ngược gió”), khi
được nhìn thấy sự thể hiện phẩm
tính và quyền lực thần linh của Đức Giêsu
qua việc Người đi trên mặt biển mà
đến với họ, các môn đệ đã không có lòng
tin vào quyền năng và phẩm giá thần linh đó. “Thấy Người đi trên mặt biển, các
môn đệ hoảng hốt bảo nhau: ‘Ma đấy!’ và
sợ hãi la lên” (c.26). Họ không nhận ra nơi
Đức Giêsu vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. 1,23). Và vì thế, họ từ
khước chấp nhận mọi tính cách hiện
thực trong sự hiện diện của Người bên
cạnh họ. Họ nghĩ đó là ma! Họ từ chối thực tại Người
– Chúa nơi Ngài.
“Đức Giêsu liền bảo các ông:
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (c.27). Đối diện với phản ứng
tiêu cực và sợ hãi của các môn đệ, Đức
Giêsu tự giới thiệu mình. Mệnh đề
“cứ yên tâm” nhằm trấn an các môn
đệ khỏi nỗi sợ mà các ông đang trải qua
vì thiếu lòng tin. Ứng với lời kêu gọi đó là
một khẳng định quan trọng “chính Thầy
đây!”. Lời khẳng định này
trước hết nhằm mục tiêu điều
chỉnh: chính là Thầy đây chứ không phải là ma
như anh em lầm tưởng. Nhưng đồng
thời, lời khẳng định này lại trùng khít
với biểu thức mà Thiên Chúa đã dùng để
tự mặc khải về chính mình trong Cựu
Ước (x. Xh 3,14; Is 43, 1.3.10t).
“Ông Phêrô liền thưa với
Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin
truyền cho con đi trên mặt nước mà đến
với Ngài” (c.28). Ông Phêrô có vẻ tin vào
Đức Giêsu. Nhưng đó là lòng tin
vào quyền năng làm những sự lạ lùng của
Đức Giêsu chứ không phải là lòng tin vào tình yêu
của Người. Ông muốn
được “đi trên mặt nước” tức là
muốn được tham dự vào cái điều
kiện và thân phận thần linh của Đức Giêsu.
“Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” (c.29a). Chúa không từ chối ông Phêrô, trái lại,
còn mời ông thực hiện ước muốn của
ông. Vấn đề không phải là Người
sẵn sàng thỏa mãn tham vọng của ông Phêrô. Thực
ra, mọi kẻ đi theo Người đều
được mời gọi đón nhận và sống
trong tư cách và thân phận của người con Thiên Chúa
(x. 5,9). Vì thế,
Đức Giêsu không ngần ngại bảo ông Phêrô đi
trên mặt nước mà đến với Người.
Vậy “ông Phêrô từ thuyền bước
xuống, đi trên mặt nước, và đến
với Đức Giêsu” (c.29b).
“Nhưng thấy gió thổi thì ông
đâm sợ” (c.30a). Ông mong được hưởng một
điều kiện thần thiêng không có bất cứ
chướng ngại vật nào. Ông
vẫn mang tâm tính của một người mong phép
lạ. Ông vẫn ước mong một cuộc
“đến với Thầy” theo một
cách thức lạ thường, huy hoàng và không khó khăn.
Ông đã quên mất rằng người ta trở nên con
Thiên Chúa là giữa những chống đối, bách hại
và khó khăn mà thế gian gây ra, như chính Đức Giêsu
đã nói: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì
Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì
Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và
vu khống đủ điều xấu xa” (5,10-11).
“Khi bắt đầu chìm, ông Phêrô la lên:
“Thưa Ngài, xin cứu con với!” (c.30b). Nỗi sợ hãi
của ông Phêrô ở đây cũng giống như nỗi
sợ hãi của các môn đệ trước đây trong
câu chuyện con thuyền của các ông bị “tra tấn”
bởi các con sóng lớn trên biển (x. 8,23tt). Trong câu
chuyện đó, cũng như trong câu chuyện hôm nay, các
môn đệ hoặc ông Phêrô đều kêu cầu với
Đức Giêsu, xin Người can thiệp trong những
hoàn cảnh khó khăn. Thái độ và cách hành xử này,
xét theo một khía cạnh, là thái
độ đáng khen. Tuy nhiên, cũng không thể phủ
nhận rằng lời xin của ông Phêrô ở Mt 14,30 phảng phất thái độ và quan
niệm được diễn tả trong Tv 18,5-18 và Tv
144,5-7, theo đó, người cầu xin mong chờ một
sự can thiệp ngoại thường của Thiên Chúa
từ trời cao để giải quyết tình trạng
bi đát và tuyệt vọng của con người.
“Đức Giêsu liền đưa tay
nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin
vậy! Sao lại hoài nghi?” (c.31). Tất
nhiên Đức Giêsu sẵn sàng can thiệp trong những
hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, điều cốt yếu
không phải là những can thiệp ngoại thường,
mà là sự ở với của Người. Khi có
Người ở với, người ta có thể làm
được mọi sự (x.19,26) và
chắc chắn sẽ được cứu.
“Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió
lặng” (c.32). Sự
đối nghịch và thậm chí là phản kháng của các
môn đệ đối với lệnh truyền phải
rời xa tham vọng về một vương quốc
Mêsia huy hoàng chiến thắng, bây giờ chấm dứt:
“Gió lặng”. Cơn gió thổi ngược ấy vốn
là sự kiếm tìm sự vẻ vang phàm trần.
Bấy giờ, “những kẻ ở
trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật
Ngài là Con Thiên Chúa!” (c.33). “Những kẻ
ở trong thuyền” tức là cộng đoàn Kitô hữu
ở trong Hội Thánh. Cộng đoàn
ấy bây giờ tin thật Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và
tuyên xưng lòng tin ấy.
Lời tuyên xưng này được
đặt ở cuối trình thuật, tức là sau khi Đức
Giêsu đã lướt đi trên mặt biển đồng
thời tự mặc khải về mình bằng cách sử
dụng chính biểu thức mà Thiên Chúa tự nói về Người
trong Cựu Ước (“Ta là”), và sau khi Đức Giêsu
đã can thiệp để cứu ông Phêrô khỏi tình
trạng bị chìm xuống biển. Vì
thế tước hiệu “Con Thiên Chúa” được áp
dụng cho Chúa Giêsu ở đây vừa mang giá trị Kitô
học, vừa mang ý nghĩa cứu độ học.
Đồng một trật, Đức Giêsu
chứng tỏ Người có quyền lực thần linh
tuyệt đối (phương diện Kitô học) và
quyền lực ấy được thi thố để
cứu các môn đệ (phương diện cứu
độ học).
Đó chính là xác tín đức tin vĩ đại mà Hội Thánh muốn công
bố với chúng ta hôm nay, và đồng thời cũng là
xác tín đức tin làm nền tảng cho cuộc sống
của mỗi tín hữu và của tất cả Hội
Thánh trong hiện tại.
Gợi ý
suy niệm và chia sẻ
1.
Hơn
một lần Đức Giêsu mời gọi các môn
đệ rời xa lý tưởng Do Thái về một
vương quốc Mêsia đắc thắng kiểu
thế gian. Trong bài Tin mỪng hôm nay, Người bắt
các ông xuống thuyền sang bờ bên kia
trước, tránh xa cám dỗ tận dụng phép lạ hóa
bánh ra nhiều để mơ tưởng về một
phong trào Mêsia hoành tráng… Ngày nay, hình như Người
vẫn thường phải yêu cầu chúng ta xuống
thuyền ngay và sang bờ bên kia như vậy, thay vì mơ
tưởng về một Hội Thánh bách chiến bách
thắng bề ngoài với hàng loạt lễ hội không
có thực chất Tin Mừng.
2.
Sẽ
có gió ngược làm cho con thuyền Hội Thánh tròng trành,
và gió ngược đó trước hết là ngược
với hướng mà Chúa Giêsu yêu cầu các mộ
đệ nhắm tới. Chính những mơ tưởng
về một Hội Thánh đắc thắng ngược
với lý tưởng của Đức Giêsu sẽ là
một trong những ngọn gió ngược đó. Rồi
biết bao toan tính, biết bao chương trình, biết bao
tham vọng ngược với bản chất và sứ
mạng đích thật của Hội Thánh…
3.
Lướt
đi trên mặt biển mà đến với các môn
đệ trong đêm, sử dụng chính biểu thức
“Ta là” của mặc khải Cựu Ước về Thiên
Chúa để tự trình bày về chính mình, Đức Giêsu
cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa và nắm trong tay quyền
lực thần linh tuyệt đối. Và Ngài đến
với con thuyền Hội Thánh trong tư cách Con Thiên Chúa có
quyền linh tuyệt đối đó. Đó không chỉ là
chuyện xưa, mà còn là chuyện của ngày hôm nay nữa.
Chúng ta có tin thế không? Chúng ta có cảm nghiệm về
thực tại đó không?
4.
Chấp
nhận cho ông Phêrô tham gia vào thân phận Con Thiên Chúa (= đi
trên mặt nước) của mình, cứu ông khi ông chìm
xuống biển vì thiếu lòng tin, cùng ông lên thuyền và
khiến gió ngược phải yên lặng, Đức
Giêsu cho thấy chính Người, trong tư cách là Con Thiên
Chúa có quyền lực thần linh tuyệt đối, là
Đấng cứu độ nhân loại. Chúng ta trải
nghiệm quyền năng cứu độ đó như
thế nào?
|