An toàn trên biển cả.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Lịch sử hàng hải chắc không bao
giờ quên thảm họa đắm tàu Titanic xảy ra
hồi 2 giờ 20 phút sáng ngày 15 tháng 4 năm 1912. đó là con tàu lớn nhất và sang trọng nhất
thời đó. Nó được thiết kế để
không thể bị đắm, thế mà đã bị
đắm ngay trong chuyến vượt biển
đầu tiên từ Anh sang Mỹ Châu!
Tàu Titanic với bụng tàu chia đôi thành 16
gian bít kín để nước không vào được. Theo
đúng kỹ thuật thì cho dù 4 trong 16 gian bít kín ấy
bị ngập nước, tàu vẫn nổi, nên kể
như không thể bị đắm. Nhưng bất
ngờ, tàu Titanic đang chạy thì bị đụng vào
một núi băng trôi cách bãi ngầm của phần
đất Tân Phần Lan (New Foundland)
150km, nay thuộc Canađa. Vì đụng mạnh, bên phải tàu bị
toạc ra một vết dài 91 mét khiến 3 gian bít kín ở
bụng tàu bị nước tràn vào. Kết quả là
chiếc tàu với khối lượng khổng lồ là
46.000 tấn bị chìm từ từ xuống biển, mang theo số phận của 1.513 người
trên tàu bị chết đuối.
Năm 1913 Hội Nghị quốc tế
đầu tiên về an toàn cho sinh
mạng trên biển cả được triệu tập
tại Luân Đôn. Hội nghị này đã
soạn một số qui định đòi mọi tàu
đi biển phải có đầy đủ phương
tiện cứu đắm cho mọi người trên tàu.
Thưa anh chị em,
Tin Mừng Chúa
Nhật hôm nay cũng bàn về an toàn cho
sự sống con người trên biển cả.
Đối với các môn đệ của Chúa Giêsu cũng
như đối với dân Do Thái nói chung,
biển cả tượng trưng cho sức mạnh
của sự dữ. Sức mạnh ấy chính Thiên Chúa
đặt dưới quyền năng vô song của Ngài (Tv
88,9-11). Và quyền năng
vô song này cũng được tỏ hiện nơi
Đức Giêsu, khi Ngài dẹp yên biển động hay khi
Ngài đi trên biển sóng gió đến với các môn
đệ đang hoảng sợ.
Riêng với biến
cố Đức Giêsu đi trên mặt biển,
điều được nhấn mạnh là: muốn
được an toàn, các môn đệ
phải hoàn toàn tin tưởng vào Thầy Giêsu. Nhưng trong Nhóm 12, người được chú
ý hơn cả là Phêrô. Phêrô không những phải
đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thầy Giêsu mà còn
phải duy trì niềm tin đó, không nao núng, không nghi
ngờ. Thiếu niềm tin mạnh mẽ hơn sóng gió
để đối phó với thử thách, thì cả
đến Phêrô là người sốt sắng nhiệt thành
đối với Thầy hơn mọi người trong
Nhóm, cũng không thể đứng vững
được, mà phải bị đắm chìm. Trái lại, bao lâu Phêrô vững vàng trong niềm tin,
ông được tham dự vào quyền năng siêu
việt của Thầy Giêsu.
Qua biến cố
này, chúng ta thấy điểm chủ yếu là lòng tin. Lòng
tin từ tình trạng yếu đuối tiến
đến việc tuyên xưng mạnh mẽ, nhờ
cảm nghiệm được sự hiện diện
đầy quyền năng của Chúa Giêsu trong chính hoàn
cảnh thách đố lòng tin của các môn đệ.
Điều này gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ về lòng
tin của chúng ta và sự dấn thân với lòng tin trong
những hoàn cảnh sống khó khăn, thử thách. Lòng tin
của chúng ta là gì, nếu không phải là tin vào Thiên Chúa toàn
năng và ơn cứu độ của Ngài. Đức tin
còn phải được những khó khăn, thử thách
rèn luyện mới lớn mạnh trưởng thành.
Đức tin nằm yên một chỗ, không phải
đương đầu, đối chọi với sóng
gió của cuộc đời, đức tin ấy sẽ
luôn yếu mềm, ấu trĩ. Tin là
phải như Phêrô, nhảy vào khoảng trống, phải
bước ngay xuống nước để đến
với Chúa. Con người không thể đi trên
nước, và niềm tin cũng không tiêu diệt
được sóng gió. Nhưng có Chúa
đứng đó, cũng trên mặt nước và sóng gió,
nên ông không ngần ngại nhảy ngay xuống nước
để đến với Ngài. Tin là một sự
liều lĩnh, nhưng không phải là sự liều
lĩnh tuyệt vọng: nhảy xuống nước
để tự tử! Trái lại, tin là một liều
lĩnh tràn đầy hy vọng, vì nắm chắc sẽ
gặp được Chúa đang đứng ở bên kia bờ tuyệt vọng: Ngài là Đấng
Cứu Độ, là sự sống.
Nếu giữa gian
nguy, thử thách, chúng ta sợ hãi thì càng nguy hiểm hơn,
vì chính nỗi sợ hãi sẽ nhấn chìm chúng ta, khiến
chúng ta buông xuôi, thất vọng. Khi
Phêrô chỉ nghĩ đến Chúa, chỉ dựa vào
sức mạnh của Chúa, thì ông mạnh, ông nổi lên
mặt nước. Nhưng khi ông nghi ngờ, chỉ
nghĩ đến mình, chỉ co rút vào bản thân, thì ông
bị chìm xuống. Khi ông hướng về Chúa, kêu
cứu: “Lạy Chúa, xin cứu con!”Chúa Giêsu liền nắm
lấy tay ông. Chúng ta
yếu đuối, bất lực trước những
hoàn cảnh khó khăn, thử thách, nhưng nếu chúng ta
nghĩ đến Chúa, dựa vào sức mạnh toàn
năng của Ngài và kêu cầu Ngài, thì Ngài sẽ kéo chúng ta
lên. Cuộc sống chúng ta giống
như đi trên mặt nước nổi giông bão. Chúng ta hãy kêu đến Chúa Giêsu. Trước
những cơn sóng gió dù khủng khiếp đến
mấy cũng đừng quên hướng về
Người có thể cứu chúng ta được, đó
là chính Chúa Kitô.
Để tiến
đến một lòng tin đích thực, chúng ta phải
sống sự hiện diện của một Thiên Chúa
vắng mặt. Thiên Chúa vẫn luôn hiện
diện mà chúng ta không thấy. Người Kitô hữu
sống trong lòng Giáo Hội lắm khi bị chao đảo
ghê gớm vì “con thuyền Giáo Hội”có lúc như sắp
bị chìm và biến mất. Còn thân phận người
Kitô hữu thì bị giằng co, giữa nỗi sợ hãi
và niềm tin, giữa bất ổn và bình an. Trong những
lúc ấy, người Kitô hữu phải sống kinh
nghiệm của một Thiên Chúa vắng mặt. Vì
hoảng hốt và sợ hãi, các môn đệ khó có thể
tưởng tượng hay tin rằng Chúa vẫn hiện
diện, nên khi Chúa đến, các ông đã không nhận ra
Ngài mà còn tưởng là bóng ma.
Trong thực tế,
đức tin của chúng ta không thể chỉ gói trọn
nơi những lời tuyên xưng, những tham dự
lễ nghi phụng tự, những lãnh nhận bí tích, nhưng
đức tin đó phải đi vào cuộc sống
thực của chúng ta với mọi hình thức sinh
hoạt của xã hội loài người. Tin Chúa là phải
dấn thân vào thực tại, sống chung
đụng với mọi người, chấp nhận
đi vào những cực nhọc, vất vả, khó
khăn, nguy hiểm… để cùng với Chúa hoạt
động biến đổi bộ mặt thế
giới. Đó chính là sứ mạng của
mỗi Kitô hữu đối với thế giới ngày nay
mà Công đồng Vaticanô II đã khẳng định.
Hãy luôn tin rằng
Chúa luôn hiện diện và liên đới với chúng ta trong
mọi nỗi gian truân, để từ bên trong, Ngài giúp
chúng ta vượt qua mọi sóng gió bão táp của cuộc
hành trình về quê hương vĩnh hằng, mà không
phải đắm chìm như các nạn nhân của con tàu
Titanic năm xưa, nhưng được bảo
đảm an toàn trên biển cả như con thuyền
của các Tông đồ, vì trong đó có Chúa Giêsu đang
hiện diện.
|